Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2022

Cần xóa bỏ định kiến "SP tốt XK, hàng lỗi tiêu thụ trong nước"

Lưu bài này vì có nhắc tới TS Nguyễn Minh Phong người cách đây mấy hôm một bạn FB hỏi nhưng tôi quên mất tên bác TS này. Hơn chục năm nay không gặp bác, nhất là chán khi thấy bác vì ham chức quyền đã bỏ chức Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, chuyển về báo Nhân Dân làm phó trưởng Ban (cấp Vụ phó) tuyên truyền lý luận của báo Nhân Dân, rồi viết toàn những bài lăng nhăng theo ý Đảng nhưng không hợp lòng dân. Xem một bài bác viết đầu năm 2021 dưới đây thì biết. Chắc giờ về hưu xấu hổ vì cái chức danh hão "phó trưởng Ban" ở báo Nhân Dân nên trong bài viết này bác sử dụng lại chức danh nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, nghe oai và được nhân dân kính trọng hơn nhiều. Ở nước ngoài, danh hiệu "Tiến sĩ kinh tế" thường không oai và không được tôn trọng bằng danh hiệu "Nhà kinh tế - Economist", hay "Kinh tế trưởng -Chief Economist", vì "Tiến sĩ kinh tế" chỉ là nghiên cứu, còn "nhà kinh tế" vừa nghiên cứu, vừa chỉ đạo điều hành kinh tế. Tôi đồng ý với TS Phong trong bài này là nên quan tâm nhiều hơn tới thị trường trong nước, nhưng thực tế rất khó vì chính sách của Đảng và Nhà nước là ưu tiên sử dụng đầu tư nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài này vào VN chủ yếu để làm hàng xuất khẩu về phục vụ chính quốc và các nước giầu (thay vì sản xuất trong nước họ với chi phí cao, họ sang VN sản xuất với chi phí thấp rồi mang hàng về bán cho nhân dân nước họ tiêu dùng). Mặt khác, thu nhập của người dân VN rất thấp, nếu chú trọng nhiều tới thị trường nội địa thì sẽ phải giảm giá bán, tương đương với giảm chất lượng sản phẩm. Điều này không thể chấp nhận được vì như thế sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp trong nước phải nói "Xin lỗi, chúng tôi không xuất khẩu những sản phẩm tốt, chúng tôi dành để tiêu dùng trong nước" và "Hãy mua những sản phẩm xấu, bị lỗi, bốc mùi của chúng tôi vì để phục vụ thị trường nội địa thì chúng tôi chỉ cần làm những sản phẩm như thế". Kết luận chung là hãy để người dân tự sản xuất hàng hóa theo cách họ cho là có lợi nhất, nhà nước đừng can thiệp vào. Muốn làm được điều này, nhà nước phải cho phép họ tự do thành lập các Hiệp hội, Hợp tác xã... để thông tin và bảo vệ, giúp đỡ nhau. Đáng tiếc sau hơn 20 năm soạn thảo, dự luật về các Hội, Hiệp hội vẫn chưa được Quốc hội thảo luận để ban hành.
Cần xóa bỏ định kiến "sản phẩm tốt xuất khẩu, hàng lỗi tiêu thụ trong nước"
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, muốn thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông thủy sản trong nước, cần xóa bỏ định kiến "sản phẩm tốt xuất khẩu, sản phẩm lỗi để tiêu thụ trong nước". Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại cuộc tọa đàm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thủy sản tại thị trường nội địa do Báo Dân việt tổ chức hôm nay (7/1).

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Theo số liệu thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay Việt Nam có khoảng 800 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp phục vụ xuất khẩu và không ít các cơ sở này cũng đã quan tâm nhiều đến thị trường nội địa. Bên cạnh đó, Việt Nam có trên 3.200 cơ sở quy mô nhỏ chuyên chế biến các sản phẩm thủy sản phục vụ nội địa với tổng sản phẩm khoảng 600.000 tấn và giá trị đạt 23.000 tỷ đồng mỗi năm.


Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới đến nay đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, cụ thể như: Chi phí vận chuyển, kho bãi tăng cao do đứt gãy một số khâu trong chuỗi cung ứng logistics toàn cầu. Tại một số thị trường áp dụng các biện pháp phong tỏa cục bộ dẫn đến hàng hóa gặp khó khăn khi tiếp cận đến người tiêu dùng truyền thống. Thị trường Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm tra khắt khe hơn về kiểm dịch, làm gia tăng chi phí.

Tại cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam - cho rằng: Nhìn các mặt hàng nông sản của Việt Nam ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc "xót xa lắm", vì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, tìm giải pháp để tiêu thụ được nông thủy sản trong nước là việc làm rất quan trọng.


Ông Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Thị trường Việt Nam có 100 triệu dân, mà thị trường có 5-7 triệu khách hàng đã rất quý rồi. Hình như các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản "xem nhẹ" thị trường trong nước quá, vì chủ yếu tập trung xuất khẩu. Thị trường trong nước đã thay đổi mạnh mẽ, đời sống người dân nâng cao, chất lượng bữa ăn đã nâng cao nên người dân có nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông thủy sản chất lượng" - ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay hệ thống giao thông vận tải rất thuận lợi, kết nối giữa các vùng không còn khó khăn, do đó việc đưa sản phẩm nông thủy sản đến với các vùng quê rất thuận lợi. Ông mong các nhà xuất khẩu, phân phối sản phẩm nông thủy sản phải thực sự quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa.

Ông Lê Thanh Hòa - Cục phó Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - cho biết, năng lực sản xuất nông thủy sản của Việt Nam rất lớn. Hiện nay, Việt Nam đang trong top 56 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu trên thế giới.

Đối với khai thác thủy sản, ông Hòa cho biết, hiện nay đang dịch chuyển từ khai thác tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản, để phục vụ cho xuất khẩu bền vững. Có rất nhiều sản phẩm thủy sản của Việt Nam vào được thị trường khó tính trên thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng đến thị trường tiêu thụ trong nước.


Ông Lê Thanh Hòa, Cục phó Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam để sửa đổi một số qui định về dư lượng chất kháng sinh trong các sản phẩm thủy sản. Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông thủy sản tại thị trường nội địa" - ông Hòa nói.

Cũng về nội dung trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đưa ra quan điểm: Việt Nam là một cường quốc về nông thủy sản. Tổ chức thị trường bán lẻ thế giới đánh giá, Việt Nam là một trong 5 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới, thu hút nhiều đơn vị phân phối nước ngoài vào.

Thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân, với khả năng thanh toán ngày càng cao, nhu cầu rất mở rộng. Ngay trẻ em sơ sinh đến thời điểm ăn dặm đã được các ông bố, bà mẹ cho ăn những sản phẩm thủy sản cao cấp như cá hồi, các cụ già về hưu cũng sử dụng những sản phẩm này.

"Thị trường Việt Nam rất dễ tiêu thụ cho nông thủy sản ở Việt Nam, bởi đa dạng khách hàng, có bộ phận bình dân với thu nhập bình thường, có bộ phận cao cấp thu nhập cao. Nó khác với xuất khẩu, chỉ hướng đến khách hàng cao cấp" - ông Phong nói.

Theo ông Phong, dường như các doanh nghiệp đang "bỏ quên" thị trường nội địa, bởi các nguyên nhân như coi nhẹ thị trường trong nước, thích ngoại tệ, thích cùng một lúc xuất khẩu vài trăm container hơn là bán lẻ trong nước. Bên cạnh đó, chúng ta đã để lại định kiến rất quan trọng, đó là thời kỳ trước chúng ta hàng tốt xuất khẩu để lấy ngoại tệ, sản phẩm lỗi bán trong nước, tạo ra suy nghĩ là "hàng kém chất lượng thì bán trong nước".

"Ngoài ra, một thời gian người sản xuất nông thủy sản dùng nhiều chất kích thích, dẫn đến người tiêu dùng trong nước mất niềm tin với sản phẩm trong nước nên đã bỏ tiền ra mua các hoa quả, thủy sản nhập, mặc dù sản phẩm trong nước giá rẻ hơn nhiều, bởi vì họ không dám ăn chứ không phải không có tiền. Tất cả việc này là rào cản về mặt nhận thức, chúng ta cần thay đổi vấn đề này", ông Phong cho biết.

Từ thực trạng đó, tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung đưa ra các giải pháp làm sao thúc đẩy tiêu thụ được nông thủy sản tại thị trường nội địa. Trong đó, các ý kiến đều cho rằng, cần thay đổi khâu chế biến, bảo quản để phù hợp với tập quán, khẩu vị tiêu thụ sản phẩm nông thủy sản của người dân từng vùng; có chính sách trợ giá cho các đơn vị phân phối sản phẩm nông thủy sản tiêu thụ trong nước như: giảm thuế, giảm giá thuê mặt bằng; hỗ trợ quảng bá... từ đó giá thành được giảm xuống, phù hợp với túi tiền của số đông người dân Việt Nam...

Nguyễn Dương

https://dantri.com.vn/xa-hoi/can-xoa-bo-dinh-kien-san-pham-tot-xuat-khau-hang-loi-tieu-thu-trong-nuoc-20220107164916202.htm
---------------------------

Động lực và kỳ vọng mới cho nền kinh tế Việt Nam năm 2021

24/01/2021 - Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
  Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phóng viên báo Tin tức đã phỏng vấn chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong (nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội) về những vấn đề phát triển kinh tế của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong “bầu trời u ám” kinh tế thế giới năm 2020, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng. Những thành công này không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả tổng hợp và thước đo hiệu quả khả năng tự chủ, tự cường, phản ứng chính sách và phản ứng thị trường đồng bộ cùng một quá trình phấn đấu lâu dài, không ngừng nghỉ của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, cũng như toàn thể cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam. Theo ông, những động lực và kỳ vọng mới cho phát triển nền kinh tế Việt Nam năm 2021 là gì?

Mặc dù năm 2020 ghi nhận những suy giảm mạnh về tăng trưởng và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của tất cả các nước trên thế giới, song âm hưởng chung hội tụ trong các đánh giá và dự báo về kinh tế Việt Nam là rất tích cực. Việt Nam nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng dương (2,91% GDP), là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V, với mức tăng trưởng dự báo từ hơn 6% tới 11,2% trong năm 2021...

Động lực và triển vọng tích cực tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam trước hết dựa trên sức chống chịu và đà phát triển năm 2020, với quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN; GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD đứng thứ 6 ASEAN. Lạm phát được kiểm soát vững chắc ở mức thấp; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định; tăng trưởng kinh tế từng bước dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ cấu thu, chi ngân sách Nhà nước chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển và giảm tỷ trọng chi thường xuyên...

Động lực tăng trưởng năm 2021 cũng được củng cố và mở rộng từ cải thiện môi trường đầu tư và triển khai hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam vẫn nằm trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư (năm 2019, đứng thứ 8, tăng 15 bậc; năng lực cạnh tranh xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018).

Đặc biệt, Việt Nam đã thực sự trưởng thành và nâng cao một bước vị trí, uy tín và năng lực đảm nhận"trọng trách kép" trong năm 2020, khi đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch ASEAN. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã và đang có những bước tiến lớn nhằm thúc đẩy vị thế là một nhà lãnh đạo khu vực…Đây là một đỉnh cao thắng lợi của đường lối đối ngoại đa phương của Đảng, tiếp thêm sinh khí mới để chúng ta tự tin và chủ động tiếp tục tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Động lực tăng trưởng năm 2021 cũng được tiếp nối từ những thành tựu về du lịch: Năm 2020, Việt Nam lần thứ hai liên tiếp đoạt giải "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2020" của tổ chức World Travel Awards (WTA - Giải thưởng Du lịch Thế giới) đã khẳng định sức cuốn hút về bề dày văn hóa, lịch sử và thành công của du lịch Việt Nam...

Động lực cho năm 2021 cũng tích hợp và tỏa sáng từ những thành tự phát triển bền vững của Việt Nam, với vị thế là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được 5 mục tiêu hành động của Liên hợp quốc về phát triển bền vững 2020. Chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam tiếp tục cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập, mặc dù mức chi tiêu công cho y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội thấp hơn. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2020 ước khoảng 4,7%, giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những Quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo.

Đặc biệt, động lực và kỳ vọng mới cho năm 2021 được gia tăng cùng với sự thăng hạng vượt trội về giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam: Theo Brand Finance (Anh), hãng chuyên định giá thương hiệu quốc tế, trong năm 2020, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2019 - mức tăng nhanh nhất thế giới. Nhờ đó, giá trị thương hiệu Việt Nam đã tăng 9 bậc so với cùng kỳ và đạt thứ hạng 33 trên thế giới. Giá trị thương hiệu Việt Nam tăng mạnh nhờ vào việc phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Mức độ thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam tỷ lệ thuận với tinh thần Cách mạng và quyết tâm chính trị trong triển khai đổi mới có hiệu quả tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; xây dựng Đảng vững mạnh gắn liền với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vững mạnh của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, theo những chuẩn mực quản trị tốt, phục vụ phát triển và có khả năng xử lý, ứng phó linh hoạt với những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn.

Thưa ông, Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm mới, nổi bật là sự khẳng định: “Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đồng nghĩa với coi xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN là một quá trình dài”; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước để tạo sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước trước mọi biến động của thực tiễn. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Dự thảo lần đầu tiên đưa ra và khẳng định tầm quan trọng của xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; đề cao vai trò của các tổ chức xã hội trong tạo lập sự liên kết, phối hợp hoạt động giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên, bảo vệ lợi ích thành viên, phản ánh nguyện vọng người dân, phản biện và giám sát thực thi pháp luật…

Tuy vậy, cũng chính tại nội dung này, quan hệ biện chứng giữa Nhà nước, thị trường và xã hội cần được làm rõ hơn, trong đó có cơ chế quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước không hoạt động trong lĩnh vực lợi nhuận, không phải cạnh tranh với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, do đó không thể hoạt động theo cơ chế thị trường.

Hơn nữa, cần làm sâu sắc hơn chức chức năng Nhà nước trong vai trò chủ động hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những điều ước và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; tăng cường đào tạo cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; nâng cao năng lực dự báo và ngăn chặn, trung hòa các tác động mặt trái của kinh tế thị trường; là “nhạc trưởng” giữ nhịp và đảm bảo ổn kinh tế vĩ mô, bảo vệ sự cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ các cam kết, quy luật và quy trình kinh tế trong hội nhập quốc tế; đẩy mạnh đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ kinh tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác; nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ các biến động kinh tế thế giới; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ doanh nghiệp và thị trường trong nước…

Quá trình Đảng ta không ngừng hoàn thiện, củng cố nhận thức toàn diện, đầy đủ, sâu sắc và tổ chức xây dựng hiệu quả mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là biểu hiện và thước đo sự thành công bản lĩnh, trí tuệ về đổi mới và Cách mạng của Đảng. Đồng thời, đó cũng là quá trình tạo lập và hiện thực hóa các mục tiêu, động lực và cơ chế để gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy dân chủ, sáng tạo và bảo vệ quyền con người, quyền công dân và để người dân được hưởng thụ ngày càng nhiều hơn thành quả của công cuộc đổi mới; để giữ vững được ổn định chính trị và kinh tế, củng cố đồng thuận và đoàn kết xã hội, không ngừng cải thiện các quan hệ và vị thế quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam phát triển nhanh, bền vững hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và toàn diện hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương / (Tin Tức/TTXVN)
https://daihoidang.vn/dong-luc-va-ky-vong-moi-cho-nen-kinh-te-viet-nam-nam-2021/1288.vnp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét