Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Điều tra vụ 'công an đánh phóng viên'

Điều tra vụ 'công an đánh phóng viên'
Giám đốc Công an TP Hà Nội cam kết “xử nghiêm” vụ một phóng viên báo Tuổi Trẻ bị 10 người nghi là công an huyện Đông Anh hành hung. Đã xuất hiện video ghi lại lúc phóng viến Trần Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) bị người nghi là công an huyện Đông Anh (Hà Nội) đánh chảy máu mồm ngày 23/9. Công an huyện đã xin lỗi tờ báo nhưng chỉ nói nhận đó là "hành vi không đúng mực", giải thích là do áp lực công việc.
Ảnh ghi lại vụ công an hành hung phóng viên báo Tuổi Trẻ (áo trắng) đang được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội, tuyên bố sẽ điều tra.

“Dù là công an hay đối tượng nào cũng sẽ xử nghiêm để tạo điều kiện cho anh em tác nghiệp.”

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đã ký công văn gửi công an TP. Hà Nội yêu cầu “khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm minh”.

Ông Lợi cũng nói gần đây “liên tục xảy ra các vụ việc nhà báo bị cản trở khi đang tác nghiệp, hoạt động đúng quy định của pháp luật”.

Theo ông, đã có những vụ hành hung, thu giữ, đập phá, huỷ hoại phương tiện tác nghiệp của nhà báo.

'Kiềm chế'

Hôm 24/9, bình luận với BBC từ TP Hồ Chí Minh, ông Hoài Nam, cựu phóng viên báo Thanh Niên, nói: “Theo tôi, để giảm thiểu những vụ hành hung phóng viên như gần đây thì phải đưa vào luật việc phóng viên đi tác nghiệp.”

“Những ai có hành vi cản trở, hành hung phóng viên thì phải khép vào tội chống người thi hành công vụ.”

“Từ kinh nghiệm của tôi, phóng viên đi tác nghiệp nên đi cùng những người khác và cố gắng kiềm chế khi xảy ra va chạm.”

“Mặt khác, những vụ hành hung phóng viên cần được làm sáng tỏ và xử lý nghiêm minh.”

'Thái độ không đúng'

Hôm 24/9, báo Tuổi Trẻ cho hay Công an TP Hà Nội yêu cầu Công an huyện Đông Anh báo cáo việc một phóng viên của báo này bị công an có ‘thái độ không đúng’ trên cầu Nhật Tân.

Vụ hành hung phóng viên Trần Quang Thế của báo Tuổi Trẻ xảy ra hôm 23/9 khi người này đến khu vực cầu Nhật Tân tìm hiểu vụ việc một tài xế taxi tử vong bên dưới chân cầu.

“Ông Thế đi cách xa hiện trường khoảng 30m và chụp ảnh thì bị một nhóm người, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Hình sự Công an Đông Anh mặc thường phục lao vào cản trở và hành hung”, Tuổi Trẻ tường thuật.

“Ông Thế cho biết mình bị đánh chảy máu mồm, bị đấm vào đầu gây choáng váng.”

“Khu vực diễn ra sự việc không có biển cấm quay phim, chụp ảnh hay giăng dây cách ly hiện trường”.

Báo Tuổi Trẻ sau đó ghi nhận đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) đến xin lỗi báo Tuổi Trẻ và ông Thế và thừa nhận chiến sĩ của đơn vị đã có “thái độ không đúng”.

Chiều 23/9, trả lời Thông Tấn Xã Việt Nam, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Công an huyện Đông Anh cho rằng không phải là công an đánh phóng viên.

Ông Tuấn mô tả vào sáng 23/9, công an huyện "bảo vệ hiện trường" trong lúc "có sự việc liên quan đến tình hình an ninh trật tự xảy ra tại khu vực cầu Nhật Tân".

"Lúc này có một số phóng viên cứ xông vào để chụp ảnh thì có thể anh em có gạt chân, gạt tay để bảo vệ hiện trường chứ không phải là đánh phóng viên," Đại tá Nguyễn Anh Tuấn nói.

Trước đó, báo Người Lao Động hôm 21/9 đưa tin, ông Đỗ Thanh Hải, phóng viên VTC News thường trú tại Đắk Lắk đến hiện trường vụ cưỡng chế mặt bằng tại xã Cư Pô thì bị công an xã, dân quân tự vệ “lao đến vây lấy, xô đẩy và giật máy ảnh, ba lô trên người”.

“Vụ việc làm gãy ống kính máy ảnh, rách ba lô và người bị xây xát”.

Báo này dẫn lời ông Nguyễn Văn Huệ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cư Pô giải thích “việc vây giật máy ảnh và đẩy phóng viên ra ngoài là do tưởng là người dân chống đối và mục đích... đảm bảo an toàn cho phóng viên”.

(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét