Hãy học Quảng Ninh
Một con số thật ý nghĩa, thật đáng phấn khởi, vừa được công bố: Trong năm 2014, Quảng Ninh đã giảm được 1.097 biên chế. Ngoài số đó, về tổ chức, còn giảm được 2 chi cục, 39 phòng, 8 đơn vị sự nghiệp, và chuyển đổi được 32 đơn vị sang doanh nghiệp hoặc hợp tác công - tư.
Ảnh minh họa
Kết quả là giảm được 300 tỷ đồng chi thường xuyên. Việc giảm biên chế này không những không gây ra sự ngừng trệ công việc, mà còn khiến bộ máy bớt cồng kềnh, chồng chéo. Và, theo Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính, là càng tạo động lực phục vụ nhân dân một cách hiệu quả hơn.Bộ máy hành chính càng ngày càng phình to, cồng kềnh đã trở nên một vấn nạn ở ta, kéo dài hàng chục năm nay, khiến 70% ngân sách phải dùng để chi thường xuyên, dù Chính phủ đã phải ra hết nghị định này đến nghị định khác (mà gần đây nhất là Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014) về tinh giản biên chế, thậm chí giao chỉ tiêu cho Bộ Nội vụ đến năm 2020, phải giảm được 100.000 người. Nhưng vẫn không sao giải quyết được vấn đề. Các địa phương, các bộ, ngành vẫn liên tục xin tăng biên chế.
Không mấy kỳ họp Quốc hội, vấn đề bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, nhưng hiệu quả thấp, năng suất lao động thấp, nạn chạy chức, chạy quyền, chạy vào biên chế, không trở thành nguyên nhân gây “nóng” nghị trường. Nhưng càng hô hào tiết giảm, thì số lượng công chức viên chức lại càng tăng.
Sau 3 năm “tinh giản biên chế”, số biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước giảm được 28.000 người, nhưng lại tăng 69.000 người.
Hay sau khi sắp xếp bộ máy, tuy giảm được 4 bộ, nhưng số tổng cục lại tăng từ 82 lên 110 (theo Báo Lao động điện tử). Số bộ có từ 5 thứ trưởng trở lên, số cục trong các bộ, ngành có từ 5 cục phó trở lên khá phổ biến, nói như đại biểu Quốc hội Bùi Thị An tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014, thì đó là tình trạng “lạm phát cấp phó”.
Còn nói như đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng, thì ở ta đã có một “sáng tạo” rất đáng lưu ý, đó là “sáng tạo” ra chức danh “hàm”: Hàm cục trưởng, hàm cục phó. Thậm chí trưởng, phó phòng cũng có chức danh “hàm”.
Hiện tượng một số “ông lớn”, ngay trước ngày về hưu, đã ký hàng loạt quyết định đề bạt cán bộ, lèn thêm cấp phó vào các đơn vị trong cơ quan mình hay tặng “hàm” cho một số người không thể lèn vào đâu được nữa.
Vì sao Quảng Ninh làm được thế?
Trước hết, đó là sự nhận thức sâu sắc trước “tai nạn” do một bộ máy cồng kềnh gây ra. Bộ máy càng cồng kềnh thì càng kém hiệu quả, càng có nhiều người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
Từ nhận thức ấy, đi đến quyết tâm. Còn cách làm, thì xét ra, thấy thật đơn giản: Nhất thể hóa chức danh bí thư và chủ tịch ở cấp xã, tiếp tục thí điểm ở cấp huyện. Nhất thể hóa một số chức danh thủ trưởng ở các cơ quan tham mưu, giúp việc ở cấp ủy với thủ trưởng các cơ quan tham mưu bên UBND…
Nếu tỉnh nào, bộ, ngành nào cũng làm được như Quảng Ninh, chỉ giảm mà không tăng, thì chỉ trong một năm đã có thể giảm được 100.000 biên chế, theo yêu cầu của Chính phủ, chứ không phải chờ đến tận năm 2020
Vũ Hữu Sự
(Nông Nghiệp)
http://nongnghiep.vn/hay-hoc-quang-ninh-post139470.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét