Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Bán 'vốn tự có' đâu phải một nghề!

Bán 'vốn tự có' đâu phải một nghề!

Nếu coi đó là một nghề, và để thừa nhận là một nghề, thì việc cho phép... "phố làng nghề" mại dâm ra đời, chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ cho chính những người "tham gia" vào hoạt động này, mà còn gây ra nhiều hậu quả xấu cho xã hội.
Sau bài viết ủng hộ việc 'bật đèn xanh' hợp pháp hóa phố đèn đỏ của tác giả Hà Văn Thịnh, Tuần Việt Nam nhận được bài phản biện của độc giả Giang Sơn. Mời bạn đọc cùng tham gia thảo luận, nên chăng, chúng ta hợp pháp hóa để dễ bề quản lý hoạt động này?
Hôm 22/1, trả lời báo chí, ông Phó Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. HCM đã khẳng định việc xin phép TƯ cho qui hoạch gom các loại dịch vụ nhạy cảm là để dễ quản lí chứ không phải lập "phố đèn đỏ".
Trả lời câu hỏi có nên có "phố đèn đỏ" hay không, một cách rõ ràng, công khai, e chừng hơi bị...khó. Nhưng nếu coi là một nghề, thì mại dâm có lẽ là một trong số rất ít nghề xuất hiện sớm nhất trong lịch sử loài người.
Dù sớm, cách nay cả nghìn năm, nhưng rất hiếm quốc gia, kể cả được xem là "thoáng" nhất vẫn không chấp nhận mại dâm là một nghề. Vì sao? Theo thiển nghĩ của người viết bài, khi được coi là một nghề thì bất luận là nghề gì cũng phải mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội, đóng góp cho sự phát triển xã hội, làm cho xã hội càng lúc càng văn minh, đẹp đẽ, lành mạnh hơn.
Mại dâm, không làm nổi chức năng ấy dù hình như ngày càng... phát triển, dù mang lại nguồn thu không nhỏ cho một bộ phận, kể cả nguồn thuế của một số quốc gia. Nhưng nếu coi đó là một nghề, và để thừa nhận là một nghề, thì việc cho phép... "phố làng nghề" mại dâm ra đời, chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ cho chính những người "tham gia" vào hoạt động này, mà còn gây ra nhiều hậu quả xấu cho xã hội.
Ai bán dâm, ai mua dâm?
Câu hỏi này, người viết đã từng hỏi một GS Pháp trong giờ lên lớp của ông mà tôi có may mắn là người học cách đây 30 năm giữa Paris tráng lệ, trong giờ "La France d'aujourd'hui" (nước Pháp ngày nay). Hồi đó ở miền Bắc Việt Nam hầu như không có khái niệm "mại dâm".
Vị GS đã trả lời và giảng giải như sau: Người bán dâm là người không nghề nghiệp, hoặc thất nghiệp, không có gì bán, không còn gì để bán, vì sinh nhai,  họ đành phải bán cái Thượng Đế cho họ. Họ đáng thương. Xã hội, nhà cầm quyền chịu một phần trách nhiệm ở đây. Các bạn tới phố Pigalle sẽ thấy. Thật đáng thương.
Tuy nhiên có một bộ phận trong họ là những người thích có nhiều tiền nhanh nên "dấn thân"... Còn người đến đấy mua? Hầu hết là khách du lịch ngoại quốc, ham "của lạ". Người Pháp khá "dị ứng" với nơi này.
Mấy hôm sau, tối thứ bẩy, cùng vài người bạn, tôi đến Pigalle "mục sở thị" thì quả đúng như thầy tôi nói. Nhìn những phụ nữ đủ lứa tuổi, đủ màu da, đứng trên vỉa hè, dưới tuyết rơi, trang phục quá "nghèo", mặt bự phấn son, với câu cửa miệng: Xin mời.. các anh vào nhé!
Nhiệt độ Paris lúc ấy - 5 độ C, ai cũng măng tô, khăn quàng... Vậy mà nhìn họ hở hang, da tím nhợt..., thật quá đáng thương. Khi chúng tôi nói "Nous sommes Français. Nous sommes de Paris" (Chúng tôi là người Pháp, người Paris) thì các cô len lét, lảng đi hết.
Pigalle được coi là phố "đèn đỏ" của Paris, và còn nhiều phố "đèn đỏ" nữa trên đất Pháp, nhưng đến hôm nay Chính phủ Pháp, dân Pháp vẫn không công nhận việc "bán cái ấy" là nghề, mặc dù cho hoạt động, quản lí rất chặt chẽ.
Còn ở Việt Nam, thế hệ chúng tôi nghe kể lại, thời Pháp (có thể trước đó nữa), Hà Nội có phố Khâm Thiên, phố "cô đầu" nhưng không phải phố "đèn đỏ". Mại dâm ở Việt Nam từ xưa vẫn là hoạt động lén lút. Cho đến nay, có lẽ vẫn không ít người Việt Nam nào chấp nhận "nghề" ấy, thậm chí trong tâm lý định kiến sẵn có, họ rất khinh bỉ, coi thường, tuy sâu xa, vì có cầu nên ắt... có cung.
Xã hội Việt Nam buộc phải chấp nhận nó như chấp nhận bệnh cảm cúm, nhức đầu, và đã từng bước cố gắng đẩy lùi. Đã có lúc hiện tượng "gái làm tiền"- thực chất là mại dâm, đã hầu như bị quét sạch. Nhưng nay thì...
"Phố đèn đỏ" Patpong ở Bangkok (Thái Lan)
Cần phải làm gì?
Từ thực tiễn xã hội hiện nay cho thấy, cấm hiện tượng mại dâm là không thể. Vì nếu cấm, thì chúng ta trả lời ra sao về hiện tượng như ở đường Nguyễn Văn Cừ (qua cầu Chương Dương) và một số con phố khác giữa lòng Hà Nội, nhà nghỉ, khách sạn mini mọc lên như nấm, mà phần nhiều hoạt động trong đó, dư luận cũng đã hay. Trong các nhà nghỉ, không chỉ có khách vãng lai, khách đi công tác ở các tỉnh nghỉ lại, mà còn có không ít các vụ mua bán dâm diễn ra thường xuyên. Nhiều vụ mua dâm, bán dâm đã bị "bắt tại chỗ" từ những nhà nghỉ này. Bức xúc, dân chúng ở đó từng có ý kiến đổi tên phố, tên đường.
Cần phải khẳng định, mua bán dâm là xấu. Chúng ta không thể dung túng hiện tượng này, vì nó kéo theo rất nhiều hệ lụy. Vì vậy, không thể bật "đèn xanh" để có phố "đèn đỏ".
Nhưng giờ đây, lực lượng bán dâm khó thống kê đầy đủ. Đội ngũ mua dâm, có lẽ cũng... không đếm nổi. Vậy thì phải làm gì?
Người viết bài chỉ muốn nhắc lại những điều mà ngành phòng chống tệ nạn xã hội đã hơn một lần nói: Tăng cường giáo dục thường xuyên bằng nhiều phương tiện, trong đó truyền thông đóng vai trò rất quan trọng. Quan trọng nhất, Nhà nước phải tạo công ăn việc làm cho mọi người, nhất là những người trẻ tuổi ...
Mại dâm, bản thân nó không phải là tội phạm, nhưng là một trong những nguồn gốc sinh ra tội phạm. Vì thế cần nhiều biện pháp hành chính hữu hiệu, đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động này, nhất là đối với những người mua dâm mà lâu nay, hình như chúng ta nương nhẹ với đối tượng này, trong khi lại khá nặng với người bán. Công chức, viên chức Nhà nước mua dâm cần được xử lí nghiêm khắc hơn.
Cần một giải pháp của nhiều ngành...
Thuần phong mỹ tục Việt Nam, hiện tại chưa thể chấp nhận phố "đèn đỏ". Chưa có "phố đèn đỏ" mà hiện tượng mại dâm đã phá hoại biết bao gia đình, "giết chết" một lực lượng lao động đáng kể, làm băng hoại đạo đức, tạo ra không ít giông bão cho nhiều mái ấm gia đình.
Nay, "thu gom các loại hoạt động nhạy cảm vào một số khu vực để dễ quản lí" như đề xuất của TP. HCM liệu có khả thi? E rằng đề xuất này (nếu được chấp thuận) sẽ là khởi đầu cho phố "đèn đỏ" và các khu vực khác, như các nhà nghỉ hoạt động mại dâm càng rôm rả. Lúc ấy, các nhà quản lí sẽ làm gì? Làm gì khi mà "nước đã tràn li"?
Xã hội Việt Nam với nhiều đặc thù, thật khó lấy "mô hình" của quốc gia này, quốc gia kia để áp dụng dập khuôn. Mại dâm ở vài quốc gia lân cận từng được không ít người cho đó là động lực phát triển du lịch. Nhưng họ lại không biết rằng chính cái "động lực" ấy đã càng lúc càng làm xấu hình ảnh đất nước.
Chẳng nhẽ chỉ vì chuyện để "dễ quản lí" mà chúng ta lại theo vết xe của họ để rồi phải khắc phục hậu quả mà chưa ai có thể đoán định nổi.
Nên làm gì với hiện tượng mại dâm? Cần có một chiến lược dài lâu, của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực hơn thay vì chỉ gỡ rối trước mắt, thay vì vài ba liều thuốc chữa... triệu chứng?
Giang Sơn

Thực tế, hoạt động mại dâm đang diễn ra phức tạp hơn sau khi Nghị quyết của Quốc hội ngày 2.7.2012 chính thức không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, cả nước hiện có trên 73.000 cơ sở kinh doanh "dịch vụ nhạy cảm" với hơn 48.000 nhân viên phục vụ. Trong đó TP.HCM có khoảng 14.000 -15.000 người hoạt động mại dâm, nhưng thực tế có khi còn cao hơn.
... Việc quản lý "nghề mại dâm" tức hợp pháp hoá mại dâm không phải việc đơn giản, nếu không muốn nói là phức tạp khi ngành mại dâm dễ kéo theo nhiều vấn nạn khác. Ông Lê Đức Hiền, Cục phó Phòng, chống tệ nạn xã hội nhận xét:
Người ta đã ngộ nhận khi cho rằng mại dâm có từ cổ xưa, là nhu cầu chính đáng. Một khi mại dâm được xem là một nghề thì sẽ bớt được hiếp dâm trẻ em, bóc lột tình dục, lây lan tình dục, tăng thu ngân sách... Nhưng mại dâm luôn gắn liền với những vấn đề xã hội phức tạp khác, khiến cho việc quản lý càng gặp khó khăn hơn.
Đơn cử như Thuỵ Điển, quốc gia đã từng hợp pháp hoá mại dâm trong 30 năm cuối thế kỷ 20. Tuy nhiên, đến năm 1998 nước này lại gấp rút ban hành bộ luật cấm hoạt động mại dâm, vì dịch vụ này đã "phát triển" ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ, làm tổn hại đến các giá trị đạo đức xã hội.
Còn tại các "phố đèn đỏ" ở Thái Lan, ngoài dịch vụ mại dâm còn khá nhiều sòng bạc và các dịch vụ "hao của tốn tiền". Thực tế, ngành mại dâm ở Thái không hợp pháp, tuy nhiên những người từ 18 tuổi có thể đi quán bar, vũ trường với nhau. Đây chính là nơi sinh ra các hoạt động buôn bán sử dụng ma tuý, tống tiền và đặc biệt là đường dây buôn phụ nữ xuyên quốc gia bao gồm: Myanmar, Trung Quốc, Campuchia.
Chưa dừng ở đó, nạn hiếp dâm - vấn đề được kỳ vọng là sẽ giảm nhờ "phố đèn đỏ", nhưng thực tế lại tăng mạnh. Tỷ lệ hiếp dâm ở Thái Lan cao nhất Đông Nam Á, với 7 - 8 vụ trên 100.000 dân, cao gấp hai lần Philippines, ba lần Singapore và năm lần so với Việt Nam.
Còn tại bang Nevada của Mỹ, nơi hợp pháp hoá mại dâm thì tỷ lệ hiếp dâm năm 2009 là 43 trường hợp trên 100.000 dân, vượt xa tỷ lệ trung bình của cả nước là 30 vụ.
Vấn đề tăng "nguồn thu" cho quốc gia thông qua phố đèn đỏ cũng là một trong những lý do đáng để cân nhắc kỹ lưỡng.
Tại Hà Lan, ngành công nghệ tình dục mỗi năm đem lại khoảng 1 tỉ USD, nhưng tình trạng buôn người ở Hà Lan cực kỳ nhức nhối, gây ra nhiều vấn nạn gây hao tốn ngân sách. Ở thành phố Bonn của Đức, năm 2011 đã thu về 18.200 USD tiền thuế từ dịch vụ mại dâm, nhưng đã phải chi tới 116.000 USD để bảo đảm an ninh cho các phố đèn đỏ.
Trích nguồn: Những được mất từ ý tưởng quy hoạch "phố đèn đỏ" (SGTT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét