Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Nguy cơ động đất, sóng thần ở Việt Nam

Nguy cơ động đất, sóng thần ở Việt Nam

(DVT.vn) - Về mặt khoa học các trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ Richter ở các vùng biển có khả năng gây ra sóng thần.

Nhân thông tin về dư chấn tối nay, 25.3.2011, DVT.vn lược trích một phần bài viết của TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng, phụ trách Viện Vật lý địa cầu, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần và PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần về "Trận động đất sóng thần tại Nhật Bản ngày 11/03/2011 và nguy cơ động đất sóng thần ở Việt Nam".

Nguy cơ động đất

Việt Nam nằm ở phần Đông Nam của mảng Âu Á, giữa mảng Ấn Độ, mảng Philippines và mảng châu Úc. Lãnh thổ Việt Nam không nằm ở rìa các mảng do vậy ít bị tổn thương bởi động đất so với các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia.

Nhưng trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam tồn tại hệ thống đứt gãy hoạt động phức tạp như (hình 1): đứt gãy Lai Châu - Điện Biên, đứt gãy Sông Mã, đứt gãy Sơn La, đới đứt gãy Sông Hồng, đới  đứt gãy Sông Cả, đứt gãy kinh tuyến 109-110o…, do vậy động đất cũng thường xuyên xảy ra.
Hình 1. Bản đồ địa chấn kiến tạo Việt Nam và các vùng lân cận

Từ đầu thế kỷ 20 đến nay ở khu vực phía Bắc có 2 trận động đất cấp 8-9, độ lớn M=6,7-6,8 độ Richter, hàng chục trận động đất cấp 7, M=5,1-5,5 độ Richter và hàng trăm trận động đất yếu hơn (hình 2).

Hình 2:Phân bố chấn tâm động đất trên lãnh thổ Việt Nam và các vùng kế cận
(Số liệu 1903-2009)

Điển hình là động đất Điện Biên 1935, M=6,75 xảy ra trên đới đứt gãy Sông Mã; Động đất Tuần Giáo 1983, M=6,8 xảy ra trên đứt gãy Sơn La, gây nên sụt lở, nứt đất trên diện rộng, sụt lở lớn trong núi, gây hư hại nhà cửa trong phạm vi bán kính đến 35 km; Động đất Bắc Giang 1961, M=5,6 độ Richter; Động đất M=6,1 độ Ricther xảy ra ở vùng đảo Phú Quý xảy ra kèm theo hoạt động núi lửa Hòn Tro năm 1923.

Gần đây hơn động đất Điện Biên 2001, M=5,3 độ Richter có chấn tâm bên Lào, cách thành phố Điện Biên khoảng 20 km đã gây hư hại từ nhẹ đến sụp đổ hơn 2000 ngôi nhà ở khu vực thành phố Điện Biên.

Từ 2007 đến nay nhiều trận động đất có cường độ nhỏ hơn 5,5 độ Ricther xảy ra ở Việt Nam. Các trận động đất nhỏ xảy ra từ sau trận động đất Điện Biên đều không gây thiệt hại về người và của, tuy nhiên cũng cho thấy vỏ Trái đất ở khu vực Việt Nam không hoàn toàn bình ổn, động đất cần được theo dõi và nghiên cứu để có đánh giá ngày một đầy đủ hơn về hoạt động địa chấn ở Việt Nam.

Nguy cơ sóng thần

Cho tới nay chưa có những bằng chứng thuyết phục để khẳng định sóng thần đã ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các kết quả nghiên cứu đã được thực hiện tại Viện Vật lý địa cầu, các vùng nguồn động đất ở khu vực biển Đông và lân cận có thể gây nên sóng thần ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam bao gồm (hình 3): 1) Riukiu – Đài Loan, 2) đới hút chìm Manila, 3) Biển Sulu, 4) Biển Celebes, 5 và 6) vùng Biển Ban Đa, 7) Bắc Biển Đông, 8) Palawan và 9) Tây Biển Đông. Trong đó đới hút chìm Manila (Máng nước sâu Manila) được cho là có nguy cơ cao nhất.

Trong khu vực này đã xảy ra một trận động đất cường độ 8,2 độ Richter (hình 4) ngày 26/5/2006, nhưng trận động đất này đã không gây nên sóng thần.
Hình 3. Các vùng nguồn động đất gây sóng thần có thể ảnh hưởng
 tới vùng bờ biển và hải đảo Việt Nam

Hình 4. Vị trí trận động đất mạnh nhất ghi nhận được trên đới siêu đứt gẫy Máng biển sâu Manila minh họa trên bản đồ (vị trí đầu mũi tên).
(Các tham số của trận động đất này được đánh dấu trong bảng phía dưới, bao gồm: Ngày tháng năm 26/5/2006; giờ phút giây 3h57ph12gy; vĩ độ 20,39o, kinh độ 120,22oE; độ sâu chấn tiêu 4 km; magnitude 8,2 độ Richter).

Theo các kịch bản đã tính toán bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trận động đất cường độ 8,3 độ Richter xảy ra ở khu vực rãnh nước sâu Manila thì có thể tạo nên sóng thần cao 6,2 m ở Quảng Ngãi và 2,1 m ở Nha Trang.

Một trận động đất có cường độ 9,2 độ Richter ở cùng khu vực có thể tạo ra sóng thần cao 10,6m ở Quảng Ngãi và 5 m ở Nha Trang, và thời gian sóng thần đi từ vùng rãnh nước sâu Manila tới vùng bờ biển Việt Nam sau khoảng 2 tiếng đồng hồ (hình 5).

Về mặt khoa học các trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ Richter ở các vùng biển có khả năng gây ra sóng thần, như vậy nguy cơ sóng thần ở vùng bờ biển Việt Nam là hiện hữu và cần phải được quan tâm.


Hình 5: Thời gian lan truyền sóng thần từ vùng khu vực đới hút chìm Manila
tới vùng bờ biển Việt Nam


Động đất ở Việt Nam ngày càng nhiều

Động đất ở Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều hơn, song cường độ không bằng so với một số trận từng xảy ra trong lịch sử, Tiến sĩ Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng phụ trách (Viện Vật lý Địa cầu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết.

TIN LIÊN QUAN


Động đất ngày càng nhiều

Tốc độ đô thị hóa nhanh có thể khiến nhiều thành phố Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn nếu động đất xảy ra.

Trong bài trả lời phỏng vấn đăng tải trên TTXVN, tiến sĩ Lê Huy Minh cho hay, Việt Nam từng ghi nhận 2 trận động đất rất lớn là động đất Điện Biên (năm 1935) với cường độ 6,75 độ Richter xảy ra trên đới đứt gẫy sông Mã. Trận lớn thứ hai là động đất Tuần Giáo (năm 1983), với cường độ 6,8 độ Richter, xảy ra trên đới đứt gẫy Sơn La.

Ngoài ra, vùng ngoài khơi Nam Trung Bộ, năm 1923 cũng có 1 trận động đất 6,1 độ Richter (thuộc ở vùng biển vũng Tàu, Phan Thiết). Trận động đất này này đi cùng hiện tượng phun trào núi lửa Hòn Choi, trên đới đứt gãy kinh tuyến 109-110.


Ông Minh cho biết, từ năm 2005 trở lại đây, có vẻ ngày càng xuất hiện nhiều trận động đất hơn, có năm nhiều hơn đến 10 trận. Tuy nhiên, cường độ các trận động đất gần như nhau, không có sự  tăng giảm mạnh.


Năm 2010, có rất nhiều trận động đất xảy ra ở Việt Nam. Trong đó, trận lớn nhất đạt 5 độ Richter. Còn những trận nhỏ hơn thì xảy ra trên hàng loạt đứt gãy như Mường Lay - Bắc Yên, Cao Bằng-Tiên Yên, đứt gãy sông Mã, Sông Cả… Tuy nhiên, những trận động đất này không gây thiệt hại lớn.


Ông Minh cũng cho hay, với tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam như hiện nay thì một trận động đất mạnh 6,8 độ Richter như đã xảy ra ở Sơn La năm 1983, Hà Nội và các đô thị phía bắc sẽ rung động rất sợ, có khả năng làm đổ nhà.


Chưa có sóng thần


Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa thể dự báo được động đất. Tuy nhiên, sóng thần gây ra do động đất có thể dự đoán được.


Ông Minh cho hay, phải những trận động đất có cường độ từ 6,5 độ Richter trở lên thì mới có sự xê dịch trên toàn bộ mặt đứt gẫy. Sự xê dịch này dẫn đến sự thay đổi địa hình đáy biển mới gây ra sóng thần.


Ở Việt Nam, mặc dù đã xảy ra trận động đất mạnh 6,8 độ Richter, tuy nhiên, trận động đất này lại liên quan đến hoạt động núi lửa chứ không phải dịch trượt trên bề mặt đứt gãy. Vì vậy, ở Việt Nam chưa từng có sóng thần.


Theo ông Minh, hiện nay Việt Nam cũng đang tổ chức xây dựng các trạm địa chấn để có thể dự báo chính xác và nhanh nhất trong trường hợp có sóng thần xảy ra.


Lê Văn
(Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét