Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2021

Thủ tướng: Gõ từng nhà, rà từng người để tiêm vắc-xin Covid-19

Đúng như tôi đã dự báo nhiều lần trên Blog và FB này, trong giai đoạn thiếu vaccine thì chính phủ sẽ tuyên bố tiêm vaccine là tự nguyện, nhưng đến khi có đủ vaccine rồi thì sẽ chuyển sang giai đoạn cưỡng ép phải tiêm vaccine bằng mọi biện pháp có thể, đặc biệt là đẩy người dân không muốn tiêm vaccine đến chỗ sống dở chết dở nếu cứ cương quyết không tiêm. “Ai chưa tiêm buộc phải tiêm, ai cương quyết không tiêm thì phải xử lý theo quy định của pháp luật”, nghe sợ quá. Không biết chính quyền sẽ dùng các quy định nào của pháp luật để cưỡng ép người dân phải tiêm, nhất là những người do cơ địa hay tâm lý mà khiếp sợ nhất định không muốn tiêm. Mà pháp luật trong tay chính quyền thì chính quyền muốn đặt ra luật nào mà chẳng được. “Không tiêm thì chữa bệnh phải trả tiền”, vậy thì người dân đóng tiền bảo hiểm y tế để làm gì ? Nếu đã có chủ trương sống chung với virus, coi virus Corona cũng như các loại virus cần sống chung khác, thì bệnh nhân Covid cũng phải được bảo hiểm y tế đối xử như các bệnh nhân khác chứ sao lại phân biệt như vậy. Thất vọng thật.
Thủ tướng: Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tiêm vắc-xin Covid-19
10-12-2021 - (NLĐO)- Chỉ đạo tại cuộc họp toàn quốc về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tiêm vét vắc-xin, ai chưa tiêm buộc phải tiêm, ai cương quyết không tiêm thì phải xử lý theo quy định của pháp luật như không tiêm thì chữa bệnh phải trả tiền...

Kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 10-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số mục tiêu, nhiệm vụ cần tập trung làm bằng được trong thời gian tới, đó là kiểm soát rủi ro, giảm tối đa số ca chuyển nặng và tử vong; đồng thời "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", thần tốc hơn nữa trong chiến dịch tiêm chủng với mục tiêu, lộ trình cụ thể cho từng nhóm độ tuổi.

Phấn đấu tới 31-1-2022, hoàn thành tiêm 2 mũi cho người từ 12 đến 18 tuổi

Thủ tướng cho biết tình hình dịch bệnh trên phạm vi cả nước đang được kiểm soát, kinh tế-xã hội từng bước phục hồi trên tất cả các lĩnh vực. Các trường học từng bước được mở cửa trở lại bằng việc kết hợp học trực tuyến và trực tiếp, bố trí các buổi học phù hợp... Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, dịch bệnh có diễn biến phức tạp, số ca mắc mới hằng ngày có xu hướng gia tăng, số ca tử vong tăng tại một số địa phương.

Thủ tướng chỉ ra một số nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Theo đó, có nơi, có lúc, một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan, thiếu cảnh giác, thỏa mãn với kết quả đạt được và hiểu chưa đúng về hiệu quả của vắc-xin (sau khi tiêm vẫn có thể nhiễm nhưng giảm lây nhiễm, giảm tăng nặng, giảm tử vong, nhất là khi kết hợp và triển khai kịp thời các biện pháp khác).

Đa số các ca chuyển nặng và tử vong đều chưa được tiêm vắc-xin hoặc/và có bệnh nền. Năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở chưa được nâng cao nên việc người bệnh tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở còn hạn chế. Tiến độ tiêm vắc-xin vẫn chưa đạt như mong muốn dù đã có bước nhảy vọt được, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại một số nơi, chưa quản lý được rủi ro là do cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực hiện hiệu quả các biện pháp y tế và các biện pháp khác.

Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, Thủ tướng yêu cầu phải có cảnh báo, giải pháp từ sớm, từ xa để tránh bị động, bất ngờ. Còn nhiều dự báo, nhận định khác nhau về độ lây lan, độc lực, tính chất kháng vắc-xin của chủng mới Omicron và không loại trừ việc tiếp tục xuất hiện các biến chủng mới.

Về mục tiêu, Thủ tướng nêu rõ, khi thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì phải thực hiện bằng được mục tiêu kiểm soát rủi ro, giảm tối đa số ca chuyển nặng và tử vong.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu quan trọng là về tiêm vắc-xin. Cụ thể, phấn đấu tới 15-12 và chậm nhất tới 31-12 phải hoàn thành bằng được việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên. Cùng với đó, khẩn trương thực hiện sớm nhất có thể, phấn đấu đến hết quý I/2022 hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3, ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu, người trên 50 tuổi và có bệnh nền.

Phấn đấu tới 31-1-2022, hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 12 đến 18 tuổi. Về tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, khẩn trương báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền, nghiên cứu khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, tham khảo kinh nghiệm các nước để đưa ra mục tiêu, lộ trình tiêm, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022.


Thủ tướng: Ai chưa tiêm vắc-xin buộc phải tiêm, nếu không tiêm thì chữa bệnh phải trả tiền - Ảnh: Nhật Bắc

Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tiêm vét vắc-xin

Thủ tướng yêu cầu, các địa phương không được ban hành các biện pháp trái quy định của Trung ương, nếu triển khai các quy định khác với nguyên lý chung hoặc nếu thấy các biện pháp của Trung ương không phù hợp tình hình thực tiễn thì báo cáo ngay Ban Chỉ đạo Trung ương để bổ sung, điều chỉnh.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thần tốc hơn nữa trong đáp ứng nhu cầu vắc-xin và thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin để đạt mục tiêu đề ra. Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tiêm vắc-xin bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; rà soát lại các quy trình, công đoạn liên quan tới vắc-xin, tránh xảy ra và khắc phục các sự cố.

"Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tiêm vét vắc-xin, ai chưa tiêm buộc phải tiêm, ai cương quyết không tiêm thì phải xử lý bằng các biện pháp theo quy định của pháp luật, ví dụ nếu không tiêm thì chữa bệnh phải trả tiền. Không để thiếu vắc-xin và lực lượng tiêm vắc-xin"-Thủ tướng nhấn mạnh.

Phải khẩn trương rà soát, tiêm ngay cho các đối tượng chưa được tiêm, chưa tiêm đủ mũi, nhất là đối với người cao tuổi, người mắc bệnh nền; lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ cao để quản lý, tiêm vắc-xin, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế sớm, điều trị kịp thời...

Đồng thời, phải có kế hoạch cụ thể về bảo đảm cung ứng thuốc điều trị, các địa phương đề xuất, Bộ Y tế tổng hợp, tập trung chỉ đạo việc bảo đảm nguồn, phân bổ kịp thời thuốc điều trị; đối với các loại thuốc thiết yếu, phải có cơ số dự phòng phù hợp cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu.

Tạo điều kiện tối đa để thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19 trong nước, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Triển khai ngay các cơ chế, chính sách liên quan sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý để đáp ứng ngay nhu cầu thuốc điều trị cho nhân dân, nghiên cứu xã hội hóa việc cung ứng thuốc, bảo đảm công bằng, dân chủ, khách quan, tránh tiêu cực, lợi ích nhóm...

Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các tỉnh, thành phố rà soát và thực hiện công tác bảo đảm an sinh xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết 86 của Chính phủ; biểu dương, khen thưởng những nơi làm tốt, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý những nơi làm không tốt, làm không đúng; dứt khoát không để ai thiếu ăn thiếu mặc, thiếu chăm sóc y tế khi cần. Cùng với đó, tiếp tục khôi phục thị trường lao động và đề xuất chính sách phù hợp với lực lượng tuyến đầu.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tham mưu, triển khai việc khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ quốc tế bảo đảm an toàn, theo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại cuộc họp ngày 9-12.

Ngành giáo dục và đào tạo có thể cập nhật từng trường hợp F0 trong trường

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đến thời điểm này, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 610 tỉ USD và cả năm dự kiến có thể đạt từ 650-660 tỉ USD, tăng khoảng 30% so với năm 2020 và lập kỷ lục mới. Nếu ở thời điểm tháng 9, nhập siêu là 2,75 tỉ USD thì cả năm nay có thể xuất siêu 3 tỉ USD.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Minh và một số ý kiến đề nghị các địa phương nghiên cứu, đẩy mạnh việc mở cửa trường học cho các em học sinh, hiện nhiều địa phương đã làm rất tốt việc đưa học sinh đi học trở lại. Theo bà Minh, ngành giáo dục và đào tạo có thể cập nhật từng trường hợp F0 trong trường, từng học sinh đã tiêm chủng theo giờ.

Các ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh truyền thông về vấn đề này để phụ huynh yên tâm đưa con em đi học; ngoài ra, việc kéo dài học trực tuyến có thể gây ra một số hệ quả không mong muốn như các bệnh lý không lây nhiễm, ảnh hưởng tới việc làm của phụ huynh...

Thế Dũng
https://nld.com.vn/chinh-tri/thu-tuong-di-tung-ngo-go-tung-nha-ra-tung-nguoi-de-tiem-vac-xin-covid-19-20211210150659517.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét