Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Cuộc đời thật đẹp của Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng

Thương tiếc Hiệp sĩ CNTT và chia buồn với gia đình anh.
Tập hợp thông tin về Hùng qua các bài trên mạng:
Cuộc đời thật đẹp của Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng

Tin buồn: Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng đột ngột qua đời
"Trên cơ thể mình chỉ có cái đầu hoạt động và con tim đập nhẹ, một bàn tay mấp máy nhấp chuột, còn dường như mọi thứ đã chết - nằm rạp bên màn hình máy tính, Hùng nhỏ nhẹ - nhưng chỉ cần như vậy thôi thì cuộc sống vẫn là điều tươi đẹp".
Lập nghiệp vì cộng đồng
Nguyễn Công Hùng là hiệp sĩ CNTT năm 2005, một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2006, Giám đốc TT đào tạo tin học Nghị lực sống.
Là con nhà nông ở xã Đoài, Nghi Lộc, Nghệ An, Hùng bị bại liệt từ khi mới chào đời, cơ thể teo quắt mềm như bún, mất khả năng vận động. Mọi sinh hoạt cá nhân hoàn toàn dựa vào người khác, nằm, ngồi, trở mình các kiểu. Hùng chỉ hoạt động được cái đầu và 1 ngón tay. Khi huyện mở trường dành cho người khuyết tật, nhà trường đến vận động để cho em đến trường, ba mẹ và thầy cô đã thay nhau đưa đón Hùng đi học. Đến lớp 7 do sức khoẻ yếu, bắt đầu có biểu hiện thêm bệnh viêm phổi cấp nên Hùng phải nghỉ học.
Xem ti vi và thấy người ta nói đến máy vi tính, khi đó ở quê Hùng, máy vi tính rất hiếm. Bố mẹ Hùng hiểu mong ước đó, thức khuya dậy sớm, quần quật làm lụng, nhịn ăn nhịn mặc, âm thầm vay mượn thực hiện ước nguyện của con. Năm 2001 bố mẹ mua cho Hùng chiếc máy vi tính giá 7,5 triệu đồng. Trong vùng có linh mục Trần Xuân Nhàn, hay qua lại với gia đình Hùng, linh mục đã được tiếp xúc với vi tính từ khi ông ở trong Sài Gòn là người đầu tiên dạy Hùng các thao tác trên máy tính.
Hùng mày mò tự học qua sách vở, qua các CD mà mọi người tặng. Khi kiến thức mình rộng hơn rồi thì ba mẹ cho nối mạng Internet, từ đó Hùng lại tìm được những người bạn qua mạng và tiếp tục học hỏi. Theo Hùng điều thành công nhất sau bao nhiêu năm tiếp cận với CNTT không phải là những giải thưởng tiếng tăm mà Hùng đã có rất nhiều bạn bè ở Việt Nam và thế giới, ngay cả những người bạn cùng xây dựng trung tâm cũng đều quen qua mạng.
Ngày anh Hùng đoạt giải Hiệp Sĩ Công Nghệ Thông Tin
Năm 2003, Hùng bàn với ba mẹ mua trả góp 30 bộ máy tính, khoảng 200 triệu. Trung tâm tin học Công Hùng ra đời, đào tạo miễn phí cho các bạn khuyết tật. Ngoài đào tạo trung tâm còn nuôi ăn ở cho các học viên khuyết tật nghèo. Không có tiền thuê giáo viên Hùng dạy lấy. Để có tiền hoạt động, Hùng và các bạn đã phải lao động cật lực, từ dịch vụ internet, đánh máy thuê, photocopy, sửa máy tính... đều nhận về làm. "Điều quan trọng nhất là các bạn khuyết tật có một nghề kiếm sống phù hợp" – Hùng nói.
Vẫn mong làm ngọn lửa
Công việc kiếm tiền của Hùng là làm quản trị các website của tập đoàn Sara Việt Nam và thiết kế website, nhưng anh không chỉ sống cho mình. Đầu năm 2008 anh ra Hà Nội kêu gọi bạn bè quyết định mở trung tâm Nghị lực sống. Để trung tâm hoạt động, 8 anh em trong nhóm sáng lập tự gom góp tiền lại để trang trải, từ thuê địa điểm, máy móc thiết bị... Những người khuyết tật ở đây chủ yếu xuất thân từ nông thôn, rất khó khăn. Hàng ngày Hùng tìm hiểu và giới thiệu những mảnh đời này lên trang nghilucsong.net để tìm những ân nhân để có thể giúp đỡ họ. Các học viên chia làm hai lớp, một lớp đào tạo cho các bạn một khoá tổng quát về máy tính, và một khoá chuyên sâu các chuyên ngành.
Nguyễn Công Hùng đã nộp đơn xin ứng cử Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2011 - 2016. Công Hùng cho hay, ý định tự ứng cử ĐBQH cũng chỉ mới đến với Hùng gần đây. Được gia đình, bạn bè khích lệ nên Hùng đã mạnh dạn lên Sở Nội vụ tìm hiểu thủ tục và đã nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ mang đến nộp.
Hỏi về lý do tự ứng cử, Hùng cho hay, đây là thời điểm môi trường xã hội đang cởi mở. Hơn nữa, Quốc hội là nơi tập hợp và thu hút trí tuệ xã hội nên anh mong muốn góp sức và cống hiến trí tuệ cũng như hiểu biết cá nhân của mình cho hoạt động lập pháp. "Tôi ứng cử ĐBQH với mong muốn đại diện cho tiếng nói của người khuyết tật trên các diễn đàn xã hội và góp phần tham gia hoạch định chính sách liên quan đến người khuyết tật", Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng chia sẻ.
"Có lẽ tôi là người khuyết tật đầu tiên tham gia tự ứng cử ĐBQH. Dù kết quả trúng hay không nhưng tôi mong hành động của mình có ý nghĩa khích lệ, động viên những người khuyết tật và các bạn trẻ hãy mạnh dạn và tích cực thử sức mình trong các hoạt động xã hội", Công Hùng khẳng định.
Anh cũng mạnh dạn đề xuất, nếu hồ sơ ứng cử được chấp nhận, rất mong được thử nghiệm một hình thức tiếp xúc và vận động cử tri mới mẻ, đó là vận động cử tri trong cộng đồng mạng. Là người giữ mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng mạng, Công Hùng tin rằng mình sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nếu đề xuất trên không được chấp nhận vì quá mới mẻ và không đúng luật, thì vẫn mong mỏi rằng các ĐBQH sẽ mở rộng thêm kênh giao tiếp với dân qua mạng.
"ĐBQH các khóa cũ quen với giấy bút hay những cách tiếp xúc cử tri truyền thống nhưng thời đại hiện nay,  thế hệ những vị ĐBQH mới nên thay đổi quan điểm lẫn cách tiếp xúc cử tri truyền thống. Họ nên mạnh dạn tìm đến các mạng xã hội để hiểu về đời sống và tìm kiếm sự ủng hộ", Công Hùng nói.
Ngoài ra, chàng Hiệp sĩ Công nghệ thông tin cũng mong mình sẽ được đi vận động và tiếp xúc với những người khuyết tật để tìm kiếm sự ủng hộ. Công Hùng tin tưởng, anh sẽ cố gắng trở thành đại diện tốt nhất để phản ánh nguyện vọng của người khuyết tật trên diễn đàn Quốc hội.
Kể về cuộc sống riêng tư, Hùng nói: "Mình có ba mẹ, bạn bè, công việc, giống như mấy hôm nay mình nằm viện, các bạn đến thường xuyên có mặt 24/24h. Thế là quá hạnh phúc rồi, mấy người được như thế đâu".
Hỏi về ước mơ, Hùng mong muốn là có sức khoẻ để làm việc tốt hơn và tìm được “Mạnh Thường Quân” để trung tâm có thể hoạt động tốt hơn, giúp được nhiều cảnh đời tật nguyền hơn. Tất cả những chi phí của trung tâm đều do các thành viên đóng góp sẽ có lúc mọi người không còn kham nổi nữa. Tôi biết một người như Hùng rồi đến lúc không còn có thể nâng được người khác trên đôi vai của mình nữa, đôi vai vốn “không lành lặn như mọi người”.
Hùng cho biết: "Trước kia thì chuyên tâm làm CNTT, nhưng hiện nay Hùng muốn làm công tác xã hội, CNTT bấy giờ chỉ là phương tiện để làm công tác xã hội tốt hơn. Cuộc sống có cái hay cái dở, nhưng nghĩ về cuộc sống tích cực thì lúc nào cuộc sống cũng nhẹ nhàng với mình. Hãy nghĩ cuộc sống là tươi đẹp".
TT Nghị lực sống đã tặng hàng chục nghìn phần mềm diệt vi rút miễn phí cho những người sử dụng máy tính; vận động quyên góp hàng nghing bánh chưng xanh cho bà con nghèo miền Trung, vận động tặng quà, sách vở cho học sinh nghèo ở Hà Tĩnh, Quảng Bình. "Vì mọi người" đã trở thành lẽ sống “ăn” vào trong máu của chàng trai tật nguyền...

Năm 2003: Mở Trung tâm Tin học Công Hùng dành cho con em ở địa phương và người khuyết tật.

2005: Được trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin

2006: Được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu”

Tháng 08/2006: Một website mang tên: www.nghilucsong.net chính thức ra đời với nội dung hỗ trợ người khuyết tật tìm kiếm thông tin về việc làm và học tập với hơn 30.000 thành viên khắp thế giới, 100 nghìn bài viết được sẻ chia.

2008: Nguyễn Công Hùng và nhóm bạn bè mở trung tâm Nghị lực sống. Giới thiệu, hướng nghiệp, đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật với hai nội dung chính là Ngoại ngữ và CNTT, đào tạo việc làm cho hơn 600 học viên, thu hút khoảng 600 thành viên là bạn đồng hành cùng website. Anh là Giám đốc Công ty cổ phần Nghị Lực Sống và là Uỷ viên ban cố vấn Hội tin học trẻ Việt Nam cho đến ngày qua đời.

Nguyễn Công Hùng đã được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam ghi vào "Danh mục đề xuất kỷ lục về ý chí của Việt Nam", "Người khuyết tật đầu tiên làm giám đốc"; Tạp chí E-chip trao danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin; Trung ương Đoàn trao tặng Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2006, được Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trao bằng khen Thanh niên tiêu biểu của Hội Liên hiệp Thanh niên VN.

2011: Ứng cử đại biểu quốc hội khóa 2011-2016

Chiều 31-12-2012, hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng đột ngột qua đời khi đang trên đường đi công tác tới miền Tây Nam bộ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét