Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Những mảnh tim tôi để lại Pờ Sì Ngài


Báo cáo chi tiết (6): STC –
Những mảnh tim tôi để lại Pờ Sì Ngài

 

Khi chia đoàn thành những nhóm nhỏ, tôi tự nhận Pờ Sì Ngài, điểm trường xa trường chính nhất (12km) vì 2 lý do: thứ nhất là xe tôi cũ rồi nên có quăng ngoài đường không ai trông cả ngày cũng chẳng phải sốt ruột gì; thứ hai là điểm trường này chị họ tôi gửi tặng áo khoác cũ nên không được dùng tiền mua áo khoác mới như 5 điểm trường còn lại. Cũng vì lý do này mà tôi lôi theo cả 1 bao áo cũ nữa, định bụng bù đắp thêm cho những đứa trẻ ở đây đỡ cảm giác thiệt thòi nếu so sánh với các bạn cùng trường khác thôn. Thức ăn, quần áo, đồ chơi, quà bánh… đã được chuẩn bị kỹ đến từng chi tiết, mọi việc tưởng chừng như rất chu đáo nhưng thực tế lại vuột khỏi tay tôi và cứa vào tim tôi những vết sâu hoắm.
Đi cùng tôi vào Pờ Sì Ngài có cậu con trai 15 tuổi của tôi và chú Toàn lái xe. Ba người chúng tôi vừa đi vừa hỏi đường mãi mới đến được cái chân dốc có cô giáo Huyền đứng đợi. Từ chân dốc vào đến trường khoảng hơn 1 cây số đi bộ, đường dốc ngược, trơn nhẫy, Huyền bảo cô cũng chẳng bao giờ dám đi xe máy cái quãng đường này, lơ mơ là có thể lao ngay xuống khe núi. Được 1 đoạn, không đi nổi, chúng tôi phải dừng lại chờ cô ghé nhà dân xin hộ mấy cái gậy để chống mới không trượt ngã.
Các "anh hàng xén" vào chợ
Trường nằm bên 1 xóm nhỏ trong thung lũng hẹp, những mái nhà lúp xúp chen lẫn với đá. Tôi chưa bao giờ thấy cảnh người sống chen với đá như ở đây. Đá lô nhô khắp nơi, chừa lại những rẻo đất hiếm hoi cho con người nương náu. Cái cổng trường dựng bằng hai cây tre với bảng tên trường ngất nghểu ở trên chỉ có tính ước lệ, vì trường có cổng mà chẳng có hàng rào, sân trường chỉ bằng mấy vuông chiếu được đá tha cho chưa giành mất. Học sinh đến giờ chơi phải ra chơi bên ngoài cổng trường là chuyện thường, mà chúng cũng chẳng đi đâu được, quá tí nữa đã là sườn dốc nhấp nhô đá mất rồi.

Đá lấn vườn rau của các con

Đá chen cả vào gian bếp nhỏ
Chưa vào đến trường đã nghe tiếng trẻ ríu ran. Huyền ngượng nghịu bảo tôi: “Hôm nay có mỗi mình em nên 2 lớp dồn 1 chị ạ, chúng nó mà vắng cô thì như cái chợ vỡ”. Huyền là 1 trong 2 cô giáo của điểm trường này, hôm nay cô giáo còn lại đang nghỉ cưới, nên có mỗi cô đánh vật với lũ con gần 40 đứa, có 1 cô giáo mới nhận công tác ở điểm trường khác được tạm cử qua giúp nhưng vì chưa thạo việc nên cũng chẳng đỡ đần được mấy.
Vết cứa thứ nhất – Các con (cả mẫu giáo lẫn tiểu học) đều học thầm không có đèn: Tôi ngỡ ngàng khi bước vào lớp học tối như hũ nút. Cả lũ chim non đang láo nháo thấy có người lạ thò đầu vào liền nín khe. Cô giáo nhắc, chúng nó khoanh tay chào giòn tan, đều tăm tắp. Sau khi chào lại, nhờ cô giáo phụ phát quà hộ, tôi và Huyền qua phòng bên soạn đồ ăn cho lũ trẻ, bỗng tôi nghe tiếng chào lao xao lặp lại đến mấy lần. Tôi nín cười hỏi Huyền: “Chắc là tập nhiều lắm, bây giờ tiếc công tập nên đang chào cố hả em?”, Huyền cười gật đầu: “Vâng, phải tập mãi đấy chị ạ.” Từ giây phút ấy, chị em tôi đã gần gũi như người trong nhà. Tôi hỏi: “Ở đây không có điện hay sao mà lớp học tối thế em?” Cô trả lời: “Không có kinh phí để lắp đèn hay trả tiền điện chị ạ. Phòng ở giáo viên thì có điện và giáo viên tự trả tiền, chứ lớp học thì lương bọn em kham không nổi”. Cái lý ở đâu không nói chứ ở đây thì mọi chi phí cho học sinh khi cần thiết lại cứ trông vào đồng lương của các cô giáo, cô ngượng ngập giải thích với khách cứ như thể học sinh học trong tối tăm như vậy là lỗi của cô :( . Đã đành học sinh mầm non thì chưa đọc chưa viết gì mấy, nhưng mấy lớp tiểu học liền vách cũng y như vậy.

Đèn trời của các con
Các vách liếp dựng không kín nhưng cũng không dám quây bạt lại che gió vì nếu che thì học sinh và thầy cô chẳng còn thấy đường nào mà dạy với học.

Lớp 2 - lớp 3 học ghép, nụ cười thân thiện sáng bừng cả lớp
Tò mò cái vụ không đèn, lại được lời mời thiết tha của cô Út, giáo viên tiểu học, tôi sang thăm mấy lớp học bên cạnh. Những dòng chữ tình cờ trên bảng cứa vết thứ hai vào tim tôi. Các em còn quá bé, quá ngây thơ nên may mắn chưa phải chạnh lòng trước cái trớ trêu này.
Để đỡ việc cho cô Huyền đi nấu cơm, cô giáo phụ và tôi lùa lũ trẻ con ra sân bơm bóng bay cho chúng chơi, chẳng ngờ lại làm mấy anh chị tiểu học nôn nóng không sao học được. Bàn lại với cô giáo, Mầm non nhường Tiểu học một nửa số bánh mì sữa và toàn bộ số trứng luộc. May mà bóng bay cũng đủ để phát cho toàn bộ số học sinh tiểu học.

Ông bán bóng bay này đắt hàng quá đi mất!

Có còn cho cháu không cô?

Phải chen với đá cũng chẳng hề gì...

Giấc mơ vẫn bay cao.

Cho tớ xem của cậu với nào!

Chủ nhân đi nhận ủng rồi, chúng mình chờ ở đây.
Vết cứa thứ ba – những cái đơn giản nhất vẫn là cái đầu tiên: Khi bạn chị Lana báo về là Sapa hôm ấy không có pate ngon, chúng tôi có hỏi là theo chị ấy, bọn trẻ con H’Mông thích ăn món gì. Chị bảo nghe nói chúng nó thích ăn trứng, nhất là trứng luộc, ấy là nguồn cơn mà trong túi đồ ăn mang vào các trường có kèm theo đám trứng luộc. Khi phát trứng cho các bé tiểu học, cô Út buột miệng bảo tôi: “Đây là quả trứng luộc đầu tiên chúng nó được ăn một mình cả quả đấy em ạ.” Tôi đắng miệng nhưng vẫn cố vớt vát: “Ở đây em thấy người ta có nuôi gà mà chị.” Chị bảo: “Không có trứng cho con ăn đâu, cả nhà ăn 1 quả trứng đã là hiếm lắm, có chăng chỉ có bọn bé tẹo lúc ốm đau được ăn bồi dưỡng thôi.” Rồi như để minh họa cho cái bần cùng của người ở đây, chị kể tôi nghe chuyện những đứa trẻ cấp 1 chị dạy có buổi cho về nhà ăn trưa thấy chạy quay lại trường nước mắt ngắn nước mắt dài, cô gặng hỏi trò mới nói về nhà nhưng mẻ bột ngô hấp đã bị anh chị ăn hết trước mất rồi, nên lại bụng đói đến lớp. Ngày đầu năm này có quả trứng đầu tiên, giọt sữa đặc đầu tiên, miếng bánh mì đầu tiên, quả bóng bay đầu tiên… sao các em vui mà lòng tôi nặng trĩu thế này.

Quả trứng đầu tiên ăn một mình
Vết cứa thứ tư – Đặc sản của các con là canh mì tôm và cá mắm: Chui vào bếp xem cô Huyền nấu cơm, lần đầu được tận mắt nhìn nồi canh rau cải nấu mì tôm vẫn nghe, tôi làm bộ thành thạo: “Lại canh cải nấu mì tôm hả em, thế ngày nào cũng thế à?” Cô cười với tôi: “Ngày nào cũng thế nhưng là đặc sản với bọn trẻ con đấy chị ạ, vì ở nhà làm gì có như thế mà ăn.” Tôi cố tìm hiểu: “Thế bọn nó có thích ăn mì tôm nấu như món ăn chính không?” Cô lắc đầu: “Không chị ạ, có 1 lần bí quá bọn em cũng có cho ăn thử, nhưng mà các con có vẻ không thích, ăn ít lắm.” Tôi thực tâm muốn biết bọn trẻ thấy gì ngon nhất nên hỏi gặng: “Thế bọn nó thích ăn gì nhất?” Cô nghĩ một lúc rồi nói: “Cá mắm chị ạ. Hôm nào có cá mắm thì cơm hết veo.” Tôi ngờ vực: “Tại vì cá mắm phổ biến thôi chứ. Lẽ nào chúng nó không thích ăn thịt?” Cô cười thật hiền: “Vâng, có lẽ thịt là nhất, thịt băm nhỏ rồi xào lên, nhưng mà chẳng mấy khi có nên cá mắm vẫn được coi là hơn cả. Có đứa khi ăn cơm còn để dành lại 1 mẩu bé tí, giấu trong lòng bàn tay, đến giờ ngủ lôi ra nằm nhấm nháp như mình ăn ô mai ấy chị ạ.” Rồi cô kể khi cô mới lên dạy lứa đầu tiên ở trường này, chúng chuyên đời giấu thức ăn trong tay như thế, hoặc nhét vào túi quần, túi áo để đem về nhà cho em, thành ra người ngợm tay chân lúc nào cũng tanh mù lên, phải dạy mãi mới thôi được thói ấy. Đến giờ ăn cơm hôm ấy, tôi được chứng kiến cảnh cô phải nghiêm giọng đe: “Không ai được giấu thức ăn vào tay đâu đấy!”, cả lũ nhóc con mắt tròn xoe nghe răm rắp.
Vết cứa thứ năm – Em ăn anh chị đứng nhìn: Là lỗi của tôi, chẳng nghĩ được tiểu học và mầm non sát vách nhau như thế, nên mặc dù đã chia sẻ quà bánh với tiểu học, đến giờ cơm vẫn có những cặp mắt đen láy nhìn qua khe liếp, vẫn có những cái đầu nhòm vào qua cửa khiến tôi chẳng biết phải nói gì, làm gì cho phải.

Tôi khó tha thứ cho mình khi để xảy ra cảnh này: anh chị nhìn vào, em ngoái nhìn ra...
Vết cứa thứ sáu – Con nhà cán bộ: Các bé ăn rất ngoan, đứa nào ăn hết lại được cô tiếp thêm cho. Đa số chúng để dành thức ăn cho bát cơm tiếp theo, nhưng cũng có đứa ăn hết thức ăn trước khi ăn cơm nên được cô gắp thêm đồ ăn cho. Cô Huyền hồn nhiên nhận xét: “Mấy đứa khôn thế này toàn con nhà cán bộ chị ạ.”
Vết cứa thứ bảy – Cậu bé ăn chậm: Nề nếp của trẻ con ở đấy là ăn không được bỏ mứa và không được rơi rớt. Quả tôi chưa từng thấy cái lớp mầm non nào lại ăn nhanh và gọn gàng đến thế. Nhưng chẳng biết do lần đầu được ăn nhiều đạm hay do quá nôn nóng được mặc áo mới, được ra ngoài chơi đồ chơi mới nên hôm ấy có đứa cứ loay hoay mãi không xong tô cơm. Cô Huyền rất tâm lý, cho phép các con được bỏ lại chút cơm thừa, nhưng cô vừa thu cơm thừa lại vừa càm ràm: “Bình thường chẳng bao giờ có mà cũng chẳng bao giờ được phép như thế này đâu.” Có 2 cậu bé ngồi đối diện nhau ở đầu bàn không xin cô bỏ cơm lại, cứ kiên tâm ngồi ăn, cô Huyền đã dẫn các bạn sang phòng bên mặc áo rồi nên tôi ngồi lại với 2 con. Chợt tôi thấy 1 đứa cứ vừa ăn vừa đưa tay quẹt ngang mắt, bèn sà đến hỏi tại sao. Như không kìm nổi, bé khóc òa lên, nước mắt lã chã. Tôi dỗ thế nào cũng không được, lo con không hiểu tiếng Kinh, tôi phải gọi cô Huyền sang, hóa ra bé ăn chậm quá vì không quen cắn, ăn mãi không hết giò, bỏ thì tiếc, ăn thì mãi không xong nên tủi thân. Tôi ngồi xuống đút cơm cho nó, nhờ con trai tôi chạy qua xí phần cho bé 1 cái áo khoác trước. Vừa được bác đút cơm cho, vừa được anh mặc cho cái áo mới, mãi nó mới thôi thút thít. Lát sau trên đường về, con trai tôi khoe là cậu bé khóc nhè lúc trước sau đó cứ bám theo cười với con mẹ ạ. Trẻ con ở đâu cũng thế, nó trả lại thương yêu cho người yêu thương nó.
Vết cứa thứ tám – cái quần mặc quanh năm: Trong lúc các bé ăn cơm, tôi quan sát thấy 1 cậu bé mặc cái quần đen mà ống quần chỉ dính với nhau ở cạp quần và gấu quần, còn thì gió tự do lùa thông thống bên nọ qua bên kia. Hỏi cô giáo thì cô bảo: “Em khâu cho nó mấy lần rồi đấy, nhưng mà không lại được, nó có mỗi 1 cái quần, mặc quanh năm, đi học thì mặc vào, về nhà thì cởi ra ở truồng, giặt giũ thì chắc chắn là không bao giờ rồi chị nhé.”

Có thể nào rách hơn?
 

Niềm vui ấm áp

Nô nức đầu năm
Vết cứa thứ chín – điều gì các thầy cô không thể làm cho học trò: Sự vô tâm và giản đơn của con người là không có giới hạn. Đơn cử trường hợp của tôi: khi trường tiểu học điện thoại về xin hỗ trợ ngay trước chuyến đi, tôi hơi phật lòng khi nghe thầy hiệu phó nói không thể tổ chức nấu ăn cho học sinh tiểu học được. Có lên đến nơi, tôi mới hiểu tại sao họ không thể. Không phải họ kém yêu học trò hơn các cô giáo Mầm non. Nhưng Mầm non còn có chế độ giáo viên hỗ trợ. Tiểu học thì ở Pờ Sì Ngài có 3 thầy cô dạy 5 lớp từ lớp 1 đến lớp 5, hôm tôi đến có 1 cô giáo bận nghỉ thế là 2 thầy cô dạy cả 5 lớp cùng một lúc.  Cô Út nói: “Nhiều khi nghĩ mình lo cho học sinh còn nhiều hơn là lo được cho con mình.” Quả không ngoa tí nào, con các thầy cô thì gửi cả lại quê nhà cho ông bà nội ngoại, học sinh đến trường tiếng là không ăn ở trường nhưng cái vụ tắm giặt thì toàn thầy cô kéo ra máng nước làm giúp cho chứ ở nhà chúng chẳng tắm giặt hay rửa mặt mũi tay chân bao giờ. Cô Út cười như mếu: “Nghĩ làm việc ấy cũng vô nghĩa vì hôm sau chúng lại bẩn thỉu lấm lem như cũ, nhưng mà không làm không được em ạ.” Được cái may là học sinh cũng hiểu mà thương thầy cô, cô kể cứ hôm nào cô lấy thùng xuống núi lấy nước thì y như rằng có vài đứa xách 2 tay 2… cặp lồng theo sau để xách nước phụ cô. Đến kỳ Trung thu chẳng hạn, mỗi thầy cô góp ít tiền mua bánh kẹo cho các con vui, nhưng nghĩ đến bao phụ huynh và các em nhỏ theo đến, cô đành chuyển bánh kẹo sang… bỏng ngô. Mấy bao tải bỏng ngô bốc được mỗi người một nắm là ai cũng được vui.
Tôi có điện thoại của chị Lana và chị tôi, Mẹ Còi, báo các điểm trường thiếu áo vì số học sinh đến lớp tăng lên mà các cô chưa cập nhật kịp, rồi có em tiểu học tủi thân quá không chịu về lớp khi không có áo mới… Cái bao áo định bù đắp cho các bé Mẫu giáo ở đây thôi đành hẹn dịp khác, tôi phải đếm cấp tốc 43 cái chuyển cho 43 em bé tiểu học Pờ Sì Ngài đang rét tím chân tay, chỗ còn lại đem về điểm trường chính bù cho chỗ thiếu hụt kia.
Chia tay Pờ Sì Ngài, tôi ôm cô Huyền vào lòng, thì thầm: “Chị sẽ trở lại, nhất định chị sẽ trở lại.” Cô giáo nhỏ đứng tần ngần ở chân dốc nhìn theo hút bóng chúng tôi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét