Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

Nếu Thanh trốn sang Đức, cách nào dẫn độ về VN?

Nếu Trịnh Xuân Thanh trốn sang Đức, cách nào dẫn độ về Việt Nam?
Trao đổi với PV Dân trí về khía cạnh pháp lý, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết, Văn phòng Interpol Việt Nam sẽ đề nghị Interpol quốc tế hỗ trợ bắt giữ, dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.
Thiếu tướng Trần Thế Quân (Ảnh: Tiền Phong)
-Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT PVC về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đồng thời ra quyết định truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế đối với ông Thanh. Theo quy trình xử lý vụ việc này, Văn phòng Interpol Việt Nam sẽ đề nghị Interpol quốc tế hỗ trợ, truy bắt ông Trịnh Xuân Thanh chứ, thưa ông?
Văn phòng Interpol Việt Nam là một thành phần của Interpol quốc tế nên chắc chắn sẽ có văn bản thông báo về việc truy nã quốc tế này để truy tìm đối tượng ở các nước.
-Đối với những nước mà Việt Nam chưa ký các văn bản liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp, việc nhờ Interpol quốc tế giúp đỡ có mang lại hiệu quả cao?
Phải phân biệt tương trợ tư pháp và dẫn độ là hai việc khác nhau. Tại Việt Nam, quy định về dẫn độ được đưa vào luật tương trợ tư pháp, nhưng các hiệp định tương trợ cụ thể đã ký kết chia ra làm 3 loại: Tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù. 3 loại này có liên quan nhưng phạm vi khác nhau.
Trường hợp với nước Việt Nam chưa ký hiệp định thì chúng ta sẽ thỏa thuận trực tiếp theo nguyên tắc có đi có lại, phù hợp thông lệ quốc tế. Lúc ấy hai quốc gia sẽ đàm phán giải quyết vụ việc cụ thể, nhưng phải theo nguyên tắc chung của quốc tế.
Thậm chí ngay cả việc từ chối dẫn độ cũng có những nguyên tắc cụ thể. Ví dụ, các nước Châu Âu không đồng ý dẫn độ với những trường hợp mà chuyển giao người phạm tội về nước sở tại sẽ dẫn tới việc áp dụng hình phạt tử hình với người này. Hệ thống pháp luật mỗi nước khác nhau nên có trường hợp như thế.
Ngoài ra, các nước cũng có thể từ chối dẫn độ khi việc đó ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia hoặc phụ thuộc quan hệ của các nước với nhau. Dẫn độ một người mà ảnh hưởng tới nước lớn khác thì cũng khó. Rất nhiều việc ảnh hưởng tới chuyện này.
Nhưng sự việc này thì không ảnh hưởng gì lớn cả, bởi tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế” mà Trịnh Xuân Thanh đang bị khởi tố có mức án không cao.
-Hiện nay có thông tin cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh đang lẩn trốn ở Đức. Vậy thì thông qua Interpol quốc tế có thể giải quyết được việc bắt giữ, dẫn độ ông Thanh về Việt Nam?
Có thể giải quyết được trên tinh thần hợp tác. Đây là công dân Việt Nam không có yêu cầu bảo hộ nào. Nhưng việc cụ thể còn phụ thuộc vào thủ tục. Ví dụ như bắt giữ được người phạm tội rồi nhưng có dẫn độ được không thì còn phụ thuộc vào thủ tục như tòa án nước đó có đồng ý về các điều kiện dẫn độ hay không, phải theo thủ tục đàm phán cụ thể.
-Từ trước tới nay Việt Nam và Đức đã lần nào trao đổi, hỗ trợ việc bắt giữ, dẫn độ tội phạm chưa, thưa ông?
Tôi không theo dõi cụ thể nhưng nếu mà nói về dẫn độ theo đúng thủ tục dẫn độ thì giữa Việt Nam và các nước có rất ít, bởi thủ tục dẫn độ cực kỳ phức tạp và lâu nay cũng không nhiều trường hợp áp dụng.
Việc trao trả người cho nhau vẫn có nhưng chủ yếu thực hiện theo phương thức hợp tác trao trả tội phạm với các nước láng giềng gần, dễ dàng hơn là dẫn độ. Bản chất việc đó là dẫn độ nhưng làm theo đúng thủ tục dẫn độ thì phức tạp hơn.
-Theo ông biết thì các nước Châu Âu có ưu tiên giải quyết dẫn độ đối với những tội phạm liên quan đến tham nhũng, tội phạm kinh tế hay không?
Tội cụ thể cũng phải xem, bởi dẫn độ về có dẫn đến việc truy cứu một tội khác không, có thể họ có xem xét. Tội đó nếu dẫn tới án phạt cao thì cũng là một yếu tố...
-Khi C46 đã khởi tố bị can, truy nã quốc tế như vậy, tài sản của ông Trịnh Xuân Thanh có bị đưa vào diện kiểm soát, kê biên đặc biệt?
Vấn đề này do luật định. Kê biên tài sản phải là quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng chứ không thể mặc nhiên thực hiện được việc đó. Quyền tài sản là bất khả xâm phạm. Khởi tố vụ án, khởi tố bị can là quyết định rất quan trọng để có thể áp dụng các biện pháp đó, còn quyết định hay không thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải tính và quyết định.
-Xin cảm ơn ông !
Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46 - Bộ Công an) đang thụ lý điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trước đó, ngày 15/9, C46 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVC; khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với bị can này.
Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, C46 đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế. Ông Thanh sinh năm 1966 tại Hà Nội, có hộ khẩu thường trú tại số nhà 24, C2, Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội
Ngoài ra, C46 cũng đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với 4 thuộc cấp khác của ông Thanh gồm: Vũ Đức Thuận - nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC; Nguyễn Mạnh Tiến - Phó tổng giám đốc PVC; Trương Quốc Dũng - nguyên Phó tổng giám đốc PVC; Phạm Tiến Đạt - nguyên Kế toán trưởng PVC.
Thế Kha (thực hiện)
http://dantri.com.vn/xa-hoi/neu-trinh-xuan-thanh-tron-sang-duc-cach-nao-dan-do-ve-viet-nam-20160917204454274.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét