Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

“Bên thắng cuộc” thắng lớn nhờ…loa phường

Chủ Blog: Thực ra đối với những ai đã có tuổi và thường quan tâm đến tình hình thời cuộc ở nước nhà thì những thông tin trong "Bên thắng cuộc" đa phần không có gì mới, thậm chí nghìn trang sách của Huy Đức cũng mới mô tả được một phần rất nhỏ những thông tin vỉa hè hay nội bộ đã từng được lan truyền khá rộng trong suốt 30 năm mà cuốn sách đề cập tới (1975-2005). Đến giờ số bài viết về "Bên thắng cuộc" cũng chưa nhiều, chắc cũng chẳng đến hàng trăm như Hiệu Minh viết (nếu không tính đến các bình luận dưới mỗi bài viết); số bài bình luận thực sự có giá trị khoa học thì chắc chưa đến mười bài; số bài xuất bản trên báo chí ở Việt Nam lại càng hiếm. Do đó chưa thể khẳng định “Bên thắng cuộc” thắng lớn nhờ…loa phường. Có lẽ do người ta hay quan tâm đến hiện tại hơn là quá khứ, nên việc Huy Đức nhìn lại lịch sử từ năm 2005 về trước không phải là mối bận tâm của đa số công chúng ngày nay. Nhiều chuyện quá đau xót đã xảy ra, máu và nước mắt đã rơi, nhưng đã là quá khứ rồi nên tình cảm của nhiều người đối với chúng đã chai sạn. Vì vậy cuốn sách chỉ hấp dẫn với một số người trong cuộc, muốn xem lại hình bóng mình trong cuộc chơi đó; còn về mặt lịch sử, nó có giá trị cung cấp thông tin cho lớp trẻ, giúp họ có thêm bài học lịch sử để sau này nếu tham gia vào tầng lớp ưu tú lãnh đạo đất nước thì tránh được những sai lầm quá khứ mà các thế hệ đi trước đã mắc phải. Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại quan điểm của tôi là: Khi phân tích, phê phán lịch sử (những sai lầm của các thế hệ đi trước), cần phải đặt trong bối cảnh lịch sử lúc đó; và nếu vậy, thường chúng ta sẽ thấy các thế hệ đi trước làm vậy không phải không có những lý lẽ thiếu thuyết phục.
Gần đây, trên mạng đang lưu truyền và tung hô bài "BỘ PHIM VỀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM BỊ GIẤU KÍN", và "sự thật Mỹ không phải là người khởi sự cuộc chiến đó; người khởi sự cuộc chiến đó chính lại là chính quyền mà chúng ta đã bỏ mồ hôi, xương máu dựng nên"..., tôi thấy khủng khiếp quá. Không ngờ những phân tích chống cộng, chống nhà nước VN và nhất là phê phán cuộc chiến tranh thống nhất đất nước chính nghĩa của ta (phù hợp với bối cảnh lịch sử lúc đó) lại lên đến mức cực đoan như vậy Mà cơ sở lý luận của họ là gì ? Là: "Nếu chính quyền Miền Bắc không đặt ra quyết tâm phải giải phóng Miền Nam bằng mọi giá dưới mục tiêu đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược thì tôi tin rằng chính quyền Mỹ qua tất cả các thời kỳ sẽ không bao giờ đổ ngần ấy tiền bạc, vũ khí và quân lính vào Miền Nam như đã thực hiện. Đồng thời tôi cũng tin rằng sẽ không có cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc dã man và khủng khiếp, những trận mưa bom B52 trên dãy Trường Sơn, trận chiến Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm ở Hà Nội,... cũng như những cuộc tàn sát đẫm máu trên toàn Miền Nam". Thật điên rồ. Chỉ một điều sơ đẳng sau cũng đủ bác bỏ lập luận này: Tất cả các hiệp định quốc tế liên quan đến Việt Nam trong thế kỷ 20 đều khẳng định nước Việt Nam là một, việc chia cắt hai miền Nam Bắc chỉ là tạm thời; do đó nếu xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Miền Bắc và Miền Nam thì cũng là một cuộc nội chiến và theo luật quốc tế, chẳng nước nào có quyền đem quân vào can thiệp. Do đó không phải vô cớ mà phong trào chống Mỹ can thiệp vào cuộc chiến ở Việt Nam đã phát triển rộng khắp trên toàn thế giới bất chấp sự ngăn chặn của Mỹ và hầu hết các chính phủ phương Tây. Cũng chính vì lý lẽ này mà năm 1979 thế giới đã lên án Việt Nam can thiệp vào Campuchia (dù với mục đich bảo vệ an ninh biên giới và cứu bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng mà cả thế giới đều biết) và lên án Trung Quốc xâm lược Việt Nam.
Viết dài rồi, tạm dừng, dưới đây là bài viết trên Blog Hiệu Minh:




Ảnh minh họa trên bìa

Hiệu Minh: Mình chẳng biết “Bên thắng cuộc” viết gì vì vẫn đợi sách in đọc thích hơn. Chỉ nhớ bìa có ảnh minh họa là hai loa phường mắc trên cột điện, biểu tượng của miền Bắc những năm chiến tranh.
Chả hiểu Osin có ý gì. Có thể loa tuyên truyền là một trong những yếu tố làm nên “Bên thắng cuộc”.
Nghe thiên hạ đồn thổi ghê quá, đâm ra mình càng tò mò, do truyền thông cả trái lẫn phải nhét vào tai mình.
Mới ra được hơn tháng mà có hàng trăm entries trên blog, facebook, báo Việt Nam, bên Mỹ, cả xứ sương mù London cũng bàn tới bàn lui, mong người đọc sáng mắt thêm. Web hải ngoại tràn ngập, khen có, chê có, chả nói gì cũng nhiều.

Phe mê Osin còn phải nói. Họ chuyền tay nhau đọc, rỉ tai về nhậy cảm chính trị, bí mật cung đình của xứ Việt mà xưa nay luôn là thứ cấm kỵ. Hiện Facebook của Osin có tới gần 15.000 followers (theo đọc).

Tờ Pháp luật Tp HCM làm hai bài, (thêm bài tại đây nữa) nghiêng về chê cuốn sách có “cái nhìn thiên kiến về lịch sử”. Báo CAND cũng làm một loạt bài khá công phu, gọi đó là “chém gió”. Mấy ngày nay, báo chí bắt đầu giàn đồng ca.

Phía California có cả biểu tình lên án cuốn sách dù người tham dự nói chẳng thèm đọc sách, cứ phản đối cái đã.

Tự nhiên biểu tình và báo chí lên án lại quảng cáo không công cho cuốn sách chưa được phép phát hành tại Việt Nam.

Chê bai trên báo chính thống, trong lúc người đọc xứ Việt chả biết mặt mũi BTC ra sao, ngang bằng nói oang oang “Có cuốn sách bí mật về chính quyền VN đó đó, bà con nên đọc đi”.

Nếu định dìm cuốn sách bằng cách này thì họ đang mắc thêm phao cho nổi hơn. Bởi ý kiến cuối cùng thuộc về độc giả, đâu cần ai định hướng. Bạn đọc thời nay tinh lắm, đủ trình độ cross check and balance (kiểm chứng).

Càng phê bình nặng nề độc giả càng tò mò. Họ sẽ lẩm bẩm, để xem tay Osin viết “bậy bạ” như thế nào.

Tập một “Giải phóng” có ảnh bìa minh họa là hai cái loa chĩa ra hai hướng. Hình như sau gần 40 năm kết thúc chiến tranh, người Việt ở hai bờ đại dương vẫn đang làm việc đó.

Nếu cho rằng “Bên thắng cuộc” lại đang thắng nhờ “loa phường” với hiệu ứng tuyên truyền ngược như hiện nay cũng chẳng sai.

HM. 17-01-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét