Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Philippines: Truyền thông mải sốc sex sến, lơ là biển Đông

Xem người lại nghĩ đến ta:



Bãi cạn Scarborough - khởi nguồn tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.

Một nhà bình luận có tên là William M. Esposo- thuộc tờ The Philippine Star của Philippines- hôm 21.1 đã có bài viết, trong đó chỉ trích các mạng lưới truyền thông nước này lơ là những vấn đề thời sự nóng bỏng.
Bài viết của ông Esposo chỉ trích các mạng lưới truyền thông của Philippines chỉ mải tập trung vào những thông tin tội ác, sex và scandal của những người nổi tiếng mà quên đi những vấn đề thời sự nóng bỏng. Kết quả, “chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng hầu hết người dân chìm đắm vào các thông tin giải trí mà không được cập nhật thông tin thời sự quan trọng. Có một thực tế rằng, rất ít người Philippines nhận thức rõ về một nguy cơ nghiêm trọng là chúng ta đang bị mất một phần lãnh thổ- nếu không nói là cả đất nước- vào tay Trung Quốc”.
“Ở nhiều nước khác- nơi truyền thông có trách nhiệm hơn và đặt ưu tiên cao hơn đối với những tin tức gây ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước- thì những hành động "dương oai diễu võ" gần đây giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ vì các lợi ích ở biển Đôngđang trở thành những thông tin thống trị trong các bản tin hằng ngày. Kỳ lạ là điều đó không xảy ra ở đây (Philippines) – nơi chúng ta đang đứng trên tuyến đầu của cuộc xung đột trên biển Đông”- ông Esposo viết.
Theo ông Esposo, Trung Quốc vừa công bố một tấm bản đồ mới, trong đó bao gồm cả một số phần lãnh thổ của Philippines và Trung Quốc cũng đang hành xử như thể là chủ nhân thực sự của những phần lãnh thổ tranh chấp đó. Do đó, “chúng ta cần phải cảnh giác trước lối hành xử của Trung Quốc. Phương pháp tiếp cận thông thường của Trung Quốc là sử dụng sức mạnh kinh tế để gây ảnh hưởng đến các nước khác nhằm đạt được mục tiêu. Trung Quốc đã từng sử dụng tiền của mình để có được các nguồn cung cấp dầu mỏ, khoáng sản từ Châu Phi. Cách hành xử của Trung Quốc ở biển Đông khác xa so với ở các nước Châu Phi và chúng ta cần phải đặt câu hỏi tại sao”- ông Esposo cho hay.

Theo Phil Star


Philippines đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa quốc tế

Philippines vừa chính thức đưa tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông lên tòa án quốc tế để giải quyết.
Philippines phản đối tàu Trung Quốc ra Biển Đông

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario. Ảnh: allvoices
Theo AFP, thông tin trên được Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đưa ra trong cuộc họp báo hôm nay.
Ông Rosario cho hay, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu tập đại sứ Trung Quốc Mã Khắc Thanh để thông báo về quyết định đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, văn bản mà hai nước đều đã tham gia ký kết.
Theo ông Rosario, trong đệ trình của mình, Manila tuyên bố yêu sách "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh, tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông bao gồm cả vùng biển và các đảo gần các nước láng giềng, là bất hợp pháp.
Nước này cũng yêu cầu Trung Quốc "chấm dứt các hoạt động phi pháp xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Philippines theo UNCLOS 1982".
"Philippines đã tìm hết mọi giải pháp chính trị và ngoại giao để giải quyết tranh chấp hàng hải với Trung Quốc một cách hòa bình thông qua đàm phán. Chúng tôi hy vọng các thủ tục tố tụng sẽ mang lại cho cuộc tranh chấp một giải pháp bền vững", ông nói.
"Kể từ năm 1995, Philippines đã nhiều lần nêu quan điểm với Trung Quốc về giải quyết hòa bình các tranh chấp. Đến hôm nay, việc đưa ra giải pháp vẫn bị lảng tránh", ông nói thêm.
Quá trình pháp lý dự kiến kéo dài 3 đến 4 năm, theo kinh nghiệm các vụ tranh chấp trước kia. Các bên ký UNCLOS có nghĩa vụ trải qua một tiến trình phân định và chấp nhận kết quả giải quyết. Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ khi bàn đến vấn đề chủ quyền quốc gia, BBC dẫn thông tin trên trang web về công ước cho hay.
Căng thẳng giữa hai nước lên cao từ tháng 4 năm ngoái khi Philippines chặn các tàu cá Trung Quốc tại bãi cạn mà Philippines gọi là Scarborough còn Trung Quốc gọi là Hoàng Nham.
Philippines khẳng định bãi cạn này thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình, trong khi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền tại khu vực được cho là có nguồn dầu mỏ và hải sản phong phú này. Hai nước liên tục điều các tàu tuần tra và cả tàu chiến tới bãi đá trong nhiều tháng liền, gây lo ngại xảy ra cuộc đối đầu trực tiếp. Căng thẳng chỉ dịu lại vào tháng 6 khi hai bên bắt đầu rút bớt tàu khỏi khu vực.
Trên Biển Đông có các nước tuyên bố chủ quyền đang chồng lấn là Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia và Brunei.
Anh Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét