Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Chuyển cách làm kế hoạch từ hàng năm sang 5 năm

Việt Nam chuyển cách làm kế hoạch từ manh mún sang trung hạn
“Lần đầu tiên từ khi thành lập nước đến nay chúng ta chuyển cách làm kế hoạch từ hàng năm sang 5 năm” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu rõ tại hội nghị toàn quốc ngành KH-ĐT khai mạc tại Đà Nẵng ngày 7/8
Hội nghị toàn quốc ngành KH-ĐT khai mạc tại Đà Nẵng sáng 7/8 (Ảnh: HC)
“Việt Nam cần phải thay đổi phương thức lãnh đạo!”
Sáng 7/8 tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì khai mạc hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành TƯ, các địa phương, các tập đoàn, các tổng công ty 90 – 91... Đây là lần đầu tiên sau 8 năm, Bộ KH-ĐT mới lại tổ chức một hội nghị quan trọng với quy mô lớn như lần này (diễn ra trong hai ngày 7 – 8/8).

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh giải thích, hàng năm Thủ tướng Chính phủ đã có hội nghị giao kế hoạch KT-XH nên Bộ KH-ĐT không tổ chức hội nghị riêng của ngành để tiết kiệm chi phí. Sở dĩ lần này Bộ KH-ĐT tổ chức hội nghị toàn ngành do có những nội dung hết sức quan trọng và đã được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

“Lần này chúng ta chuẩn bị xây dựng kế hoạch KT – XH 5 năm (2016 – 2020) trong bối cảnh nước ta đang có nhiều đổi mới, đồng thời cũng đứng trước nhiều thách thức trước tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới và bản thân những vấn đề trong nước. Đây là thời điểm Việt Nam cần có những chuyển đổi mạnh mẽ hơn để vượt ra những khó khăn và cơ hội cao khi đối mặt với bẫy thu nhập trung bình. Đó là điều chúng ta đã cảm nhận được cũng như khuyến cáo của các chuyên gia quốc tế” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Theo ông, “Việt Nam cần phải thay đổi phương thức lãnh đạo, cần phải thay đổi cơ cấu kinh tế của mình theo hướng nâng cao hơn hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế” trong bối cảnh đã và đang chuẩn bị hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, có thể đạt được những thỏa thuận về tham gia đối tác xuyên Thái Bình Dương (PPP) cũng như FTA với EU và một số hiệp định thương mại tự do khác.

“Có thể nói đó là những cơ hội, đồng thời cũng là những thách thức mà Việt Nam phải vượt qua. Cho nên việc xây dựng kế hoạch KT – XH 5 năm 2015 – 2020 là một trong những vấn đề hết sức quan trọng cần phải được thảo luận. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 22 về vấn đề này và hôm nay trực tiếp đến chỉ đạo hội nghị, quán triệt với lãnh đạo các bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cũng như lãnh đạo của tất cả các địa phương” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Thay đổi từ cách làm manh mún hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm

Nội dung thứ hai hết sức quan trọng của hội nghị lần này là triển khai Luật Đầu tư công vừa được Quốc hội thông qua. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, sau gần 7 năm Quốc hội mới thông qua được luật này. Đây là bước tiến mới để đưa công tác đầu tư phát triển của đất nước vào nề nếp và quy củ hơn, có liên quan đến rất nhiều bộ ngành, đặc biệt là các Bộ lớn như GTVT, NN-PTNT, Y tế... quản lý số lượng vốn và các công trình kết cấu hạ tầng KT-XH rất lớn, và đây cũng là mối quan tâm của cả 63 tỉnh, thành.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT phát biểu tại hội nghị (Ảnh: HC)

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, triển khai Luật Đầu tư công sẽ làm thay đổi rất nhiều những cách làm trước đây. Đó là chuyển từ xây dựng kế hoạch hàng năm sang xây dựng kế hoạch 5 năm; và đầu tư công 5 năm phải gắn chặt với những mục tiêu của kế hoạch KT-XH 5 năm. Chính vì vậy mà ngày 5/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành cùng lúc hai Chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 – 2020 và về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020.

Trên nền tảng các quy hoạch của cả nước, các ngành, địa phương và Luật Đầu tư công sẽ lựa chọn ra những nội dung cần đầu tư để đạt được những mục tiêu đã xây dựng trong kế hoạch 5 năm của các ngành và địa phương. Đầu tư công lần này phải gắn chặt với những mục tiêu đó, chứ không phải xây dựng kế hoạch 5 năm, thông qua xong rồi cất, còn hàng năm bố trí vốn, bố trí đầu tư lại không liên quan gì đến nó cả.

“Đó là một vấn đề rất khác. Chúng tôi sẽ kiểm soát việc bố trí của các bộ, ngành, địa phương để xem mục tiêu của kế hoạch 5 năm là như vậy nhưng khi bố trí vốn, bố trí đầu tư thì có đúng với những mục tiêu đó không” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Theo ông, cách làm kế hoạch hàng năm khiến một công trình phải mất 5 năm, thậm chí 7 – 10 năm nhưng lại bố trí vốn hàng năm. Năm nay có vốn nhưng chưa biết năm sau được bố trí thêm bao nhiêu? Vấn đề quan hệ giữa vốn TƯ, vốn địa phương như thế nào? Đây là những vấn đề rất lớn làm cho các địa phương cũng không chủ động được. Vì vậy lần này sẽ bố trí kế hoạch trung hạn, nghĩa là thay đổi từ cách làm manh mún hàng năm sang kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm.

Thủ tướng Chính phủ sẽ công bố giao vốn cho các bộ, ngành và các địa phương trong 5 năm tới, từ đó kết hợp với vốn của ngân sách địa phương để biết trong tay có bao nhiêu tiền (kể cả của TƯ và địa phương) mà đề xuất những công trình quan trọng theo mục tiêu 5 năm để đầu tư. Bên cạnh đó cũng có những dự phòng để dù tình hình nào thì vẫn đảm bảo vốn, còn mức tăng thêm, vượt thu thì sẽ hỗ trợ những phát sinh trong 5 năm.

“Đây là cách làm theo thông lệ quốc tế, không có gì mới, nhưng với Việt Nam thì mới, vì lần đầu tiên từ khi thành lập nước đến nay chúng ta chuyển cách làm kế hoạch từ hàng năm sang 5 năm. Cho nên việc quán triệt cách làm là rất quan trọng. Trước hết phải từ nhận thức, các bộ, ngành, địa phương phải triển khai đến toàn bộ các cơ sở của mình để quán triệt nhận thức và cách làm thống nhất!” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

HẢI CHÂU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét