Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Bayxa Tinh: Đôi lời về dân chủ của anh Duyên

Đôi lời về tản mạn dân chủ của anh Nguyễn Thế Duyên
Bayxa Tinh/ Quê Choa - Tôi chưa gặp anh, nhưng cũng từng biết anh là một nhà văn. Tôi cũng có đọc một số tác phẩm của anh. Anh viết có những câu chuyện rất hay. Nhất là về tình yêu. Nhưng cũng có những chuyện mang hơi hướng tuyên truyền. Và thật ngạc nhiên là hôm nay, anh đã bước sang một lĩnh vực khác. Là nói chuyện về chính trị.

Tôi cũng là một người rất thích tranh luận về chính trị. Vì đơn giản với tôi là qua đó, tôi có thể biết phần nào những sự thật, mà vì một số lý do nào đó, người khác đã không nói ra. Anh nói anh không phải là Đảng viên, tôi tin vào điều đó, Và anh cũng nên tin tôi cũng không đảng phái gì hết, cũng không phải người làm hay đòi dân chủ chi cả, chỉ là một công dân bình thường. Về gia đình tôi, là gia đình có công với cách mạng. Bà ngoại tôi là mẹ Việt Nam anh hùng.

Khi nói về mô hình dân chủ Phương Tây, chúng ta phải công nhận một điều : Nó rất ưu việt. Vì nó cho ta thấy một ví dụ sống động về cuộc sống thoải mái cả về tinh thần lẫn vật chất của người dân. Đã từng có báo chính thống ca ngợi Thụy Sỹ gần như sắp tiến tới CNXH.

Tôi tin rằng, có thể mô hình dân chủ Phương Tây chưa phải là mô hình hoàn hảo nhất cho loài người. Nhưng theo tôi, có lẽ nó là mô hình mà loài người phải đi qua.

Đọc bài của anh, tôi thấy có những điểm tương đồng với suy nghĩ của tôi. Gốc rễ nằm ở 3 vấn đề sau: (Nếu cả ba vấn đề này nếu cùng thỏa mãn thì mô hình dân chủ Phương Tây sẽ được áp dụng hoàn toàn thích nghi với bất kỳ Quốc gia nào).

1. Là các nước đó ít nhiều đã có sự phát triển của CNTB, đây có thể xem là điều kiện cần. Vì CNTB sẽ khơi mào cho sự đa nguyên về chính trị. Những nước còn hoặc vừa thoát ra khỏi chế độ Phong kiến thì mầm đa nguyên chưa kịp phát triển. Mà anh biết rồi đó, chế độ Phong kiến là chế độ độc tài. Nó sẽ bóp chết những phản kháng ngay từ trong trứng. Nên những chế độ tiếp sau ấy, nếu không phát triển qua CNTB sẽ thừa hưởng sự độc tài từ chế độ phong kiến. Như Lybi, Trung Quốc chẳng hạn.

2. Là trình độ dân trí của người dân phải đạt đến 1 mức nào đó để nhận thức được và sẵn sàng bảo vệ quyền của họ. Đó là quyền bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình , tự do học thuật , quyền tự chủ đại học hay quyền sở hữu ruộng đất…

3. Cuối cùng, là điều quan trọng nhất. Đó là những người lãnh đạo phải là những người tài giỏi, đủ tâm, đủ tầm để hướng nhân dân đi theo đúng quỹ đạo mô hình dân chủ. Nhằm tránh những xáo trộn xã hội sau khi chuyển tiếp.

Do đó, chúng ta có thể thấy một số nước vừa quay sang mô hình dân chủ đã thích nghi ngay. Nhưng có những nước lại xảy ra đủ thứ chuyện hậu dân chủ, cũng như Miền Nam trước kia và bây giờ là Lybi, I Răc, Ukraina.

Riêng chuyện anh nói về chủ nghĩa Mác thì tôi không đồng ý một vài điểm. Anh nói các bạn hiểu gì về chủ nghĩa Mác, và anh bảo là anh chưa thấy nó sai ở đâu. Tôi có thể chỉ ra chỗ sai đầu tiên cho anh thấy. Mặc dù tôi cũng không phải là nhà triết học, cũng là người rất ngưỡng mộ ông Mác.

Xét về lý thuyết, lẽ ra giai cấp Vô sản phải thành công trong việc giành được chính quyền ở những nước mà nền Công nghiệp phát triển mạnh mẽ, giai cấp Công nhân cũng phát triển mạnh mẽ tương ứng. Nhưng suốt một thế kỷ qua, không có trường hợp nào như vậy.

Ngược lại, ở những nước mà giai cấp Vô sản giành được chính quyền. Những nước đó còn đang ở chế độ Phong kiến, hoặc vừa mới thoát ra khỏi Phong kiến, và nền Công nghiệp hầu như chưa phát triển. Vậy thì lý do tại sao?

Chỉ có một cách giải thích, đó chính là những cuộc khởi nghĩa nông dân. Nhưng lần này, không phải là các anh hùng áo vải, mà như là sự xếp đặt của lich sử hay ta gọi là số phận cũng được, lãnh đạo phong trào là các ĐCS. Như vậy, giữa lý thuyết và thực tiễn đã có sự khác biệt ngay từ đầu.

Vì chính bản thân Mác cũng không thể tưởng tượng được là giai cấp vô sản (mà thực chất ở đây là nông dân) lại thành công trước khi ra đời CNTB. Do đó, ông không hề đề cập đến chuyện quá độ từ Phong kiến bỏ qua CNTB đi lên CNXH. Ông chỉ đưa ra quá trình quá độ từ CNTB kên CNXH sau khi giai cấp vô sản đã đào mồ chôn CNTB.

Do đó, anh nói Lê Nin sai là không đúng, mà Lê Nin chỉ chữa cháy cho giáo trình bằng cách thêm vào phần quá độ từ Phong kiến bỏ qua CNTB đi lên CNXH. Đó chính là Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước.

Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ, muốn Công Nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước thì nền kinh tế phải phát triển, mà muốn nền kinh tế phát triển thì bắt buộc phải trải qua kinh tế thị trường. Nhưng muốn kinh tế thị trường khởi sắc thì phải cho tư hữu hóa tư liệu sản xuất, vậy thì đi một vòng CNTB sơ khai bắt đầu xuất hiện. Do đó, để kềm hãm sự xuất hiện, hoặc không muốn thấy CNTB thì chính quyền lại không dám cho tư hữu hóa. Chính vì sự không đồng nhất về phát triển chính trị và kinh tế nên nền kinh tế sẽ trở nên trì trệ, gia tăng ngày càng sự bất mãn của người dân. Và cuối cùng điều gì đến đã đến. Thành trì của phe XHCN sụp đổ. Tất nhiên ngoài ra còn có các yếu tố khác. Nhưng theo tôi, có lẽ đó là nguyên nhân chính, vì không có chính sách phát triển phù hợp với dòng chảy của lịch sử.

Còn câu hỏi cuối của anh. Tôi đã trả lời anh bằng ba vấn đề ở trên. Mong được trao đổi nhiều thêm với anh.

Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét