Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2021

NGHĨA TỬ, NGHĨA TẬN

Theo tôi được biết ở nước ngoài khi bệnh nhân Covid chết, chính quyền và bệnh viện sẽ khử trùng thi hài, sau đó bàn giao thi hài cho gia đình mang về an táng theo cách gia đình lựa chọn. Đọc bài dưới đây của bs Trung thấy chính quyền SG vô cảm và tàn nhẫn quá. Cái chết là bất hạnh lớn nhất; con người khi đã phải chấp nhận cái chết tức là chấm hết mọi quan hệ, cho nên câu nói "Nghĩa tử là nghĩa tận" có ý khuyên người đời hãy tha thứ để họ được chết yên ổn. Đừng đòi hỏi, yêu cầu gì với người đã chết; câu nói còn có ý khuyên chúng ta nên xử sự với nhau nhân đạo, đúng tình người.
NGHĨA TỬ, NGHĨA TẬN
Bs Phan Xuân Trung - Trong những ngày qua, nhiều người quen đã chia sẻ những câu chuyện đau lòng trong những ngày xảy ra đại dịch vừa qua. Bà chủ quán phở Hiền ở quận 4 mất khá nhiều thực khách mối quen sau mùa dịch. Bà kể một gia đình tiệm vàng ở Tôn Đản có 5 người thì ra đi hết 4 người, chỉ còn lại cô con gái út.
Một chỉ điều dưỡng trưởng kể về hành trình nuôi mẹ trong bệnh viện, chứng kiến những gì xảy ra bên trong và hiểu lý do tại sao người ta chết nhiều vậy.

Và mới đây, xem Youtube biết nhân vật Tùng Chùa chuyên hát nhạc chế, trở thành một nạn nhân bi thảm trong mùa Covid. Anh ta mất cha, mẹ, em gái và 2 người thân khác. Bản thân anh bị đi cách ly tập trung và không có thuốc uống trị bệnh tiểu đường nên phải bị cưa mất một bên cẳng chân.
Cho đến nay, sự việc mất người thân vẫn đang là nỗi đau to lớn của rất nhiều gia đình mà một trong những day dứt là không được nhìn người thân vào giây phút chót cũng như không được làm phận sự đạo hiếu đối với mẹ cha.
Những câu chuyện do các bác sĩ tham gia chống dịch đã tiết lộ những điều còn đau lòng hơn, đó là việc quản lý thi hài, tro cốt có nơi có lúc bị nhầm lẫn. Người thân nhận được hủ tro cốt nhưng chưa chắc đó chính là của người thân của mình. Và cũng có những câu chuyện về "kền kền" sống trên xác chết, về việc chung chi để được ưu tiên lấy cốt về trước. Chi phí có thể lên đến vài chục triệu đồng...
Việc nhắc lại những câu chuyện đau lòng đó không nhằm khơi lại vết thương âm ỷ trong tâm tư người ở lại mà muốn nói đến một điều khác, một cách xử lý khác có thể sẽ tốt hơn, sẽ không gây nên sự đau thương mới, đó là việc xử lý thi hài bệnh nhân Covid.
Đối với người Việt Nam, phong tục ma chay cho người qua đời là một lễ nghĩa quan trọng. Do đó, có nhiều trường hợp bị nhiễm Covid và có chiều hướng tăng nặng, gia đình xác định không đưa đi bệnh viện vì lo lắng rằng nếu chuyện xấu xảy ra thì xem như "mất xác", không được ra đi trong vòng tay yêu thương của gia đình.
Hiện nay, chính quyền đang xử lý xác theo quy tắc phòng dịch, cho rằng tử thi mang virus cần được hỏa táng tập trung. Tuy nhiên, cần nhìn nhận lại vấn đề. Trong thực tế thì nhiều bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm như viêm gan siêu vi B, C, viêm não Nhật Bản, bệnh tả, thương hàn... hay nhiều bệnh truyền nhiễm khác thì vẫn cho người nhà đưa về an táng. Vậy thì tại sao không cho thân nhân đưa bệnh nhân Covid về lo hậu sự?
Sợ lây qua không khí, khi người mang mầm bệnh nói, thở, hắt hơi, ho... Người đã chết rồi thì không thể lây theo các cách thức trên. Việc tiếp xúc gần với thân xác khi đó cũng không gây lây nhiễm.
Hiện nay dịch Covid tiếp tục lây lan và số lượng mắc, chết tăng dần mỗi ngày. Nếu dân chúng tiếp tục lo lắng về chuyện hậu sự thì sẽ không khai báo cho chính quyền biết và không chấp nhận nhập viện. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục tăng và có nguy cơ dịch bùng phát mạnh mẽ lần nữa. Với những phân tích trên đây, tôi nghĩ rằng chính quyền nên thay đổi việc xử lý nạn nhân Covid theo cách khác đi. Nếu gia đình nào có nguyện vọng đưa người quá cố về để lo hậu sự thì nên trả nạn nhân về với gia đình. Nếu cần thiết thì bệnh viện có thể xử lý xác, tẩm liệm đến mức an toàn rồi trả về cho gia đình.
Đây là vấn đề nhân văn, mong chính quyền cần lưu ý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét