Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Gặp người nuôi chín con voi


Voi vốn là loài động vật được yêu mến, quan tâm của con người. Một con voi trưởng thành thường có trọng lượng 2,5 đến 4 tấn, hiện có giá từ 150 triệu đồng đến cả tỷ đồng/con, ngang với giá một chiếc xe hơi. Voi ăn uống thế nào, sinh hoạt ra sao? Có rất nhiều câu chuyện lý thú, cảm động về loài vật đáng yêu này.
Người sở hữu nhiều voi nhất hiện nay là anh Đàng Năng Long (SN 1962), mang hai dòng máu Chăm - Kinh. Anh sinh ra và lớn lên ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, hiện là chủ một doanh nghiệp, “đại gia” có tiếng ở khu du lịch hồ Lắk, là con cháu đời thứ ba trong một gia đình có truyền thống chuyên nghề săn bắt, mua bán và thuần dưỡng voi. Hiện anh sở hữu chính thức sáu con voi và nhận nuôi giùm ba con voi khác của người thân, họ hàng, nâng tổng số đàn voi lên chín con. 
Theo anh Long, khác với việc nuôi trâu bò, một người có thể canh giữ cả đàn, mỗi con voi cần một nài (người chăm sóc) voi. Tại nhà anh Long, năm nài voi là con cháu, người thân trong gia đình được bao ăn ở; bốn người khác có nhà riêng nên thường tối về nhà, sáng ra lại đến chăm sóc voi. Có khi họ mắc lán trại, trông giữ voi khi chúng được thả trong rừng vài ngày hoặc thỉnh thoảng theo voi tham gia lễ hội tại nhiều tỉnh, thành. Mỗi tháng, nài voi nhận lương 2 triệu đồng/người. 
Ông chủ thân thiết bên chú voi Y Chum 
Ông chủ Đàng Năng Long cũng từng là một nài voi “xịn”. Anh kể, để duy trì việc nuôi dưỡng sáu con voi, vợ chồng anh đã bán ba căn nhà tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Gia đình anh nuôi voi với mục đích bảo tồn (voi), không dùng voi vào lao động như kéo, chở hàng hay làm dịch vụ chở khách du lịch. 

Voi, theo tiếng Ê Đê là Yo, nghĩa là ông/ngài. Theo lời anh Long, từ đời ông nội, cha mẹ và họ hàng anh đã sở hữu “qua tay” đến hơn 700 con voi. Trong đó, người vợ thứ ba của cha anh là bà Sao Thông Chăn (người Lào) nổi tiếng với nghề “đầu tư” cho các cuộc săn voi ở Đắk Lắk và từng là địa chỉ buôn voi có tiếng toàn vùng Tây nguyên và một số nước Đông Nam Á. Từ sau giải phóng, vai trò và giá trị của voi giảm đi rất nhiều. Đó cũng là nỗi buồn với những người từng gắn bó với loài voi. Người nuôi voi thường tổ chức lễ cúng khá thành kính (cúng heo hoặc gà) cho voi cứ ba tháng một lần để cầu sức khỏe, sự bình an. Có khi lễ cúng được tổ chức vào những ngày thời tiết chuyển mùa, chứ không theo định kỳ. 

Mặc dù là con vật có giá trị cả về vật chất lẫn tâm linh, nhưng không phải chủ voi nào cũng đối xử với voi như với thú cưng. Tùy điều kiện, kinh tế, hoàn cảnh, voi được “nghỉ ngơi ăn chơi”, “cõng” khách - phục vụ du lịch hoặc phải lao động: kéo gỗ, thồ nông sản sau mỗi vụ thu hoạch (diễn ra thường ngày vào khoảng gần 10 năm về trước).

Trong số những con voi anh Long nuôi dưỡng, con Y Trút sống “thọ” nhất: 92 tuổi. “Trẻ” nhất là con Dòng Boọc: 26 tuổi. Bộ ba “chàng” voi, gồm: Y Trút, Bắc Lanh (29 tuổi), Béc-Khăm (43 tuổi) từng làm ông chủ “nở mày nở mặt” bởi vẻ đẹp mã và oai dũng nức tiếng. Cả Y Trút lẫn Béc-Khăm đều nổi danh tài nghệ, từng “ẵm” nhiều giải thưởng qua các kỳ lễ hội đua voi lừng lẫy. Cả hai từng là những thớt voi chiến của Buôn Đôn, có nhiều chiến tích trong những lần cùng các Gru (thợ săn voi) đi săn voi rừng. Bắc Lanh từng được nhiều người biết đến là gã voi “điển trai” nhất bầy voi nhà ở Tây nguyên bởi nó có cặp ngà cong, cân đối; bộ lông dày, mượt mà, đuôi dài. Tiếc rằng Y Trút đã chết (năm 2007) vì ăn phải cỏ nhiễm thuốc trừ sâu ở gần hồ Lắk. Một năm sau đó, Béc-Khăm cũng bỏ mạng vì chuyện lâm tặc cưa gỗ lậu, cây đổ ầm ầm trong rừng làm nó đang nhởn nhơ ăn cỏ, hoảng sợ tháo chạy, vấp chân lao xuống vực. Số phận Bắc Lanh cũng không kém phần bi thương: trước tình trạng “voi tặc” quá lộng hành, lo sợ chính cặp ngà đẹp và cái đuôi dài đen mượt sẽ làm khổ nó, dù thương chú voi đến đứt ruột, anh Long cũng đành ngậm ngùi cưa bớt cặp ngà và bấm sạch lông đuôi của nó, cất đi. Có như thế anh mới yên tâm cho sự sống của nó. Giờ thì voi Bắc Lanh đã bị cụt ngà, lông đuôi trụi lủi (!). Nuôi voi vất vả, tốn kém, nhiều lần anh Long tính bán hết cho khỏe nhưng rồi vì trót “mê” voi, anh không đành lòng “chia tay” chúng.

Tên của các con voi thường có phiên âm theo tiếng Lào, Ê Đê, M'Nông, bởi ông tổ của nghề săn voi là người Lào đến Đắk Lắk sinh sống, sau truyền nghề cho các Gru người M'Nông, Ê Đê. Anh Long cho biết, mỗi con voi có một tính nết riêng như con người vậy. Có con thích ăn quà vặt, có con làm biếng, con sát chủ, con hiền khô, con bướng bỉnh... Món “khoái khẩu” nhất của voi là mía. Mỗi con, mỗi ngày có thể xơi đến cả tạ, nhưng hầu hết người nuôi chỉ dám cho ăn cầm chừng. Khả năng hấp thụ của voi chỉ 30% lượng thức ăn voi đưa vào cơ thể. Một con voi cái mang thai khoảng 24 tháng mới sinh con. Con cái khoảng chín tuổi là có thể làm mẹ. Nhiều năm nay, voi Tây nguyên khó sinh sản do quá già yếu, khả năng thụ thai kém nên đến nay mới chỉ có ba con voi con được ra đời ở các huyện Lắk, Buôn Đôn, Ea Súp (Đắk Lắk). Nhưng chỉ còn duy nhất một con sống sót, hiện đã được chủ bán cho Khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương (cả mẹ lẫn con).

Trước đây, người nuôi voi thường sợ nếu để voi cái mang thai sẽ mất hơn hai năm ròng rã không lao động giúp gia chủ được nên luôn tìm cách ngăn cản sự gặp gỡ của các “chàng - nàng” voi. Chưa kể, nếu voi đực cố tình yêu voi cái, làm “cô nàng” bị thương, chủ của voi đực sẽ phải chịu đền tài sản theo yêu cầu của đằng “nhà gái” nên họ càng ra sức cấm cản. Thêm nữa, các “nàng” voi cũng nổi tiếng “đoan chính”, hay “mắc cỡ”, lảng tránh mỗi khi voi đực có ý ve vãn nên suốt nhiều năm qua, voi Tây nguyên gần như tuyệt tự. Mối quan tâm lớn nhất mà anh Long theo đuổi là việc nghiên cứu nhằm giúp voi sinh sản. Dự án này nhận được sự hỗ trợ của một tổ chức về bảo tồn voi Tây nguyên. Nhưng xem ra đến nay, anh đã hết kiên nhẫn vì các “nàng” tượng vẫn không chịu có bầu! Anh bảo rằng, có lẽ hết năm nay tình hình không biến chuyển, anh đành chấp nhận bỏ cuộc.

Duyên - nợ với loài voi không chỉ dừng lại ở việc thích nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo tồn voi. Ông chủ nuôi nhiều voi này còn nổi tiếng là thầy thuốc chuyên chữa bệnh cho voi. Theo anh Long, thời gian gần đây voi thường mắc bệnh chảy nước mắt, mọc u bướu trên cơ thể do uống nước sông, suối, hồ ô nhiễm. Nhiều con bị những vết thương rất nặng do bọn “voi tặc” gây ra. Chúng chặt đuôi voi lấy lông bán hoặc tấn công voi nhằm sát hại để cưa trộm ngà (có con bị đâm chém tới cả trăm nhát) dẫn đến bị nhiễm trùng, lở loét, việc chữa trị rất khó khăn, nhiều khi chỉ là “còn nước còn tát”. Những bài thuốc của anh đều do cha mẹ truyền dạy lại, chủ yếu là các bài thuốc dân gian.

NGỌC HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét