Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Kinh tế dân doanh: Tứ bề thọ địch

Kinh tế dân doanh: Tứ bề thọ địch
Kinh tế dân doanh mới phát triển trong khoảng một thập niên trở lại đây nhưng đã chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, bất chấp những khó khăn đến từ môi trường bên ngoài. Tuy vậy, doanh nghiệp dân doanh (DNDD) lại đang chịu nhiều thiệt thòi nhất hiện nay.
Doanh nghiệp dân doanh ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong nền kinh tế

Xét về khía cạnh ưu đãi, chưa thấy xuất hiện những chính sách ưu đãi dành riêng cho DNDD như các chính sách đã có dành cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đành rằng trong bối cảnh thiếu vốn sản xuất thì việc kêu gọi đầu tư là đúng đắn, nhưng ưu đãi đến mức “dâng hiến” thì cần phải xem xét lại. Ngành hóa mỹ phẩm và ngành nước giải khát là những ví dụ về việc “trao gửi” thị trường cho doanh nghiệp FDI.

Cũng về mặt chính sách, DNDD dễ bị tổn thương nhất do không có tiếng nói chung. Sự khó dễ, căng thẳng từ phía các cơ quan quản lý thường không rơi vào DNNN, và đặc biệt là vào doanh nghiệp FDI - do có sự bảo hộ của quốc gia đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp FDI…

Trên thị trường, DNNN và FDI đều là những đối thủ nặng ký. Sức mạnh về vốn, công nghệ, cơ hội kinh doanh, quan hệ với chính quyền, kinh nghiệm kinh doanh, khả năng liên kết… đều hơn hẳn DNDD và do vậy, có rất ít DNDD có thể cạnh tranh ngang sòng phẳng trong một thị trường có sự bất cân xứng nghiêm trọng như vậy. Điều đó cũng có nghĩa DNDD buộc phải cạnh tranh lẫn nhau khốc liệt để giành thị phần nhỏ bé mà các “ông lớn” chưa nhòm ngó đến.

Với việc nhập khẩu hàng hóa tương đối dễ dàng và hàng nhập lậu còn khá phổ biến, DNDD đang ở thế yếu trong việc chống chọi để tồn tại. Đó là chưa kể đến nạn hàng giả, hàng nhái bào mòn sức chiến đấu của những doanh nghiệp bé nhỏ nhưng cần mẫn và can trường này.Thêm nữa, với tâm lý chuộng hàng ngoại, việc tiêu thụ hàng hóa trong nội địa không dễ dàng gì. Xuất khẩu ngày càng khó khăn do các rào cản thương mại và kỹ thuật tinh vi nên chỉ những doanh nghiệp lớn mới vượt qua được.

Ngoài những khó khăn và chịu chi phí cao trong việc huy động vốn, DNDD còn thiệt thòi cả trong vai người sử dụng lao động. Nếu phải lựa chọn nơi làm việc với cùng một mức thu nhập, người lao động chắc chắn sẽ chọn DNNN và FDI để đầu quân. Như vậy, DNDD sẽ phải trả chi phí lương cao hơn DNNN và FDI để giành lao động có chất lượng, hoặc sẽ chỉ tuyển được lao động dưới “sàn” DNNN và FDI.

Ở thế yếu toàn diện như vậy, cho nên số lượng DNDD thì lớn nhưng quy mô nhỏ và hiệu quả kinh tế chưa cao là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, DNDD lại là thành phần đóng góp tích cực vào nền kinh tế, trong đó có việc định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế.

Khác với DNNN và FDI chỉ tập trung hoạt động ở các vùng đô thị, địa bàn kinh tế thuận lợi; DNDD có mặt khắp mọi nơi giúp đáp ứng kịp thời nhu cầu hàng hóa và dịch vụ cho người dân, đặc biệt là người nghèo tại các vùng sâu, vùng xa. Nhờ vậy, kinh tế nông thôn được cải thiện, giúp thu ngắn khoảng cách với thành thị. DNDD cũng giải quyết việc làm cho đông đảo người lao động nghèo, lao động có chất lượng thấp, lao động khuyết tật, trẻ em, người già, lao động tại chỗ ở địa bàn nông thôn, lao động thời vụ. Thử hỏi có DNNN và FDI nào tuyển dụng những đối tượng lao động thiệt thòi như vậy không và xã hội sẽ ra sao nếu họ bị đẩy ra khỏi guồng máy kinh tế lấy hiệu quả sử dụng vốn làm thước đo chính?

Như vậy, DNDD chịu nhiều tác động tiêu cực từ sự quản lý, đến sự phân bổ nguồn vốn và lao động, sản phẩm nhập khẩu và ngay cả từ khách hàng. Tuy nhiên, DNDD cũng đã có sự nhạy bén, can trường, sâu sát trong quản lý và quan trọng nhất là ý chí duy trì hiệu quả cao hơn so với DNNN và FDI. Vì lợi nhuận và sự tồn tại, DNDD sẵn sàng sa thải cả con cái, người thân - điều mà ít có đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp khác dám thực hiện. Đây là lợi thế cạnh tranh chính của DNDD trong bối cảnh hiện nay.

Để đáp ứng ngay yêu cầu tăng trưởng có hiệu quả nền kinh tế, cần có sự định hướng phát triển toàn diện và lành mạnh DNDD với vai trò chủ thể thực hiện nền kinh tế thị trường. Cùng với việc củng cố để DNNN giữ được vai trò chủ đạo trong việc định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế, cũng nên chuyển hướng chính sách nhằm mời gọi đầu tư nước ngoài có chọn lọc vào thị trường vốn và vào những ngành mà doanh nghiệp trong nước không thể hoặc chưa phát triển tương xứng với nguồn lực về tài nguyên và lao động.

Các nước tư bản ưu tiên phát triển kinh tế trước và thực hiện công bằng sau, do vậy tự do, trong đó có tự do kinh doanh là cơ chế hay nguyên tắc quan trọng nhất và thể chế tư bản là sự chi tiết hóa cơ chế này. Tuy vậy, cho đến nay các nước vẫn còn nhiều vướng mắc về thực hiện công bằng sau khi đã phát triển kinh tế.

Nên chăng, chúng ta tiếp cận theo hướng phát triển kinh tế đi đôi với công bằng, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, chấp nhận đánh đổi hiệu quả trong ngắn hạn để có hiệu quả trong dài hạn. Nếu vậy, cần có sự “đạo diễn” kịp thời, có năng lực và trách nhiệm từ phía nhà nước nhằm tạo môi trường tự do kinh doanh trong giới hạn về đạo đức và lợi ích chung. Bên cạnh đó, một kịch bản phát triển kinh tế rõ ràng cần được xác lập với sự thừa nhận và thúc đẩy vai trò quan trọng của DNDD trong phát triển kinh tế.

Tháng 4/2014
NGUYỄN LÊ VINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét