Cân đong lợi ích chiến lược Việt - Mỹ
"Gia nhập tổ chức này (TPP) sẽ tăng uy thế của Việt Nam không chỉ về phương diện kinh tế, mà chính trị cũng rất quan trọng".
Tuanvietnam tiếp tục cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason (Hoa Kỳ), về triển vọng mối quan hệ "đối tác chiến lược" Việt - Mỹ.
Ta thử bàn sang yếu tố thứ hai, là kinh tế, xem sao. Tất nhiên, không thể so với Trung Quốc được, nhưng lại nằm trong "ván cờ mới" của Mỹ được gọi là TPP (hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái bình dương), bao gồm những nước quan trọng nhất ở hai bên bờ Thái bình dương, trừ Trung Quốc, và chiếm tới 40% GDP toàn thế giới.
Liệu Việt Nam, nếu tham gia được vào TPP, có làm cho yếu tố giá trị (thứ ba) sẽ được "lờ mờ" đi, theo cách nói của ông? Mặc dù, theo tôi được biết, còn hàng loạt các rào cản, về mặt nguyên tắc, như doanh nghiệp nhà nước, tự do hội đoàn, hay dệt may, mà Việt Nam khó vượt qua.
Vả lại, có thêm những nước như Malaysia, Mexico, Canada, hay gần đây nhất là Nhật Bản, tham gia TPP, vị thế của những nước như Việt Nam sẽ không được như ban đầu. Hay nói như bà Virginia Foote, là đến một lúc nào đó ai rớt lại đằng sau thì chịu thôi.
Trong trường hợp Việt Nam có khả năng thì vào TPP có ba điều lợi.
Thứ nhất, TPP là tổ chức duy nhất ở Á châu-Thái Bình Dương Việt Nam tham dự, mà không có mặt Trung Quốc.
Thứ hai, Việt Nam gia nhập một tổ chức mà các quốc gia hội viên đều theo chế độ kinh tế thị trương thực sự. Một khi hội đủ được điều kiện gia nhập thì đương nhiên Việt Nam đuợc coi là có nền kinh tế thị trường, một điều mà Việt Nam vẫn tranh đấu để Mỹ công nhận.
Thứ ba, Việt Nam sẽ nằm trong một tổ chức mà tuyệt đại đa số các hội viên đều theo chế độ dân chủ. Gia nhập tổ chức này sẽ tăng uy thế của Việt Nam không chỉ về phương diện kinh tế, mà chính trị cũng rất quan trọng.
Tham gia TPP, xuất nhập khẩu sẽ có lợi hơn |
Lợi thì rất lợi như vậy đấy. Nhưng câu hỏi chính đặt ra là Việt Nam có đủ điều kiện, và có quyết tâm tạo điều kiện, tham dự TPP hay không?
Trong quá khứ, Việt Nam đã để mất nhiều cơ hội. Gần đây, Myanmar đã vượt Việt Nam về phương diện được thế giới chú ý đến. Bà Virginia Foote nói đúng, thế giới đi tới và không chờ ai, kẻ nào đi chậm sẽ bị bỏ rơi lại đằng sau.
Có vẻ như với ông Tổng thống Barrack Obama, Việt Nam không nằm trong trọng tâm của ông, ít nhất trong năm nay. Thế còn với John Kerry, liệu tình cảm đặc biệt với Việt Nam, qua hàng thập kỷ qua, liệu ông sẽ có những nỗ lực cá nhân của riêng mình?
Hoặc, ít ra, với quá khứ tốt đẹp với chống chiến tranh và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, ông sẽ là gương mặt dễ nói chuyện với Hà Nội hơn?
Giai đoạn 2008-2010, thành công của Việt Nam trong vai trò hội viên không thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và cả trong vai trò Chủ tịch ASEAN với việc củng cố sự cộng tác giữa các nước hội viên ASEAN đã gây ấn tượng đối với Mỹ. Vì thế, họ đã tích cực tìm cách củng cố quan hệ giữa hai nước.
Nhưng gần đây, vấn đề nhân quyền trong nước lẫn sự chia rẽ trong ASEAN làm Mỹ thất vọng. Sự ưu tiên dành cho Việt Nam cũng giảm, nhất là khi chính quyền Obama phải đương đầu với nhiều vấn đề đối nội cũng như đối ngoại quan trọng hơn.
Riêng ông John Kerry vốn có cảm tình cá nhân với Việt Nam, do đó có thái độ mềm mỏng hơn đối với Việt Nam, như ông đã tỏ ra trong quá khứ.
Nhưng bây giờ đã trở thành ngoại trưởng, ông phải quan tâm đến nhiều vấn đề nóng bỏng trên thế giới, theo quyền lợi quốc gia của Mỹ, nên không thể xếp Việt Nam vào loại ưu tiên cao. Không những ông chịu trách nhiệm trước Tổng thống, mà chịu trách nhiệm trước Quốc Hội. Lấy vấn đề nhân quyến làm một thí dụ.
Trước kia, với tư cách Thượng Nghị sĩ, ông có thể "ngâm tôm" luật nhân quyền chỉ trích Việt Nam, do Hạ Viện đã biểu quyết. Ngày nay, không những ông không có quyền "ngâm tôm" vấn đề nhân quyền, mà khi ra điếu trần trước Quốc Hội, ông còn phải chứng tỏ Việt Nam đã có tiến bộ về nhân quyền. Vì thế, tình hình nhân quyền ở Việt Nam sẽ đẩy tân ngoại trưởng Kerry vào thế khó xử.
Nhưng, nói cho gọn lại, việc ông Kerry trở thánh người lãnh đạo chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn là một cơ hội tốt cho Việt Nam. Lợi dụng được cơ hội ấy hay không lại là một việc khác.
Tựu trung, qua trao đổi với Giáo sư, Việt Nam chưa có vị trí tạm gọi quan trọng trên bàn cờ chiến lược của người Mỹ?
Không có gì là không quan trọng cả. Nhưng còn xa mới quan trọng để xác lập một mối quan hệ mới, hay như các nhà ngoại giao vẫn nói là "nâng lên một tầm cao mới".
Các lãnh đạo Việt Nam, từ chính phủ đến bộ ngoại giao, trong dịp nọ dịp kia, đều nhấn mạnh tới việc sớm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Nhưng dường như, bản thân Việt Nam hình như chưa có sự chuẩn bị tinh thần đầy đủ và quyết tâm cần thiết, nhất là một khái niệm rõ ràng về "đối tác chiến lược", để hướng tới mối quan hệ này?
Tôi nghĩ đúng là lãnh đạo Việt Nam có ý muốn như vậy. Với Mỹ, hai bên chưa thống nhất được nội hàm. Ai cũng biết bên kia muốn gì, nhưng dường như chưa có sự thuận mua vừa bán.
Thực ra Việt Nam đã từng bỏ lỡ thời cơ trong quan hệ với Mỹ khá nhiều, do chưa thực sự hiểu Mỹ, đơn cử là cơ hội bình thường hóa với Mỹ vào cuối những năm '70, hay trong quá trình đàm phán hiệp định thương mại song phương (BTA), rồi đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO). Ngay cả với hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái bình dương (TPP) hiện nay dường như sự hiểu biết này của Việt Nam vẫn còn khá hạn chế, tuy đã khá hơn trước rất nhiều. Ông có nghĩ vậy không?
Phải nói cho khách quan, chính trị nội bộ của Mỹ thực sự rắc rối. Khi Trung Quốc mời tôi sang nói chuyện vào đầu những năm '90, họ cũng không hiểu gì về vấn đề này. Họ cứ hỏi tại sao thế này, tại sao thế kia, hỏi liên tục.
Tôi giải thích từng trường hợp cụ thể một. Và, tựu trung, chính trị nội bộ vẫn là vấn đề quyền lợi mà thôi. Dần dần, Trung Quốc có nhiều học giả học học tập và nghiên cứu về chính trị nội bộ của Mỹ, nên họ biết khá rành mạch.
Đối với Việt Nam, cũng có nhiều người học ở Mỹ, nhất là được thực tập ở Mỹ, nên sự hiểu biết chắc chắn là khá hơn ngày xưa, khá hơn rất nhiều. Vấn đề ở đây là họ có dám nói với lãnh đạo một cách thẳng thắn không né tránh không.
Nhưng, quan trọng nhất, là chỉ có lãnh đạo mới biết rằng họ thực sự muốn gì, tôi hy vọng như vậy, và nếu muốn cái đó phải trả giá thế nào. Và họ có sẵn sàng trả giá hay không, nếu có, đến mức độ nào. Chuyên viên chỉ nói về khía cạnh kỹ thuật, còn nhà chính trị thì quyết định theo quyền lợi chính trị.
Vì vậy, nên cái giỏi của nhà chính trị là chọn được chuyên viên giỏi, và biết chọn lựa lời khuyên tốt. Ta đành phải hy vọng thôi.
Huỳnh Phan
Xin cám ơn ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét