Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Xin bớt lại những lời hoa mỹ

Xin bớt lại những lời hoa mỹ
Mở tivi, đài báo, thỉnh thoảng ta lại bắt gặp đây đó những lễ kỉ niệm, những festival, những lễ hội hay đại lễ… Sân khấu hoành tráng, phông màn rực rỡ, bóng bay rợp trời, quan khách “ngực nặng huân chương và bút máy” và các diễn văn chúc tụng thì tràn ngập những từ ngữ văn hoa bóng bẫy.

Đã thành quen tai tiếng rổn rảng của những lời hoa mỹ vang ra từ các diễn văn: địa linh nhân kiệt, khí thiêng hội tụ, ngang tầm thời đại, hào khí ngàn năm, chấn động địa cầu… “Rộn ràng trống chiêng/ Tưng bừng cờ xí/ Bừng lên nhật nguyệt/ Mây xanh hạc trắng bát ngát trường thiên…”. Nghe tưng bừng như những tràng pháo nổ. Tràng pháo được kết lại từ những viên pháo đủ màu xanh đỏ mà nhiệm vụ duy nhất là “nổ banh xác”, làm inh tai người nghe. Và xong đời pháo! Không ai hoài công ngồi tương tư về những diễn từ nổ như pháo kiểu đó.

Các đám cưới thời hiện đại, trước khi vào nhập tiệc, quan viên hai họ được đãi món khai vị là bài diễn từ đầy nhiệt huyết về tình yêu. Cô gái dẫn chương trình ăn mặc bốc lửa như những người mẫu thời thượng, giọng vang như những ca sĩ opera bẩm sinh. Nước chảy mây trôi, thánh thót và ngân nga, đêm nào cũng bài đó, hết đám cưới này đến đám cưới khác. Chỉ có tên của tân lang và tân giai nhân là thay đổi sau mỗi suất diễn. Trong thánh đường hạnh phúc, hai trái tim trong trắng cùng chung nhịp đập… trọn đời trọn kiếp, bền vững nồng nàn,… Những lời nói có cánh về tình yêu bất diệt của nàng ca sĩ opera chìm trong tiếng ồn ào của cụng li, tiếng reo hò, tiếng vỗ tay của quan viên hai họ.

Hơn hai ngàn năm nay, những tín đồ Ki tô giáo thường tụng một bài kinh, trong bài có một câu ngắn và giản dị đến bất ngờ: “cầu cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy”. Thực lạ lùng, lời cầu đơn sơ ấy lại có sức lay động sâu xa tâm hồn mỗi người cầu nguyện, dẫu là một tỷ phú uy lực nghiêng ngã giới tài chính phố Wall, đến người dân du mục trên sa mạc hoang vu hay một kẻ hành khất đang lê bước trên đường phố ồn ào xe cộ. Ẩn trong lời xin khiêm nhường đó là sự minh triết ngàn năm, chưa bao giờ cũ.

Nếu bình tĩnh nhìn sâu vào xã hội hiện nay với ngổn ngang trăm mối lo âu, âm hưởng các diễn từ chắc sẽ bớt đi sự rộn ràng hào sảng. Khi những dòng này đang viết ra, xã hội vẫn chưa hết nghẹn ngào vì cái chết của một cháu bé lớp 3. Đi học về, cháu đói quá, rớt xuống sông mà chết, bát cơm cúng cũng phải xin từ nhà hàng xóm. Các trang mạng vẫn đang dậy sóng về những chiếc túi xách hàng hiệu 1,6 tỉ đồng của các mỹ nhân Việt. Trong đời sống hàng ngày, bạn bè gặp nhau, nói qua nói lại dăm bảy câu, thể nào cũng có những lời trầm ngâm về những tiêu cực ngày càng tăng, những quan chức nói thế này làm thế khác …

Không phải là chuyện của ngành khác hay địa phương khác. Với đạo lí “bầu ơi thương lấy bí cùng” ngàn năm nay, làm sao có thể vui như pháo nổ banh xác được! Trong thời đại của thế giới phẳng, có lẽ lời răn của người xưa “ở nhà nhất mẹ nhì con/ ra đường lắm kẻ còn dòn hơn ta” thấm thía hơn bao giờ hết. Làm sao viết được những diễn từ đầy rẫy những đại ngôn đứng chen vai thích cánh. Những diễn từ tỏa ra thứ ánh sáng của vàng mã, nhợt nhạt theo kiểu“đường lên Giàu mạnh đã thênh thang/ nẻo đến Văn minh thêm mới mẻ!” làm sao khơi dậy ngọn lửa nhiệt tâm, khiêm nhường và bao dung của cộng đồng được.

Xin hãy đọc lời ai điếu cho một nền diễn từ hoa mỹ!

Nguyễn Hoa Lư
http://motthegioi.vn/chuyen-hang-ngay/xin-bot-lai-nhung-loi-hoa-my-108600.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét