Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Lá thư thống thiết của một lái xe taxi gửi Bộ trưởng Thăng

Có lẽ từ nay có thể quên bác # được rồi. Đây là bài cuối cùng
về 1 hiện tượng được coi là thùng thùng rỗng kêu to.
Về hiện tượng bác #, người được một vài tờ báo bình chọn là “nhân vật của năm 2011”, nhà văn Nguyễn Quang Lập có nhận xét khá thú vị: "Ông này hiện tượng cái dzầy. Phát ngôn thì giọng phong trào / Tư duy thì của ông nào bên trên".

Lá thư thống thiết của một lái xe taxi gửi Bộ trưởng Thăng

Thứ hai 09/01/2012
(GDVN) - Bộ trưởng cũng làm cha, chắc Bộ trưởng hiểu những lo lắng của tôi. Nhưng có lẽ, Bộ trưởng cũng chỉ hiểu được tí chút mà thôi...

LTS: Ít ngày vừa qua, báo Giáo dục Việt Nam nhận được hàng trăm bức thư của độc giả gửi tới, "luận bàn" về việc Bộ GTVT trình phương án lưu hành ô tô, xe máy. Trong số đó, lá thư của một độc giả là lái xe taxi mang rất nhiều tâm huyết. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải nguyên văn bức thư này.

Thưa Bộ trưởng Đinh La Thăng, tôi là một lái xe taxi đã sống và làm việc tại Thủ đô 5 năm qua. Tôi hiểu rằng ông là người có tâm với công việc, có tâm với sự phát triển của đất nước, điều đó đã thể hiện qua một số hành động và phát ngôn được coi là “mạnh mẽ” của Bộ trưởng trong thời gian đầu nhậm chức. Phải thú thực là tôi và nhiều người dân khác ở Thu đô mừng lắm, vì đã lâu rồi mới có một Bộ trưởng “nói lớn” như ngài, nhất là cái khoản chống tắc đường.

Tôi đồ rằng, Bộ trưởng lúc nào cũng trăm công nghìn việc, vì thế mà không phải việc gì ngài cũng nghĩ hết, nắm hết, nên tôi mạo muội gửi tới ngài vài dòng suy nghĩ về vấn đề thu phí lưu hành ô tô, xe máy đang làm nóng dư luận suốt cả tuần qua.
Ngài đã trình phương án thu phí lưu hành xe ô tô từ 20 đến 50 triệu/năm và xe máy từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/năm, được gọi là “phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ”, có cả lý do “chống ùn tắc”. Phải thú thực, tôi đọc được tin này mà giật mình. Tôi đã lấy vợ và có một con nhỏ gần 2 tuổi. Vợ tôi là nhân viên bán hàng, thu nhập cũng rất khiêm tốn, chỉ có 1,5 triệu đồng/tháng. Cuộc sống ở Thủ đô khá khó khăn, thưa Bộ trưởng, và chúng tôi cũng đang phải thuê nhà trọ giống như hàng trăm ngàn cặp vợ chồng trẻ khác đang "bám trụ" tại Thủ đô.

"Phí lưu hành" sẽ là gánh nặng với nhiều người lái taxi
Tôi nghĩ mãi vẫn không hiểu ngài và những người tư vấn chuyên môn cho ngài nghĩ gì, tính toán thế nào mà đưa ra một khung phí như vậy? Tôi thắc mắc là vì nếu cứ theo mức phí mà ngài đã trình thì mỗi tháng tôi sẽ phải đóng thêm khoảng 800 nghìn đồng (vì xe tôi chạy là xe cổ phần, phần còn lại do công ty đóng). Đây là số tiền khá lớn với một gia đình còn nghèo khó như chúng tôi, nhất là lại vào những lúc kinh tế khó khăn thế này. Tôi có mức thu nhập vào khoảng 8 triệu mỗi tháng, đó là nếu mọi thứ suôn sẻ, còn nếu không may gặp phải các sự cố trên đường thì cũng chẳng biết thế nào mà lần.

Tôi đoán rằng ngài cũng biết lái ô tô, vì thế chắc hẳn ngài sẽ hiểu dân lái xe chúng tôi thường gặp những khó khăn và rủi ro gì. Chưa hết thưa Bộ trưởng, số tiền tôi kiếm được còn phải chi rất nhiều khoản khác nhau liên quan tới công việc và phần còn lại chi tiền thuê nhà, nuôi con… cũng hết sạch. Chẳng may, trong một tháng nào đó mà cháu nhỏ nhà tôi bị ốm, mà trẻ con thì rất hay ốm thưa Bộ trưởng, nhất là vào mùa Đông, thì coi như tháng ấy thu nhập của tôi cũng bị "chia 5 xẻ 7" vì không thể dồn toàn bộ thời gian cho công việc được nữa; rồi tiền khám bác sĩ, tiền mua thuốc cũng khoản lớn khoản nhỏ đội nón ra đi, bí bách quá thì sẽ phải đi vay mượn, rồi những tháng sau cố… bóp mồm bóp miệng mà trả nợ.
Bộ trưởng cũng làm cha, chắc Bộ trưởng hiểu những lo lắng của tôi. Nhưng có lẽ, Bộ trưởng cũng chỉ hiểu được tí chút mà thôi (được như vậy cũng là mừng lắm rồi), vì chắc là hoàn cảnh sống của tôi và Bộ trưởng khác nhau nhiều lắm, chỉ có những ai ở hoàn cảnh tương tự thì mới thực sự hiểu hết những khó nhọc mà chúng tôi đang cố gắng vượt qua. Khó khăn về tiền bạc có sức cản ghê gớm với những người lao động như chúng tôi, thưa Bộ trưởng, nó không hề đơn giản như những cái dốc trên đường, chỉ cần một động tác cơ học: nhấn ga, xe sẽ vượt qua.
Tôi sẵn sàng ủng hộ ngài nếu mọi chuyện thuận lợi để có thể kiếm thêm một khoản tiền bù vào con số 800 nghìn kia. Tuy nhiên, tôi e rằng càng về sau thì kiếm sống càng khó khăn thưa Bộ trưởng, phần vì kinh tế còn nhiều khó khăn nên ai cũng muốn tiết kiệm, đâm ra taxi cũng ít khách hơn; ngài cũng đã đề xuất thu phí 30-50 nghìn mỗi lần xe ô tô vào trung tâm, và chỉ riêng mức phí này cũng khiến chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn rồi. Mỗi ngày, tôi chỉ vào khu trung tâm 1 lần thôi thì một tháng cũng đã phải chi ra 900 nghìn, nếu chia ra ba phần: công ty, lái xe và khách hàng, nghĩa là tôi cũng phải chi thêm 300 nghìn/tháng.

Như vậy, cộng với khoản tiền 800 nghìn như vừa trình bày với ngài thì mỗi tháng tôi mất đứt 1,1 triệu (chính xác là 1.150 nghìn, vì phải cộng thêm 50 nghìn phí lưu hành chiếc xe máy cà tàng mà vợ tôi đang sử dụng). Bởi vậy, tôi rất mong ngài hãy suy xét lại mọi chuyện một cách thấu đáo hơn, để những người dân nghèo như chúng tôi không phải nai lưng ra mà chi trả những khoản phí một cách ấm ức.
Cũng có thể, ngài sẽ nghĩ rằng, tôi chỉ là một trường hợp cá biêt, mà theo lý luận của ngài thì cần phải hy sinh một bộ phận nhỏ để đạt được việc lớn, giống như khi đưa ra biện pháp đổi giờ chống ùn tắc ngài cũng đã nói cần hy sinh quyền lợi của một nhóm (công chức, viên chức) để đạt được cái đích lớn. Nhưng tôi rất mong rằng, ngài hãy ngẫm lại xem, khi chúng tôi cố gắng mua được một phần chiếc xe thì cũng đã phải chịu vô vàn khoản phí ở đó rồi, và khi xe chạy trên đường cũng đã trả phí khi qua các trạm, mua xăng cũng chịu phí… vậy mà bây giờ lại phải nộp thêm “phí lưu hành” thì có khác nào “phí chồng lên phí”.
Cách đây ít lâu, tôi đọc một bài báo có nói rằng: “Đổi giờ làm rồi thì Bộ trưởng Thăng sẽ làm gì? Chắc chắn là phải phát triển hạ tầng và giao thông công cộng, nếu không thì chỉ vài ba năm nữa “tắc sẽ hoàn tắc” khi mà mỗi năm có thêm vài nghìn sinh viên ra trường ở lại Thủ đô tìm cơ hội, và mỗi năm cũng có cả trăm nghìn công dân nhí ra đời. Giao thông phải đi đầu trong quá trình đưa nước ta trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 và cần phải đầu tư khoảng 41 nghìn tỷ đồng cho hạ tầng. Tuy nhiên, cho tới lúc này thì kinh phí đầu tư cho giao thông cũng chưa biết “bới” ở đâu ra?
Giờ thì tôi đã dần hiểu ra, có thể ngài vừa đi một nước cờ “độc” để thu được khoản phí lớn (chắc là nhằm đầu tư cho hạ tầng, tôi tạm hiểu như vậy), mà đúng là nếu không có cách “độc” như vậy thì hẳn ngài sẽ lo lắng lắm, vì kinh phí đầu tư cho giao thông không biết tới bao giờ mới “bới” đủ? Và tôi lại liên tưởng xa xôi, lỡ chẳng may vào một ngày đẹp trời, lãnh đạo một Bộ nào đó lại đề xuất thêm phương án thu phí của xe máy, ô tô, rồi họ cũng đưa ra “lý do thuyết phục" như trên vừa nói thì chẳng hiểu là chúng tôi sẽ xoay trở thế nào với cuộc sống?
Thưa Bộ trưởng, tôi đã lái xe chạy khắp các con đường ở Thủ đô suốt 5 năm qua nên tôi rất hiểu và dám khẳng định với ngài, việc thu phí mà ngài đề xuất không có tác dụng chống tắc đường, vì rằng hàng triệu người dân vẫn phải ra đường kiếm sống bằng chính phương tiện mình sở hữu chứ không thể chờ đợi vào xe bus và cũng không thể đi bộ. Hà Nội của chúng ta đã rất chật và dân số vẫn tăng lên đều đặn qua các năm, đường xá thì không thể mở rộng ra được nữa, vậy thì loanh quanh cũng vẫn sẽ tắc mà thôi. Ngài không thể lùa bớt xe cộ ra khỏi Hà Nội, mà cũng không thể mở rộng các con phố ra được. Vậy thì ngài sẽ chống tắc thế nào đây?
Mọi khó khăn đổ dồn lên vai người dân vào đúng lúc kinh tế đang khó khăn thế này thì có nên không, thưa Bộ trưởng? Các cụ ta còn có câu “Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”, với mức thu nhập GDP bình quân của Việt Nam hiện nay thì cách làm này của Bộ trưởng chẳng khác gì bắt đứa trẻ vừa sinh ra phải chạy ngay mà không cần biết lẫy. Điều đó chỉ có trong chuyện Thánh Gióng thôi, thưa ngài Bộ trưởng.
Nguyễn Xuân Trung (Lái xe taxi tại Hà Nội)

----------

Ông trời chơi đểu

Nhà ga sân bay Đà Nẵng là một trong ba nhà ga lớn nhất nước được Nhà nước đầu tư hơn 1300 tỉ đồng để xây dựng và được coi là sân ga quan trọng trên tuyến đường bay quốc tế có đông đúc máy bay qua lại. Nghĩa là có rất nhiều khách quốc tế ghé qua . Tức là nó sẽ là bộ mặt của quốc gia .
Việc để chậm tiến độ là không thể chấp nhận nên dư luận hoàn toàn đồng tình khi đi kiểm tra đột xuất , Tân bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã quyết định “trảm tướng” tại chỗ . Nhà thầu mới đã vắt chân lên cổ mà chạy nếu không muốn lại bị chặt đầu như người tiền nhiệm và ngày 25-12 cả Bộ trưởng mới lẫn Bộ trưởng cũ , cả Bí thư thành ủy Đà Nẵng đều hớn hở đến dự lễ khánh thành .(Tôi không dùng chữ phấn khởi mà dùng chữ hớn hở cho sát nghĩa )
Việc các vị đến dự Lễ khánh thành có hai ý nghĩa :
Một là chứng kiến khai trương một công trình quan trọng đối với cả nước và đối với một địa phương đang trên đà phát triển
Hai là một lần nữa muốn thể hiện cái oai của viên tư lệnh muốn làm gì thì làm.
Nhưng hỡi ôi ! Chưa được ba ngày nói theo cách nói dân gian, ông trời “chơi đểu” nã xuống một cơn mưa nhỏ bất chợt, thế là “mưa rơi lòi mặt chuột”. Cả nhà ga hơn 1345 tỉ đồng nhiều chỗ bị dột lênh láng nước trên sàn nhà đến mức người ta phải huy động nhân viên mang hết vải vóc trong kho ra để lau chùi và để các tấm biển cảnh báo trơn trượt trềnh ềnh trên các lối đi giống hệt như ở nhà ga quốc tế T1 Nội Bài những ngày ông trời không thương ngành hàng không
Trả lời truy vấn của cánh phóng viên,Chánhvăn phòng Tổng công ty hàng không Miền Trung Nguyễn Hoàng Liên luống cuống thanh minh “một số chỗ kính lấy sáng mới lắp khe nhựa chưa kín khít đang cho phun lại, một số tấm kính bị vỡ (chắc là do gió to!) đang cho thay thế , kể cả một tấm đá trên sàn nhà bị cập kênh” Toàn là những tiểu tiết vì làm vội làm ẩu không quan trọng chứ cả công trình đồ sộ thì an toàn vĩnh cửu các nhà báo cứ yên tâm. Ý ông muốn nói vậy để trấn an mọi người, để thanh minh thanh nga với thượng cấp và cũng là để tự dẹp trái tim đang đập rộn ràng của mình vì lo … mất chức
Nhưng đấy là những tiểu tiết đập vào mắt khách hàng Việt nam và Quốc tế chứ còn những khiếm khuyết to đùng không trông thấy thì không biết đến một lúc nào đó nó sẽ lòi ra ?
Liệu có thể tin tưởng ở các chủ đầu tư , các nhà thầu vô trách nhiệm như thế được không .? Thôi thì người nhà thông cảm đóng cửa bảo nhau nhưng ông chủ nhà ga, ông Bộ trưởng  Bộ Giao thông vận tải sẽ trả lời ra sao đối với khách quốc tế đây nếu họ hỏi ông ?
Mặt cầu Thăng Long, mặt đường cao tốc Trung Lương, mặt đường cao tốc Láng- Hòa Lạc , sờ đến  đâu cũng thấy hỏng hóc mà toàn là các công trình trọng điểm tỉ đô cả . Liệu đó có phải là căn bệnh cố hữu của ngành xây dựng cầu đường Việt Nam từ khâu thiết kế, tuyển chọn chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát ? Xin để cho Bộ trưởng Bộ Giao thông tự trả lời .
Thật là sự cố không mong muốn mở đầu “năm giao thông”2012.
Lương Kháu Lão

---------


BÙI HOÀNG TÁM - BỘ TRƯỞNG "LỘ HÀNG"?!


BỘ TRƯỞNG "LỘ HÀNG"?!
Bùi Hoàng Tám
.
Minh họa của Trần Nhươn
Mang sẵn trong mình dòng máu của một doanh nhân, bỗng trở thành Bộ trưởng, ông Thăng đã “bê” cái bài toán kinh doanh sang “ốp” vào lĩnh vực quản lý nhà nước. Do đó, phút “lộ hàng” tất yếu phải xảy ra. Nhưng do ông quá “mót” nên đã gặp sự phản ứng dữ dội từ dư luận… Có lẽ điều cần nhất đối với Bộ trưởng Thăng hiện nay là nên loại bớt “dòng máu doanh nhân” để thay vào đó một tư duy chính khách?
Trước hết, phải khẳng định ngay từ ngày đầu mới nhậm chức, Bộ trưởng Thăng đã có hàng loạt các hành động gây ấn tượng. Trả lời báo chí, Bộ trưởng Thăng xác định ghế Bộ trưởng GTVT luôn là chiếc “ghế nóng”. Rồi ông đã làm nó nóng lên bởi hàng loạt các vụ việc và dù ít dù nhiều, đã có những kết quả. Công bằng, tôi vẫn nghĩ ông là con người hành động. Vì vậy, khi Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền “lăng nhục” ông bằng câu vỗ mặt: Làm Bộ trưởng như thế thì ai cũng làm được, tôi đã có phản ứng với cách sử dụng ngôn từ của vị Đại biểu Thuyền.

Thế nhưng gần đây, khi ông đề xuất thu phí lưu thông ô tô, xe máy thì tôi, dù không đồng tình với cách nói của vị Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền nhưng cũng phải khâm phục ông Thuyền là người có tầm nhìn xa, trông rộng, hiểu rõ bản chất con người. Cái đề nghị thu phí (mà nhiều người gọi là móc túi dân) của Bộ trưởng Thăng sẽ không gây ngạc nhiên bởi đơn giản, nó có lẽ là “bản chất” của Bộ trưởng Thăng – Vị Chủ tịch HĐQT của một doanh nghiệp lớn. Mang sẵn trong mình dòng máu của một doanh nhân, bỗng trở thành Bộ trưởng, ông Thăng đã “bê” cái bài toán kinh doanh sang “ốp” vào lĩnh vực quản lý nhà nước. Đó là phút “lộ hàng” tất yếu phải xảy ra. Chỉ có điều, do ông quá “mót” nên đang gặp sự phản ứng dữ dội từ dư luận. Và có thể đoán chắc, Quốc hội sẽ không đồng ý với đề xuất này bởi dù sao thì Quốc hội cũng là cơ quan gần dân nhất hiện nay. Các Đại biểu không thể quay lưng lại với cử tri, những người đã trực tiếp bầu lên mình.

Để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, có lẽ điều cần nhất đối với Bộ trưởng Thăng hiện nay là nên loại bớt “dòng máu doanh nhân” để thay vào đó một tư duy chính khách. Vfa cũng phải biết “giấu” mình đi. “Lộ hàng” quá sớm, Bộ trưởng Thăng ơi!
B.H.T
Nguồn: TranNhuong.com.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét