Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2021

Sự tích "dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu"

Sự tích "dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu" 
Ở nước ta khu vệ sinh trên các toa tầu hoả đều không có thùng đựng chất thải; ị đái xong là chất thải thoát luôn xuống đường ray. Có phân nên cây rau má có dưỡng chất mọc rất tốt. Rau má mọc khoẻ bám rễ trong các khe đá dăm trải trên tà vẹt đường tầu, dân bới đá nhổ cả cây làm tà vẹt hổng gây xô lệch đá nền đường ảnh hưởng đến độ khớp giữa hai đường ray từ đó dẫn tới mất an toàn đường sắt.
Ngoài ra Sự tích "dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu" còn được giải thích như sau:

Ở Thanh Hóa rau má hoang dại mọc khắp nơi, trong vườn, bên đường đi, ven bờ ruộng và nhất là trong các bãi tha ma. Trong những năm 1960-1963 dân Thanh Hóa đói quá nên phát sinh phong trào hái rau má về ăn.

Mặt khác, hồi những năm 1960-1970 tại một số đoạn đường sắt đi qua tỉnh Thanh Hoá có tình trạng dân lấy trộm bù loong ốc vít trên các thanh tà vẹt đường tàu về bán sắt vụn… Tình trạng này khá phổ biến, gây nguy hiểm cho các đoàn tàu chạy qua ! Giá trị các ốc vít bù loong chả đáng bao nhiêu nhưng tác dụng phá hoại quá nghiêm trọng đến mức báo động và nhân dân cả nước lên án! Câu “ăn rau má , phá đường tàu “ gắn với tình trạng thời đó !

Thủ tướng Phạm Minh Chính quê Thanh Hóa sinh ra và lớn lên trong đúng giai đoạn "dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu" nên rất thông minh, sáng suốt. Nhờ có sự lãnh đạo kịp thời, chính xác của ông: "Ai ở đâu ở yên đó", nên trong thời gian đại dịch Covid 2021 vừa qua, ở tp HCM đã xuất hiện sự tích mới: "Dân Sài Gòn nằm chơi ăn rau thối". Chả là lúc đó dân SG không được phép ra đường, nhiều tuần, nhiều tháng nằm chơi ở nhà, chính quyền và quân đội tổ chức mua rau giúp dân, nhưng khi rau đưa được đến tay người dân thì thường đã thối.
----------------------

VỀ SỰ TÍCH “ ĂN RAU MÁ PHÁ ĐƯỜNG TÀU” GẮN VỚI QUÊ THANH HÓA
Phạm Viết Đào. Fb Dao Pham Viet

Phải những người sinh ra ở vùng Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh từ giai đoạn 1956 trở về trước thì mới hiểu được nguồn gốc của cái “ sự tích ăn rau má phá đường tàu”; Đây không phải là một câu đùa tếu táo mà nó ra đời vào quãng năm 1962-1963; Câu này trở thành “ khẩu ngữ” liên quan tới bối cảnh kinh tế xã hội lúc đó của vùng Thanh Nghệ Tĩnh…

Nước Pháp có cuốn từ điển Robert, đây là cuốn từ điển giải nghĩa tiếng Pháp được đánh giá rất cao đối với những ai nghiên cứu tiếng Pháp vì rất nhiều từ tiếng Pháp được cuốn từ điển này chú thích năm ra đời, năm ra sử dụng nó. Ví dụ như động từ “Dienbienphusser”, động từ này chí một hành động đột phá mạnh, từ điển ghi ra đời 1954, là năm quân đội Pháp thất bại tại chiến trường Điện Biên Phủ. Hay từ “congai” được từ điển giải thích là “ Jeune fille annamite” (con gái trẻ Vietnam) từ điển ghi ra đời đầu thế ký XX, khi Pháp đã hoàn thành xong ách đô hộ và bắt đầu khai thác xứ An Nam…

Đầu năm 1962 trong khi miền bắc đang phát triển kinh tế thịnh vượng như bài thơ “ Chào xuân 61” của Tố Hữu viết: “ Chào 61 đỉnh cao muôn trượng; Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng; Trông cả ngàn xưa trông tới mai sau; Trông bắc trông nam trông cả địa cầu”…

Tố Hữu viết bài thơ này xuất phát từ cảm hứng no đủ của miền bắc khi mà Đảng Lao động Việt Nam tròn 30 tuổi; trước đó Tố Hữu viết bài thơ “ Ba mươi năm đời ta có Đảng” có những câu:

“Màu áo mới nâu non nắng chói
Mái trường xưa tươi rói ngói son
Đã nghe nước chảy lên non
Đã nghe đất chuyển thành con sông dài
Đã nghe gió ngày mai thổi lại
Đã nghe hồn thời đại bay cao
Núi rừng có điện thay sao
Nông thôn có máy làm trâu thay người”…

Tôi còn nhớ giai đoạn đó tôi đang học lớp 5-6, khi nghe thầy giáo giảng văn thấy thầy rưng rưng đọc bài thơ này và bình giảng cho lũ trẻ chúng tôi: Nhiều người chê thơ Tố Hữu không lãng mạn; những câu thơ trên ai bảo là không lãng mạn; lãng mạn quá đi chứ… nhưng đây là lãng mạn cách mạng chứ không phải là tiểu tư sản…

Để miền bắc có được bối cảnh tạo cảm hứng cho Tố Hữu viết những câu trên, những câu thơ “ miền bắc thiên đường của các con tôi” thì chỉ vài năm sau vùng Thanh Nghệ Tình bắt đầu lan truyền câu “ ĂN RAU MÁ, PHÁ ĐƯỜNG TÀU”…


Vì sao lại có câu khẩu ngữ này?

Số là bước sang năm 1962, vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đang trải qua một trận đói lớn; Lúc đó tôi học lớp 3 lớp 4, trên 10 tuổi, tuổi ăn tuổi lớn nên quá thấm thía cái trận đói này kéo dài 2-3 năm. Tôi vẫn nhớ gia đình tôi thuộc gia đình khá giả; Bố Mẹ tôi lúc đó chỉ mới có 2 con nhưng buổi sáng tôi thường được một bát ngô vùi: ngô phơi khô giã cho tróc vỏ vỡ ra làm đôi làm ba sau đó cho vào cái nồi đất ninh khi nồi cạn cho vùi vào một con cúi rơm. Sớm mai tôi đi học còn bố mẹ đi làm mỗi người được một bát ngô do vùi trong rơm ủ cháy suốt đêm nên chín dừ. Buổi trưa thì được một bát cơm khi thì độn ngô, độn khoai; còn buổi tối thì ăn khoai đi ngủ. Cái câu thành ngữ: "Sáng ăn khoai đi ngủ, tối ăn củ đi làm, trưa ăn lang trừ bữa" theo tôi ra đời ở quê tôi trong giai đoạn này…

Gia đình tôi còn có bát cơm ăn trưa, buổi sáng có bát ngô còn phần lớn gia đình trong xóm nhiều gia đình chỉ có khoai để ăn, mà có khoai lang, khoai lặn, miền bắc gọi là dong riềng là còn loại khá…và món SÂM NAM-RAU MÁ trở thành ĐẶC SẢN của vùng quê từ Thanh Hóa tới Nghệ An, Hà Tĩnh; Hồi đó quả thật nhiều gia đình quê tôi không có gạo mà đến ngô sắn khoai cùng không có mà ăn đành phải ra đồng nhặt rau má về ăn qua ngày.

Hiện nay RAU MÁ là đặc sản chứ hồi ấy rau má mọc nhiều tại các nghĩa trang, trên các nấm mộ. Những người dân quê tôi không có gì ăn vì hạn hán mất mùa đành ra các bãi tha ma nhổ rau má về ăn trừ bữa. Những bãi tha ma quê tôi mồ mả trụi rau má nên chỉ trơ lại đất trong các năm đó…Quả thật nhờ rau má mà người dân quê tôi không bị chết đói…

Còn ở Thanh Hóa do có đường sắt đi qua mà đường sắt lại là nơi rau má phát triển rất tốt, ngay trên khu vực đường ray và hai bên dọc đường tàu hỏa. Do người dân Thanh Hóa nhổ rau má về ăn nên ít nhiều ảnh hưởng tới đường sắt, mặc dù đường tà vẹt sắt được đặt trên đá dăm nhưng người ta bới để nhổ rau má làm ảnh hưởng đôi chỗ bị sụt lún…Thành ra dân nghèo Thanh Hóa mang tiếng “ ĂN RAU MÁ PHÁ ĐƯỜNG TÀU” từ sau nạn đói 1962-1963…

Sang năm 1964-1965 khi chiến tranh nổ ra nên Trung Quốc viện trợ gạo nên người dân vùng Thanh Nghệ Tĩnh nơi chiến sự ác liệt có gạo Trung Quốc. Tôi còn nhớ gia đình tôi mỗi tháng được cấp phát thêm 5-7 kg gạo chở từ Trung Quốc sang…

Giai đoạn 1962-1963 sở dĩ có nạn đói do hạn hán, mất mùa một phần nhưng nguyên nhân chính là do bắt đầu từ năm 1960, miền bắc bắt đầu xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp; Ruộng đồng, trâu bò tập trung lại thành của chung; Dân đi làm đồng theo tiếng kẻng; Đi làm chấm công và đến mùa thì thóc gạo ngô khoai chia theo công điểm. Chính môt hình hợp tác xã nông nghiệp đã trói người nông dân cùng với hạn hạn mất mùa dẫn tới đói kém, dẫn tới dân Nghệ An quê tôi muốn sống phải ra bãi tha ma nhổ rau má về mà ăn qua ngày; còn dân Thanh Hóa “MUỐN ĂN RAU MÁ THÌ PHẢI PHÁ ĐƯỜNG TÀU”…

Cùng với dân Thanh Hóa, dân Nghệ Tĩnh do phải ra bắc bằng tàu hóa nên trải nghiệm được do đâu đường sắt Hà Nội-Vinh bị xuống cấp vì dân đói nhổ rau má dọc đường tàu để ăn nên gây nên cơ sự…

Nói thêm về cảm hứng dạt dào của Tố Hữu trong 2 bài thơ trên vì Tố Hữu không phải trải nghiệm cái cảnh đói mất mùa của dân Thanh Nghệ Tĩnh, mặc dù vợ ông quê Thanh Hóa, mẹ nuôi quê Hậu Lộc là Mẹ Tơm nhưng suốt 19 năm trời ông không về thăm mặc dù Hà Nội-Thanh Hóa cách 170 km:

Mười chín năm rồi. Hôm nay lại bước
Đoạn đường xưa, cát bỏng lưng đồi.
Ôi có phải sóng bồi thêm bãi trước
Hay biển đau xưa rút nước xa rồi?
Con đã về đây, ơi mẹ Tơm
Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm
Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy
Không sợ tù gông, chấp súng gươm!
( Mẹ Tơm)

Sở dĩ Tố Hữu ung dung ca khúc khải hoàn ca ngợi chế độ, ca ngợi Đảng mặc dù Thanh Hóa quê mẹ Tơm của ông phải “ ăn rau má, phá đường tàu” do Việt Nam hồi đó có bầu sữa Bắc Kinh.

Tại Thư viện của Quốc hội Mỹ hiện còn lưu được một tư liệu dịch một bài xã luận trên báo Nhân Dân, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa 1949-1959. Theo báo Nhân Dân, trong 3 năm 1957-1958-1959, Trung Quốc đã viện trợ cho miền bắc Việt Nam một khoản viện trợ bằng tổng số thuế mà dân miền bắc đóng trong 3 năm mặc dù thời gian đó dân Trung Quốc cùng đang chết đói.

Cõ lẽ vì thế nên Tố Hữu ung dung làm thơ và viết nên những câu thơ ca ngợi Mao Trạch Đông:

Tôi đã thấy bóng người cao lồng lộng
Đẹp như một ngọn cờ hồng…



P.V.Đ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét