Bà Pranee Siriphand, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương Thái Lan, đưa ra dự kiến Thái Lan sẽ xuất khẩu khoảng 8,5 triệu tấn gạo trong năm 2013.
Việt Nam dự báo sẽ xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn, Ấn Độ khoảng 7-8 triệu tấn. Cuộc đua trong năm 2013 sẽ có nhiều đoạn gay cấn nhưng thắng lợi chưa hẳn đã nằm trong tay những người đua.
Thực tế, “cuộc đua lúa gạo” giữa Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan đã được đề cập trong thời gian gần đây, khi thứ tự bảng tổng sắp về xuất khẩu gạo của các nước trên thế giới có sự thay đổi lớn ở ba vị trí đầu bảng. Xét ở góc độ động cơ, cuộc đua này xảy ra khi Việt Nam muốn duy trì vị trí số một nhằm “thanh lý” lượng cung ứng gạo dồi dào trong năm nay. Ấn Độ đuổi theo với “giấc mơ số một” không quá xa khi nước này chỉ thua Việt Nam khoảng 0,3 triệu tấn tính đến cuối tháng 10-2012. Còn Thái Lan ngoài lý do theo đuổi lợi ích xuất khẩu thì việc lấy lại vị trí số một là điều mà chính phủ Thái Lan mong muốn để có thể chứng minh chính sách trợ giá gạo cho nông dân của nước này là không sai.
Mỗi nước một “bài toán”
Trong bối cảnh hiện nay thì cuộc đua này vẫn chưa diễn ra bởi “thế” và “lực” giữa các bên dường như chưa đủ.
Việt Nam đang đau đầu với bài toán “giá trị hạt gạo”; Ấn Độ vẫn gặp khó khăn về quá tải cảng biển xuất khẩu, trong khi đó Thái Lan mãi loay hoay với những tranh cãi xung quanh chính sách lúa gạo quốc gia. Thế nên ngày 3-11-2012 tờ Bangkok Postdẫn phát biểu của phó vụ trưởng Vụ Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan - ông Tikhumporn Natvaratat rằng: “Chính phủ sẽ không hạ giá gạo để chạy theo cuộc đua xuất khẩu về lượng trên thị trường thế giới” mà chủ yếu tìm kiếm thị trường cao cấp để bán gạo có giá tốt nhất.
Tuy nhiên, bước vào năm 2013 thì mọi chuyện sẽ khác. Hiện nay, Việt Nam trước sự đánh động của dư luận trong nước về giá trị hạt gạo cũng đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm tạo nội lực cạnh tranh trong năm tới, điển hình là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các chương trình đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực giao dịch trong quan hệ ngoại thương đang được khu vực này triển khai và đẩy mạnh. Đồng thời, các ban ngành có chức năng nhanh chóng quán triệt các quy định, thông lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để nâng cao hiệu quả xuất khẩu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy được nâng cấp, hoàn chỉnh nhằm phục vụ xuất nhập khẩu lúa gạo. Đặc biệt, việc nghiên cứu và đẩy mạnh các hoạt động khoa học về cây lúa thông qua sự liên kết giữa các trường đại học, viện khoa học được tăng cường nhằm đảm bảo nguồn lực chất lượng cao phục vụ quá trình sản xuất, dịch vụ. Đó là chưa kể các chương trình Hội chợ Quốc tế Nông nghiệp Công nghệ cao (Hi-tech Agro) được diễn ra gần đây ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây nhằm giúp ngành lúa tiếp cận công nghệ mới nâng cao năng suất lao động.
Về phần Ấn Độ, nước này cũng đang “vũ trang” cho cuộc đua sắp tới. Ngay từ hồi tháng 6-2012, bộ trưởng Lương thực Ấn Độ cho biết một số biện pháp để cải thiện khả năng lưu trữ và đảm bảo vận chuyển nhanh lương thực từ các khu vực sản xuất tới các khu vực tiêu thụ đã được chính phủ triển khai thực hiện. Ngoài ra, việc tăng công suất lưu kho, xây dựng thêm kho chứa và tăng cường chất lượng các kho chứa cũng được các tổ chức lưu trữ của Ấn Độ tiến hành theo yêu cầu chính phủ. Ấn Độ đã xuất khẩu gạo đạt kỷ lục cao 9,75 triệu tấn năm 2012, tăng 22% hay 1,75 triệu tấn so với mức 8 triệu tấn dự báo cách đây một tháng. Bộ trưởng nông nghiệp Ấn Độ cho biết bất chấp sản lượng giảm do hạn hán, xuất khẩu gạo Ấn Độ vẫn có thể đạt 8-9 triệu tấn năm 2012-2013.
Trong khi đó Thái Lan đang xúc tiến mạnh mẽ các chiến lược sản xuất lẫn chiến lược xuất khẩu để “đòi” lại vị thế. Bà Pranee Siriphand cho biết Thái Lan sẽ tập trung chiến lược kinh doanh theo yêu cầu cho từng thị trường truyền thống, đồng thời thúc đẩy tìm kiếm thị trường mới. Ví dụ, Hong Kong và Singapore là hai thị trường đều có nhu cầu mạnh mẽ đối với gạo thơm và sức mua cao, điển hình là gạo Jasmine. Thái Lan cũng tăng cường hỗ trợ hợp tác với các thương nhân nhằm đảm bảo cung ứng cho các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, châu Phi và Trung Đông. Đồng thời, nước này cũng sẽ tiếp tục bán gạo theo hợp đồng G2G, tập trung vào thị trường ASEAN như Indonesia, Philippines. Với thế mạnh về marketing lúa gạo, Thái Lan không ngại sử dụng các kênh truyền thông nước ngoài nổi tiếng, đắt tiền như CNN, CNBC, Truyền hình Trung ương Trung Quốc… để có thể tăng doanh số xuất khẩu. Chưa dừng ở đó, chương trình ưu đãi giá gạo liên chính phủ cũng đã được nước này ký kết với năm quốc gia khác, với việc đảm bảo xuất khẩu 7,32 triệu tấn gạo trong giai đoạn 2012-2013 với mục đích tăng khối lượng xuất khẩu, mở rộng thị trường. Đặc biệt, tận dụng “lợi thế so sánh”, Thái Lan tiến hành hợp tác với các quốc gia khác như Myanmar, Philippines nhằm thiết lập một cơ chế và công cụ chung đủ mạnh để có thể xuất khẩu và quản trị giá gạo toàn cầu. Bà Pranee Siriphand thể hiện quyết tâm rằng: “Thái Lan cần phải đạt được sản lượng xuất khẩu lẫn giá trị hạt gạo tối ưu trong năm tới”. Theo đó, năm 2013, xuất khẩu dự kiến của Thái Lan sẽ tăng 16,44% về sản lượng và tăng 15,2% về giá trị.
Cuộc đua hại nhiều hơn lợi
Tuy nhiên, đứng ở góc độ “lý thuyết trò chơi”, cuộc đua này hại nhiều hơn lợi. Trong cuộc đua này, các bên tham gia nhất thiết phải đưa ra các chiến thuật về giá cả, thị trường… và tất nhiên, quyết định của mỗi nước sẽ có ảnh hưởng đến các nước còn lại. Ví dụ, nếu giá gạo Việt Nam tung ra thị trường thấp tuyệt đối so với các nước còn lại, thị phần của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Theo “lý thuyết trò chơi”, các quyết định giá cả, chiến lược của các bên đưa ra sẽ dẫn họ đến một trong ba kết quả:
Các bên cùng thắng (win-win);
Các bên cùng thua (lose-lose);
Bên thắng, bên thua (win-lose).
Như vậy, trường hợp lý tưởng nhất là các bên cùng thắng (win-win), nghĩa là các nước đều tối đa hóa lợi nhuận của mình.
Nhưng, trường hợp các bên cùng thua hoặc chỉ có một bên thắng sẽ dễ xảy ra nhất. Khi đó, người được lợi nhiều nhất suy cho cùng vẫn là “người thứ ba” và trong cuộc đua này “người thứ ba” chính là những nhà nhập khẩu gạo.
Nhà nhập khẩu ngồi hưởng lợi?
Hiện nay, xu hướng nhập khẩu gạo của những “người thứ ba” đang có xu hướng ngày một tăng xuất phát từ các vấn đề an ninh lương thực. Điển hình như Trung Quốc. Theo thống kê, Trung Quốc đã nhập của Thái Lan 49.483 tấn gạo năm 2008, 328.238 tấn năm 2009, 264.207 tấn năm 2010 và 267.846 tấn năm 2011. Trong tám tháng đầu năm 2012, Trung Quốc mới nhập 76.000 tấn gạo của Thái Lan, 1,388 triệu tấn gạo ở Việt Nam (tăng gấp 5,2 lần). Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm 2013 Trung Quốc sẽ nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo. Mục đích nhập khẩu gạo ồ ạt của Trung Quốc nhằm bình ổn giá gạo trong nước bởi gạo từ Việt Nam có ưu thế giá rẻ. Đó là chưa kể Trung Quốc mua gạo về… xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các thị trường nhập khẩu lớn khác cũng cần được lưu tâm. Năm 2012, Indonesia được dự báo sẽ nhập khẩu 1,25 triệu tấn; Nigeria 2,45 triệu tấn, Iran 1,9 triệu tấn, Philippines 1,5 triệu tấn… Trong năm 2013, trước cảnh báo về nạn mất mùa và khủng hoảng an ninh lương thực thì nhu cầu nhập khẩu gạo có thể tăng lên ở nhiều quốc gia. Dự báo nhập khẩu lúa gạo năm 2013 mới nhất cho thấy Iraq sẽ nhập khẩu 1,3 triệu tấn, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhập khẩu 300.000 tấn. Nhập khẩu vào Nepal, Saudi Arabia, Cameroon, Angola, Panama và Jordan dự báo cũng sẽ tăng nhẹ so với các dự báo trước đó.
Như vậy, nếu cuộc đua xuất khẩu lúa gạo diễn ra như dự báo, các nước “tham dự” cuộc đua sẽ mất đi “ưu thế so sánh” mà thay vào đó, phần thắng sẽ thuộc về những nhà nhập khẩu, trong đó phải kể đến Trung Quốc và nhiều quốc gia có truyền thống nhập khẩu lúa gạo. Vô tình các nhà nhập khẩu được thế “tọa sơn quan hổ đấu” trong khi xét về lý thuyết trò chơi, ít nhất một bên trong “cuộc đua lúa gạo” rơi vào thế thua (lose).
15.000 kilogram gạo được sản xuất mỗi giây, gạo là lương thực có sản lượng vào hàng thứ hai trên thế giới sau lúa mì. Năm 2010, tổng sản lượng lúa gạo đạt 459,7 triệu tấn.
Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 52,3% sản lượng lúa gạo thế giới và thường gạo được tiêu thụ tại chỗ. Chỉ một lượng nhỏ khoảng 6% được trao đổi trên thị trường toàn cầu.
Trung Quốc là nhà sản xuất gạo lớn nhất thế giới nhưng cũng là nước tiêu thụ gạo nhiều nhất. Vì thế trong nhiều năm liền Thái Lan và Việt Nam là những nước xuất khẩu chính, chiếm 50% sản lượng gạo thương mại hóa. Trong khi đó, Philippines là nhà nhập khẩu quan trọng hàng đầu.
Châu Phi chỉ có thể đảm bảo tự túc 10% nhu cầu và họ là những quốc gia nhập khẩu gạo đứng hàng thứ ba.
Thái Lan nắm ngôi vương về xuất khẩu gạo suốt 31 năm qua nhưng năm 2012 đã phải nhường bước trước Ấn Độ và Việt Nam với lượng gạo xuất khẩu lần lượt là 9,75 triệu tấn và 7,6 triệu tấn.
Sự tụt hậu này là do chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã áp dụng chính sách trợ giá thu mua lúa của nông dân cao gấp đôi giá thị trường.
(Theo Reuters)
|
ĐỖ THI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét