Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Bàn về dân chủ: Vài lời với bạn Bay Xa Tình

Vài lời trao đổi với bạn Bay Xa Tình
Nguyễn Thế Duyên - Trước tiên xin cám ơn bạn đã đọc những truyện ngắn của tôi. Xin đừng gọi tôi là nhà văn. Với tôi nó to tát quá e không vác nổi. Tôi chỉ là một kẻ đam mê nhưng tôi xin giải đáp cái thắc mắc. “Và thật ngạc nhiên là hôm nay, anh đã bước sang một lĩnh vực khác. Là nói chuyện về chính trị.”
 
Một người cầm bút không thể không quan tâm đến đời sống xã hội. Cái nghèo đói bất công hàng ngày đập vào mắt mình buộc ta phải suy tư. Bạn nói tôi có những truyện có hơi hướng tuyên truyền là đúng đấy. Nhưng đó là những truyện của thời xưa bạn ạ. 

Tôi từng là lính đánh nhau ở chiến trường Tây nguyên.Thời ấy tôi tin lắm và những nhân vật tôi viết ở thời ấy cũng tin như tôi và tôi viết về họ là rất thật. Thật trong cái suy nghĩ của tôi và thật trong cái suy nghĩ của họ nữa. Nhưng bây giờ thì khác rồi. Bây giờ tôi hay viết về cuộc đời và những số phận cay đắng của họ. Thôi về văn chương chỉ nên nói đến đây còn tôi xin đi vào những vấn đề mà bạn hỏi.

Trước tiên tôi muốn nói với bạn tại sao tôi viết bài “Tản mạn về dân chủ” này.

Ngày xưa Mác chỉ phân ra vô sản lưu manh và vô sản có tổ chức. Nhưng ngày nay lưu manh len lỏi khắp nơi. Trí thức lưu manh và các nhà dân chủ cũng có những nhà dân chủ lưu manh. Cứ nhìn vào hai cuộc biểu tình ở Bình dương à ở Vũng áng ta sẽ thấy rõ điều này. Khi cuộc cướp phá xảy ra, tôi cũng nghĩ nó chỉ là những cuộc hôi của lặt vặt thôi. Nhưng khi được biết số tiền mà chính phủ bồi thường cho các nhà đầu tư nước ngoài lên đến hàng trăm tỉ thì tôi nhận thấy vấn đề thật là nguy hiểm.

Dân trí của nước ta phải nói là thấp nếu như không muốn nói là rất thấp. Một số đông người không có tri thức mà chỉ tiếp nhận dân chủ theo kiểu bầy đàn. Thậm chí có người còn hô hào “Bắn vào đầu bọn …..” (Xin lỗi tôi định tìm câu nguyên văn của một nhà dân chủ nhưng tôi không tìm được) Khi Nguyễn quang A lên tiếng phản đối thì lập tức mọi người xúm vào chửi bới ông. Hay nhìn vào hiện tượng Trương duy Nhất, khi ông ta phản đối Bùi Hằng là người phụ nữ tiêu biểu của năm lập tức ông bị ăn chửi nhưng khi ông bị bắt thì cũng là ông ấy thôi chẳng có gì thay đổi thì lập tức ông được tung hô. Những nhà dân chủ như thế mà nắm được chính quyền thì tôi không biết đất nước sẽ đi về đâu.

Còn một loại nhà dân chủ khác khá hơn loại tôi vừa kể nhiều. Họ có học nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi cái trí thức việt nam “Duy ngã độc tôn”Cái gì hợp với nhận định của họ thì họ ủng hộ cái gì chỉ cần trái một chút thôi với nhận định của họ là họ hoặc là phản đối hoặc là lờ đi coi như không biết . Trong những trang mạng về dân chủ tôi công nhận duy nhất có trang ba sàm là dân chủ thực sự ( Cho đến bây giờ). Lẽ ra khi gặp những ý kiến trái với nhận định của mình thì trước tiên cần kiểm tra lại kiến thức mình cái đã ,nếu không thấy vấn đề gì thì trao đổi tranh luận một cách đàng hoàng.

Tôi không cho người có học đã là người trí thức. Người trí thức phải là người biết vận dụng các kiến thức mình có để phân tích nắm được bản chất của vấn đề. Trái tim có thể là cái dẫn hướng nhưng tìm ra đường đi phải là cái đầu. Thông tin trên mạng rất nhiễu loạn. anh phải dùng cái đầu tỉnh táo và nhạy cảm của mình để phân tích xem sự thật đến đâu. 

Tôi lấy ví dụ vừa hôm nay có tin ẩu đả ở Hồng công, thế là mạng rầm rộ đưa tin theo cái hướng “Chính quyền thuê côn đồ đối phó với người biểu tình”. Thế mà có ông trí thức đã vội tin rồi tung tin đi. Tôi không tin.! Điều đó có thể xảy ra ở việt nam, ở trung quốc đại lục, ở Nga chứ không thể có ở Hồng công vì rằng báo chí Hồng công thực sự là một nền báo chí dân chủ không bị kiểm soát bởi chính quyền. Nếu làm điều này, lập tức báo chí sẽ tìm ra. Và chính quyền hồng công chẳng dại đến thế. Và tối nay tôi đọc BBC đã thấy đăng cảnh sát bắt người đánh đập những người biểu tình ôn hòa trong đó có nhiều người của hội tam hoàng.

Tôi là người yêu dân chủ nhưng tôi là một trí thức. Vậy nên tôi viết bài này để cảnh báo mọi người.

Tôi đọc bài trao đổi của bạn, tôi thấy tôi với bạn chỉ vướng nhau ở mỗi chủ nghĩa Mác thôi. Lẽ ra, tôi chỉ cần trao đổi cái điều vướng ấy thôi là đủ. Nhưng mà thành thật xin lỗi bạn, bên trang ba sàm có bạn Trường Sơn đang hùng hổ muốn sòng phẳng với tôi bằng một bài phản biện. Thực ra thì bài phản biện của bạn ấy chẳng có một chút lý luận gì cao siêu đến độ tôi không tranh luận được mà là cách phản biện của bạn ấy khiến tôi không muốn tranh luận. Vả lại hình như bạn ấy chẳng hiểu tôi nói cái gì. Tôi nói con gà bạn ấy đi phản biện con vịt nên tôi cũng chẳng biết phải viết gì để trả lời bạn ấy, Nên tôi xin tóm tắt lại những ý chính của bài “Tản mạn về dân chủ” (Xin lỗi chủ nhân của trang Blog và mong anh cho phép) Bài viết của tôi chỉ có 3 ý chính

1-Định nghĩa thế nào là một nước dân chủ gồm 2 ý

a- về chính trị đa nguyên, đa đảng

b- Về dân quyền công nhạn và thực thi các quyền tự do phổ quát đã được cộng đồng quôc tế thừa nhân

2- Điều kiện cần (Cần thôi chưa phải là điều kiện đủ) cho một cuộc cách mạng dân chủ thành công gồm ba ý
a- Có một đảng đối lập đủ mạnh

b- Có một hạ tầng cơ sở đủ cho dân chủ phát huy các mặt tích cực của nó (nó chính là điều thứ 2 của bạn nhưng thực ra không chỉ là dân trí đâu mà còn cần có một số điều nữa

c- Kết luận : Nước ta chưa hội tụ đủ cả hai yếu tố trên

3--Lời khuyên

a- Không nên đòi đa đảng vào lúc này phải chờ đợi khi kinh tế phát triển đến một độ nào đó tự khắc đảng đối lập mạnh sẽ hình thành

b- Không thụ động khoanh tay ngồi chờ sung rụng mà tập trung vào giải quyết điểm b cơ sở hạ tầng nhưng cần phải phân biệt rõ nên đòi hỏi nhà nước cái gì trước, cái gì sau (Có lộ trình)

c- Hết sức tránh khiêu khích chính quyền -đừng đòi hỏi những cái không có giá trị gì ,những thứ nó tự tan biến đi khi đa đảng hình thành thì đừng đòi hỏi (Như quân đội cảnh sát trung với nước chẳng hạn) Những thứ đòi hỏi mà nếu nhà nước đồng ý cũng không thể thực hiện được thì cũng đừng đòi hỏi (Quyền im lặng)

Tất cả đơn giản chỉ có thế. Vậy nên khi tranh biện phải tập trung vào những ý ấy còn tất cả những cái khác chỉ là sự dẫn giải và tôi đã cố gắng dẫn giải một cách đơn giản nhất với mục đích cho dù những người không có trình độ cũng có thể hiểu được

Thực ra về chủ nghĩa Mác chỉ là vấn đề phụ ( Nằm trong phần diễn giải) gần như buột miệng nói ra nhưng lại là vấn đề làm nhiều nhà dân chủ bực mình vậy tôi sẽ mạn đàm với các bạn.

Thứ nhất tôi không hề nói Mác không sai ( Bạn xem lại bài viết) mà tôi nói Mác sai ở ngay điểm cốt tử của chủ nghĩa Mác. Tôi phân chủ nghĩa Mác làm hai phần. Mác –ăngen và Mác- Lê nin. Thú thật tôi rất thích Mác –ăngen . Tôi thích ông ở khái niệm mâu thuẫn , phép duy vật biện chứng và phép duy vật lịch sử. Mác đã viết nên một lý thuyết rất đẹp làm động lực cho con người vươn tới

Thứ hai. –Tuy là rất mê Mác ăngen nhưng tôi vẫn tỉnh táo suy nghĩ xem cái sai nào của ông đã dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa và tôi thấy rằng ông đã sai lầm ở chỗ ông cho rằng “Giai cấp công nhân là giai cấp tiên phong đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” . Tại sao ông lại đưa ra nhận định này? Vì ông dựa trên một tiên đề ( Tôi gọi là tiên đề vì rằng ông không chứng minh) “ Gai cấp công nhân là một giai cấp có tính tổ chức và kỉ luật cao nhất của xã hội”. Thực ra tiên đề này là sai. Nó sai ở hai điểm.

A- Tính tổ chức, tính kỉ luật nó không nằm trong tự thân người công nhân. Một người công nhân đang làm việc trong công xưởng khi bị thất nghiệp, lập tức tính tổ chức và kỉ luật của anh ta biến mất và anh ta lại giống hệt như những người vô sản lưu manh(Cụm từ vô sản lưu manh là tôi dùng đúng từ của Mác dùng chứ không có ý thóa mạ hay khinh bỉ gì). Vậy nên tính tổ chức và kỉ luật của giai cấp công nhân không phải là phẩm chất của tự thân giai cấp ấy mà là do của giới chủ áp đặt vào. Vậy nên tính tổ chức, tính kỉ luật phải nói đó là tính của giới chủ mới chính xác

B- Thời Mác sống là thời mới bắt đầu của cuộc cách mạng cơ khí hóa. Ông không thể ngờ được cái sức mạnh của khoa học kĩ thuật lại lớn đến vậy . Ở kỉ nguyên tự động hóa con người hoàn toàn có thể tạo ra một nhà máy không có người công nhân nào (Đồng nghĩa với việc giai cấp công nhân biến mất)

Vậy nên tầng lớp tiên tiến nhất của xã hội phải là giới trí thức.( Tôi gọi là giới vì Mác không cho tầng lớp trí thức thành một gia cấp) Và giới chủ thực chất là những người trí thức (Làm việc bằng đầu óc).

Tuy vậy chủ nghĩa Mác không mất đi cái giá trị của nó. Tôi cảm thấy xã hội đang tiến lên theo đúng những điều Mác đã dự đoán dù rằng vẫn rất mờ nhạt. Nhưng vài trăm năm nữa tôi cho rằng điều Mác nói sẽ thành hiện thực mà vài trăm năm đối với lịch sử không phải là dài

Vậy thì chủ nghĩa tư bản sẽ tự nó thay đổi như một sự tiến hóa đến cái mà Mác vẫn ước mơ. Như ví dụ về Thụy sỹ của bạn. Nếu bạn nhìn vào hệ thống an sinh xã hội của các nước tư bản tiên tiến (Các nước phát triển cao thôi chứ không phải là tất cả các nước tư bản hiện nay) bạn sẽ thấy bóng dáng của điều Mác nói. Và việc tổ chức Liên hợp quốc thành hình bạn có thấy bóng dáng sơ khai của sự đại đồng?

Về chủ nghĩa Mác Lênin

Tất nhiên khi lấy Mác là người khai sinh ra mình thì những học trò của ông sẽ thừa hưởng cái sai lầm của ông. Nhưng những học trò của Mác còn mắc một cái sai nữa đó là chủ nghĩa Mác không tính đến những quy luật của tâm lý con người. Mác hoàn toàn dựa vào logic một cách lạnh lùng để đưa ra lý thuyết của mình. Nhưng con người lại không lạnh lùng như Mác. Không phải Mác không biết đến điều này. Sinh thời ông đã thừa nhận rằng lí thuyết của ông không thể giải thích được quy luật vận động xã hội của các nước phương đông. Tức là về mặt con người không thể chỉ có logic. Con người có mặt tốt, có mặt xấu như tham lam, ích kỉ, vụ lợi, ghen ghét…V….V…Càng ngèo khổ thì tính xấu của con người càng phát triển mạnh. Khi càng no đủ, dư thừa thì mặt tốt của con người lại phát triển và mặt xấu của nó càng teo lại. Tôi cho rằng điều này là một quy luật tâm lý của loài người. Bạn nói đúng đấy. Các nước xã hội chủ nghĩa đều đi lên từ chế độ phong kiến rất nghèo khổ vậy nên tính xấu của con người càng mạnh mẽ và cái tâm lý ấy đã phá vỡ những quy luật khách quan khác.

Không phải vô tình Mác chỉ nói tiến lên chủ nghĩa xã hội thông qua giai đoạn phát triển TBCN. Khi ở giai đoạn TBCN phát triển rất cao của cải dư thừa và những thói xấu của con người biến mất. Các bạn thấy đấy các nhà tỷ phú lúc về già hầu như ai cũng mang tiền bạc của mình cả đời giành giật đi làm từ thiện . Câu “Lòng tham không có đáy” chỉ đúng lúc túng đói thôi. Còn nếu khi đã dư thừa mà thói xấu của con người không biến mất thì tôi tin rằng chẳng bao giờ có chủ nghĩa xã hội cả

Trước sau gì lịch sử cũng sẽ đi theo đúng con đường của nó và chắc bạn cũng nhận ra các nước XHCN đang đi vào đúng con đường lich sử mà Mác đã chỉ ra trong tiến trình phát triển của xã hội loài người.

Tuy vậy tôi thực sự kính trọng những người cộng sản thế hệ đầu tiên của thế giới và của đất nước( Thế hệ đầu tiên thôi đấy). Họ là những tấm gương chói ngời về xả thân vì lý tưởng của mình

Thôi nói đến thế thôi nhỉ. Đây là điều đại kị của chế độ nên tôi không muốn nói nhiều tất nhiên còn nhiều điều lắm. Tôi chỉ muốn nói với bạn rằng Dân chủ không thể nhập khẩu nhưng thực chất nền dân chủ XHCN của tất cả các nước đề nhập khẩu từ liên xô.

Dân chủ thì ai cũng muốn nhưng còn cái giá của dân chủ là gì thì cần tỉnh táo các bạn ạ.

Nếu các bạn có ý kiến gì khác tôi xin kính cẩn rửa tai lắng nghe nhưng xin các bạn nhớ cho tôi chỉ trao đổi với những bài viết có trí tuệ, có văn hóa. Còn những bài, viết những điều ai cũng biết thì tôi không thể phản hồi vì tôi lập tức sẽ trở thành kẻ diễn biến hòa bình đấy.

À quên còn điều này nữa xin trả lời ban biên tập ba sàm : Từ bỏ điều 4 của hiến pháp khác với từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Theo định nghĩa về dân chủ các bạn chỉ có quyền đòi hỏi từ bỏ điều 4 mà không có quyền đòi hỏi từ bỏ chủ nghĩa cộng sản của những người cộng sản. Khi lập luận một vấn đề ta phải bám vào định nghĩa bạn ạ

Thân ái chào tất cả các bạn

Nguyễn thế Duyên
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
(Quê Choa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét