Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

TRÂU MURA, ANH HÙNG HỒ GIÁO VÀ ÔNG BẠN NHẬT BẢN


              Chân dung anh hùng Hồ Giáo - Ảnh Phạm Đương
Trankytrung Ông bạn Nhật Bản có tên như tên một hãng xe máy nổi tiếng của đất mặt trời mọc: Suzuki, qua một người bạn thân, hỏi tôi: “ Ông có biết ông Hồ Giáo không ?”. Tôi hỏi lại : “ Hồ Giáo nào ?”. “ Ông Hồ Giáo nuôi trâu Mura, ông không biết sao?”. “ Làm sao ông biết ông Hồ Giáo nuôi trâu Mura?”. “ Bên Nhật Bản, báo chí giới thiệu về ông Hồ Giáo nuôi thành công trâu Mura của Ấn Độ, mà việc này ở Nhật rất khó. Tôi muốn gặp ông ấy…”.
Thế là tên tuổi của anh hùng Hồ Giáo, không phải một lần anh hùng, mà hai lần anh hùng vượt qua biên giới Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Nhưng ông bạn Nhật Bản tìm hiểu cách nuôi trâu Mura ngoài biên giới Ấn Độ để làm gì? Tôi muốn biết.
Té ra con trâu Mura nếu bán ở Nhật Bản thì giá rất đắt, vì rất khó nuôi, có thể vượt cả giá một chiếc xe ô tô sang trọng vì nhiều nhẽ:
Chất lượng của thịt trâu Mura khỏi nói, đang vượt lên trên nhiều loại thịt khác, đặc biệt dùng rất tốt cho người bị bệnh cao huyết áp, kiêng chất béo…
Riêng sữa của trâu Mura là đứng đầu trong các loại sữa động vật, mà có người còn ví bổ gần bằng sữa mẹ.
Còn trọng lượng của trâu Mura, có lẽ chỉ đứng sau voi, nuôi được một con trâu Mura, lợi hơn nuôi ba, bốn con bò, thức ăn không phải khó, y như nuôi trâu nhà…
Nhưng có một điều còn ghê gớm hơn, có lẽ ít người trong nước ta biết, là nếu tách được sữa của trâu Mura, để tạo nên bơ, thì đây là loại bơ đặc biệt, giá trị dinh dưỡng cực kỳ cao. Ở Nhật Bản giá bán một kg của loại bơ này đắt không thể tưởng tượng nổi. “ Khi bơ được tách ra khỏi sữa trâu Mura để làm bánh thì… chỉ có đại gia mới được nếm.” Ông bạn người Nhật Bản nói đùa, nghe có ghê không ?
Nên, nuôi được trâu Mura trong điều kiện bình thường như ở Việt Nam là một việc “ phi thường”, ông bạn Nhật Bản muốn gặp anh hùng Hồ Giáo cũng vì một lẽ như vậy.
Tôi biết tên anh hùng Hồ Giáo từ hồi còn đi học phổ thông, trước năm 1970. Hồi đó, ngày nào đài chẳng hay vang giọng ca của cố nghệ sỹ nhân dân Quốc Hương hát bài hát “ Bài ca anh Hồ Giáo”, sáng tác của Nhạc sỹ Nhật Lai. Rồi một lần ở Đan Phượng ( Hà tây cũ), chúng tôi, những học sinh phổ thông đi cùng một số thầy cô lên thăm anh hùng Hồ Giáo ở nông trường Ba Vì, khi ông vừa được phong anh hùng lần đầu (1967).
Chuyện đó cũng lâu rồi, hơn bốn mươi năm, nhưng trong tôi vẫn in đậm hình ảnh của ông. Nhẹ nhàng, giản dị, ít nói, nhìn anh hùng Hồ Giáo, rõ hình ảnh của một người sống chân thật, không đua chen, sống chết với nghề.
Khi ông bạn Nhật Bản đặt vấn đề muốn gặp anh hùng Hồ Giáo, tôi thấy đây là ý kiến hay, liền nhờ nhà thơ Phạm Đương giúp. Vì tôi biết nhà thơ Phạm Đương, cũng như nhà thơ Thanh Thảo gần như là người nhà của ông ở Quảng Ngãi. Nhà thơ Phạm Đương sốt sắng nhận lời và dẫn tôi, người phiên dịch cùng ông bạn người Nhật Bản đến thăm anh hùng Hồ Giáo.
Ông bạn Nhật Bản ngạc nhiên khi thấy ngôi nhà hai tầng của anh hùng Hồ Giáo, ẩn trong một kiệt nhỏ của thành phố Quảng Ngãi, chưa hoàn thiện xong cầu thang, chủ nhân ngôi nhà còn nợ tiền chưa trả được, ông bạn Nhật Bản nêu sự thắc mắc: “ Bên tôi mà có một ông như ông Hồ Giáo dễ được Nhật Hoàng nuôi. Sao bên các ông lại để ông ấy sống như thế này? ”. Ông bạn Nhật Bản này đến lạ, ông phải nhớ đây là Việt Nam, chứ không phải là Nhật Bản mà mang ra so sánh!!! Tôi không muốn giải thích. Ông bạn Nhật Bản muốn tìm hiểu về kỹ thuật nuôi trâu Mura trong điều kiện tự nhiên, mà bên Nhật, hiện là một vấn đề chưa thể thực hiện được. Giải thích tất dài dòng, mà ông Hồ Giáo lại là người kiệm lời, tốt nhất là cứ ra trại xem ông Hồ Giáo nuôi thế nào ? Ông Hồ Giáo, tuổi cao sức khoẻ kém không đi được, nhà thơ Phạm Đương cho biết, có người cháu của ông, tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp đang làm thay ông, công việc này. Thế là chúng tôi đi, tất nhiên vẫn con đường dài tám kilômét mà hàng ngày ông Hồ Giáo đi bộ đến trại nuôi trâu Mura, khác chăng, chúng tôi đi ô tô. Trên đường đi, tôi thấy nét mặt của ông bạn Nhật Bản lộ vẻ hồi hộp, vì như ông nói với tôi và nhà thơ Phạm Đương, đây là lần đầu tiên ông được nhìn tận mắt con trâu Mura, chứ ở bên Nhật Bản, nếu có nuôi trâu Mura thì nuôi trong một môi trường đặc biệt, rất ít người có thể trực tiếp thấy. Còn ở Việt Nam, đựoc xem trực tiếp trâu Mura thế này, đối với ông bạn Nhật Bản, quả là một diễm phúc rồi ông bạn Nhật Bản háo hức chuẩn bị máy ảnh, camêra… Với tôi, tôi cũng ở gần tâm trạng của ông bạn Nhật Bản kia vì đây cũng là lần đầu tiên được trực tiếp nhìn thấy con trâu nổi tiếng của Ấn Độ, trứơc đây chỉ toàn xem trên ảnh. Tôi hỏi nhà thơ Phạm Đương : “ Chắc trang trại của ông Hồ Giáo to lắm nhỉ ?”. Nhà thơ Phạm Đương trả lời thủng thẳng: “ Thì ông cứ đến tận nơi thì biết!”. “ Trang trại còn nhiều trâu Mura không, ông?”. Tôi lại hỏi nhà thơ Phạm Đương. Nhà thơ Phạm Đương, hình như không muốn trả lời câu hỏi của tôi hay sao ấy, lại thở dài buông một câu mà tôi muốn hiểu sao thì hiểu: “ Thì tý nữa ông cứ đến đấy mà đếm!”.
Ô tô dừng ngoài đường cái, mấy chúng tôi phải đi bộ vào, thấy một ngôi nhà lợp ngói, ngói cũng thủng lỗ chỗ, bên ngoài cái mấy đụn rơm ẩm mốc, một mùi đặc trưng của phân, nước tiểu trâu bài tiết xộc vào mũi. Mấy con dê gầy trụi lông, đít dính đầy phân lỏng, vội kêu “be…be…”, bám theo chúng chúng tôi, đòi ăn. Điều đó đối với chúng tôi không quan trọng, quan trọng là xem trang trại nuôi trâu Mura của anh hùng Hồ Giáo kia. Trang trại ấy ở đâu? Chúng tôi nhìn quanh tìm kiếm rồi hỏi nhà thơ Phạm Đương. Nhà thơ Phạm Đương chỉ ngôi nhà ngói thủng lỗ chỗ đó và nói: “Đó “ Trang trại” nuôi trâu Mura của ông Hồ Giáo đấy !”. Ôi, nếu gọi cho đúng, thì đây là một cái chuồng trâu, chứ trang trại gì!
Nhà thơ cứ đùa.

Anh hùng Hồ Giáo và đàn trâu Mura ở Nghĩa Hành ( Quảng Ngãi)

Bên trong của ngôi nhà, chia thành hai ngăn, mỗi ngăn, lại chia ra nhiều lô, ngăn cách bằng mấy gióng gỗ. Mỗi lô nhốt một con trâu Mura. Con trâu Mura đây rồi, to thật, tôi chưa bao giờ thấy một con trâu to như thế. Cặp sừng cong vút, ngạo nghễ. Da đen, láng, dầy…Duy có đôi mắt của con trâu Mura này lạ, nhìn chúng tôi ngơ ngác, cầu khẩn cứ thấy tội tội thế nào ấy. Cả chuồng có tám con trâu Mura: “ Sao lại còn ít thế này? Hay còn ở đâu nữa.”. như đoán được suy nghĩ của tôi, nhà thơ Phạm Đương giải thích: “ Chỉ còn ngần ấy thôi, làm gì có nhiều trâu mà ông hỏi trang trại. Duy trì được thế này cũng là giỏi, không phải bác Hồ Giáo, người khác thì “toi” từ lâu rồi.”.
Anh hùng Hồ Giáo hình như ông sinh ra để làm nghề này, nghề chăm sóc trâu, bò. Cho làm giám đốc, ông không nhận, như một lần ông nói, trình độ tôi thế, chỉ biết chăm sóc trâu, bò. Trâu, bò là “ máu thịt” của ông, không thể dứt ra được. Tôi biết ngay từ hồi ông còn ở nông trường Ba Vì, cả ngày, thậm chí trong giấc ngủ, ông vẫn nghĩ về những con vật thân thương này. Ngày nhận mấy con trâu Mura do các bạn Ấn Độ tặng, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nghĩ ngay đến ông Hồ Giáo, và giao ngay cho ông chăm sóc, nuôi bẵm, nhân đàn để trong một tương lai gần, sữa, thịt trâu Mura sẽ dần dần thay thế sữa bò, thể trọng người Việt Nam sẽ tăng lên, trí tuệ cũng tăng lên, tầm vóc kinh tế cũng tăng lên…
Biết đâu trong những nhân tố tích cực làm nên điều đó, có trâu Mura của anh hùng Hồ Giáo góp phần.
Than ôi! Từ mơ ước rất đẹp đó đến thực hiện, bao nhiêu dự án lớn còn gấp mấy ngàn lần con trâu Mura kia, trên đất Việt Nam ta, đâu có thực hiện được, huống hồ tính chuyện nhân đàn trâu Mura bắt đầu từ sáu con trâu Mura do các bạn Ấn Độ tặng.
Anh hùng Hồ Giáo, nói thế này không sai. dâng hết cả sức khoẻ, tâm trí, nghị lực của quãng đời còn lại, quyết tâm thực hiện lời căn dặn của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhưng lực bất tòng tâm, ông đành buông tay đau đớn chấp nhận thất bại.
Gần như nuôi trâu Mura không có trong những chương trình nghị sự lớn của nhà nước, thấp hơn là cấp tỉnh. Tôi đồ rằng, hiện nay hỏi trâu Mura là gì? Sẽ có nhiều vị lãnh đạo cấp cao ngơ ngác còn hơn “ con gì... đội nón”. Thậm chí, tôi lại nghĩ, nếu không phải là quà của các bạn Ấn Độ tặng, do trực tiếp cố thủ tướng Phạm Văn Đồng mang về, thì có khi, trâu Mura chỉ còn hiện diện trong viện bảo tàng dưới hình thức “ thú nhồi bông”. Cũng may, dù còn chút hơi tàn nhưng với tấm lòng thơm thảo của anh hùng Hồ Giáo quyết giữ tám con trâu Mura này. Vì ông muốn giữ lời hứa với cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, người mà ông coi như một người bác, người cha ruột thịt. Điều nữa, ông muốn chứng minh, nếu như có một chính sách tốt, một sự quan tâm chiến lược cấp nhà nước, một đội ngũ cán bộ lãnh đạo biết lắng nghe, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì những con trâu Mura này vẫn có thể phát triển thành đàn, nhân rộng ra cả nước. Điều đó, với hiện tại không thể trở thành hiện thực… chỉ một ví dụ nhỏ, ông Hồ Giáo rất muốn những con nghé Mura được đẻ ra, cho sống chung với nghé trong nước, để các hộ dân nuôi. Khi lớn lên, cho dù trọng lượng của hai loại trâu này khác nhau (trọng lượng trâu Mura đạt tuổi trưởng thành nặng gấp ba, bốn lần trâu trong nước), quen cách sinh hoạt từ nhỏ, nên chúng dễ dàng giao phối với nhau. Còn không phải như thế, dẫn con trâu đực Mura trưởng thành to bằng bốn lần “ bố con bò mộng” giao phối với con trâu cái giống ta, khác nào lấy một quả núi “ đè” hòn gạch, không thể thành công!
Việc đơn giản, anh hùng Hồ Giáo đề xuất, nhưng không có cấp lãnh đạo nào quan tâm, ủng hộ thực hiện.
Chuyện thật ở nước ta kể, mà nghe như chuyện đùa!
Thôi, anh hùng Hồ Giáo “vác” cái danh anh hùng lần thứ hai (ít người có, mà đây là danh thực, chứ không phải mua bằng tiền) cùng mấy con trâu Mura về lại Quảng Ngãi, nơi sinh thành để cố gắng một lần nữa… nhân giống.
Nhân giống thế nào được, ở Quảng Ngãi còn bao nhiêu dự án lớn như nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án thuỷ điện, đào tạo tay nghề cao… đang khát tiền, dẫu nhân giống trâu Mura chỉ cần một khoảng tiền bằng “cái móng tay” so với tiền đổ vào mấy dự án kia, cũng không thể có. Quan trọng hơn, nhân giống trâu Mura, chỉ có dân hưởng lợi, còn các vị quan lớn hưởng gì trong chuyện này??? Khó giải thích lắm. Nên…
Nể anh hùng Hồ Giáo, thương anh hùng Hồ Giáo, cũng phải nói, nhờ có tiếng nói một số văn nghệ sỹ ở Quảng Ngãi, cho con gái anh hùng Hồ Giáo dạy học gần nhà, một sự cố gắng lắm rồi, quan tâm lắm rồi, còn tám con trâu Mura, cứ để anh hùng Hồ Giáo nuôi. Sau này khi anh hùng Hồ Giáo đến “cùng một địa điểm để trực tiếp thăm cố thủ tướng Phạm Văn Đồng” sẽ tính tiếp.
Ông bạn Nhật Bản nghe thủng câu chuyện, vội nói, bằng giá nào cũng phải giữ mấy con trâu Mura này, rồi ông ấy quay sang tôi, khuyên: “ Hay là ông mua mấy con trâu Mura này, mang ra Đà Nẵng mà nuôi, thuê luôn ông Hồ Giáo ra đó để hướng dẫn cách chăm sóc nhân đàn. Chỉ cần sau vài năm có đàn trâu Mura đông độ vài trăm con. Kế đó ông đề nghị chính quyền xây dựng một nhà máy chế biến sữa trâu Mura. Tiền xây dựng nhà máy này không cao đâu. Sản phẩm sữa hoặc bơ của trâu Mura, một phần tiêu thụ trong nước, một phần xuất khẩu. Ở Nhật Bản chúng tôi hiện nay thị trường đang khát sản phẩm này…”. Ông bạn Nhật Bản còn vẽ ra viễn tưởng huy hoàng: “ Làm tốt việc này, các ông tạo công ăn việc làm cho cả vạn người, giúp cho người dân tiếp thu đựơc công nghệ chế biến tiên tiến, một nguồn ngoại tệ lớn sẽ về với các ông…”.
Nghe ông bạn Nhật Bản nói vậy, không biết nhà thơ Phạm Đương nghĩ gì, vì thấy nhà thơ cứ cười tủm tỉm, còn tôi, tôi hoảng thầm. Mình lấy tiền đâu để mua những tám con trâu Mura? Mà giả sử họ cho mua đi, nuôi ở đâu? Mỗi miếng đất tý tẹo ở gần Bà Nà thuê 50 năm đang nằm trong diện quy hoạch, không thể! Rồi cứ gọi là có đất nuôi trâu Mura kia đi, làm thế nào đưa anh hùng Hồ Giáo ra giúp, cho dù, anh hùng Hồ Giáo đã nói: “ Tôi hơn tám mươi tuổi, sống chẳng được bao lâu, nhưng còn sức tôi sẽ cố gắng giữ tám con trâu Mura này….” Cả tỉnh Quảng Ngãi to như thế, lớn như thế mà không giữ được đàn trâu Mura, không đảm bảo điều kiện tối thiểu để anh hùng Hồ Giáo nhân đàn, huống hồ là cái thằng “tôi” tài hèn, sức mọn.
Lời khuyên của ông bạn Nhật Bản, với tôi dù có thừa nhận mà thấy xấu hổ, là không thể!
Ông bạn Nhật Bản biết được khó khăn của chúng tôi, ông không khuyên nữa mà chăm chú ghi chép cách thức nuôi trâu Mura trong điều kiện tự nhiên, thức ăn mà trâu Mura ở Việt Nam cần dùng,cách chăm sóc, cách bố trí chuồng trại…
Anh hùng Hồ Giáo kể, ông bạn Nhật Bản ghi âm, ghi chép, quay phim chụp ảnh… rất cẩn thận, tỷ mỉ.
Tôi cũng chẳng biết ông bạn Nhật Bản làm việc đó để làm gì!!!
Trước lúc tạm biệt, ông bạn Nhật Bản bắt tay anh hùng Hồ Giáo tỏ lời thán phục: “ Trong điều kiện như thế này mà ông vẫn quyết tâm nuôi trâu Mura, giữ giống. Ông bảo trọng sức khoẻ, hãy cố gắng làm tốt việc này. Tôi kính trọng ông! biết đâu thời gian tới, chính phủ của ông quan tâm đến việc nuôi trâu Mura, có những chính sách thích hợp, để ông có điều kiện cho tám con trâu Mura này phát triển thành đàn. Nhật Bản sẽ có những sản phẩm từ sữa của trâu Mura Việt Nam, lúc đó tôi mời ông sang Nhật Bản để nhân dân Nhật Bản cảm ơn ông…”.
Nhưng, ý định tốt đẹp của ông bạn Nhật Bản, đến thời điểm này không bao giờ trở thành hiện thực nữa. Nhà thơ Phạm Đương cho tôi biết, tám con trâu Mura mà anh hùng Hồ Giáo cố gắng giữ, đã được chính quyền tỉnh Quảng Ngãi quyết định đem bán.
Vì sao chính quyền tỉnh Quảng Ngãi phải bán tám con trâu Mura này, không thấy nhà thơ Phạm Đương giải thích!!!
Tôi lại tự an ủi, ở Việt Nam mình, giờ có cái gì mà họ không bán, kể cả những điều thiêng liêng nhất, miễn là điều đó đảm bảo lợi ích của một nhóm, một tập đoàn…
Tám con trâu Mura đã là cái gì đối với họ.
Nhưng với tôi, thực sự đó là nỗi buồn lớn.
Với anh hùng Hồ Giáo nỗi buồn đó, chắc sẽ còn lớn hơn.
Tôi tin, đến lúc chết, ông vẫn không nhắm được mắt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét