Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Tê tái nơi… “chợ người”

Tê tái nơi… “chợ người”

(PL&XH) - Giữa cái rét như cứa da cứa thịt của tiết trời Hà Nội ngày đầu tháng Chạp, hàng trăm con người vẫn co ro ở góc phố nọ, đầu cầu kia, chờ được bán sức mình vì cơm áo, gạo tiền...
Vất vưởng mưu sinh6g sáng, cơn mưa nhỏ lất phất khiến tiết trời Hà Nội càng thấu lạnh hơn. Gió lùa tê tái, trên đường, ai nấy đều co ro, run rẩy, cắm đầu lao xe vun vút để sớm đến đích tránh cái rét thấu ruột gan. Thế mà giữa thời tiết ấy, hàng trăm lao động ở các khu “chợ người” vẫn oằn mình chống chọi, chờ được bán sức, và mong cho một ngày may mắn.
6g10 ở cầu Mai Động, khu “chợ người” vốn đã tồn tại vài thập kỷ ở Hà Nội, không cứ những đàn ông trung niên, mà ngay cả những thanh niên chỉ mười tám đôi mươi cũng đứng co quắp, hàm nọ đập hàm kia, run cầm cập. Thấy có người tấp xe vào, cả đám xúm lại “việc gì đấy anh”. Cái lạnh dường như khiến câu hỏi của họ thêm yếu ớt. Biết chưa gặp may, họ đều im lặng, ai nấy mắt ngước ra đường, tiếp tục ngóng chờ. 
Các lao động ở đây cho biết, năm nay kinh tế khó khăn, khiến công việc của họ cũng vì thế mà ít đi hẳn, thu nhập giảm rõ rệt. “Đói lắm ạnh ạ! Mấy năm trước, thời gian này là lúc bọn em nhiều việc nhất, còn năm nay thì cứ đứng với nhau thế này thôi” - một lao động than thở. “Tình hình thế này, không biết Tết có mang về cho bà xã cái bánh chưng nào không đây” - nhóm người cười, nói hùa thêm vào. 

Vài năm trở lại đây, khu vực gần chợ Xanh, khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai xuất hiện một “chợ người” khá đông; đây là nơi tụ tập của hàng trăm lao động thời vụ, cả nam lẫn nữ. 6g50 sáng mùng một đầu tháng Chạp cuối năm, góc đường giáp chợ Xanh, nhóm thanh niên đứng lố nhố, mắt hóng ra đường chờ được bán sức. 

Cạnh đó, các nữ lao động ngồi bệt dưới vệ hè, khoanh tay ngồi chống rét, mặt kín mít khăn với áo; xung quanh nào thúng mủng, quang gánh… mắt không ngừng đau đáu, chờ được đổi sức lấy tiền. Cứ mỗi lần có ai đó ghé sát hè, ánh mắt họ lại sáng lên. “Nhà “nàm” gì vậy anh?” - thấy tôi tấp xe vào, một nữ lao động giọng ngọng líu, đon đả. “Có nhà đâu mà “nàm”! - tôi đùa lại. “Không có nhà thì “nàm” ở “nhà” khác”. Một phụ nữ giọng chua đáp lại rồi cả nhóm cười khúc khích.

Các lao động ở “chợ người” vẫn co ro dưới cái rét tê tái, chờ được bán sức mình vì mưu sinh.     Ảnh: V. Giang

Cách đó chừng 200m, một nhóm hơn chục người, cả trung tuổi lẫn thanh niên túm năm tụm ba bên đống lửa cháy đùng đùng. Để chống chọi với cái rét, họ nhặt nhạnh những cành cây khô, khúc gỗ mục đốt lên sưởi. Đa số các lao động ở khu vực này đều đến từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, số ít còn lại là Thanh Hóa, Hưng Yên…

Họ bảo, năm nay kinh tế khó khăn nên công việc rất hiếm. Đó cũng là lý do tại sao họ lại tụ tập đông như vậy. “Không có việc, ra đây đốt lửa túm tụm lại cho vui nên mới đông vậy, chứ ngồi nhà trọ còn chán hơn” - một lao động trung tuổi người Nam Định, giải thích.

Nói lý do vì sao không ở quê làm ruộng, chăn nuôi, họ bảo, giá thức ăn chăn nuôi cao, đầu vào thì nhiều, đầu ra thì ít, giá cả lại thất thường nên cứ nuôi là lỗ nên thà cứ đi bán sức thế này, được thì ăn, đói ráng chịu, còn hơn. “Dù công việc bấp bênh, còn hơn làm ruộng, chăn nuôi mà mắc nợ ngân hàng” - một người nói.

Lao động ở khu vực gần cầu Vân Đồn có lẽ là “chợ người” lâu đời nhất nhì Hà Nội. Họ đến từ khắp nơi, từ Bắc Ninh, Hưng Yên, Tuyên Quang cho đến Thanh Hóa, Nghệ An… với công việc đa số là lao động chân tay. “Nhưng nói chung là cứ miễn người ta thuê, có tiền bọn em làm tuốt, không vi phạm pháp luật là được” - một cô gái Thanh Hóa, chia sẻ.

Một lao động quê ở Vĩnh Phúc, tâm sự, nhà anh còn hơn một sào ruộng nhưng vợ chồng làm chẳng đủ ăn nên anh đi làm thuê. Đứng gần đống lửa cho đỡ lạnh, anh bảo, đã làm ở đây nhiều năm nhưng chưa năm nào thấy khó khăn như năm nay. “Thời điểm này vài năm trước dân họ sửa nhà cửa đón Tết, bọn em còn có việc đều đều, năm nab y thì toàn đứng tán gẫu với nhau. Có hôm làm được 400 - 500 nghìn đồng nhưng cả tuần không có việc, lại ăn hết” - anh chia sẻ. 

Quanh khu vực dốc Bưởi, gầm cầu Long Biên hay Mai Dịch, một điểm dễ nhận thấy, tất cả các lao động ở các “chợ người” này đều chịu chung tình trạng “ế sức”. Công việc ít, họ tụ tập lại, đốt lửa sưởi ấm, tán gẫu chờ may mắn.


“Không còn đường nào khác” 
Đa số các lao động ở các khu “chợ người” rời quê tới TP mưu sinh do công việc nông nhàn, thu nhập thấp. Thế nên cứ ngày này qua ngày khác, họ vẫn mặc nắng mưa, gió bụi, nguy hiểm tàn phá sức khỏe để đứng ở “chợ người”, mong được bán sức mình. “Dù vất vả nhưng có thu nhập. Sống năm sáu năm ở đây rồi, về quê không biết làm gì ra tiền” - một lao động gần cầu Long Biên, bày tỏ.

Càng về thời điểm cuối năm, lượng người ở các vùng nông thôn đổ về Hà Nội tranh thủ kiếm việc thời vụ càng đông. Công việc ở “chợ người” cũng đủ dạng, từ phụ hồ, bốc xếp hàng tại các khu chợ, leo cây chặt cành, dọn dẹp nhà cửa, dọn phế liệu công trình... Họ đến từ các vùng miền khác nhau nhưng đều chung cảnh thiếu ruộng vườn sản xuất hay cố thay đổi cuộc sống cơ cực bần hàn. 

Sinh hoạt của các lao động thời vụ rất tạm bợ, chui rúc trong những khu ổ chuột; nhiều người còn tiếc tiền không thuê nhà ở mà ăn ngủ vạ vật ngay tại các khu chợ hoặc gầm cầu, với khoản kiếm thất thường, bèo bọt và trông đợi vào... may rủi, bữa ăn của họ cũng đạm bạc, qua loa. Cường độ làm việc nặng nhọc, vì cuộc sống, họ bất chấp và tự hủy hoại sức khỏe của chính mình.

Anh Luân, một lao động ở khu vực Mai Dịch cho hay, dù công việc vất vả, đối mặt với nhiều rủi ro, song dường như anh không còn lựa chọn nào khác. “Làm nông nghiệp thu nhập thấp, chi phí nhiều, ruộng thì ngày càng hạn hẹp, không đừng được chúng tôi mới phải ra đây để có tiền nuôi con cái học hành” - anh nói.

Giữa cái lạnh tê tái, những người lao động lam lũ mỗi người một cảnh tượng, dáng vẻ; người đứng, người ngồi, người nằm tạm bợ trên những chiếc xe cà tàng, người gục mặt tranh thủ ngủ… những gương mặt bơ phờ, hốc hác, sạm đen vị bụi đường, nhưng vẫn cố gắng gượng vì mưu sinh. “Thằng này hôm qua vớ được cuốc bốc xe cốp pha trên Lạc Long Quân ngon quá còn gì, về ngủ nhường anh em làm đi” - anh Kiên, lao động ở dốc Bưởi đập nhẹ vai người thanh niên đang gục đầu ngủ gà, nửa đùa nửa thật.

Không chỉ bấp bênh, những lao động tự do này phải đối diện với tai nạn rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không trừ ai. Cũng dễ hiểu, vì họ cần một công việc, để có tiền và họ chấp nhận. “Hôm qua phá cái tường, bị xà-beng rơi đúng mắt cá, nay mới thấy đau” - một lao động đứng ở cầu Mai Dịch, “khoe” mắt cá chân sưng tấy như quả chanh lên dẫn chứng.

Dù vấn đề việc làm cho người lao động nông thôn đã được bàn tới, bàn lui song cho đến nay, tình trạng nhiều nông dân bỏ ruộng lên TP kiếm việc dường như vẫn là bài toán chưa có lời giải. Một cái Tết lại sắp cận kề, lượng lao động từ các tỉnh lẻ đổ về Thủ đô ngày một đông; và có một câu hỏi muôn thuở lại được đặt ra: Đến bao giờ cảnh tượng này không còn ở các TP lớn?

8g30 sáng, dù cuối tuần nhưng dòng người vẫn tấp nập đổ ra đường. Đâu đó, không khí Xuân đang bắt đầu ùa về trên những sắc lá. Và ở những góc cầu, cuối phố, những phận người mưu sinh kia vẫn nhếch nhác, tê tái trong gió rét, mong sức lao động của mình được đổi lấy những đồng bạc thành thị, để gia đình có Tết. 

    Quang Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét