Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Viêng Chăn yên tĩnh

Càng ngày càng nhớ cuộc sống ở nước bạn Lào:

Viêng Chăn yên tĩnh

Ở Viêng Chăn đi khoảng vài trăm mét là gặp một ngôi chùa và màu vàng áo cà sa vì hơn 90% dân số theo đạo Phật. Đàn ông Lào ai cũng phải làm sư ít nhất một lần trong đời
Ở Viêng Chăn đi khoảng vài trăm mét là gặp một ngôi chùa và màu vàng áo cà sa vì hơn 90% dân số theo đạo Phật. Đàn ông Lào ai cũng phải làm sư ít nhất một lần trong đời.
 
TP - Ở Viêng Chăn, ngày thật dài. Đất nước Lào thân thuộc với người Việt, nhưng chúng tôi nhận ra sự khác biệt phong cách sống thư thái yên tĩnh của họ là điều đáng mơ ước.
Buôn chuyện ở Thời báo Viêng Chăn
Trụ sở Thời báo Viêng Chăn, chỉ hai tầng uốn cong bên góc giữa hai con đường không mấy ồn ào xe cộ. Anh Savakhone Razmountry, Tổng Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Thời báo Viêng Chăn. 55 tuổi, cởi mở, dễ gần. Anh điều hành hơn 30 nhà báo với hai xuất bản phẩm tiếng Anh và tiếng Pháp ra hằng ngày với 10.000 bản.
Vợ ông hai tổng là doanh nhân nên tiền lương chả phải nộp cho vợ. Chị vừa nhượng lại một khách sạn ở Luangprabăng giá 4 triệu USD kia mà. Tôi hỏi nhà có mấy ô tô, anh xòe cả bàn tay. Thế còn phóng viên, bao nhiêu người có xe riêng? - Gần hết.

Trong khuôn khổ Chương trình Trao đổi do Fredskorpset - một tổ chức của Chính phủ Na Uy – tài trợ, năm ngoái Thời báo Viêng Chăn cử Phoonsab Thevongsa, gọi thân mật là Poóng, 23 tuổi, sang ta làm việc ở báo Đầu tư và Souknilundon Southivongnorath, gọi thân mật là Tài, 36 tuổi, sang làm việc ở báo Tin tức Môi trường của Trung Quốc.
Trong lúc làm việc ở Việt Nam, Poóng nhận được tin đoạt giải 3 cuộc thi ảnh truyền thông đa phương tiện ASEAN - Hàn Quốc giành cho các nhà báo trẻ. Anh được mời sang Seoul nhận giải.
Chúng tôi quen nhau ở Băng Cốc, Thái Lan, năm ngoái trong dịp tập huấn ở Viện Công nghệ Châu Á (AIT), với tư cách điều phối dự án và là người giám sát Poóng ở Việt Nam suốt năm qua.
Poóng nhỏ nhắn với gương mặt xương xương, sống mũi cao có bộ râu quai nón đẹp, nụ cười hiền, bắt tay tôi thật chặt. Trong khi Poóng chỉ 54 kg thì Tài hơn gấp đôi, 104 cân. Tổng Biên tập Savakhone báo tin vui, sau chuyến công tác Việt Nam một năm, Poóng đã trở thành phóng viên chính thức ở Thời báo Viêng Chăng. “Chuyện ấy ở Lào không phải dễ đâu”, Savakhone nói.
Savakhone là một cán bộ ngoại giao kỳ cựu, đã có bằng luật quốc tế, kinh tế đối ngoại, vốn là cán bộ ngoại giao, từng công tác ở Đại sứ quán Lào tại Myanmar, Ấn Độ. Năm 1994, khi Chính phủ Lào quyết định thành lập Thời báo Viêng Chăn, anh được bổ nhiệm lãnh đạo cho đến bây giờ.
Tôi được biết, chẳng bao lâu nữa, anh sẽ rời khỏi chức vụ này để đảm trách một cương vị khác cao hơn. Từ ba nhiệm kỳ nay, Savakhone là Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Văn hóa Thông tin Lào, cơ quan chủ quản Thời báo Viêng Chăn.
Tôi cảm thấy Lào cũng thân thuộc như đất nước mình. Thì những quốc lộ, nếu bắt nguồn từ VN kéo sang Lào đều cùng một tên. Khi Toàn quyền Đông Dương ra quyết định đặt tên quốc lộ thì cả ba nước VN, Lào, Campuchia còn là xứ Đông Dương thuộc Pháp.
Còn các thân phận thì vô kể. Chỉ tính các nhà văn thôi cũng đã có Nguyễn Văn Vĩnh (qua đời khi sang Lào), Nguyễn Đình Thi (sinh tại Savanakhet), Lê Khâm (Phan Tứ) chẳng đã để lại kỉ niệm chiến đấu trong Bên kia biên giới là gì. Tô Đức Chiêu có Đường về Thà Khẹt. Và mới đây thôi, Xiêng Khoảng mù sương của Bùi Bình Thi cũng nhận giải thi tiểu thuyết lần ba (2006 - 2010) của Hội Nhà văn VN…
Poóng cùng tình nguyện viên Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn ở Quảng Bình tháng 10-2010 Ảnh: Quốc Dũng
Poóng cùng tình nguyện viên Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn ở Quảng Bình tháng 10-2010. Ảnh: Quốc Dũng.

 
Đủng đỉnh
Phóng viên trẻ Poóng đưa tôi đi thăm hai ngôi chùa Sisaket và Horphakeo nổi tiếng, cùng ngôi đền Thạt Luổng, công trình kỳ vĩ nhất, đẹp nhất của Phật giáo ở thủ đô Viêng Chăn. Leo lên tầng cao nhất trên Đài Độc Lập, nhìn ra bốn phía, ngắm toàn cảnh thành phố thanh bình xinh đẹp không có nhà cao tầng, thật thú vị.
Rằm, mồng một, theo Phật lịch, là ngày các tăng ni phật tử lên chùa dâng hương, thỉnh chuông lễ Phật nguyện cầu.
Lạ quá. Hôm nay rằm, khách không đông hơn. Phần lớn lại là khách nước ngoài. Tôi đếm nhanh số giày, dép trước bậc thang lên mỗi chùa, một 38, một 31 đôi. Mọi người đi lại thong thả. Không ai chạm với ai vì không phải chen chúc, cũng không phải xếp hàng. Từng tốp năm ba người vào, dăm bảy người ra, thong thả chậm rãi. Bên cửa bán vé ngay ở cổng vào có một cái sọt, lúc đầu không để ý.
Cô tình nguyện viên Trung Quốc trong đoàn, lúc nãy áo thun che không thấy quần soóc (quá ngắn) đâu. Thế mà bỗng dưng cô đang quấn quanh mình tấm vải có dải buộc thành chiếc váy Lào rất đẹp. Mới biết, trong chiếc sọt ấy, là những tấm vải để phụ nữ váy ngắn, quần soóc mượn khi vãn chùa. Không phải thuê mướn gì.
Trong chùa, tịnh không có chuyện đốt vàng mã. Hương khói cũng không. Nhà chùa đã chuẩn bị những bó gói sẵn hai cành cúc trắng và một cây nến trắng, nhỏ bằng nửa cây bút chì trao cho khách, để khách thắp đặt dưới chân tượng Phật rồi quỳ khấn vái.
Có lẽ được tính cả vào giá vé nên không thấy thu tiền. Ai không nhận hoa, nến, không khấn vái thì cứ việc đi qua. Cũng là cầu khấn, nhưng nhìn kĩ những gương mặt thành kính, với hai tay chắp trước ngực, cũng giống như động tác phải có của người Lào mỗi khi gặp khách, cũng với lời sămbađi (chào). Tôi chợt nhớ hai bàn tay chắp, đưa lên tận trán rồi vẩy lia lịa như vẫn thấy ở nhiều người bên ta khi cúng bái. Cũng không thấy khấn khứa rất lâu như bên ta.
Không có những mâm cúng trên đầy ắp xôi thịt, hoa quả, bánh trái, tiền (âm phủ) vàng mã như bên ta. Tuyệt nhiên không có hòm công đức như bên ta.
Suốt năm ngày đi bộ, đi xe ô tô dọc ngang Viên Chăn và, lần trước, cách đây mấy năm làm việc ở Luangphabăng thơ mộng cả tuần lễ, chúng tôi chưa từng nghe thấy một tiếng còi xe nào. Kể cả xe cảnh sát dẫn đoàn khách quốc tế đến thăm Thạt Luổng cũng không nổi còi. Và đấy là lần duy nhất tôi trông thấy cảnh sát trang phục ka ki nhạt mầu, bó hơi chẽn, trông rất khỏe. Không thấy bóng dáng cảnh sát ở ngã ba ngã tư, dù có hay không có đèn tín hiệu giao thông.
Cơ sở hạ tầng giao thông đáp ứng được lưu lượng xe nên không cần cầu vượt. Lưu lượng xe ô tô thấp, xe máy ít, không có xe buýt nhưng có loại xe túc túc (xe mô tô ba bánh) chở được mươi người trở lại. Viêng Chăn tuyệt đối không có xe ôm.
Một khu đất trống dưới những tán cây cổ thụ bên kia đường, ngay trước khách sạn Vạn Tượng chúng tôi ở, có ba cụm dụng cụ tập thể dục để rải rác trong khoảng 500m cho mọi người đến tập cả sáng, chiều, tối. Rất đông người đến tập. Cả trẻ con người lớn. Xem quần áo họ mặc thấy cả những người trung lưu đồng phục dệt kim, giầy vải, cả những người lao động quần áo đủ kiểu.
Người dân ở đất nước Triệu Voi thong thả, thư thái. Đi đường, người ta nhường nhau, chờ nhau, không thấy ai vội vàng hối hả. Không lái xe rẽ ngoặt đột ngột trước mũi xe người khác. Không phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, đánh võng thì làm gì phải thúc còi giục giã, còi xin đường, còi gắt gỏng quát nạt cướp đường. Nhớ một câu của các cụ ta: Đi đâu mà vội mà vàng/ Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây/ Đủng đỉnh như chúng anh đây/ Chẳng đá nào vấp, chẳng dây nào quàng.
Phở Hà Nội giữa Viêng Chăn
Trong một bài viết, nhà văn Trần Chiến khuyên bạn đọc, ra khỏi Hà Nội không nên ăn phở. Vậy mà tôi lại ăn phở giữa thủ đô Lào mới lạ.
Nhưng chắc là tôi cũng có lí khi nhìn thấy trong tấm ảnh lớn treo trong nhà hàng Pho Zap (Phở Ngon) Hắt Sa Đi, Chăntha Bu Ly ở Viêng Chăn, Chủ tịch nước ta Nguyễn Minh Triết cùng Phó Chủ tịch nước Lào chụp với ông bà và con gái chủ hàng phở này với chiếc mũ trắng cao vổng lên của đầu bếp cả thế giới, sau khi thưởng thức bát phở họ nấu.
Tôi hỏi ngay anh Kô Sổn Bun Lót, 22 tuổi, con trai ông bà chủ vấn đề cốt lõi làm nên phở: “Thế nước phở làm như thế nào?”. Anh trả lời bằng tiếng Việt: “Tất nhiên từ nước ninh xương bò bác ạ”. Ninh 24/24 giờ, phải canh chừng để vớt hết lớp váng bọt nổi lên. Ninh kỹ để rút hết đạm từ xương tủy ra. Không dùng mì chính. Mùi nước phở ngào ngạt thơm lừng, làm tôi tưởng như đang ngồi giữa phố Bát Đàn, phố Lý Quốc Sư, Hà Nội.
Thịt bò chín được bó chặt luộc kỹ, đúng trường phái phở chín Nguyễn Tuân. Cũng tái gầu tái nạm. Lại thêm bốn viên thịt bò - kiểu viên mọc trong bát canh bóng ngày Tết ở ta.
Đầu tiên, nhân viên hầu bàn bưng ra một đĩa rau sống đầy một đĩa vuông. Tôi đưa tay ướm, đúng 20 x 20cm, gồm rau húng quế (như kiểu phở Sài Gòn), rau húng chó, ba quả ớt, mươi khúc đỗ đũa sống, dăm lá xà lách, dăm lát cà rốt, ba múi chanh. Cả thảy bảy thứ. Số lượng đủ cho một bữa ăn gia đình ba người.
Chưa hết, bốn bát nhỏ giá sống, dưa góp (cà rốt, cà pháo, dưa chuột, tất cả đều ngâm dấm), một bát cheo (một thứ gia vị tổng hợp có lạc giã nhỏ, chưng dầu với tương ớt). Kể cả hành thái thả trong bát phở là 14 thứ tất cả. Bát đựng phở to đến mức, đựng canh cho một gia đình ăn cả bữa, không phải múc thêm, vì đường kính những 20 cm, chiều cao 10 cm. Bát phở này giá 50.000 kíp (140.000 VND), bát đại 20.000 kip, bát to 17.000 kíp, bát nhỏ 15.000 kíp.
Kô Sổn Bu lót kể đã học tiếng Việt một năm rồi học tiếp ba năm phổ thông nữa ở Việt Nam. Giờ đang học năm thứ hai đại học ngoại thương ở Quý Châu (Trung Quốc). Kô Sổn có một chị ruột đã tốt nghiệp thạc sĩ ngoại thương ở Việt Nam, đang công tác ở Bộ Ngoại thương Lào. Kô Sổn kể, cụ ngoại anh, rồi ông bà ngoại, từ cuối những 1950 đã mở hàng phở rồi. Có một thời gian dài nghỉ bán. Sáu bảy năm trước mở lại.
Nhà hàng rất rộng, nhưng không có tầng gác, phía ngoài lại còn một diện tích bán cà phê, nước hoa quả. Chẳng lẽ, vị Phó Chủ tịch Lào mời Chủ tịch nước ta ăn phở ở đây? Kô Sổn vội giải thích, vì cửa hàng không có phòng VIP nên phải mang tất cả mọi thứ đã làm sẵn vào Nhà khách Chính phủ.
Nguyễn Bắc Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét