Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Tổng thống Philippines: Không kiện Trung Quốc bây giờ là họ sẽ lấn tới


Mặc dù tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (Thuỵ Sĩ), Tổng thống Philippines Benigno Aquino III chỉ tố cáo “nhẹ nhàng” một số hành vi Trung Quốc sách nhiễu tàu cá Philippines tại Scarborough, tuy nhiên thông điệp sau đó của ông Aquino có hàm ý cảnh báo rất cao khi nhấn mạnh, nếu không đưa những bằng chứng này ra toà án quốc tế, Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới Bãi Cỏ Rong và độc chiếm Biển Đông.
Kiện lên tòa án quốc tế: Bài học bảo vệ chủ quyền trước Trung Quốc


Lời cảnh báo của ngài tổng thống Philippines được đưa ra ngay sau khi nước này đi tiên phong trong việc chống lại chiến lược bành trướng của Trung Quốc trên mặt trận pháp lý sau khi các phản đối trên con đường ngoại giao đã hết công hiệu. Chỉ trong đúng năm 2012, Trung Quốc gần như đã đưa các đưa kế hoạch “gặm nhấm” Biển Đông bằng các dự án dân sự vào quỹ đạo. Những khoản tiền đầu tư vào Tam Sa, vào các dự án đóng mới tàu dân sự trang bị vũ khí sẽ nhanh chóng hiện thực hoá kế hoạch lớn của chính quyền Bắc Kinh. Nếu chỉ nhìn vào từng bước nhỏ lẻ, và chỉ “cực lực” phản đối ở cấp ngoại giao song phương, thì Trung Quốc đã thành công trong việc giảm bớt sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

“Quan trọng nhất, chúng ta phải tạo đà chính trị mạnh hơn mà công việc đầu tiên chính là đưa những trường hợp (vi phạm của Trung Quốc – PV) lên toà án quốc tế” – nguyên Tổng thống Philippines, ông Fidel Ramos đã bày tỏ sự đồng thuận với đương kim tổng thống trên tờ Manila Bullentin.

Các bước đi táo bạo của Trung Quốc thậm chí còn có thể bị lu mờ, chìm ngập trong làn sóng truyền thông trong nước, vốn luôn hau háu các đưa các tin sex, tin sốc, tin chính trị đấu đá vào các khung giờ vàng thời sự, ông Ramos nhấn mạnh.

Trên mặt trận ngoại giao, những ngày đầu năm 2013, Philippines cũng đang cho thấy sự linh hoạt và sắc sảo trong việc tăng cường mối quan hệ tương thông, “cùng cảnh ngộ” với Nhật Bản để tạo nên một vòng cung chiến lược vừa rắn vừa mềm trước Trung Quốc. Trong đó Philippines không chỉ được hỗ trợ thêm sức mạnh phòng vệ biển mà trong tương lai hứa hẹn trở thành tâm điểm đầu tư thương mại của Nhật Bản.

Trong quan hệ với Mỹ, Philippines cũng đang tạo ra các lớp lót ngoại giao hỗ trợ cho công dân, doanh nghiệp hai nước bằng việc tăng cường quan hệ với nhau thông qua cộng đồng Mỹ - Philippines vừa được Bộ Ngoại giao hai bên thiết lập. Tại đây cơ hội kinh doanh, đầu tư sẽ nảy sinh, cũng như siết chặt quan hệ với các chính khách quan trọng của Mỹ.

Đây chính là hướng hoà bình và bền vững nhằm hạn chế nguy cơ chiến tranh tiềm ẩn tại Biển Đông mà Philippines đang cố gắng thực hiện, tờ Manila Bullentin khẳng định.

Sơn Minh

Tăng công khai, giảm nhạy cảm

Philippines đã đưa Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế về luật Biển để xử lý tranh chấp ở biển Đông.

Trung Quốc phản đối vì chỉ muốn xử lý song phương những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và càng không muốn có sự can dự của bên ngoài, đặc biệt trong những trường hợp nước này đuối lý nên chỉ ỷ thế. Ngoài ra, có thể thấy Bắc Kinh sẽ không tham gia vụ kiện, không chấp nhận mọi phán quyết của tòa gây bất lợi cho mình, không thực hiện những phán xử có lợi cho Philippines và vẫn tiếp tục chiều hướng chính sách như hiện tại.

Philippines lập luận rằng phải đi con đường pháp lý sau khi mọi nỗ lực ngoại giao không đưa lại kết quả như mong đợi. Đáng chú ý, Manila không đặt vấn đề công nhận chủ quyền của mình, mà chỉ bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh, coi tất cả những hành động vừa qua của bên kia ở biển Đông là phạm pháp, phi lý và trái với Công ước LHQ về luật Biển.

Mục tiêu của Philippines là tranh thủ dư luận quốc tế. Cách tiếp cận là tăng cường công khai hóa hoạt động gây lo ngại của Trung Quốc, giảm bớt tính nhạy cảm của tranh chấp, coi đó là vướng mắc bình thường trong quan hệ quốc tế. Nước cờ này tạo áp lực đối với Trung Quốc lại không để tổn hại đáng kể đến những lợi ích của Philippines trong quan hệ song phương.

Bước đi này cũng phản ánh nhận thức của Manila không thật sự tin tưởng vào việc sớm có thể đạt được nhất trí giữa ASEAN và Trung Quốc về Quy tắc ứng xử ở biển Đông cũng như nếu có đạt được thì Trung Quốc chưa chắc sẽ tuân thủ nghiêm chỉnh. Nó tạo ra tình thế mới và khó xử mới trong quan hệ song phương.

La Phù

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét