Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Thủ tướng VN 'ủng hộ bỏ con dấu doanh nghiệp'

Thủ tướng VN 'ủng hộ bỏ con dấu doanh nghiệp'
Hội thảo "Con dấu của doanh nghiệp tại Việt Nam - Sự cải tổ cần thiết" do Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương tổ chức đã đặt vấn đề về việc liệu có nên bãi bỏ thủ tục bắt buộc theo đó các doanh nghiệp buộc phải dùng con dấu trong các giao dịch, hoạt động hay không. Được biết cuộc hội thảo là một phần trong công tác chuẩn bị cho việc ban hành Luật Doanh nghiệp mới.
"Rất may là Thủ tướng Chính phủ đã ủng hộ phương án có thể bãi bỏ con dấu," kinh tế gia Lê Đăng Doanh từ Hà Nội nói với BBC Tiếng Việt khi bình luận về buổi hội thảo vừa diễn ra hôm 9/10. Báo Đầu tư dẫn nội dung Thông báo 370 nói Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an xem xét sửa đổi quy định về quản lý con dấu theo hướng nới lỏng quản lý, tiến tới bãi bỏ sử dụng con dấu.

Văn bản tổng thống, thủ tướng các nước gửi cho tôi cũng không có dấu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Doanh nghiệp sau đó tuy có điều chỉnh nhưng vẫn giữ nguyên quy định các doanh nghiệp cần có con dấu, với lý do vì "tập quán, thói quen sử dụng con dấu và điều kiện hạ tầng kỹ thuật" của Việt Nam.

Trang điện tử của Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng dẫn nội dung báo cáo giám sát về Luật Doanh nghiệp gần đây cho thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng muốn giữ nguyên con dấu.

Thủ tướng ủng hộ việc bãi bỏ bởi “văn bản tổng thống, thủ tướng các nước gửi cho tôi cũng không có dấu”, bản điện tử Báo Tuổi trẻ nói.

Từ phía doanh nghiệp, việc sử dụng con dấu được cho là điều gây phiền toái nhiều hơn là bảo đảm an toàn, từ chuyện gây tê liệt hoạt động doanh nghiệp khi có mâu thuẫn nội bộ cho tới chuyện bị lợi dụng, làm giả để lừa đảo.

Khảo sát nhanh của một số cơ quan, tổ chức cho thấy đa số các doanh nghiệp muốn bỏ việc sử dụng con dấu, với tỷ lệ đồng ý là 52% trong khảo sát của Báo Đầu tư hay của Phòng Thương mại Công nghiệp (VCCI).




(ĐCSVN) - Đó là chủ đề của Hội thảo do Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 9/10 tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng các luật sư và đại diện nhiều doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, con dấu thay đổi sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư. Đây sẽ là bước thay đổi quan trọng, tuy nhiên, cần có phải có những chuẩn bị, ví dụ như: nhiều luật lệ hiện nay đòi hỏi hồ sơ phải có con dấu để hồ sơ đó có hiệu lực pháp lý, có một số điều phải thay đổi lại, góp vốn cổ phần, phải rà soát về mặt kỹ thuật nhiều, thay đổi tư duy rất quan trọng. Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, doanh nghiệp có thể tự lựa chọn mẫu của mình, thậm chí về mặt an ninh an toàn còn tốt hơn các con dấu hiện nay.

Tại Hội thảo, đại diện Ngân hàng Thế giới, ông Michel Lobet cho biết, ở Việt Nam phải thực hiện 10 thủ tục, mất 34 ngày và tốn một khoản chi phí để khởi nghiệp kinh doanh ở Việt Nam. Trong đó, thời gian để làm con dấu và đăng ký mẫu dấu với cơ quan công an mất 7 ngày.

Theo ông Michel Lobet, con dấu công ty từng là một phần không tách rời của các hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp, khi không có các hình thức khác được chấp nhận rộng rãi để xác thực giá trị của văn bản. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, các lập luận ủng hộ việc sử dụng con dấu công ty đã không còn phù hợp nữa. Con dấu đã mất đi mục đích chính là chứng thực văn bản do các mẫu văn bản của công ty được coi là hợp lệ và có thể thực thi một cách đơn giản bằng cách đính kèm chữ ký của một người đại diện theo pháp luật của công ty.

Ngày càng có nhiều nền kinh tế cho phép sử dụng chữ ký điện tử hoặc chữ ký số, khiến cho việc sử dụng con dấu công ty ngày càng trở nên lỗi thời hơn nữa. Đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, một môi trường kinh doanh tốt cần có một quy trình thành lập đơn giản và thực tế hơn. Các doanh nghiệp không nên lãng phí thời gian và tiền bạc vào những thủ tục kinh doanh lỗi thời và không cần thiết, chẳng hạn như việc làm con dấu công ty.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, để phù hợp với thông lệ quốc tế và tập quán kinh doanh của các nước phát triển trên thế giới chúng ta cần phải thay đổi tư duy về con dấu. Con dấu doanh nghiệp chỉ là một dấu hiệu nhận dạng doanh nghiệp để phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác; nhưng lâu nay chúng ta vẫn nhầm lẫn cho đó là một biệu hiện pháp lý của doanh nghiệp. Thực tế con dấu chỉ có tính xác thực chứ không có ý nghĩa pháp lý. Con dấu dễ bị làm giả và xét về tính xác thực thì nó lại là xác thực kém nhất so với chữ ký, vân tay, ADN… Vì lẽ đó, chúng ta cần mạnh dạn thay đổi tư duy, khuyến khích các doanh nghiệp phải có con dấu bằng tư duy chữ ký của người có thẩm quyền, mỗi người được đăng ký bởi một chữ ký, chữ ký điện tử…/.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét