Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Tiền đồng đang ở đâu?

Đầu tư tràn lan, kém hiệu quả làm cơn khát tiền không bao giờ ngừng lại. Để ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát dài hạn, phải chấp nhận nhiều tổn thất và không có con đường nào khác ngoài việc phải xiết chặt tài chính tiền tệ, mạnh dạn xóa bỏ hàng loạt công trình đầu tư tràn lan và doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, đồng thời tăng mạnh tiền hỗ trợ cho khu vực dân nghèo và tạo công ăn việc làm ở khu vực tư nhân. Còn nếu cứ làm theo các khuyến nghị kiểu như trong bài dưới đây thì sẽ không bào giờ chống được lạm phát. 

Tiền đồng đang ở đâu?

(TBKTSG) - Tăng trưởng tín dụng đã chậm lại. Lãi suất huy động tiền đồng thực sự đang rất cao, nhưng các ngân hàng vẫn đang thiếu tiền đồng. Vậy tiền đồng đang ở đâu và “cơn khát” đồng nội tệ của ngân hàng bao giờ kết thúc?


Tín dụng khựng lại

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đến ngày 27-4-2011 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 5,63% so với cuối năm ngoái. Con số tăng trưởng tín dụng ba tháng đầu năm được cơ quan quản lý ngành ngân hàng đưa ra trước đó là 4,81%. Tính ra tháng 4 tăng trưởng tín dụng chỉ có 0,82% và là tháng đầu tiên kể từ cuối quí 3-2010 tín dụng hãm đà tăng. Điều này có thể hiểu được do lãi suất cho vay từ tháng 4 đến nay tăng vọt, có ngân hàng cho vay tới 26%/năm.

Không doanh nghiệp làm ăn chân chính nào có thể chịu được lãi suất như thế! Phát biểu trong một cuộc họp với giới chức ngân hàng tại TPHCM mới đây, đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) khẳng định: “Chỉ có những đơn vị đánh quả chớp nhoáng mới dám chạm đến lãi suất vay hiện nay. Ngay cả những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận biên 20% cũng không thể “thở” được với lãi suất”.

Ở TPHCM, theo chi nhánh NHNN thành phố, tín dụng tháng 4-2011 chỉ tăng 2.200 tỉ đồng - chưa bằng mức cho vay ra của một tổ chức tín dụng có trụ sở ở Hà Nội. Ngoài lãi suất cao, các ngân hàng TPHCM còn ráo riết siết cho vay phi sản xuất, nhất là chứng khoán, bất động sản để kịp thực hiện quy định của loại hình tín dụng này vào cuối tháng 6. Dư nợ cho vay chứng khoán chỉ còn 7.000 tỉ đồng. Nhiều ngân hàng còn hạn mức cho vay cầm cố cổ phiếu hàng trăm tỉ đồng, nhưng không tìm được đầu ra. “Thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn “sống dở chết dở”, có mời nhà đầu tư cũng không vay” - phó tổng giám đốc một ngân hàng nói.

Ngân hàng vẫn “khát” tiền đồng

Cũng số liệu của chi nhánh NHNN TPHCM: vốn huy động đồng Việt Nam trên địa bàn thành phố bốn tháng đầu năm đạt 572.148 tỉ đồng, giảm 7% so với cuối năm 2010. Huy động tiền đồng đã giảm một cách dứt khoát trong ba tháng đầu năm và hai tuần đầu tháng 4-2011 hầu như không tăng. Nguyên nhân là người dân đã chọn gửi tiết kiệm vàng, ngoại tệ để bảo toàn vốn trước “cơn bão” lạm phát. Chỉ từ giữa tháng 4 khi những giải pháp điều hành ngoại hối của NHNN phát huy tác dụng, tỷ giá ổn định, sự dịch chuyển tiết kiệm từ ngoại tệ sang tiền đồng mới bắt đầu. Tuy nhiên, hai tuần, thực tế chỉ có tuần cuối tháng 4, chưa đủ để tiền đồng chảy vào ngân hàng, phục hồi dòng vốn huy động.

Có thể thấy rõ tiết kiệm tiền đồng đã yếu thế hơn tiết kiệm ngoại tệ đến mức nào khi nhìn vào bảng cân đối tài sản của Vietcombank và Vietinbank. Số dư tiền gửi không kỳ hạn đồng Việt Nam của khách hàng đến ngày 31-3-2011 tại Vietinbank là 27.551 tỉ đồng so với 33.910 tỉ đồng vào ngày 31-12-2010; có kỳ hạn tương ứng là 129.877 và 137.167 tỉ đồng. Tính chung vốn huy động tiền đồng của Vietinbank vào cuối quí 1 đã giảm tới 8%, tức hơn 13.600 tỉ đồng (nguồn: CTG báo cáo tài chính riêng lẻ quí 1-2011, trang 22-23).

Ở Vietcombank số dư tiền gửi của khách hàng vào cuối tháng 12 năm ngoái và cuối tháng 3 năm nay không thay đổi, nhưng kết thúc quí 1 tiền gửi bằng đồng nội tệ giảm khoảng 8.500 tỉ đồng và tiền gửi bằng vàng, ngoại tệ (quy đổi ra đồng) lại tăng 8.500 tỉ đồng (nguồn: VCB báo cáo tài chính riêng lẻ quí 1-2011, trang 24).

Đa số các tổ chức tín dụng khác cũng ở tình trạng thiếu hụt tiền đồng đầu vào như hai đại gia nói trên. Không những thế, “cơn khát” tiền đồng dồn ứ, tích tụ lại. Nó là lý do chính giải thích cho cuộc đua nâng lãi suất huy động tiền đồng.

Dám chịu trách nhiệm?

Sự khó khăn về tiền đồng của các ngân hàng càng trầm trọng hơn khi NHNN cắt dần nguồn cung bằng cách gia tăng các loại lãi suất thị trường mở, tái cấp vốn, tái chiết khấu. Chủ động nâng các lãi suất chủ chốt và hầu như “ngó lơ” việc một số ngân hàng lách trần lãi suất tiền gửi, NHNN kỳ vọng tiền đồng sẽ chảy vào két tổ chức tín dụng.

Động thái điều hành và đích nhắm đến của NHNN cần thời gian, nhất là với sự chuyển dịch một khối lượng vàng, ngoại tệ lớn sang tiền đồng. Chỉ riêng tại Vietcombank, tổng tiền gửi bằng vàng và ngoại tệ của khách hàng đến cuối quí 1 lên tới 72.771 tỉ đồng. Muốn đẩy nhanh sự chuyển dịch, NHNN phải “bơm” tiền đồng ra, đằng này NHNN lại “keo kiệt” muốn cả tiền đồng và ngoại tệ. Tiền đồng vì thế, vẫn tiếp tục ở ngoài cửa ngân hàng, trong lưu thông nhiều và vẫn là một trong những nguồn cơn gây nên lạm phát.

Làm thế nào vừa mua được ngoại tệ, vừa cải thiện thanh khoản của các ngân hàng, vừa hút được tiền đồng về để kiểm soát lạm phát? Sự thận trọng trong chính sách tiền tệ không bao giờ thừa, nhưng tình huống hiện nay đòi hỏi ở cơ quan quản lý một sự dũng cảm, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm. Trước hết trần lãi suất huy động phải được nâng lên, tạo đà cho việc “bơm” tiền ra mua ngoại tệ.

Kế tiếp theo dõi sát sao khối lượng và tốc độ tiền đồng vào ngân hàng, có hành động kịp thời nâng dự trữ bắt buộc để hút tiền trở lại kho NHNN. Trong quá trình đó, sự linh hoạt của tỷ giá nên được cân nhắc nhằm kích thích người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng. Các ngân hàng cho biết những ngày tỷ giá niêm yết ở mức 20.800-20.900 đồng/đô la Mỹ, người dân bán ngoại tệ nhiều hơn hẳn. Ở đây cần phải nhấn mạnh từ mức cao nhất 20.940 đồng xuống thấp nhất 20.489 đồng/đô la Mỹ mua vào (tiền mặt) của ngân hàng trong tháng 4 vừa qua, tiền đồng có lúc đã lên giá 2,16% so với đô la Mỹ.

Tỷ lệ này đã và đang khiến không ít người sở hữu ngoạitệ lưỡng lự. Phó thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, trong một bài viết về chính sách tiền tệ đăng tải trên website NHNN tháng 2-2011, khẳng định chống lạm phát là mục tiêu hàng đầu của cơ quan quản lý ngành ngân hàng năm nay. Mục tiêu đó phù hợp với tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ. Nhưng chống lạm phát bằng một mặt bằng lãi suất cao chót vót, làm tổn thương doanh nghiệp; bằng dự trữ ngoại hối quốc gia mỏng trong khi cơ hội mua vào đô la Mỹ đang có, mà lại tận dụng chậm chạp, thì liệu có nên?

Phối hợp nhịp nhàng, quyết định đúng lúc, đúng liều lượng cho những giải pháp tiền đồng - ngoại tệ đòi hỏi sự động não hơn là tung ra một giải pháp đơn độc, dễ điều hành là giữ lãi suất cao hoặc chỉ hút tiền về, còn tỷ giá phó mặc hai đầu biên độ trần - sàn. Thế mới có chuyện Sở giao dịch NHNN cả tháng trời niêm yết giá đô la Mỹ bán trần, mua sàn, mặc các ngân hàng xoay xở điều chỉnh giá chục lần/ngày và không biết mua của dân rồi bán cho ai!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét