Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Lăng Lenin, một phần không thể thiếu của Quảng trường Đỏ

Không nên xóa bỏ lịch sử. Nhưng nếu gánh nặng
chi phí duy trì lịch sử quá lớn thì cũng không nên.

Lăng Lenin, một phần không thể thiếu của Quảng trường Đỏ



 
Thập kỷ 1990, nhiều người trong giới cầm quyền muốn bỏ lăng Lenin ra khỏi Quảng trường Đỏ. Nhưng làm sao để kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Cách mạng tháng 10 trên Quảng trường Đỏ mà không có Lenin - lãnh tụ của chính cuộc Cách mạng ấy? Nhân dân Nga không muốn nhìn thấy sự thay đổi lịch sử như thế, họ đã lên tiếng bảo vệ cho lăng Lenin còn đến hôm nay.


Lễ duyệt binh chiến thắng năm 1945


Ngày 24 tháng 6 năm 1945 trên Quảng trường Đỏ bên Lăng Lenin đã cử hành lễ duyệt binh chiến thắng. Các trung đoàn đại diện cho tất cả mười phương diện quân - từ phương diện quân Karelia ở tận phía bắc đến phương diện quân Ukraina số 3 nằm ở tít phương nam, - xếp thành đội ngũ chỉnh tề trước Lăng Lenin. Tập trung ở đây là những chiến binh xuất sắc nhất, có cả binh nhì lẫn nguyên soái. Đứng trong hàng ngũ của họ có những người đã bắt đầu con đường vinh quang của mình vào cái buổi sáng âm u ngày 7 tháng 11 năm 1941 cũng chính tại đây, trên quảng trường này bên cạnh Lăng Lenin.


Mưa rơi từ sáng. Hình như những giọt lệ vui sướng và đau khổ hòa lẫn với nhau rơi trên Quảng trường Đỏ, rơi trên những lá quân kỳ chi chít vết đạn, rơi trên các khối vuông quân sĩ tham gia lễ duyệt binh Chiến thắng.


Hồng quân mang cờ của phát xít để ném xuống chân tường lăng Lenin trong lễ duyệt binh 1945
Hồng quân mang cờ của phát xít để ném xuống chân tường lăng Lenin trong lễ duyệt binh 24/6/1945
Từ lễ đài trên Lăng Lenin, nguyên soái G. K. Zhukov đứng duyệt lễ diễu binh và chúc mừng các chiến sĩ cùng toàn thể nhân dân nhân ngày lễ vĩ đại.

“Một niềm phấn hứng đặc biệt, - G. K. Zhukov nhớ lại, - bao trùm tất cả mọi người khi các trung đoàn anh hùng bước đi hùng dũng, trang trọng, đàn hàng ngang đi qua Lăng V. I. Lenin. Dẫn đầu các đoàn quân là các tướng lĩnh, các nguyên soái quân binh chủng và nguyên soái Liên Xô nổi danh trong các trận chiến đánh bại quân phát xít”.


Những người anh hùng với bước chân nhịp nhàng diễu qua như những đợt sóng nối tiếp nhau. Tất cả đều ngoảnh mặt về phía Lăng Lenin. Những chiến binh dường như muốn báo cáo: “Thưa đồng chí Lenin! Lời di huấn của đồng chí về việc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã được hoàn thành!”


Âm nhạc đột ngột lặng đi. Những hồi trống đanh gọn vang lên trên quảng trường. Một đoàn chiến binh tiến tới phía Lăng Lenin, trong tay họ là những quân kỳ phát xít  họ đoạt được, mũi cờ chúc xuống đất. Những quân kỳ này đã từng tung bay trên Warsaw và Paris, trên Belgrade và Athens, Tunisia và Tripoli...



Theo ý đồ của bọn quốc xã, lẽ ra những quân kỳ này cũng phải phấp phới bay trên đô thành Moskva. Nhưng nước Nga đã chuẩn bị cho chúng một số phận khác khẳn. Ngày 24 tháng 6 năm 1945, những tấm vải sặc sỡ với hình chữ thập ngoặc đáng nguyền rủa đó đã bị kéo lê một cách nhục nhã trên mặt đá ô vuông ẩm ướt của Quảng trường Đỏ. Khi tới gần Lăng, hàng quân đầu tiên với thái độ khinh bỉ ném mạnh những lá quân kỳ của địch xuống chân tường Lăng Lenin, cho chúng chịu nỗi nhục nhã.


Trên lễ đài vang lên những tràng vỗ tay và những tiếng hô “Ura!” Các hàng quân nối tiếp, dưới tiếng trống không ngừng, tiếp tục vứt những lá cờ tiếp theo xuống. Những chiếc cán gỗ đập xuống mặt đường gây một âm thanh trầm đục ảm đạm.


Chẳng mấy chốc hai trăm lá cờ của các đơn vị quân Đức bị tiêu diệt nằm chất đống dưới chân Lăng Lenin. Những lá cờ hiệu của quân kẻ cướp phát xít nằm thành một đống vải sặc sỡ nhàu nát. Trong số chúng có cả lá cờ hiệu riêng của Hitler, kẻ đã mơ ước đứng trên Quảng trường Đỏ duyệt lễ diễu binh của quân đội Đức nhân dịp chiếm được thủ đô của nhà nước Xô viết.


“Một khoảnh khắc không gì so sánh nổi, - nguyên soái G. K. Zhukov nhớ lại, - khi 200 cựu chiến binh dưới nhịp trống ném 200 lá quân kỳ phát xít xuống chân tường Lăng Lenin. Hãy để những kẻ phục thù, những kẻ thích phiêu lưu quân sự nhớ đến sự kiện lịch sử này!” (…)



Không phải ngẫu nhiên mà trong những năm gian khó đó người ta đã đưa hình ảnh Lăng Lenin nằm chính giữa tấm huân chương quân sự cao nhất của đất nước - huân chương Chiến thắng.

Không phải ngẫu nhiên mà tháng 9 năm 2003, Hội nghị các nguyên thủ của các nước SNG đã ra quyết nghị: trên tấm kỷ niệm chương ban hành nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng phát xít Đức có hình tấm huân chương Chiến thắng với hình Lăng Lenin nằm chính giữa.


Nhân dân phản đối “những kẻ đào mồ”


Suốt hơn 70 năm vào ngày 1 tháng 5 và ngày 7 tháng 11, Quảng trường Đỏ và Lăng Lenin trở thành những trung tâm chính kỷ niệm ngày lễ toàn dân. Ngày 1 tháng 5, quảng trường tràn ngập hàng vạn người mít tinh tuần hành, còn ngày 7 tháng 11 trên quảng trường diễn ra lễ duyệt binh truyền thống.


Tháng 8 năm 1981, lời tiên đoán của Lenin về nguy cơ Đảng Cộng sản rơi vào tình trạng tự kiêu tự mãn đã thành sự thật (Lenin toàn tập, tập 40, trang 326, 327 [bản tiếng Nga]).



Qũy “Lăng Lenin”

Năm 1991 nhà nước chấm dứt cấp ngân sách cho mọi công tác duy trì bảo dưỡng cơ bản trong Lăng Lenin. Chính quyền định dùng biện pháp kinh tế bóp nghẹt Phòng thí nghiệm thuộc Lăng Lenin, nơi 12 nhà bác học đang làm việc bảo quản di hài Vladimir Ilyich và hy vọng rằng khi không có lương các nhà bác học sẽ bỏ đi.

Khi đó báo Sự thật đăng một thông báo: Quyên góp tiền của để duy trì hoạt động của Lăng V. I. Lenin. Tài khoản 3141368 nộp vào phòng quản lý tác vụ (KOU) thuộc Ngân hàng Trung ương Nga, Bộ Tài chính 299112, Tổng cục Bảo vệ Liên bang Nga (cho Lăng V. I. Lenin). Trong một thời gian ngắn đã có hơn hai triệu rúp được chuyển đến.


Ngày 9 tháng 3 năm 1993, tại tòa soạn báo Sự thật đã diễn ra hội nghị thành lập Quỹ. A. S. Abramov được bầu làm Chủ tịch. Ngày 23 tháng 6 năm 1993 tổ chức mới này đã đăng ký tại Sở Tư pháp Moskva với tên gọi là Quỹ từ thiện độc lập “Lăng V. I. Lenin”. Mục đích của Qũy là bảo tồn công trình kiến trúc lăng, giữ gìn thi hài Lenin, cung cấp tài chính cho các thí nghiệm khoa học, bảo trợ các chương trình văn hóa giáo dục về Lenin…
Không kẻ nào có thể bôi nhọ uy tín của những người cộng sản, Lenin nói trong vở  kịch của M. Shatrov Chúng ta sẽ chiến thắng!, nếu như bản thân những người cộng sản không làm mất uy tín của chính mình. Rất tiếc đường lối sai lầm phản bội của Gorbachev và đồng bọn đã đưa ĐCS Liên Xô tới chỗ sụp đổ về phương diện chính trị và đạo đức, biến mình thành con tin và làm cho hàng triệu những con người chân thành tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội vào thế giơ lưng chịu đòn. Kết quả là các thế lực chính trị khác đã lên nắm chính quyền.

Tuy vậy, ngày 7 tháng 11 năm 1991 trước Lăng Lenin đã diễn ra cuộc mít tinh của hàng nghìn người do phong trào Moskva cần lao và Liên đoàn công nhân Moskva phối hợp tổ chức để kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Mười.


“11 giờ 30. - phóng viên viết - Một biển người từ dốc Vasilyevsky đổ xuống Quảng trường Đỏ. Tôi ngoái lại phía sau, toàn bộ không gian cho đến tận chân trời đầy người và cờ đỏ.


12 giờ 00. Biển người đứng lặng trước Lăng. Tuyên bố một phút mặc niệm và tưởng nhớ người Chiến sĩ vĩ đại đấu tranh cho tự do, công bằng xã hội và tình anh em.


Những người tham gia mít tinh phản đối đường lối của hai tổng thống đã đưa đất nước đến chỗ tan rã, đẩy nhân dân vào cảnh bần cùng. Sau đó biển người rộng lớn hầu như bùng nổ trong cơn phấn khích thống nhất. “Lenin! Lenin! Lenin!”, hàng chục nghìn người hô vang.  Các ngài đã nghe thấy tiếng nói của nhân dân chưa, hỡi “những kẻ muốn đào mồ” của Ilyich, những kẻ làm cho lăng tẩm của Người không được yên?” (báo Nước Nga mới số 21 năm 1991).


Cả Tổng thống Liên Xô lẫn Tổng thống Liên bang Nga không ai rời Điện Kremli ra gặp những người mít tinh để tham gia vào ngày lễ quốc gia không thể bãi bỏ được này.(…)


Nhưng chẳng bao lâu người ta dựng rào chắn đối với các cuộc mít tinh và biểu tình tuần hành trên Quảng trường Đỏ - mọi hình thức tổ chức quần chúng đông người, sắc lệnh của Yeltsin nêu rõ, chỉ được thực hiện khi “có sự cho phép của Tổng thống Liên bang Nga, khi đã thoả thuận với Bộ Tư lệnh Điện Kremli Moskva”.


Ai muốn loại lăng Lenin ra khỏi nghi lễ duyệt binh?


Ngày 27 tháng 3 năm 1995 trên lễ đài của Lăng Lenin có mặt Chánh văn phòng Phủ Tổng thống S. Filatov và Phó Thủ tướng Chính phủ Nga Yu. Yarov. Trong những ngày này mọi người đang chuẩn bị lễ duyệt binh long trọng trên Quảng trường Đỏ kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức. Từ năm 1990 người ta đã không tổ chức lễ duyệt binh. Các quan chức bước lên lễ đài đưa mắt định hướng xem nên để Tổng thống và Thủ tướng Chính phủ đứng ở đâu trong thời gian duyệt binh, các quan chức khác đứng ở chỗ nào trên lễ đài hai bên sườn Lăng, đồng thời họ cũng ước tính việc trang hoàng ngày lễ cho Quảng trường Đỏ sẽ như thế nào.


Khi ra về người này nhắc người kia rằng trong ngày Chủ nhật của Lễ Xá tội,  ngày 25 tháng 2, dự định sẽ cải táng di hài của gia đình Sa hoàng. “Và sau đó, - ông ta với vẻ coi thường và giận dữ, hất đầu về phía tường Lăng rồi nói, - chúng ta sẽ chôn cả lão này” (tức Lenin). Hai quan chức đó không rẽ vào Gian Tưởng niệm.


Ngày 9 tháng 5 năm 1995, kỷ niệm 55 Ngày Chiến thắng, lần đầu tiên từ sau năm 1991, Yeltsin bước lên lễ đài Lăng để chào mừng những cựu chiến binh và duyệt lễ diễu binh. Có vẻ như chính quyền muốn biểu lộ sự kính trọng cần thiết đối với người sáng lập và nhà lãnh đạo đầu tiên của Liên bang Nga, người xây dựng Hồng quân, đội quân đã cứu đất nước khỏi ách nô lệ của bọn phát xít, đã ném những lá quân kỳ thu được của các đơn vị quân đội Hitler bị tiêu diệt xuống chân tường Lăng vào lễ duyệt binh chiến thắng năm 1945.


Nhưng than ôi! Những người tham dự lễ duyệt binh long trọng và hàng triệu khán giả truyền hình không nhìn thấy trên Lăng hàng chữ LENIN quen thuộc. Nó bị che khuất sau dây hoa rèm màu xanh nhợt nhạt.


Toàn cảnh Quảng trường Đỏ với lăng Lenin (góc trái bên trên)
Toàn cảnh Quảng trường Đỏ với lăng Lenin (góc trái bên trên)

Những  người nghĩ ra các trò  này chính là cựu ủy viên dự khuyết BCT Trung ương ĐCS Liên Xô B. Yeltsin, S. Filatov (một trong những người năm 1992 đã đập vỡ bức tượng bán thân của Lenin trong phòng nghị sự của Xô viết tối cao Liên Xô trong Điện Kremli), Yu. Yarov hay những kẻ đã tham gia vào Hội đồng tướng lĩnh mở rộng của Bộ Quốc phòng dưới sự chủ trì của bộ trưởng P. Grachov ngày 22 tháng 6 năm 1994, thông qua quyết định đáng xấu hổ “loại Lăng Lenin ra khỏi nghi lễ duyệt binh”? (…)

Những hành động xúc phạm của những “nhân vật đổi màu” trong Điện Kremli ấy đã bị lên án mạnh mẽ trong vô số các cuộc mít tinh kỷ niệm ngày lễ 55 năm Chiến thắng phát xít diễn ra trong ngày hôm đó trên khắp nước Nga. (…)


Sự thật và bịa đặt về lăng Lenin và khu mộ bên tường thành Kremli
Sự thật và bịa đặt về lăng Lenin và khu mộ bên tường thành Kremli

Năm sau, ngày 9 tháng 5 năm 1996, trước kỳ bầu cử, tổng thống Yeltsin lại bước lên lễ đài Lăng để chào mừng vài nghìn cựu chiến binh của cuộc Chiến tranh Vệ quốc đội ngũ chỉnh tề diễu hành qua Quảng trường Đỏ. Hàng chữ LENIN lần này không bị che đi, điều mà tất cả nhà quan sát chính trị đều nhận thấy. Và không chỉ có họ nhận thấy.

Ngày 9 tháng 5 năm 1999 Yeltsin lại đứng trên lễ đài, nhưng là lễ đài khác - trước Lăng người ta dựng một bục lễ đài bằng gỗ - và ông ta chào mừng những cựu chiến binh và các học viên các trường quân sự và học viện quân sự diễu hành trên Quảng trường. (…)


Lịch sử không thể thay đổi


Bất chấp mọi trò láu cá và công cốc của chính quyền, họ vẫn không loại nổi Lăng Lenin ra khỏi nghi lễ duyệt binh trong ngày lễ chiến thắng. Hằng năm vào ngày 9 tháng 5 trên Quảng trường Đỏ lại được trang hoàng một tấm panô lớn trên có vẽ hình huân chương Chiến thắng với hình Lăng Lenin ở giữa. Thực ra họ có thể dẹp tấm panô không cho treo ở mặt tiền GUM, nhưng họ làm sao bỏ đi được chân dung Lenin khỏi những lá cờ đỏ đầy vinh quang tung bay trước gió của các đơn vị quân đội diễu binh? (…)


Năm 2000, sau một đợt tuyên truyền điên cuồng như thường lệ với lời kêu gọi xóa bỏ Lăng Lenin và Hàng mộ Danh dự ở chân tường thành Kremli, các thành viên của Hiệp hội thân nhân những người được an táng ở Hàng mộ Danh dự bên tường Kremli đã gửi một bức thư ngỏ cho Tổng thống Liên bang Nga V. V. Putin đăng trên Công báo Nga (22-12-2000), Báo Nghị viện (26-12-2000) và báo Nước Nga Xô viết (23-12-2000), trong đó phản đối chiến dịch tuyên truyền đáng xấu hổ đó. Họ tuyên bố kiên quyết phản đối việc xóa bỏ Lăng Lenin và Hàng mộ Danh dự, phản đối việc cải táng những người ruột thịt của họ.


Trong cuộc họp báo tổ chức ngay sau đó, Tổng thống Liên bang Nga tuyên bố rằng ông chống lại việc cải táng V. I. Lenin.

Xin nhắc thêm rằng, theo sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga, Yelena Gagarina, con gái của Yuri Alekseyevich  Gagarin - người được an táng ở Hàng mộ Danh dự - đã được bổ nhiệm làm giám đốc khu bảo tồn bảo tàng quốc gia Kremli Moskva.

Aleksel Abramov


(Theo Aleksel Abramov: Sự Thật Và Bịa Đặt Về Lăng Lenin Và Khu Mộ Bên Tường Thành Kremli, dịch giả: Trung Hiếu. Tuấn Khoa, Nxb Lao động - Nhã Nam, 2011).
-----------

Bí mật việc bảo vệ thi hài và lăng Lenin (I)


22/04/2011 09:33:37

Năm 2006 đúng vào dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Vladimia Ilich Lenin, Nga đã công bố nhiều tài liệu xưa nay vẫn được coi là tuyệt mật, trong đó có các tài liệu về việc bảo vệ thi hài và lăng Lenin trong suốt gần một thế kỷ.

Nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của Lenin
?

Sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, Lenin trở thành chủ tịch đầu tiên của nhà nước Xô viết. Vì vậy, các thế lực thù địch đã tìm mọi cách ám sát Lenin. Chỉ tính từ tháng 1/1918 cho tới tháng 8/1918 đã có ít nhất 4 vụ ám sát nhằm vào Lenin, mà vụ nghiêm trọng nhất xảy ra vào buổi tối ngày 30/8/1918 ở Moscow khiến ông bị thương nặng. Rất may, các chiến sĩ bảo vệ đã đưa Lenin đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm tới tính mạng. Tuy vậy lần ám sát này đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới sức khỏe của Lenin.


dd
Thi hài Lenin

Ngày 22/10/1922, sau khi rời khỏi trụ sở làm việc tại điện Kremli thì sức khỏe của Lenin đột ngột trở nên rất xấu. Chỉ trong vòng gần 2 tháng, ông đã viết tổng cộng tới 224 tài liệu, bao gồm các công hàm ngoại giao, các chỉ thị của chính phủ, thư từ. Ngoài ra, Lenin còn trực tiếp gặp gỡ 171 đại biểu bao gồm các thành viên của chính phủ, các ủy viên Hội đồng Quốc phòng, các ủy viên Bộ Chính trị, các đại biểu của công nhân, nông dân, binh sĩ. Đây cũng là một trong những lý do khiến sức khỏe của Lenin ngày càng giảm sút trầm trọng.

Sáng sớm ngày 21/1/1924, sau khi bóc tờ lịch bỗng nhiên Lenin cảm thấy 2 bên thái dương đau dữ dội và bị ngã ra giường. Tới 17h30’ cùng ngày, huyết áp của Lenin bị giảm đột ngột, và tới 18h45’, trái tim của ông ngừng đập.

Ngày hôm đó, 5 triệu tờ Sự thật (Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Liên Xô) đã được truyền tới tay những người dân Liên Xô báo tin đau buồn. Hơn 500 người, bao gồm các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô, các thành viên Hội đồng Bộ trưởng đã tới Gorki để vĩnh biệt Lenin mặc cho cái rét cắt da. Cùng với hơn 50 vạn người tham gia trên quãng đường dài 4 km, Họ đã khênh quan tài Lenin đi bộ trong vòng hơn 6 giờ, ra ga xe lửa để chuyển về Moscow.

Cùng thời gian trên, văn phòng chính phủ đã nhận được tới hơn 12.000 bức điện và thư của các tầng lớp nhân dân từ khắp nơi trên toàn lãnh thổ Liên Xô đề nghị có biện pháp bảo quản vĩnh viễn thi hài Lenin.

Phải bảo vệ bằng được thi hài Lenin

Trước yêu cầu đó, Bộ Chính trị đã nhất trí và quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt gồm một số các chuyên gia học hàng đầu có nhiệm vụ khẩn cấp trong vòng 3 tháng phải bảo vệ bằng được thi hài Lenin một cách lâu dài. Đây là công việc xưa nay chưa từng có ở nước Nga nói chung và trong giới y học Nga nói riêng, hơn nữa mức độ rủi ro là rất cao, vì vậy nhiều người đã không dám đảm nhận. Cuối cùng chỉ có duy nhất Sibarski, một nhà bác học chuyên ngành hóa sinh người Do Thái đã dũng cảm nhận công việc khó khăn này.

Để có được phương án tốt nhất, Sibarski đã ngay lập tức tiến hành vô số các thí nghiệm, nhưng đều thất bại. Một tháng đã trôi qua, làn da của thi hài đã bắt đầu xuất hiện những vết nhăn, dấu hiệu của sự hoại tử. Nghe được tin này nhà giải phẫu học Valuabov, giáo sư trường đại học Halikoe đã tự nguyện tới giúp đỡ. Valuabov đã từng thành công trong việc bảo vệ màu sắc, chống sự xuống cấp do mục nát của một loại lụa tơ tằm quý hiếm trưng bày tại viện Bác cổ của Sa hoàng.

Do sự thỉnh cầu của Sibarski, Valuabov đã đồng ý cùng Sibarski gánh vác trách nhiệm bảo quản bằng được thi hài Lenin. Họ đã sáng chế thành công một loại dung dịch có thể đáp ứng rất tốt cho công việc. Sau đó cả hai lập tức bắt tay vào việc giải phẫu thi hài, làm sạch các cơ quan nội tạng rồi truyền dung dịch nói trên vào hệ thống tuần hoàn. Đồng thời với việc ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn, hai nhà bác học cũng tiến hành dùng dung dịch để rửa sạch tất cả các bộ phận khác.


đ
Toàn cảnh lăng Lenin

Hai nhà khoa học này cũng đề nghị chế tạo quan tài và xây dựng lăng Lenin sao cho phù hợp với yêu cầu bảo quản thi hài một cách lâu dài. Theo thiết kế ban đầu thì lăng sẽ được xây dựng như một lễ đường lớn có kết cấu toàn bằng gỗ màu trắng. Cuối năm 1925, BCH TW ĐCS Liên Xô đã phát động một cuộc lấy ý kiến rộng rãi trong toàn dân về mẫu thiết kế nói trên. Theo tài liệu còn lưu trữ, thì đã có hơn 100.000 ý kiến đề xuất và mẫu thiết kế được gửi tới ban tổ chức.

Có phương án đề nghị xây dựng lăng có 26 tầng, trong đó có một phòng họp lớn dành cho các cuộc họp có tính quan trọng nhất của BCH TW hoặc chính phủ. Trên đỉnh tháp bố trí một ngọn đèn cháy sáng suốt ngày đêm tượng trưng cho tư tưởng Lenin sống mãi. Toàn bộ lăng sẽ mang dáng dấp của một quả cầu, bởi Lenin là người thuộc về toàn thế giới.


Cũng có đề án xây dựng lăng giống như tháp Eiffel của Paris để biểu trưng cho sự thắng lợi cuối cùng của cách mạng vô sản trên toàn thế giới. Cuối cùng, ban tổ chức đã chọn mẫu thiết kế của kiến trúc sư Sizenov vì đáp ứng tốt nhất tất cả những yêu cầu đã được đề ra. Đó chính là Lăng Lenin mà chúng ta đuợc thấy ngày nay.


Trong lăng, thi hài Lênin được quàn trong một quan tài làm bằng pha lê trong suốt, một tay nắm, còn tay kia để lên ngực một cách tự nhiên, hai mắt nhắm hờ.

V. Putin không muốn thi hài Lenin bị hỏa táng (II)


23/04/2011 07:25:41
Để đảm bảo việc giữ gìn thi hài Lenin không bị biến dạng, hơn 70 năm dưới chính thể Xô viết đã có tới 3 thế hệ các nhà khoa học Liên Xô nối tiếp nhau đảm nhiệm nhiệm vụ này.


TIN LIÊN QUAN

Một trong 3 sự nghiệp quan trọng nhất


Đảng Cộng sản và chính phủ Liên Xô luôn coi công việc này như là một trong 3 sự nghiệp quan trọng nhất, đó là: bảo quản tốt thi hài Lenin, phát triển ngành hàng không vũ trụ, nghiên cứu và phát triển năng lượng hạt nhân.

Việc bảo vệ thi hài Lenin là công việc hết sức phức tạp, thí dụ việc duy trì nhiệt độ trong phòng đặt quan tài Lenin luôn luôn phải ở 16 độ C với sai số không được vượt quá 0,7 độC. Để thực hiện công việc này luôn phải có 12 kỹ sư, bác sĩ chuyên ngành làm việc trong mỗi ca trực, và các ca phải trực liên tục 24/24 giờ. Còn kỹ thuật chống sự hoại tử thi hài thì được coi là một trong những bí mật trọng điểm của quốc gia.

Nhưng kỳ tích lớn nhất trong việc bảo vệ thi hài Lenin là việc di chuyển thi hài ra khỏi lăng vào năm 1941 khi Moscow bị Đức tấn công. Dưới sự chỉ đạo của Stalin, chỉ sau hai ngày nhận được lệnh di chuyển, Sibarski cùng các cộng sự chỉ kịp mang theo những máy móc và thuốc men cần thiết nhất cùng thi hài Lenin rời khỏi thủ đô.


đ
Lăng Lenin

Trong hồi ký của mình, khi nhớ lại sự kiện này, Sibarski đã viết: “Nhằm đảm bảo bí mật, chúng tôi đã xuất phát khỏi lăng vào nửa đêm 3/7/1941 và được một ủy viên Bộ Chính trị dùng xe tăng đón tại nhà ga Orkovsk. Sau khi thi hài và toàn bộ nhân viên cùng những người thân trong gia đình Lenin lên tàu, đoàn được hộ tống bởi 410 binh lính và sĩ quan Hồng quân".

Những ngày đó lại đặc biệt nóng. Để bảo vệ thi hài, họ đã phải dùng tới phương pháp rất thủ công, đó là xếp những thanh nước đá xung quanh quan tài, đồng thời phải dùng rượu cồn thường xuyên sát trùng để tránh hiện tượng hoại tử. Sau 5 ngày đoàn mới tới được Sumin (Uran) trong bối cảnh bí mật tuyệt đối.

Ngay cả Bí thư thứ nhất Khu ủy vùng đó cũng không được biết thực chất người ta đã đưa đoàn người này đến đây làm gì. Sau đó tất cả những người theo đoàn, trong đó có cả những người trong gia đình  giáo sư Sibarski đều phải lưu lại Xumin và được bố trí ở ký túc xá của Học viện Nông nghiệp, hoàn toàn cách ly với bên ngoài. Còn chiếc quan tài pha lê quàn thi hài Lênin thì được đặt tại phòng họp ở tầng hai của tòa nhà, và được gọi là “Phòng trắng” (Bạch cung).

Tại địa điểm mới, nhóm của giáo sư Sibarski gặp muôn vàn khó khăn trong công việc. Do chiến tranh mỗi ngày một ác liệt nên ngay cả khẩu phần lương thực cũng không đủ, thì cũng dễ hình dung ra những dụng cụ, thuốc men và những điều kiện khác phục vụ cho việc bảo quản thi hài thiếu thốn đến mức nào.

Nhưng chính tại nơi đây nhóm bảo quản do Sibarski đứng đầu đã phát minh ra những phương pháp bảo quản thi hài hoàn toàn mới. Thí dụ như Valuabov đã tìm ra phương pháp có tính đột phá trong công tác bảo vệ thi hài: khắc phục mỹ mãn toàn bộ những nốt tàn nhang trên khuôn mặt, đồng thời nâng cao được độ cao của mũi và con mắt như lúc Lênin còn sống.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn kéo dài, nhất là việc không thể duy trì được một nhiệt độ thích hợp, nên vào tháng 12/1943, thi hài bắt đầu xuất hiện hiện tượng hoại tử. Để khắc phục, các nhà bác học đành phải di chuyển thi hài xuống một căn hầm sâu dưới lòng đất với hy vọng lợi dụng được nhiệt độ thấp ở đây. Cho tới tháng 3/1945, khi mối đe dọa của quân phát xít đã bị đẩy lùi thì thi hài Lenin lại được đưa về Moscow để phục vụ nhân dân vào viếng.

Kể từ đó thi hài Lenin càng được bảo vệ hết sức cẩn trọng. Theo Giáo sư Delsunov, người trực tiếp lãnh đạo nhóm bảo quản thi hài, cho biết: mỗi tuần 2 lần vào thứ hai và thứ sáu, thi hài lại được tiến hành bảo dưỡng. Đầu tiên là thay bộ quần áo, sau đó thi hài được xử lý bằng chất liệu thơm rồi đưa vào phòng vô trùng để tiến hành kiểm tra một cách toàn diện.

Vẫn theo giáo sư Delsunov thì khi kiểm tra nếu phát hiện thấy bất kỳ một sự thay đổi nào, dù là nhỏ nhất, đều phải lập tức báo cáo lên Bộ Y tế Liên bang, và sau khi được Bộ chuẩn y mới được phép tiến hành các biện pháp khắc phục. Riêng người phụ trách phòng bảo ôn cứ 10 phút một lần phải báo cáo đầy đủ các thông số của phòng như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và phải chịu trách nhiệm duy trì các thông số cần thiết. Sau khi đã hoàn tất mọi công đoạn trên thì mới chỉnh sửa y phục, tư thế thi hài. Ngoài việc bảo dưỡng thường xuyên như trên, thì cứ nửa năm một lần thi hài được ngâm trong một loại dung dịch đặc biệt với thời gian kéo dài hai tuần liền.

V. Putin không muốn thi hài Lenin bị hỏa táng

"Sau khi Liên Xô sụp đổ, do rất nhiều nguyên nhân, chính quyền Nga khi đó đã không cấp kinh phí cho việc tiếp tục bảo quản thi hài Lenin. Phòng thí nghiệm lăng Lenin bị đổi tên thành “Trung tâm nghiên cứu y học kết hợp sử dụng thuốc thực vật toàn Nga”, khiến cho sự bảo quản thi hài ngày một khó khăn.

Trong suốt thập niên 90 của thế kỷ trước, việc bảo quản thi hài vẫn được tiếp tục, song hoàn toàn dựa vào sự tự nguyện của các cán bộ, nhân viên và các nhà khoa học, trong đó bao gồm cả con trai của Sibarski.

Cũng cần nói thêm rằng trong thời gian nói trên, nước Nga dưới quyền của Tổng thống Eltsin đã rộ lên cuộc tranh luận dai dẳng xung quanh việc di chuyển lăng và xử lý thi hài Lenin như thế nào.

Chỉ từ sau khi Putin trở thành tổng thống, thì cuộc tranh luận trên mới dần dần im hơi lặng tiếng. Cá nhân Tổng thống Putin không hề giấu giếm lòng tôn kính của mình đối với Lenin, hơn nữa ông còn cổ vũ người dân Nga “hãy tự hào với tinh thần cách mạng của giai cấp vô sản Nga”. Chưa đầy một năm sau trên cương vị tổng thống Nga, Putin đã phát biểu: ông không muốn thi hài Lenin bị mang đi hỏa táng, mà “cần phải bảo vệ sự yên tĩnh của Người”.

Cuối năm 2003, các nhân viên bảo vệ và các nhà khoa học đã tạm đóng cửa lăng để tiến hành bảo dưỡng thi hài và thay y phục của Lenin. Bakesov, người phụ trách lăng đã ra ra tuyên bố nhấn mạnh: “Thi hài Lenin vẫn được bảo quản rất tốt, ít nhất trong vòng hơn 100 năm nữa vẫn không có chuyện gì xảy ra”.

Theo ANTG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét