Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Kỷ nguyên đồng USD sắp chấm dứt?

Kỷ nguyên đồng USD sắp chấm dứt?

Chủ nhật, 08/05/2011 14:57
Tương lai của đồng USD sẽ phụ thuộc và sự hồi phục của kinh tế Mỹ cũng như cách Chính phủ nước này giải quyết các khó khăn tài chính. USD có thể lặp lại lịch sử của đồng Bảng Anh hay sẽ vững vàng ở vị trí đồng tiền hàng đầu thế giới? Câu trả lời phụ thuộc vào con đường mà Chính phủ Mỹ lựa chọn.

(DVT.vn) - Những khó khăn tài chính chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ đang khiến thế giới lo sợ đồng USD tụt khỏi vị trí hàng đầu.

Những mối đe dọa tới vị thế của đồng bạc xanh.

Chính phủ Mỹ đang vấp phải những khó khăn nghiêm trọng, đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới trở lại đúng hướng của cuộc Đại suy thoái. Mỹ đang trong tình trạng thâm hụt ngân sách lớn, các khu vực tài chính sắp lâm vào khủng hoảng, và FED vẫn giữ lãi suất cực thấp.

Một trong những rủi ro lớn nhất có thể khiến nền kinh tế Mỹ lao đao là giá trị của đồng USD có khả năng sụt giảm một cách đột ngột và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Trong những tháng gần đây, giá đồng USD đang giảm dần do kết quả của thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách lớn. Giá USD đã giảm 36% so với loại tiền tệ mạnh khác trong thập kỉ trước và tiếp tục giảm sâu hơn nữa trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến các nh;à đầu tư sợ hãi khi đầu tư vào đồng USD.

Các xu hướng giảm giá của USD có thể sẽ tiếp tục bởi nhiều nền kinh tế khác đang phát triển mạnh mẽ đe dọa vị trí nền kinh tế hàng đầu của Mỹ.

Trong thời điểm hiện tại, giá USD và trái phiếu kho bạc Mỹ đang được giao dịch ở mức giá phản ánh niềm tin nhà đầu tư trong tương lai của đồng bạc xanh.

Đồng USD vẫn là đồng tiền ưa thích cho một loạt các giao dịch, thậm chí có rất nhiều giao dịch bên ngoài nước Mỹ và không liên quan tới các doanh nghiệp hay cá nhân Mỹ. Các quốc gia đã sử dụng USD như một đồng tiền dự trữ chính, các nhà đầu tư đổ rất nhiều tiền vào trái phiếu kho bạc Mỹ.

Nhưng những hoạt động đầu tư đó có thể sẽ không kéo dài. Có rất nhiều loại tiền tệ mạnh khác đang trở thành đối thủ cạnh tranh của đồng bạc xanh. Đồng Euro là một ví dụ. Euro được sử dụng tại 17 nền kinh tế châu Âu. Bất chấp cuộc khủng hoảng nợ kéo dài tại khu vực này, đồng Euro vẫn tăng 15% so với đồng USD kể từ giữa tháng 1, một phần vì Ngân hàng Trung ương châu Âu đã sẵn sàng tăng lãi suất trong khi FED vẫn chưa đưa ra tín hiệu nào chứng tỏ Mỹ sẽ nâng lãi suất cao hơn.

Một đối thủ nặng kí nữa của đồng USD chính là Nhân dân tệ của Trung Quốc. Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động để phổ biến giao dịch đồng Nhân dân tệ và cho phép giá trị của nó thay đổi linh hoạt hơn, phản ánh đúng với biến động của thị trường. Đồng Yên của Nhật Bản với tình trạng hiện nay có thể không đáng lo ngại nhiều, bởi nợ công của Nhật Bản đang rất cao, cao hơn cả Mỹ nếu tính đến tỷ lệ trên GDP.

Lịch sử liệu có lặp lại?

Lịch sử cho chúng ta nhiều ví dụ về các quốc gia mà thâm hụt ngân sách lớn cuối cùng đã dẫn đến mất niềm tin từ các nhà đầu tư, khiến đồng tiền mất giá mạnh. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á khiến các quốc gia như Thái Lan, Singapore và Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn vào cuối năm 1990.

Nếu nhà đầu tư toàn cầu mất niềm tin vào giá trị của đồng USD, họ sẽ yêu cầu lãi suất cao hơn đối với các khoản vay của Chính phủ Mỹ. Điều đó có thể khiến Chính phủ tốn kém thêm rất nhiều để tiếp tục tài trợ cho các khoản nợ, làm gia tăng khủng hoảng vốn đã rất nghiêm trọng tại Mỹ.

Hãy nhìn vào quá khứ huy hoàng của đồng Bảng Anh. Chỉ một thế kỷ trước, Bảng Anh là đồng tiền thống trị trong thương mại toàn cầu và London trở thành thủ đô tài chính của thế giới. Tuy nhiên, chỉ trong hơn một thập kỷ, từ năm 1914-1924, đồng USD đã thay thế đồng Bảng Anh khi nước Anh phải đối mặt với những khoản nợ khổng lồ sau Thế chiến thứ nhất.

Tương lai của đồng USD sẽ phụ thuộc và sự hồi phục của kinh tế Mỹ cũng như cách Chính phủ nước này giải quyết các khó khăn tài chính. USD có thể lặp lại lịch sử của đồng Bảng Anh hay sẽ vững vàng ở vị trí đồng tiền hàng đầu thế giới? Câu trả lời phụ thuộc vào con đường mà Chính phủ Mỹ lựa chọn.
Tuyết Mai
Theo WashingtonPost

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét