Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Nghề lái taxi của người Việt ở Pháp

Nghề lái taxi của người Việt ở Pháp

Theo thống kê hiện ở Pháp có khoảng 5.000 tài xế taxi là người gốc Việt. Họ hành nghề đông nhất ở Paris, tiếp đó là Cannes, Nice, Lyon, Bordeaux... Để được hành nghề này, họ phải đầu tư khá nhiều thứ và gặp muôn vàn khó khăn.
 
 Nghề tài xế taxi được nhiều người Việt chọn lựa tại Pháp
 
Anh Lê Văn Sanh, quê gốc ở TPHCM, qua Pháp định cư từ năm 1985 cho biết, để được làm tài xế taxi trước nhất bạn phải biết lái xe từ 2 năm trở lên. Kế đó phải đi học 4 tháng đủ thứ linh tinh, nào là học cách hô hấp cứu người lúc khách bị tai nạn trong xe, học về thuế, tính toán, đường phố, ngõ ngách nơi mình đăng ký hành nghề... với học phí khoảng 2.500 euro/khoá. Các ông thầy sẽ kết thúc khoá học bằng cách kiểm tra rất ngẫu nhiên, đưa cho bạn chọn một ô số nào đó, ví dụ như từ khách sạn Le Meridien, khu Montparnasse đến China Town, quận 13. Trong vòng 7 phút, bạn phải lật bản đồ, tìm phương án đi nhanh chóng, tiện lợi cho khách nhất. Trường hợp bị kẹt xe thì chọn phương án nào, tính toán ra sao.
Cũng theo lời Sanh thì việc học nghề của cánh tài xế taxi ở Pháp khá tỉ mỉ. Học viên buộc phải thuộc lòng tất cả ngõ ngách, đường xá thuộc 20 quận ở Paris và hơn 600 hình ảnh những nơi nổi tiếng như nhà thờ Notre Dame Paris ở đâu, nằm trên con đường gì, nhà thương Louis Pasteur Paris tọa lạc quận mấy... Ngoài ra, đó bạn buộc phải biết nơi nào cho phép đậu xe miễn phí và nơi nào muốn đậu xe phải mua thẻ tính giờ. Để mua thẻ đậu xe, bạn chỉ mất 1 euro/giờ, nhưng không mua sẽ bị phạt 11 euro/giờ; nếu nhỡ đậu xe vào khu vực dành riêng cho người tàn tật thì mức phạt tăng đến mức chóng mặt, 138 euro/giờ! Vậy mà để được hành nghề, mặc dù đã có học hành hẳn hoi như trên thì mỗi người còn phải chi thêm 190 nghìn euro để mua licence taxi (giấy phép lái taxi), sau đó chạy bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Tấm giấy phép này được xem là một thứ tài sản có giá trị như bất động sản, nhưng bạn chỉ có thể mang sang nhượng, bán chác cho người khác sau khi đã hành nghề đủ 5 năm. Ai mua licence taxi tự làm chủ phải tự lo thuế má, bảo hiểm an sinh xã hội, sửa chữa xe... Nếu mướn xe của nghiệp đoàn taxi, nghiệp đoàn lo từ A đến Z, người thuê mướn mỗi năm còn được nghỉ hè một tháng có lương, hệt như đi làm công sở. Do đó nhiều người gốc Việt thích thuê mướn xe hơn là tự làm chủ. Chả thế mà hồi mới học xong khoá lái xe, do không đủ tiền mua licence, anh Sanh phải đi kiếm xe để thuê với giá 3.500 euro/tháng.
 
Thế nhưng chỉ chừng mươi năm làm nghề, anh Sanh đã mua được giấy phép, có một căn nhà chung cư giá 160 nghìn euro ở cùng mẹ, vợ và hai đứa con. Anh Sanh còn khoe rằng đang tính tích cóp vốn liếng thêm để nay mai quay về quê nhà đầu tư hùn hạp làm ăn. Anh Sanh cho biết: "Tôi bây giờ vẫn còn sức. Cũng muốn cố công cày bừa nhưng luật bên này không cho. Ở đây quy định mỗi ngày chúng tôi chỉ có thể làm việc liên tục từ 10 – 11 tiếng đồng hồ; hết giờ này phải nghỉ đủ 6 tiếng mới được phép chạy lại. Ai làm trái quy định sẽ bị phạt nặng!”. Được biết, mỗi ngày một tài xế taxi có thể kiếm được bình quân khoảng 300 – 500 euro chưa trừ chi phí. Tương tự là anh Trần Lâm Hùng, một tài xế có thâm niên trên 15 năm, qua Pháp định cư từ 1977, từng làm đủ thứ nghề và sau cùng trụ được nhờ chiếc xe taxi. Anh Hùng hiện có một căn nhà khá đẹp ở nội ô Paris. Anh đã nghỉ lái xe mấy năm qua và cho người khác thuê licence. Thế nhưng anh Hùng chưa nghỉ hẳn mà còn giúp ích người khác bằng cách làm giáo viên, hỗ trợ cánh tài xế trẻ mới vào nghề.

Cũng tại nước Pháp, phần lớn các tổng đài taxi thường do người Ả Rập hay người Khmer làm chủ. Khi cần, khách sẽ liên lạc với tổng đài taxi, tổng đài gọi cho tài xế. Đa số tài xế làm bảy ngày một tuần, có người chỉ làm ban đêm, dễ có khách hơn. Những người làm ngày cũng không khoẻ gì, họ mệt mỏi với 11 tiếng ngồi trong xe. Mùa lễ lạt tài xế kiếm nhiều tiền hơn, nhưng cũng không hiếm cảnh khách gian manh đi tới nơi liền xuống xe bỏ chạy. Có trường hợp, tài xế rượt theo đòi tiền còn bị khách chửi bới, đánh đập hay thậm chí dùng hung khí giết chết. Nên họ thường phải "nhìn mặt bắt hình dong” để kịp thời từ chối. Nhưng với khách ở phi trường, tài xế không được quyền từ chối vì bất cứ lý do nào.
Nguồn: Đại đoàn kết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét