Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Quốc hiệu Việt Nam có từ bao giờ?

Quốc hiệu Việt Nam có từ bao giờ?

(ĐVO) Hiện, nhiều người vẫn tưởng lầm rằng hai từ Việt Nam nói chung và quốc hiệu Việt Nam nói riêng chỉ bắt đầu xuất hiện vào năm Giáp Tý (1804) dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn, nhưng có nhiều tài liệu lại cho rằng chính hoàng đế Quang Trung là người đặt ra quốc hiệu này.
Căn cứ vào các tư liệu, tư tịch cổ được các nhà nghiên cứu phát hiện đã chứng minh rằng hai tiếng Việt Nam đã có từ xưa (ít nhất cũng từ thế kỷ 14) và (có thể) chính thức trở thành quốc hiệu nước ta vào năm Nhâm Tý (1792) đời Vua Quang Trung nhà Tây Sơn. 
Việc tưởng lầm rằng hai từ Việt Nam nói chung và quốc hiệu Việt Nam nói riêng chỉ bắt đầu xuất hiện vào năm Giáp Tý (1804) là căn cứ vào ghi chép tại bộ Đại Nam thực lục chính biên nói về việc vua Gia Long từ năm Giáp Tý (1804) đã liên tiếp cử 2 đoàn sứ bộ (do Trịnh Hoài Đức và sau đó là Lê Quang Định) sang nhà Thanh để giao thiệp và xin đổi quốc hiệu là Nam Việt.   

Sợ rằng sau đó nhà Nguyễn dựa vào quốc hiệu Nam Việt để đưa ra yêu sách về lãnh thổ được rộng lớn như lãnh thổ nước Nam Việt thời nhà Triệu nên vua Thanh gửi cho vua Nguyễn một bức thư có đoạn: “…Nên lấy chữ Việt mào ở trên để tỏ rằng nước nhân đất cũ mà nối được tiếng thơm đời trước, lấy chữ Nam đặt ở dưới để tỏ rằng nước ở bờ cõi Nam giao ... Tên xưng chính đại, chữ nghĩa tốt lành, mà đối với tên gọi cũ của Lưỡng Việt ở nội địa vốn xưa đã có tên là Nam Việt lại phân biệt được ra”.
Sau khi nhận tước phong Việt Nam quốc vương, tháng 2 năm Giáp Tý (1804) vua Gia Long xuống chiếu ban bố việc đặt quốc hiệu mới là Việt Nam. Chiếu viết rằng:
“Đế vương dựng nước, trước phải trọng Quốc hiệu để tỏ thống nhất. Xét từ các đấng tiên thánh vương ta xây nền dấy nghiệp, mở đất Viêm bang, gồm cả đất đai từ Việt Thường về Nam, nhân đó lấy chữ Việt mà đặt tên nước. Hơn 200 năm, nối hòa thêm sáng, vững được nền thần thánh dõi truyền, giữ được vận trong ngoài yên lặng. Chợt đến giữa chừng, vận nước khó khăn, ta lấy mình nhỏ, lo dẹp giặc loạn, nên nay nhờ được phúc lớn, nối được nghiệp xưa, bờ cõi Giao Nam đều vào bản tịch. Sau nghĩ tới mưu văn công võ, ở ngôi chính, chịu mệnh mới, nên định lấy ngày 17 tháng 2 năm nay, kính cáo Thái miếu, cải chính Quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến Quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa”....
Chính do văn bản này được phổ biến rộng nên năm Giáp Tý (1804) được coi là năm xuất hiện của quốc hiệu Việt Nam. Vậy thật sự hai tiếng Việt Nam xuất hiện từ bao giờ và trở thành quốc hiệu khi nào?
Có nhiều nhà nghiên cứu đã cất công đi tìm lời giải đáp này và họ đã tìm được 12 tấm bia có niên đại thế kỷ 16-17 khắc hai chữ Việt Nam, ngoài ra còn một bản in khắc gỗ từ năm 1752 cũng có danh xưng Việt Nam. Như vậy hai tiếng Việt Nam đã có từ lâu. Một số tác phẩm cổ cũng nhắc đến chữ Việt Nam như cuốn Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc (đời Trần, thế kỷ 14), cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi (đời Lê, thế kỷ 15)….
Về ý nghĩa, phần lớn các tài liệu đều cho rằng từ “Việt Nam” được kiến tạo bởi hai yếu tố: chủng tộc và địa lý (người Việt ở phương Nam). Nếu xét theo phương diện rộng thì “Việt Nam” chính thức được sử dụng chính thức là quốc hiệu vào năm Giáp Tý (1804), tuy nhiên có một tài liệu khác lại cho biết quốc hiệu Việt Nam còn xuất hiện sớm hơn, cụ thể là vào năm Nhâm Tý (1792) đời vua Quang Trung. Trong bộ sách Dụ Am văn tập của Phan Huy Ích - một cận thần của nhà Tây Sơn, trong đó có một văn bản do ông “phụng mệnh vua soạn thảo” mang tiêu đề “Tuyên cáo đặt mới quốc hiệu”.
Bản chiếu này viết: “Xuống chiếu cho thần dân trong thiên hạ đều biết.
Trẫm nghĩ: Xưa nay các bậc đế vương dựng nước, ắt có đặt quốc hiệu để tỏ rõ sự đổi mới, hoặc nhân tên đất lúc mới khởi lên, hoặc dùng chữ nghĩa tốt đẹp. Xét trong sách cũ đã có chứng cớ rõ ràng
Nước ta, sao Dự, sao Chẩn, cõi Việt hùng cường. Từ trước đã có Văn Lang, Vạn Xuân nhưng còn quê kệch. Đến đời Đinh Tiên Hoàng gọi là Đại Cồ Việt, nhưng người Trung Quốc vẫn gọi là Giao Chỉ. Từ đời nhà Lý về sau quen dùng tên An Nam do nhà Tống phong cho ngày trước đặt làm hiệu nước. Tuy vậy, vận hội dù có đổi thay nhưng trải bao đời vẫn giữ theo tên cũ, thực là trái với nghĩa chân chính dựng nước vậy.
Trẫm nối theo nghiệp cũ, gây dựng cơ đồ, bờ cõi đất đai rộng nhiều hơn trước. Xem qua sổ sách, tuần xét núi sông, nên đặt tên tốt để truyền lâu dài.
Nay ban đổi tên nước là Việt Nam
Đã báo sang cho Trung Quốc biết rõ.
Từ nay trở đi, cõi Viêm bang bền vững, tên hiệu tốt đẹp gọi truyền. Hễ ở trong bờ cõi đều hưởng phúc thanh minh.
Vui thay.
Nghĩa xuân thu nhất thống đã truyền khắp bốn phương, ân huệ lâu dài và muôn phúc cao dày mọi người cùng hưởng. Vậy bá cáo rộng khắp để mọi người đều biết
Nay chiếu”. (Trần Lê Hữu dịch)
Như vậy, căn cứ vào các tư liệu, tư tịch cổ được các nhà nghiên cứu phát hiện đã chứng minh rằng hai tiếng Việt Nam đã có từ xưa (ít nhất cũng từ thế kỷ 14) và (có thể) chính thức trở thành quốc hiệu nước ta vào năm Nhâm Tý (1792) đời Vua Quang Trung nhà Tây Sơn.
Lê Thái Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét