Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

(2) Thể chất và trí tuệ của người Việt sau nửa thế kỷ

Lê Văn Lân
B- Về sự phát triển thể chất và bệnh lý của người Việt hiện nay:
Dáng điệu đi đứng thì nhẹ nhàng và xem ra bộ vững vàng chắc chắn” như sự miêu tả của cụ Trần Trọng Kim được chứng minh là xương của dân Việt cổ truyền có một chỉ số cường kiện vì lượng Calcium trong máu cao còn hơn dân Âu do ảnh hưởng khí hậu nhiều nắng nên không thiếu sinh tố D để hấp thụ Calcium. Tuy nhiên, đáng tiếc là “xương ở tứ chi của dân Việt ngắn” nên vóc người không cao ráo. Điều này là do thực phẩm thường nhật có nhiều rau mà rất ít thịt như bộ ruột của típ ăn-cỏ của người mình! Ít ăn thịt nên thiếu chất protein để tạo ra chất cốt giao (ossein) cần cho sự tăng trưởng ống xương khi còn bé và lúc dậy thì. Ở Việt Nam, trước đây chỉ có người giàu được dư miếng thịt mà ăn, còn lớp bình dân có cá ăn thường kể như là sang lắm: Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm. Để đắp đổi cho sự thiếu protein, người Việt may sao còn biết ăn nước mắm và bắt chó, chuột, ếch nhái, cua còng và sâu nhộng ăn bù!
Hậu quả di truyền cho người Việt kém dinh dưỡng tổng quát nhất là thiếu thịt trong nhiều năm chiến tranh loạn lạc cho đến nay, ít ai cảm thấy cho đến khi dân Việt tỵ nạn xứ người bỗng tự khám phá ra khi họ đi mua áo quần may sẵn: té ra mình là người lớn nhưng chỉ mặc vừa áo quần của Mỹ thuộc loại “petite” hay small size. Và tuy chọn cùng một tầm khổ hay chiều cao với người bản xứ nhưng khi ướm thử thì chiều dài của tay áo và ống quần lại dài nên dân Việt tỵ nạn phải đến những tiệm may sửa áo quần trả thêm một số tiền xấp xỉ tiền mua mới mà thu ngắn để mặc cho vừa. Người mình về kích thước thì lưng dài mà chân ngắn, nên khó mà thi tuyển thân thể cân đối và đẹp như người Tây phương. 
Tuy nhiên, đối với những trẻ Việt Nam sinh tại Mỹ hay đến Mỹ khi còn bé tí, thì nhờ ăn thực phẩm có thịt và sữa nhiều, chúng lớn “nhổ giò” một rõ rệt. Chiều cao của đa số thanh thiếu niên Việt Nam ở Mỹ đương nhiên không còn ở mức 1m60 như trước đây và khi mua giầy, chúng phải chọn số lớn dài hơn anh chị em chúng.Tuy nhiên, nếu sự dư thực phẩm ở Mỹ gây tác dụng tốt cho người trẻ thì đó là một rủi ro cho người Việt lớn tuổi ở hải ngoại với chứng dư cholesterol, dư mỡ, dư đường trong cơ thể. Người già Việt Nam bắt đầu chết vì bệnh tim mạch và ung thư, béo phệ không kém gì người Mỹ nếu họ ham ăn thịt mà không trở lại lối ăn cổ truyền với nhiều cá, rau cỏ, cộng với việc tập thể dục. Nhưng dù sao, cũng an ủi là tuổi thọ trung bình của giới già Việt lại được nâng cao nhờ hệ thống y tế và kỹ thuật tiên tiến của Hoa Kỳ. 
Về tình hình dinh dưỡng và y tế bấy lâu nay trong nước Việt Nam, chúng ta không có trong tay một thống kê hay báo cáo nào đáng tin. Ta chỉ nghe BS Dương Quỳnh Hoa (nguyên bộ trưởng y tế của chính phủ Mặt trận Giải phóng Miền Nam) có lần bất mãn mà công khai chỉ trích chính quyền không biết lo gì cho sự phát triển của nhi đồng nên chúng rất èo uột, thảm hại. Hồi 1975, dân miền nam đã từng thấy những chú bộ đội xanh rớt như tầu lá vì sốt rét và thân hình nhỏ bé quắt lại, bơi thùng thình trong bộ áo trận rộng. Xương quai hàm (mandibule) vốn dĩ rộng và hàm răng hô là đặc thù cố hữu của một số người Việt như sự khảo sát trên. Đặc thù này khi người ta ăn uống đầy đủ thì không thấy rõ nhưng lại nổi bật một cách điển hình khi họ ăn thiếu thốn, mặt ốm sát xương, cằm bạnh răng hô. Bắp thịt ở cằm dưới của một số dân nghèo ngoài bắc nhiều khi trông lại càng bạnh ra, phải chăng là vì họ phải ăn bo bo trong hàng chục năm cơ khổ! 
Cái gì năng dùng thì nẩy nở nên một điều nhận xét khác là bàn chân của các nàng sơn nữ Thổ Mán rất lớn vì đi chân đất và leo đồi núi. Những cán bộ miền bắc từ rừng rú vô tiếp thu những cơ sở miền nam có tật buồn cười là ngồi bỏ chân trên ghế sa-lông, gợi lại tư thế “ngồi xổm” của đa số người nông dân cổ truyền. Thuở tiền chiến, dân quê VN không có bàn ghế, nên họ ngồi xổm là đương nhiên, đàn bà ngồi xếp tè he trên chiếu để cúng lễ hay đánh tứ sắc cũng đúng. Còn các cán bộ “ngồi kiểu nước lụt,” trên ghế mà thu hai chân lên là vì quen thói ngồi trong rừng lạnh lẽo, phải co gối lên cho ấm ngực, ấm bụng!
Một điều cũng nên nói ra để thương cho người phụ nữ Việt cổ truyền trong mấy ngàn đời vì họ cũng phải làm việc cấy cầy gánh gồng lao động lam lũ như sự khảo sát về hệ thống bắp thịt thời tiền chiến của các bác sĩ như Đào Huy Hách, Chippault, Olivier. Cụ Trần trọng Kim viết: “Đàn bà Việt Nam thì hay làm lụng và đảm đang, khéo chân, khéo tay, làm đủ mọi việc, mà biết lấy gia đạo làm trọng, hết lòng chiều chồng, nuôi con, thường giữ được các đức tính rất quí là tiết, nghĩa, cần kiệm.” Trong thời chiến thì Thân cò lặn lội bờ sông, Gánh gạo nuôi chồng nước mắt nỉ non!
Bên cạnh sự thiếu ăn và thiếu thuốc, dân chúng bên nhà còn bị nạn trúng độc vì ăn những thức ăn không được kiểm soát chặt chẽ về sự chế biến với những chất phụ gia độc hại hay thuốc giả, rượu giả, trà giả.
Thành ra, cũng là người Việt nhưng có hai tình cảnh trái ngược về sự phát triển cơ thể: thái quá thặng dư ở hài ngoại, bất cập thiếu thốn ở bên nhà. Việt Nam được xếp vào loại những quốc gia nghèo đói trên thế giới nên cơ thể con người Việt trung bình bên nhà không phát triển đúng mức là chuyện đương nhiên. Làm thầy thuồc lầm thì hại một người, làm chính trị lầm thì hại cả một nước! Ngẫm lại đúng lắm. Người ta vẫn còn nhớ câu nói của ông Phạm Văn Đồng sau khi “giải phóng miền Nam”: Chúng ta đã tranh đấu để “ăn no, mặc ấm,” bây giờ chúng ta đang tiến lên “ăn ngon, mặc đẹp”! Sau 30 năm nhìn lại thì thấy ...

C- Về diện mạo của người Việt
Với đặc thù lai Nam-Mongoloid như mí mắt dầy và sống mũi thấp, dân Việt chia xẻ nhiều nét tương đồng về nhân chủng với các dân tộc Đông Nam Á. Đàn ông Việt cũng giống phái nam của nhiều xứ luôn luôn tự hào với diện mạo cha sinh mẹ đẻ của mình, nên không bao giờ đến thẩm mỹ viện. Và phái nam Việt ít để râu vì râu ít và thưa. Trái lại, phụ nữ Việt ở hải ngoại và tại các đô thị trong nước rủng rỉnh tiền bạc thì rất đỏm dáng như bản tính cố hữu của phụ nữ ở mọi nơi nên dịch vụ thẩm mỹ coi bộ lấy tiền của họ rất nhiều qua những quảng cáo như mổ mí mắt, độn cho mũi cao, bơm ngực... Các nha sĩ hay chuyên viên chỉnh nha cũng hốt bạc qua dịch vụ niềng răng, mổ răng lòi xỉ, cấy răng. Nói chí tình, đời sống vật chất căn bản đủ rồi thì tiến lên chuyện làm đẹp là đúng vì phụ nữ là hoa của cuộc đời mà!
Về vấn đề tóc, thì tóc phụ nữ Việt cổ truyền mọc rất mạnh, mầu đen nhánh và rất dài như những danh từ “suối tóc” hay “tóc mây,” trước đây tóc nhiều còn để đuôi gà hay bới tóc bí bo thì nay họ lại chạy theo thời thượng để hớt cuốn và nhuộm mầu hay”hai- lai” như Tây phương.
Sau 1975, sự khác nhau giữa người trong nước và Việt kiều rất rõ rệt: người trong nước ốm o, da xạm xấu, má hóp; Việt kiều thì béo tốt, phương phi, da sáng, ngó biết liền, ăn mặc đẹp đẽ lịch sự. Điều này dễ hiểu vì Việt kiều ăn uống quá đầy đủ, ít lao động chân tay, làm việc trong các xưởng hãng và quen sống trong nội thất có máy điều hoà không khí, khi di chuyển thì đi xe buýt hay lái xe hơi. Dân trong nước nhìn Việt kiều là biết ngay qua hình dạng dù cố tình ăn mặc xuềnh xoàng giống như người trong nước, ngoài ra họ còn được nhận ra do một số thói quen như thường nói lời cám ơn hay xin lỗi, hoặc là đi quá mau.

D- Về sự phản ứng giác quan:
Người Việt không rù rờ chậm lụt như những nhóm người thiểu số trong các trắc nghiệm về tâm lý. Thuở xưa dân Tàu tuy tự cao tự đại, phải thừa nhận Việt Nam là một nước có văn hiến. Cụ Trần trọng Kim nhận định là dân Việt “trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, người sáng dạ, nhớ lâu...” Sau 30 năm, học chung với người bản xứ, trẻ em Việt ở Mỹ có nhiều nơi được khen là giỏi và có tỉ số tốt nghiệp đại học đáng kể. Điều này chứng tỏ là người ta cần phân biệt cái gì liên quan đến thể chất thân xác của từng cá nhân với cái gì tùy thuộc vào sự giáo dục văn hoá của quốc gia (Musafer Sherif – Harward). Lấy ví dụ riêng về xứ Mỹ là xứ mà chính phủ quan tâm đặc biệt đến sự dinh dưỡng và giáo dục của người dân. Đây là xứ của cơ hội đồng đều, thiếu nhi được no đủ vì có chính sách dinh dưỡng ưu tiên cho trẻ em nên thể chất phát triển tốt đẹp. Ăn vóc thì học hay và có cơ hội đồng đều về giáo dục nên thanh thiếu niên Việt thành công trong học vấn và tốt nghiệp đại học về đủ ngành không phải là điều lạ.
Nhìn lại Việt Nam, là cả một câu truyện dài lùng bùng. Dù hoà bình trở lại 30 năm rồi, mà nền kinh tế đất nước vẫn tụt hậu mặc dù họ vẫn ồn ào với chủ trương “cởi trói’ và “đổi mới.” Nạn đốn gỗ và phát cây đốt rẫy đã góp phần vào sự tàn phá rừng và phá đất, thêm vào đó là tình trạng nguồn nước ô nhiễm và sự đánh cá quá độ đã đe doạ tài nguyên về thủy sản; nguồn mạch nước ngầm dưới mặt đất bị ô nhiễm làm hạn chế sự cung cấp nước sạch cho dân chúng; sự gia tăng kỹ nghệ ở các đô thị và chính sách di dân ồ ạt không qui hoạch đã làm mau chóng giảm phẩm chất của môi trường sống của người dân nói chung. Dựa theo vài dữ kiện thống kê nhật tu đọc được trên Internet tháng 11, 2005, dân số Việt Nam là 83 triệu 535 ngàn 576 người (ước tính July 2005). Tử vong trẻ: tổng số 25.95 chết / 1.000 trẻ sơ sinh. Sự rủi ro bị những chứng bịnh nhiễm trùng chính rất cao gồm những chứng do thức ăn và nước uống đưa vào như tiêu chảy do vi khuẩn, viêm gan A, sốt thương hàn, và những chứng do muỗi mòng như sốt xuất huyết, sốt rét, não viêm hay bệnh dại vẫn tồn tại ở một số nơi. Đa số trẻ em thì thiếu dinh dưỡng và chăm sóc về y tế, lại bị hạn chế về giáo dục nên chúng không thể lớn mạnh và khôn ngoan.

Một lời kết tạm
Nhìn lại quá khứ, bản chất con người Việt Nam về cơ thể học và nhân dáng nói chung thì vẫn thế kể từ nửa thế kỷ nay dù ở đâu cũng vậy. Tuy thời gian 52 năm vừa qua hoàn toàn phù du so với cả chục ngàn năm để tạo ra những biến thái trường tồn về cơ thể và tạng chất, nhưng cũng để lưu dấu một số hiện tượng suy thoái hay phát triển do ảnh hưởng của môi trường sinh hoạt khác nhau. 
Sự cải tổ của nước Nhật Bản là một cái gương để chúng ta suy gẫm:
- Trước hết là sự cải tổ với tinh thần tiến thủ vào đời vua Minh Trị ở cuối thế kỷ 19 khiến nước này canh tân theo kịp đà văn minh cơ khí của Tây phương và trở thành một cường quốc.
- Người Nhật vốn bị coi là lùn (nụy hay ải nhân), nhưng sau đệ nhị thế chiến, nhờ cải tổ về dinh dưỡng nên đa số nguời Nhật cao hẳn lên mười mấy phân.

Nếu con người Việt được phát triển thuận tiện với những điều kiện dinh dưỡng và giáo dục lý tưởng thì thể chất sẽ càng lớn, càng đẹp, trí tuệ càng mở mang và thông minh; còn làm ngược lại thì họ sẽ đèo đẹt, xấu xí, ngu si, và tạo ảnh hưởng suy thoái lưu truyền cho thế hệ con cháu.

Nói một cách khẳng định, một quốc gia càng có một chế độ thịnh trị bao nhiêu thì đương nhiên sản xuất ra những người dân càng có trình độ văn minh và văn hoá, khỏi cần tự khoe rằng mình là “lương tâm của thời đại, đỉnh cao trí tuệ của nhân loại.” Còn chế độ cai trị hà khắc, thì “nếu cột đèn biết đi thì chúng cũng bỏ xứ mà đi.” Không cần một triết lý hay chủ nghĩa nào cả mà đây là một sự thật rất đơn giản.

Một điều thao thức thầm kín trong tâm tư cho dân Việt dù ở bên nhà hay bất cứ ở một phương trời nào là ai cũng muốn giữ cái căn cước vẫn là dân Việt:
- Dân Việt ở hải ngoại nẩy nở, giỏi dang, sung túc nhờ cơm áo, giáo dục và địa vị của xứ người nhưng cũng không vì thế mà cảm thấy hãnh diện, vẻ vang. Vì lẽ sinh tồn, họ phải chấp nhận làm công dân một xứ không phải quê hương, nhưng trong thâm tâm còn canh cánh nỗi niềm cố quốc. Họ đang trăn trở muốn giúp đất nước và đồng bào với khả năng của mình nhưng luôn luôn dụng phải cái thành trì độc quyền mọi thứ, cho đến nay chưa thấy có cách nào vượt qua được!

- Còn dân Việt bên nhà thì đa số vẫn nghèo đói, lạc hậu và ẩn nhẫn vì chưa thấy có cơ hội để phát triển trong đường hướng đi về tương lai cho thế hệ của mình và con cháu. Đã có một phong trào các nhà trí thức trong nước lên tiếng đòi cải tổ đất nước, ảnh hưởng ngày một lan rộng trong quần chúng....

(Trích từ báo Thế Kỷ 21 số 205, tháng Năm, 2006)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét