Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

Chặt đứt cái dây chuyền vô luân

Mình thích đoạn này: Bình đẳng trước hết là bình đẳng về cơ hội, đó là một nguyên lý đã được tổng kết từ lâu trong công cuộc đấu tranh vì một xã hội công bằng. Nhưng bằng việc mua bán điểm, gian lận thi cử hòng nhét con cháu vào những chỗ “ngon ăn” sau này, những quan chức nhà nước và cán bộ giáo dục mất chất tiếp tay cho họ đã bất chấp cái nguyên lý ấy. Họ chỉ muốn duy trì cái dây chuyền bất công, vô luân tái sản xuất ra chính nó. Phải chặt đứt cái dây chuyền ấy nếu muốn thực sự xây dựng một xã hội công bằng và văn minh.
Chặt đứt cái dây chuyền vô luân
Đoàn Khắc Xuyên 30/5/2019 (TBKTSG) - Phải gọi đó là sự vô liêm sỉ. Thậm chí có thể gọi là sự vô luân. Có thể nói như vậy về việc một số quan chức tỉnh Sơn La (và có lẽ không chỉ ở tỉnh này) thay vì nghĩ đến những con người thiệt thòi, yếu thế trong xã hội, đã bỏ ra trung bình cả tỉ đồng (mỗi trường hợp) để hối lộ một số cán bộ công chức ngành giáo dục và công an tỉnh này nhằm sửa, nâng điểm cho con cháu mình trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 vừa qua, giúp chúng vào được các trường đại học theo ý muốn.

Nguồn: Tuổi Trẻ
Vô liêm sỉ, vô luân không chỉ ở phía những quan chức và một số kẻ giàu có bỏ tiền mua điểm cho con cháu mà cả phía những cán bộ giáo dục đã cam tâm ăn tiền để làm cái việc mà lương tâm con người và lương tâm chức nghiệp, lương tâm nhà giáo của họ - nếu họ còn có lương tâm - chắc chắn không cho phép. Và đó không phải là vài ba trường hợp lẻ tẻ, hiếm hoi mà có đến 44 trường hợp chỉ riêng ở Sơn La và tính chung ở cả ba tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang thì có đến 220 trường hợp được sửa điểm, nâng điểm thi bị phát hiện.

Nguồn: Tuổi Trẻ

Ở Sơn La, kết quả điều tra của cơ quan điều tra của công an tỉnh cho thấy, ngoài ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), nhận nâng điểm cho 13 thí sinh, trong đó (theo lời khai) có 8 trường hợp do chính ông Giám đốc sở Hoàng Tiến Đức gửi gắm; bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh, thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm nhận giúp 16 thí sinh; Phó hiệu trưởng trường Trung học phổ thông (THPT) Tô Hiệu, thành phố Sơn La, Đặng Hữu Thủy nhận giúp 4 thí sinh; Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Lò Văn Huynh nhận giúp 7 thí sinh; Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Nguyễn Thanh Nhàn nhận giúp 4 thí sinh; nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La, Đỗ Khắc Hưng nhận giúp 1 thí sinh; nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La, Đinh Hải Sơn nhận giúp 2 thí sinh, trong đó có 1 thí sinh là em vợ.

Cái dây chuyền vô luân cứ thế tái sản xuất ra chính nó, nếu phương thức thi cử, cơ chế tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm không thay đổi.

Và cái “giá” để nâng điểm ba môn đạt đến mức tổng điểm yêu cầu trong tổ hợp xét tuyển đại học cho các thí sinh gian lận, có bị can khai trung bình là 1 tỉ đồng mỗi trường hợp.

Bỏ 1 tỉ đồng để mua cái bằng tốt nghiệp THPT với số điểm cao hòng vào những trường đại học mong muốn, tất nhiên đó không thể là những gia đình dân thường vất vả mưu sinh, buôn chổi đót và làm lụng đến thối móng tay thực sự; cũng không thể là những gia đình đồng bào dân tộc thiểu số chỉ mong có được bữa “cơm có thịt” cho con đi học. Cả 8 thí sinh mà bị can Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, khai được “cấp trên” nhờ “xem điểm” và nâng điểm, theo thông tin báo chí, đều có “gia thế khủng”:

Có thí sinh được nâng điểm toán, ngữ văn, tiếng Anh để đạt tổng 27 điểm có bố là Chánh Thanh tra tỉnh Sơn La, mẹ là chuyên viên Phòng GD-ĐT.

Có thí sinh được nâng điểm toán, ngữ văn, tiếng Anh để đạt tổng 24 điểm có bố là Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Sơn La, mẹ là giáo viên trường THPT Tô Hiệu, thành phố Sơn La.

Có thí sinh được nâng để đạt tổng 27 điểm có bố là Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Sơn La, mẹ là Phó chánh Văn phòng Tỉnh ủy Sơn La.

Có thí sinh được nâng điểm để đạt tổng 24 điểm có bố là Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Sơn La.

Có thí sinh được nâng điểm để đạt tổng 24 điểm có bố là Phó chủ tịch UBND thành phố Sơn La, mẹ là giáo viên trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn.

Có thí sinh được nâng điểm để đạt tổng 27 điểm có bố là Hạt phó Hạt Kiểm lâm Mai Sơn, Sơn La, mẹ là cán bộ Chi cục Thuế Mai Sơn.

Có thí sinh được nâng điểm để đạt tổng 27 điểm có bố là Trưởng phòng GD-ĐT Trung học, Sở GD-ĐT Sơn La...

Với chức vụ của những người mua điểm như kể trên, có thể nghĩ rằng bạc tỉ mà họ bỏ ra để mua điểm cho con cháu là những đồng tiền có được một cách hết sức dễ dàng và đương nhiên nhiều gấp nhiều lần hơn 1 tỉ đã bỏ ra, hay như dân gian thường nói là tiền “đông như quân Nguyên”, nhờ vào vị trí mà họ nắm được trong bộ máy nhà nước. Có thể hiểu 1 tỉ đồng đó chỉ là khoản tiền họ “đầu tư ban đầu” cho con cháu hòng sau này chúng cũng sẽ nối gót họ trở thành “hồng phúc của dân tộc”, nắm những vị trí hái ra tiền như thế hoặc thậm chí hơn thế, trong bộ máy nhà nước. Cái dây chuyền vô luân cứ thế tái sản xuất ra chính nó, nếu phương thức thi cử, cơ chế tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm không thay đổi.

Như đã nói, đó là sự vô liêm sỉ. Trên cương vị của họ - quan chức nhà nước, cán bộ giáo dục, cán bộ khảo thí - họ đã không đếm xỉa gì đến lợi ích của người dân, của quốc gia, không biết dừng lại trước một việc làm không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là vô lương tâm, vô đạo đức, và khi đã thực hiện việc làm sai trái đó họ đã không biết xấu hổ mà còn đôi chối, biện bạch (kiểu như “con tôi học giỏi”, hoặc “bị gài bẫy, không biết con cháu được ai đó nâng điểm”). Vô liêm sỉ là ở chỗ đó. Còn vô luân, nghĩa là ngược với luân thường đạo lý, ở chỗ việc họ bỏ tiền mua điểm cho con cháu đã trực tiếp gây ra bất công, cướp trắng cơ hội của người khác, chẳng khác nào ngồi xổm lên sự công bằng xã hội, một trong những giá trị được đề cao hàng đầu của thể chế này với câu khẩu hiệu “xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Bằng việc làm của mình, họ đã vứt bỏ chiếc mặt nạ đạo đức và hàng lô hàng lốc danh hiệu mà họ vẫn đeo trước mặt công chúng, họ cười nhạo chính cái thể chế mà trên danh nghĩa họ là người phục vụ.

Bình đẳng trước hết là bình đẳng về cơ hội, đó là một nguyên lý đã được tổng kết từ lâu trong công cuộc đấu tranh vì một xã hội công bằng. Nhưng bằng việc mua bán điểm, gian lận thi cử hòng nhét con cháu vào những chỗ “ngon ăn” sau này, những quan chức nhà nước và cán bộ giáo dục mất chất tiếp tay cho họ đã bất chấp cái nguyên lý ấy. Họ chỉ muốn duy trì cái dây chuyền bất công, vô luân tái sản xuất ra chính nó.

Phải chặt đứt cái dây chuyền ấy nếu muốn thực sự xây dựng một xã hội công bằng và văn minh.

https://www.thesaigontimes.vn/289406/chat-dut-cai-day-chuyen-vo-luan.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét