Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Ứng xử với nợ: Vay nước ngoài hay vay trong nước?

Ứng xử với nợ: 
Vay nước ngoài hay vay trong nước?
 
 
Nợ nước ngoài của Chính phủ và được Chính phủ bảo lãnh, giai đoạn 2006-2010 - Nguồn: Bộ Tài chính.
Với khối nợ nước ngoài cứ tăng dần, vấn đề cân đối nợ thế nào cho đủ, có lẽ, còn phải nhìn nhận ở góc độ ứng xử với nợ.

“Tổng dư nợ nước ngoài quốc gia tính đến 31/12/2010 là khoảng 42,2% GDP. Mặc dù vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng trong những năm gần đây nợ nước ngoài quốc gia có xu hướng tăng khá nhanh”, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) nói với VnEconomy.

 
Dù lý do được vị này cho biết là bởi vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp theo phương thức tự vay tự trả có xu hướng tăng nhanh, tuy thế, những quan ngại vẫn hướng vào con số 32,5 tỷ USD, so ra thì đã tăng thêm cỡ khoảng 4,6 tỷ USD so với cuối năm 2009.

Thực tế là với nợ nước ngoài, hay rộng hơn là nợ công quốc gia, quy định trần nợ so với GDP chỉ là một trong những tiêu chí đánh giá về an toàn nợ của Việt Nam. Bộ Tài chính, cơ quan chịu trách nhiệm chính về vấn đề này, còn xây dựng hàng loạt các chỉ tiêu đánh giá về an toàn nợ như dư nợ nợ nước ngoài quốc gia/GDP, nợ thương mại nước ngoài của Chính phủ/GDP, nghĩa vụ nợ Chính phủ/tổng thu ngân sách Nhà nước; trả nợ nước ngoài của quốc gia so với xuất khẩu hàng hóa dịch vụ…

Có vẻ việc giám sát và quản lý nợ rất chặt chẽ trên nhiều tiêu chí tổng hợp. Nhưng ngược lại, với góc nhìn nào đó, nợ vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng ở một vài chỉ tiêu cụ thể, nhìn tốc độ cứ tăng từng ngày không khỏi dẫn đến sự hoài nghi, khi an toàn nợ có thể bị đe dọa.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong một lần đăng đàn tại hội nghị về các vấn đề kinh tế vĩ mô cũng từng băn khăn rằng, nói nợ nước ngoài 20% GDP cũng an toàn, đến 40% cũng an toàn, nên vấn đề thế nào là an toàn rất cần được xác định rõ.

Với tiêu chí nợ nước ngoài so với GDP, trong giai đoạn 3 năm gần đây, từ cuối năm 2007-2010, chỉ tiêu này đã tăng thêm gần 10 điểm phần trăm và tiến rất gần với trần nợ quy định của Thủ tướng là 50% GDP.

Nhưng quan trọng hơn là con số này sẽ tiếp tục tăng nữa chứ chưa dừng lại ở đó. Một bản tin phát đi từ Bộ Tài chính cho biết, dự kiến năm 2011 nợ nước ngoài so với GDP sẽ khoảng 44,5%.

Theo Thông tư số 56/2011/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua, việc xác định hạn mức nợ nước ngoài từng năm đã có công thức cụ thể, theo đó có một chi tiết quan trọng là khi tăng trưởng GDP năm liền trước vượt qua được mức lãi suất vay bình quân gia quyền của các khoản vay trung dài hạn nước ngoài, thì chỉ tiêu nợ nước ngoài so với GDP năm sau sẽ tăng tương ứng.

Với tốc độ tăng trưởng GDP vẫn ở mức khá cao, trong khi tổng giá trị vay ODA hiện vào khoảng 75%, ngoài ra còn có vay ưu đãi khác (theo một số nguồn tin, lãi suất bình quân các khoản nợ nước ngoài hiện vào khoảng 2,1-2,6%) thì dư địa để tăng nợ còn dài. Và dù về pháp luật, việc tăng nợ so với GDP được “bảo vệ”, còn một quan điểm khác là vay nước ngoài “rẻ” hơn trong nước.

Theo Phó cục trưởng Hoàng Hải, việc tăng dần tỷ trọng huy động vốn trong nước là một trong những định hướng ưu tiên hàng đầu trong chiến lược nợ của Việt Nam. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Không phải là tăng tỷ trọng huy động vốn trong nước bằng mọi giá, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn nhận được nguốn vốn ODA của các nhà tài trợ thì cần tranh thủ tối đa do tính chất ưu đãi của nguồn vốn này”.

Củng cố thêm cho lý do phải tăng nợ nước ngoài, Bộ Tài chính khi trả lời kiến nghị của cử tri vào tháng 7 năm nay cũng dẫn hàng loạt dự án lớn như đường xuyên Á từ Tp.HCM đến Mộc Bài, hầm đường bộ đèo Hải Vân, cảng biển nước sâu Cái Lân, nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, hay các cầu Mỹ Thuận, Thanh Trì, Bãi Cháy… để cho rằng nguồn vốn này đã hỗ trợ tăng trưởng thế nào. Nhiều lần, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng phát biểu rằng, không ai chờ có đủ tiền mới đầu tư.

Nhưng với việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá “cắc bụp” mà hồi đầu năm nay đột ngột dâng lên 9,3%, có lẽ những khoản vay với lãi suất thấp bằng USD cũng cần được xem lại.

Xu hướng mất giá của VND, đáng quan ngại là không chỉ xảy ra trong năm nay mà đã có “tiền sử” nhiều năm, và vấn đề dường như ngày càng nghiêm trọng. Năm 2007, tỷ giá cuối kỳ tại bản tin nợ nước ngoài số 7 của Bộ Tài chính cho thấy, VND đã mất giá 2,16% so với USD, trong so sánh với năm trước; 2008 là mất giá 4,1%; đến năm 2010 thì lên mức 10,26%.

Nếu so tốc độ lạm phát (năm 2010 là 11,75%; năm 2009 là 6,52%) với tổng giá trị của lãi suất bình quân các khoản vay nước ngoài và biên độ thay đổi tỷ giá như nêu trên, thực tế là vay nước ngoài chưa chắc có lợi hơn trong nước.

Ở một góc nhìn khác, với khối nợ lên tới hơn 40% GDP thì chính sách tỷ giá bị kẹp cứng và mất đi ít nhiều khả năng linh hoạt. Những quyết định điều chỉnh tỷ giá sẽ là “đòn cân não” với nhà điều hành, khi mà dự trữ ngoại hối bị “rút ruột” nặng nề sau mỗi lần can thiệp ngoại hối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét