Vì sao chính khách Mỹ phản đối TPP?
Nguyễn Vạn Phú (TBKTSG) - Chuyện một số chính khách Mỹ phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có gì mới nhưng bài viết của Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren trên tờWashington Post vào tuần trước đáng chú ý vì nêu rõ một nguyên nhân cụ thể của thái độ phản đối này.
Trên thế giới vẫn không thiếu những ý kiến phản đối TPP. Ảnh: INTERNET
Trong bài viết này bà Warren chỉ đề cập đến một điểm duy nhất - đó là cơ chế “Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước” gọi tắt là ISDS. Điều thú vị là lẽ ra người phản đối các điều khoản ISDS này phải là chính phủ các nước nhỏ, doanh nghiệp các nước đang phát triển trước nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia lấn lướt. Chính phủ các nước mạnh như Mỹ có gì phải ngại cái cơ chế đẻ ra để bảo vệ các nhà đầu tư đem vốn ra nước ngoài làm ăn.Thật ra không phải đến TPP thì các nước mới đưa cơ chế ISDS vào; nó đã có trong các hiệp định thương mại trước đây. Mục đích ban đầu chủ yếu là để các nhà đầu tư yên tâm khi rót tiền vào các nền kinh tế đang phát triển bởi nó phòng ngừa chuyện nhà nước đột ngột thay đổi chính sách. Ví dụ sau thảm họa Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, Chính phủ Đức quyết định chấm dứt hoạt động của ngành năng lượng hạt nhân của nước này. Thế là Công ty Vattenfall của Thụy Điển, chủ đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân ở Đức bèn kiện Chính phủ Đức, đòi bồi thường 3,7 tỉ euro theo điều khoản ISDS mà Đức và Thụy Điển đã ký trong một hiệp định đầu tư về năng lượng.
Bà Warren viết trên tờ Washington Post rằng cơ chế ISDS cho phép các tập đoàn đa quốc gia kiện các chính sách của Mỹ và có khả năng lấy tiền của dân đóng thuế Mỹ mà thậm chí không bước chân vào một tòa án nào của Mỹ. Đó là bởi, bà đưa ví dụ, nếu Mỹ cấm dùng một hóa chất độc hại nào đó trộn thêm vào xăng vì lý do sức khỏe và môi trường thì một công ty nước ngoài sản xuất hóa chất này không cần kiện Chính phủ Mỹ ở một tòa án Mỹ. Nếu các nước tham gia TPP đều đồng ý cơ chế ISDS thì công ty này có thể đưa vụ việc ra một ban trọng tài quốc tế và nếu được xử thắng thì phán quyết này không thể bị phản bác bởi tòa án Mỹ. Phán quyết của trọng tài có thể yêu cầu Chính phủ Mỹ lấy tiền thuế của dân mình bồi thường hàng triệu, hàng tỉ đô la cho công ty kia.
Viết cho dân Mỹ thì Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren phải dùng ví dụ liên quan đến chính sách của Mỹ. Chứ trong thực tế, áp dụng ISDS, thường là các công ty phương Tây kiện chính phủ các nước đang phát triển. Ví dụ một công ty Pháp kiện Chính phủ Ai Cập vì nâng lương tối thiểu; một công ty Hà Lan kiện Chính phủ Cộng hòa Séc vì không chịu giải cứu một ngân hàng mà công ty này có cổ phần. Hay ầm ĩ nhất là tập đoàn thuốc lá Philip Morris của Mỹ tìm cách tận dụng cơ chế ISDS để ngăn không cho Uruguay triển khai chính sách hạn chế thuốc lá ở nước này.
Cảnh báo của bà Warren là đáng chú ý vì rõ ràng ISDS ngày càng được các tập đoàn đa quốc gia tận dụng để can thiệp vào chính sách kinh tế, xã hội của nhiều nước. Năm 2012 có 58 vụ, năm 2013 có 56 vụ. Khoản bồi thường lớn nhất cho đến nay là 2,3 tỉ đô la mà Ecuador phải bồi thường cho tập đoàn dầu khí Occidental do đã chấm dứt một hợp đồng nhượng quyền khai thác mà tờ Economist đánh giá là Ecuador đã làm đúng luật.
Điều đáng nói là cơ chế ISDS chỉ dành quyền kiện ra trọng tài như thế cho nhà đầu tư nước ngoài chứ không dành cho các tổ chức. Vì thế bà Warren mới đưa ra một ví dụ, có thể hơi xa vời là một công ty Việt Nam đầu tư vào Mỹ có thể kiện chính quyền Mỹ về lương tối thiểu theo điều khoản ISDS. Ngược lại một tổ chức công đoàn Mỹ khi muốn kiện Việt Nam vì cho phép các doanh nghiệp Việt Nam trả lương rẻ mạt làm doanh nghiệp họ không cạnh tranh được thì tổ chức này không thể áp dụng ISDS mà phải kiện theo hệ thống tòa án Việt Nam.
Có thể nói ISDS là công cụ tốt, có lợi cho các công ty giàu tiềm lực tài chính và nhân lực chứ các doanh nghiệp từ các nước đang phát triển không mảy may hy vọng nó đem lại công bằng cho hoạt động của họ tại nước ngoài. Đó mới là điểm đáng lo chứ không phải viễn cảnh mà bà Warren vẽ ra là ISDS sẽ chuyển quyền lực từ hệ thống tòa án Mỹ sang các trọng tài quốc tế dễ bị tác động.
Mời xem thêm
2015 - năm của TPP
TPP huyền bí
http://www.thesaigontimes.vn/127169/Vi-sao-chinh-khach-My-phan-doi-TPP.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét