Cell-Phone
Sau đám tang, họ hàng bạn bè ở xa, ở gần, đã từ giã ra về hết. Người đàn bà bắt đầu thu dọn lại căn nhà mình. Ngôi nhà bây giờ chỉ còn lại một người. Chị không biết mình sẽ ở lại trong ngôi nhà này, hay chị sẽ dọn về với con.
Chị bắt đầu dọn dẹp từ mấy gian bên ngoài. Từ cái ghế vải dài nằm coi truyền hình của anh, chắc là phải gọi con đem đi giặt; những cái áo khoác treo trên mắc ở tủ ngoài, chị tháo xuống, xếp vào thùng; mấy cái nón mùa đông, mấy cái nón mùa hè, chị cũng xếp luôn vào. Cứ mỗi một thứ xếp vào thùng chị lại tần ngần ngắm nghía, cầm lên, bỏ xuống. Không biết nên giữ hay nên đem cho, vì cái nào cũng mang một kỷ niệm. Cái mũ nỉ ấm áp này mua ở đâu, trong chuyến đi nào; cái nón mùa hè này, chị nhớ là của con gái cho bố trong ngày Father’s Day.
Trên cái bàn ăn trong bếp, một cái khay nhựa mầu trắng, đựng gần hai mươi chai thuốc của anh, chị cầm lên đọc tên từng chai thuốc. Chị đã thuộc lòng từng loại thuốc trong chai; thuốc giảm đau, thuốc mất ngủ, thuốc chống ói, thuốc trụ sinh,v.v. Chị cho tất cả mấy cái chai vào cái túi nhỏ, cột chặt lại, vứt cái túi vào thùng rác ngoài sân. Cái khay bây giờ trống rỗng. Chị hình dung ra hình ảnh khi anh qua đời, người ta đến mang anh ra khỏi giường, chiếc giường trống, một màu chăn gối trắng toát. Người ta cất anh vào một cái ngăn thật lạnh.
Chị vào nhà xe, những đôi giầy cũ mới, những đôi giầy anh dùng chạy trên sân đánh tennis, giầy đi bộ, giầy du lịch, giầy khiêu vũ. Những đôi giầy đã mang anh vào đám tiệc, đi gặp gỡ bạn bè, lang thang trên những con đường, loanh quanh ở công viên, lên thuyền, xuống bến, đi qua những thành phố rất lạ, những quốc gia rất xa. Nhưng bây giờ anh đi về một nơi lạ nhất, xa nhất, anh lại không cần đến bất cứ đôi giầy nào. Chị xếp những đôi giầy của anh vào một chiếc thùng giấy, để vào một góc nhà xe. Chúng sẽ được mang đem đi cho và người xa lạ nào đó, sẽ xỏ chân vào, tiếp tục đi trên một đoạn đường ngoài kia. Họ có đi cho đến khi đôi giầy rách, cũ? Hay những đôi giầy đó lại được chuyển sang những bàn chân mới?
Chàng đi để lại đôi giầy
Ngón chân em nhớ những ngày có nhau (1)
Chị ra vườn, vườn trước vườn sau, những cây hoa lan đất đủ mầu đang đua nhau nở tung trong chậu; hoa hồng, hoa dâm bụt cũng rực rỡ không kém, chị bùi ngùi nghĩ đến công lao của anh chăm sóc cây cỏ lá hoa. Những ống nước trong vườn cũng do anh đặt, sợi giây điện chung quanh tượng Đức Mẹ cũng anh giăng. Các con có lưu ý là bố phải cẩn thận, kẻo gây hỏa hoạn đấy, Nhưng anh đời nào nghe chúng. Mấy năm rồi, bóng đèn vẫn chớp, vẫn sáng, có sao đâu. Chị se lòng nghĩ, nếu một người khác dọn vào nhà này, họ có làm lại ngôi vườn không? Những cây hoa có bị dời chỗ, những bóng đèn sẽ tháo xuống, và tượng Đức Mẹ nữa, người chủ mới có cùng một tôn giáo như anh chị không?
Cuối cùng, chị quay vào buồng của anh. Căn buồng mấy năm nay là một thế giới của riêng anh. Thỉnh thoảng chị ngó vào, kêu ầm lên: Sao mà bừa thế này!
Chị đến bàn viết. Cái máy vi tính đã đóng lại để cho người con trai lớn đến mang đi; một ít giấy linh tinh trên mặt cái bàn nhỏ, chị nhìn qua, thấy không có gì quan trọng, chị thu xuống cái sọt giấy bên dưới. Chị coi như là xong, những thư từ trên máy vi tính đã có con trai lo hộ, chị không thắc mắc.
Bây giờ chị cần thu dọn quần áo của anh đem cho. Chị bối rối vì không biết nên bắt đầu từ ngăn kéo nào, từ góc tủ nào.
Quần dầy, áo mỏng, áo còn mới, hay quần đã cũ. Cái treo, cái gấp, cái vắt trên ghế, cái rơi cạnh giường. Hơn một tháng nay anh ở bệnh viện, anh vào hospice, chị đâu có thời giờ để ý đến căn buồng.
Quần áo là vật dụng thân quen nhất cho thân thể, chúng đã ôm ấp anh, mang hơi hướm anh, chúng là những người bạn thân thiết của anh, quần áo này gần gũi với anh cho đến hôm anh mất. Chị úp mặt vào chiếc áo sơ mi vắt trên thành ghế tưởng như chị đang gục đầu trên vai anh.
Một cơn gió nhẹ thổi vào phòng qua cửa sổ xoa xoa mái tóc chị, nước mắt chị ứa ra.
Bất giác chị nhớ đến bài thơ của Cao Bá Quát khóc vợ:
Từ ngày anh ra đi
Giường không đêm đêm giữ
Trăng biển soi lòng nhớ
Vào giấc mộng cô đơn
Gió sông thổi cơn lạnh
Vào khoảng trời hoàng hôn
Chiếc gương nhỏ em cất
Trong hành lý người xa
Áo lạnh em vẫn giữ
Trong phòng của hai ta
Giữ vật tự an ủi
Làm sao mà quên nhau (2)
Chị tháo xuống từng chiếc áo, chiếc quần. Gấp lại như gấp chính hồn mình, chị xếp từng xấp để lên giường anh. Chị đứng nhìn những xấp vải vô tri đó mà như nhìn những mảnh hồn mình. Chị ngồi lặng đi trong buồng anh không biết bao lâu.
Ngoài kia, mặt trời đang xuống.
Bỗng chị nghe một tiếng reo, hai tiếng reo. Tiếng reo của chiếc cell-phone. Chị nhìn quanh, không phải phôn của chị, chị biết phôn của chị đang để ở buồng ngủ của chị, phía bên kia nhà. Chị hấp tấp đến bàn viết, kéo từng ngăn kéo, chị tìm thấy cái phôn của anh đang rung, chị cầm lên:
-A lô, A lô!
Không có tiếng trả lời.
Chị luống cuống bấm lung tung tìm xem ai vừa gọi. Không có ai gọi cả, con số cuối cùng trong máy là của con gái chị gọi cho bố từ tuần trước, khi anh còn tỉnh.
Cái phôn im lặng, tắt ngấm, lạnh ngắt trong tay chị.
Bất giác chị nấc lên: “Anh ơi!”
Ngoài kia, mặt trời đã tắt.
Trần Mộng Tú
3/2014
(1) Thơ tmt
(2) tmt lược dịch thơ Cao Bá Quát
Tự quân chi xuất hỹ/ Dạ dạ thủ không sàng/Hải nguyệt chiếu cô mộng/Giang phong sinh mộ lương/ Tiểu kính ký viễn khíp /Hàn y lưu cố phòng/Trì thử các tự úy /Bất khiển lưỡng tương vương.
Trên cái bàn ăn trong bếp, một cái khay nhựa mầu trắng, đựng gần hai mươi chai thuốc của anh, chị cầm lên đọc tên từng chai thuốc. Chị đã thuộc lòng từng loại thuốc trong chai; thuốc giảm đau, thuốc mất ngủ, thuốc chống ói, thuốc trụ sinh,v.v. Chị cho tất cả mấy cái chai vào cái túi nhỏ, cột chặt lại, vứt cái túi vào thùng rác ngoài sân. Cái khay bây giờ trống rỗng. Chị hình dung ra hình ảnh khi anh qua đời, người ta đến mang anh ra khỏi giường, chiếc giường trống, một màu chăn gối trắng toát. Người ta cất anh vào một cái ngăn thật lạnh.
Chị vào nhà xe, những đôi giầy cũ mới, những đôi giầy anh dùng chạy trên sân đánh tennis, giầy đi bộ, giầy du lịch, giầy khiêu vũ. Những đôi giầy đã mang anh vào đám tiệc, đi gặp gỡ bạn bè, lang thang trên những con đường, loanh quanh ở công viên, lên thuyền, xuống bến, đi qua những thành phố rất lạ, những quốc gia rất xa. Nhưng bây giờ anh đi về một nơi lạ nhất, xa nhất, anh lại không cần đến bất cứ đôi giầy nào. Chị xếp những đôi giầy của anh vào một chiếc thùng giấy, để vào một góc nhà xe. Chúng sẽ được mang đem đi cho và người xa lạ nào đó, sẽ xỏ chân vào, tiếp tục đi trên một đoạn đường ngoài kia. Họ có đi cho đến khi đôi giầy rách, cũ? Hay những đôi giầy đó lại được chuyển sang những bàn chân mới?
Chàng đi để lại đôi giầy
Ngón chân em nhớ những ngày có nhau (1)
Chị ra vườn, vườn trước vườn sau, những cây hoa lan đất đủ mầu đang đua nhau nở tung trong chậu; hoa hồng, hoa dâm bụt cũng rực rỡ không kém, chị bùi ngùi nghĩ đến công lao của anh chăm sóc cây cỏ lá hoa. Những ống nước trong vườn cũng do anh đặt, sợi giây điện chung quanh tượng Đức Mẹ cũng anh giăng. Các con có lưu ý là bố phải cẩn thận, kẻo gây hỏa hoạn đấy, Nhưng anh đời nào nghe chúng. Mấy năm rồi, bóng đèn vẫn chớp, vẫn sáng, có sao đâu. Chị se lòng nghĩ, nếu một người khác dọn vào nhà này, họ có làm lại ngôi vườn không? Những cây hoa có bị dời chỗ, những bóng đèn sẽ tháo xuống, và tượng Đức Mẹ nữa, người chủ mới có cùng một tôn giáo như anh chị không?
Cuối cùng, chị quay vào buồng của anh. Căn buồng mấy năm nay là một thế giới của riêng anh. Thỉnh thoảng chị ngó vào, kêu ầm lên: Sao mà bừa thế này!
Chị đến bàn viết. Cái máy vi tính đã đóng lại để cho người con trai lớn đến mang đi; một ít giấy linh tinh trên mặt cái bàn nhỏ, chị nhìn qua, thấy không có gì quan trọng, chị thu xuống cái sọt giấy bên dưới. Chị coi như là xong, những thư từ trên máy vi tính đã có con trai lo hộ, chị không thắc mắc.
Bây giờ chị cần thu dọn quần áo của anh đem cho. Chị bối rối vì không biết nên bắt đầu từ ngăn kéo nào, từ góc tủ nào.
Quần dầy, áo mỏng, áo còn mới, hay quần đã cũ. Cái treo, cái gấp, cái vắt trên ghế, cái rơi cạnh giường. Hơn một tháng nay anh ở bệnh viện, anh vào hospice, chị đâu có thời giờ để ý đến căn buồng.
Quần áo là vật dụng thân quen nhất cho thân thể, chúng đã ôm ấp anh, mang hơi hướm anh, chúng là những người bạn thân thiết của anh, quần áo này gần gũi với anh cho đến hôm anh mất. Chị úp mặt vào chiếc áo sơ mi vắt trên thành ghế tưởng như chị đang gục đầu trên vai anh.
Một cơn gió nhẹ thổi vào phòng qua cửa sổ xoa xoa mái tóc chị, nước mắt chị ứa ra.
Bất giác chị nhớ đến bài thơ của Cao Bá Quát khóc vợ:
Từ ngày anh ra đi
Giường không đêm đêm giữ
Trăng biển soi lòng nhớ
Vào giấc mộng cô đơn
Gió sông thổi cơn lạnh
Vào khoảng trời hoàng hôn
Chiếc gương nhỏ em cất
Trong hành lý người xa
Áo lạnh em vẫn giữ
Trong phòng của hai ta
Giữ vật tự an ủi
Làm sao mà quên nhau (2)
Chị tháo xuống từng chiếc áo, chiếc quần. Gấp lại như gấp chính hồn mình, chị xếp từng xấp để lên giường anh. Chị đứng nhìn những xấp vải vô tri đó mà như nhìn những mảnh hồn mình. Chị ngồi lặng đi trong buồng anh không biết bao lâu.
Ngoài kia, mặt trời đang xuống.
Bỗng chị nghe một tiếng reo, hai tiếng reo. Tiếng reo của chiếc cell-phone. Chị nhìn quanh, không phải phôn của chị, chị biết phôn của chị đang để ở buồng ngủ của chị, phía bên kia nhà. Chị hấp tấp đến bàn viết, kéo từng ngăn kéo, chị tìm thấy cái phôn của anh đang rung, chị cầm lên:
-A lô, A lô!
Không có tiếng trả lời.
Chị luống cuống bấm lung tung tìm xem ai vừa gọi. Không có ai gọi cả, con số cuối cùng trong máy là của con gái chị gọi cho bố từ tuần trước, khi anh còn tỉnh.
Cái phôn im lặng, tắt ngấm, lạnh ngắt trong tay chị.
Bất giác chị nấc lên: “Anh ơi!”
Ngoài kia, mặt trời đã tắt.
Trần Mộng Tú
3/2014
(1) Thơ tmt
(2) tmt lược dịch thơ Cao Bá Quát
Tự quân chi xuất hỹ/ Dạ dạ thủ không sàng/Hải nguyệt chiếu cô mộng/Giang phong sinh mộ lương/ Tiểu kính ký viễn khíp /Hàn y lưu cố phòng/Trì thử các tự úy /Bất khiển lưỡng tương vương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét