Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

Vấn đề bóc lột lao động nhìn từ lý thuyết thặng dư của Marx và kinh tế hiện đại phần II

           Vấn đề bóc lột lao động nhìn từ lý thuyết
             thặng dư của Marx và kinh tế hiện đại
                                         phần II 

bởi tuonglaivietnam
 
Tác giả: Vũ Quang Việt
Chế độ xã hội chủ nghĩa dựa trên công hữu nhà nước đã phá sản. Sự phá sản này cho thấy rõ rằng thể chế xã hội không chỉ xây dựng trên cơ sở kinh tế, mặc dù cơ sở kinh tế là quan trọng nhất. Thể chế xã hội còn xây dựng trên quyền lực, đặc biệt là tham vọng quyền lực, trong đó việc sử dụng quyền lực cá nhân hoặc tập thể một cách độc đoán đã đưa đến nhiều thảm hoạ cho con người.
@ @ @
Bảng 2
Một số chỉ tiêu thu nhập lao động và thặng dư tính trên GDP  


Nguồn: National Accounts Statistics, 1996-1997, Liên Hiệp Quốc và Kinh tế Việt Nam Trong Những Năm Đổi Mới, Nhà Xuất bản Thống kê, Hà Nội, 2000.
Chúng ta có thể lý luận là việc nhà nước nắm thặng dư về cơ bản khác với việc tư nhân nắm thặng dư. Nhà nước nắm thặng dư là nhằm phục vụ cho số đông. Nhưng đối với nhiều người lao động có thể họ nhìn khác vì không tin tưởng vào vai trò, tính hiệu quả và sự trong sạch của nhà nước.  Họ chỉ cần thấy phần được chia của họ; phần thặng dư bị người khác nắm lấy, dù là nhà nước hay tư nhân thì cũng giống nhau. Nếu coi bảng trên ta thấy tỷ lệ GDP trả cho người lao động trong công nghiệp (thu nhập lao động ở Việt Nam) cũng rõ ràng là thấp hơn ở Mỹ. Lao động chỉ nhận được 52,7% từ GDP thay vì 60% như ở Mỹ. Chúng ta cũng có thể lý luận ngược lại có thể là: bây giờ thì thế nhưng tương lai thì khác. Nhà nước không nhằm mục đích bóc lột lao động nhưng vì các mục đích chung tốt đẹp và sự phát triển của kinh tế. Nhưng đợi đến ngày thấy kết qủa của tương lai này tới thì có lẽ mọi người đã nằm trong nhà mồ rồi. Và cũng chẳng có gì bảo đảm là nhà nước sử dụng thặng dư hiệu quả hơn.
Chúng ta có thể thấy khá rõ ràng tính chất viễn mơ của hệ luận dựa trên quan điểm của Marx như sau:
Xoá bỏ bóc lột lao động–>  Xoá bỏ tư hữu –> Nhà nước nắm thặng dư  –> Xã hội, con người toàn hảo.
–>  có nghĩa là tất dẫn đến. Chỉ có sự liên hệ tất yếu như thế thì về mặt logic hoặc hình thức hoặc thực tế, quan điểm của Marx mới có ý nghĩa. Marx không viết ra rõ ràng về xã hội và con người trong xã hội không còn tư hữu, nhưng tôi nghĩ rằng Marx cho rằng con người có thể đạt đến con người toàn hảo trong một thể chế toàn hảo. Thể chế toàn hảo này là thể chế không có tư hữu tư liệu sản xuất. Con người toàn hảo là con người:
•    Tôn trọng tự do của người khác,
•    Không màng tư hữu, danh lợi, quyền lực
•    Làm việc hết mình vì người khác
•    Không tiêu dùng quá sức mình
•    Nắm bắt được tri thức hiện đại, thông tin cụ thể và nhìn xa thấy rộng
•    v.v.

Marx không bao giờ viết như vậy, nhưng có lẽ ta cần nhìn như vậy thì mới thấy ý nghĩa của việc Marx tìm ra nguồn gốc của bóc lột ở tư hữu, để từ đó Marx mơ đến một xã hội toàn hảo không còn tư hữu và cổ võ cho cuộc cách mạng bạo lực xoá bỏ tư hữu. Từ đây chữ tư hữu được dùng thay cho chữ tư hữu tư liệu sản xuất cho ngắn gọn chứ còn Marx phân biệt rất rõ tư hữu những vật thể hữu hình và vô hình cá nhân và tư hữu tư liệu sản xuất.
Xã hội toàn hảo mà Marx mơ tới đã không xảy ra và việc xây dựng con người toàn hảo cũng không đạt được ở các nước xã hội chủ nghĩa kiểu cũ.
Chế độ xã hội chủ nghĩa dựa trên công hữu nhà nước đã phá sản. Sự phá sản này cho thấy rõ rằng thể chế xã hội không chỉ xây dựng trên cơ sở kinh tế, mặc dù cơ sở kinh tế là quan trọng nhất.  Thể chế xã hội còn xây dựng trên quyền lực, đặc biệt là tham vọng quyền lực, trong đó việc sử dụng quyền lực cá nhân hoặc tập thể một cách độc đoán đã đưa đến nhiều thảm hoạ cho con người.  Điều này Marx đã không nhận diện hết. Marx chỉ nhấn mạnh đến quyền lực phát sinh từ quyền lực kinh tế. Nhưng rõ ràng là quyền lực có thể phát sinh từ bạo lực cá nhân và tập thể, từ độc quyền chính trị, từ tri thức, từ tôn giáo và từ sức mạnh kinh tế, bất kể hình thức tổ chức bộ máy nhà nước. Ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ, quyền lực cá nhân do tư hữu kinh tế mang lại đã bị tước bỏ, nhưng quyền lực hoặc lạm dụng quyền lực cá nhân và bè nhóm đã không bị xoá bỏ mà còn được nhân lên gấp vạn lần dưới thời Stalin và Mao.[14] Con người từ lãnh tụ đến nhân dân đã không đi đến toàn hảo mà bị tha hoá trầm trọng. Vấn đề quyền lực trong một nước xã hội chủ nghĩa chỉ mới được nhìn nhận gần đây và việc nhìn nhận vẫn còn dè dặt, nửa vời. Chúng ta có thể lý luận là lạm dụng quyền lực có thể bị xoá bỏ nếu như có thể chế phù hợp nhằm hạn chế và cân bằng quyền lực trong xã hội. Điều đó có thể đạt được lắm chứ. Nhưng sự tước bỏ tư hữu chắc chắn không đưa đến con người toàn hảo, mình vì mọi người và chính đó là lý do làm động lực phát triển bị thui chột.
Sự phá sản của các nước xã hội chủ nghĩa kiểu cũ không có nghĩa là lý thuyết thặng dư không đúng và cũng không có nghĩa là hệ luận mà Marx rút ra từ lý thuyết thặng dư là không đúng.  Cho đến nay cũng chưa thấy ai đưa ra lý thuyết nào bác bỏ lý thuyết thặng dư mà có tính thuyết phục cao. Nhưng vấn đề không phải là bác bỏ lý thuyết thặng dư mà là bác bỏ tính tất yếu của hệ luận từ lý thuyết thặng dư sang xoá bỏ tư hữu, tức là xoá bỏ cơ sở của bóc lột lao động. Việc bác bỏ này cũng chỉ có nghĩa là thể chế xã hội chủ nghĩa kiểu cũ không thích hợp, vì nó không dựa trên một cái nhìn đúng đắn về con người và quyền lực. Như đã nói, con người có thể xây dựng một thể chế mới thích hợp hơn. Nhưng đến nay thì không ai dám thử nghiệm với một mô hình kiểu mới dựa trên xoá bỏ tư hữu, và có lẽ cũng không có một dân tộc nào lại dại dột làm một cuộc thử nghiệm mới bởi vì họ không thể tiên đoán được giá phải trả sẽ như thế nào. Các nước xã hội chủ nghĩa cũ còn lại như Việt Nam và Trung Quốc đã trở lại với kinh tế thị trường, chấp nhận tư hữu, tức là chủ nghĩa tư bản, chí ít là trong giai đoạn quá độ hiện nay. Một hình thức khác mà các nhà chính trị Trung Quốc và Việt Nam đang theo đuổi là chấp nhận kinh tế thị trường cạnh tranh, chấp nhận tư hữu trong giai đoạn hiện tại, nhưng xây dựng công hữu qua doanh nghiệp quốc doanh, coi chúng là chủ đạo, và hy vọng là công hữu quốc doanh sẽ vươn lên chiếm ưu thế, đè bẹp tư hữu về dài hạn. Con đường này tất nhiên chẳng có gì là sai về mặt lý luận, nhưng nó đã được xây dựng trên hai tiền đề rất không thực tế: (a) công hữu tất dẫn đến năng suất lao động cao hơn tư hữu; (b) con người hoạt động đại diện công hữu là con người toàn hảo hoặc chí ít là ngày càng toàn hảo.
Vậy vấn đề đặt ra là liệu có một giải pháp xoá bỏ bóc lột hoặc ít nhất là giảm thiểu bóc lột mà không cần xoá bỏ tư hữu, hay không cần lấy công hữu làm chủ đạo không?

Kinh tế thị trường và việc nhìn nhận lại lãi
Kinh tế thị trường dựa vào một nhận định rất thực tế là con người không toàn hảo, mặc dù cần phải sống trong cộng đồng nhưng là vị kỷ, đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu và chỉ chịu hạn chế tự do và lợi ích cá nhân khi chúng là những đòi hỏi cần thiết mà cộng đồng cần áp đặt lên cá nhân để bảo vệ sự tồn tại của cộng đồng, đồng thời cá nhân đó cũng chấp nhận sự áp đặt vì chính sự tồn tại của cộng đồng bảo vệ lợi ích của nó.  Áp đặt và chấp nhận áp đặt này có tính đồng thuận xã hội.
Trong một nền kinh tế thị trường với những con người tư lợi, tuyệt đại đa số lao động đòi hỏi được trả công theo công sức mà họ bỏ ra. Người chăm chỉ, năng suất cao, tri thức cao đòi hỏi có lương cao hơn người lười biếng, tri thức thấp, năng suất thấp. Điều này tất nhiên có thể áp dụng trong cả nền kinh tế thị trường tự do hay nền kinh tế không có tư hữu. Nhưng cái khác cơ bản là nếu như một lao động chịu khó làm việc, có lương cao, chịu khó dành dụm, và khi họ lấy tiền để dành cho nhà nước và người khác vay để tái sản xuất ở mức cao hơn, thì họ có thể hưởng lãi trên số tiền vốn cho vay ấy không?  Theo phân tích của Marx thì lãi này phát sinh từ lao động của người khác, nên lãi này tất nhiên có nguồn gốc bóc lột lao động của người khác. Đó chỉ là một cách nhìn. Nhưng chúng ta cũng có thể nhìn một cách khác, dưới lăng kính của con người vị kỷ. Đã là con người vị kỷ thì dù là một cá nhân nào đó, một tập thể nhỏ nào đó, hay là nhà nước muốn sử dụng vốn để dành do chính sức lao động của một cá nhân nào đó tạo ra thì không lẽ cá nhân đó lại phải cho mượn không có lãi để tránh mang tiếng bóc lột? Và nếu “không có lãi” là phạm trù của thể chế xã hội, thì số người chịu dành dụm sẽ không đáng kể.  Dưới cách nhìn lãi là bóc lột, Marx đã không nghĩ ra giải pháp gì khác hơn là dùng bàn tay nhà nước nắm thặng dư lao động để có tích lũy xã hội.  Và đó là quan điểm cần thiết đối với Marx vì có thể nói, Marx là nhà kinh tế đầu tiên trong lịch sử nhìn ra tầm quan trọng của tích lũy, yếu tố chính trong phát triển kinh tế.  Quan điểm này rất logic.
Nhưng trong nền kinh tế thị trường, nếu coi lãi là giá cần thiết mà người cần vốn phải trả cho người có vốn và qua đó hai bên cùng có lợi thì lãi vẫn là thặng dư lao động, nhưng không thể coi là bóc lột. Quan điểm chống cho vay lãi đã là quan điểm của Thiên chúa giáo và Hồi giáo kéo dài hàng ngàn năm, do đó không thể không ảnh hưởng đến quan điểm của Marx. Mà quan điểm chống cho vay lãi thực chất là chống cho vay nặng lãi khi thị trường vốn chưa hình thành, khi nền kinh tế không có cạnh tranh và do đó việc cho vay hoàn toàn tùy thuộc vào sức mạnh độc quyền của một vài người có vốn.
Nếu lãi không phải là thặng dư có tính bóc lột, thì trả lãi cho vốn cổ phần huy động cũng thế. Người bỏ vốn cổ phần hy vọng ít nhất là tỷ lệ thu nhập thu về bằng với lãi suất trả cho người cho vay vốn. Nếu đầu tư có rủi ro hơn thì người bỏ vốn tất kỳ vọng phần lãi thu về cao hơn lãi cho vay. Nếu nhìn như thế, chỉ có phần thu nhập cổ tức (hay lợi nhuận) vượt mức lãi dựa trên lãi suất để dành[15] mới có thể gọi là thặng dư có tính bóc lột. Trong Bảng 1, thặng dư có tính bóc lột gọi là lợi nhuận là phần thặng dư vượt mức lãi cho vốn có tính để dành. Phần thuế sản xuất thực chất theo Marx cũng là thặng dư do nhà nước thu lấy.
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét