Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

'Đi tắt đón đầu làm hại khoa học'

Không chỉ đi tắt đón đầu làm hại khoa học mà trong tất cả các lĩnh vực khác, việc nôn nóng, vội vàng, chỉ muốn làm những gì dễ, có kết quả nhanh và không quan tâm đến chất lượng... đều dẫn đến phát triển lệch lạc, kém hiệu quả, thậm chí liên tục khủng hoảng và không có sự phát triển thực sự. Tựu chung nhất, nó xuất phát từ chủ trương đi tắt đón đầu, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội.
Lịch sử phát triển thế giới đã chứng minh, biết kế tục thành tựu của người đi trước, đi theo vết của họ thì sẽ thuận lợi, phát triển nhanh và vững chắc, còn thích đi tắt theo đường riêng để đón đầu, sẽ tự mình phải phá rừng, đào núi, xây cầu, mở đường hoàn toàn mới, sẽ đầy rủi ro, chi phí lớn, và trong quá trình phát triển dài hạn chắc chắn sẽ đến lúc bế tắc không tiến được, sẽ phải quay lại đi theo đường mòn do người đi trước đã tạo ra. 

'Đi tắt đón đầu làm hại khoa học'

Thiếu định hướng, nặng tư duy đi tắt đón đầu, loay hoay với đề tài cũ người khác đã làm, đây là các rào cản khiến người làm việc trong nước khó có gì để công bố quốc tế, một nhà khoa học có uy tín nhận xét.
Khoa học Việt khó công bố quốc tế / Việt Nam tụt hậu 50 năm so với Thái Lan

Trong buổi nói chuyện với VnExpress, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, làm việc tại Đại học New South Wales và là chuyên gia cấp cao, trưởng nhóm nghiên cứu loãng xương và di truyền thuộc Viện nghiên cứu Garvan, Australia, đưa ra cái nhìn tổng quát nhất về tầm quan trọng của việc đăng nghiên cứu trên tập san nước ngoài. Ông cũng đưa ra lý do vì sao nhà khoa học Việt chưa có nhiều công trình công bố quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào có công trình công bố ở lĩnh vực y khoa.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn. Ảnh: vnuhcm.edu.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn. Ảnh: vnuhcm.edu.
Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc có nghiên cứu đăng trên tạp chí nước ngoài?
- Trước hết, nhà khoa học được Nhà nước tài trợ nghiên cứu (thực ra là người dân đóng thuế tài trợ), tài trợ thực chất là hình thức đầu tư. Do đó, nhà khoa học cần báo cáo cho người đóng thuế biết họ đạt những thành tựu nghiên cứu tương xứng không.

Tạp chí khoa học quốc tế có cơ chế bình duyệt nghiêm chỉnh, những công trình công bố trên tạp chí như thế là một cách đảm bảo chất lượng nghiên cứu. Nếu nghiên cứu sinh hay nhà khoa học không công bố kết quả trên các tạp chí như vậy, công chúng và đồng nghiệp rất khó biết nghiên cứu của họ đáp ứng các tiêu chuẩn về phương pháp hay chất lượng. Một luận án tiến sĩ mà kết quả nghiên cứu chưa công bố trên các tập san có bình duyệt thì rất khó đánh giá luận án đó có xứng đáng với cấp tiến sĩ hay không. Do đó, công bố quốc tế có thể xem như một hình thức "thử nghiệm axít".
Công bố quốc tế có ý nghĩa quan trọng là cung cấp chứng cứ khoa học cho thực hành và chính sách công. Trong y tế có phong trào "y học thực chứng", tức thực hành lâm sàng dựa vào chứng cứ. Chính sách công, kể cả giáo dục, xã hội, y tế cần dựa vào chứng cứ. Chứng cứ tốt nhất là những dữ liệu đúc kết từ nghiên cứu khoa học và nó phải qua bình duyệt trước khi ứng dụng. Công bố kết quả nghiên cứu trên tập san quốc tế đóng vai trò quan trọng trong một xã hội văn minh.
Công bố quốc tế còn là hình thức chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp quốc tế, qua đó để lại một di sản cho thế hệ kế tiếp. Không có công bố khoa học thì có thể nói rằng khoa học không tồn tại.
Cũng nhà khoa học đó khi nghiên cứu trong nước không có tạp chí công bố, nhưng ở nước ngoài làm việc, họ lại có công trình đăng tải? Vì sao vậy thưa ông?
Sự hiện diện của khoa họcViệt Nam trên trường quốc tế còn khiêm tốn.
- Trong số nhiều nguyên nhân, tôi nghĩ đến ba lý do liên quan đến khoa học, con người và ngôn ngữ. Thứ nhất, khoa học trong nước có thể thiếu định hướng nghiên cứu tốt, nên họ phải loay hoay với đề tài cũ mà người khác đã làm (còn gọi "me too"), đề tài cũ như thế thì khả năng và cơ may công bố rất thấp.
Thứ hai, nhà khoa học trong nước không có người hướng dẫn kinh nghiệm cao. Bất cứ ngành nghề nào cũng cần người đi trước và đi sau. Trong khoa học, người đi trước có nhiệm vụ hướng dẫn "đàn em", tạo điều kiện cho họ có cơ hội tiếp tục sự nghiệp. Việt Nam thiếu người hướng dẫn có kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học. Điều này dẫn đến thực tế các nhà khoa học trẻ có nhiệt huyết và tài năng muốn làm nghiên cứu nhưng đành "bó tay". Thật đáng tiếc vì giới trẻ Việt chẳng kém ai trên thế giới.
Thứ ba là vấn đề ngôn ngữ. Trên 90% tập san khoa học quốc tế dùng tiếng Anh làm phương tiện chuyển tải. Ngay cả những tập san từ Thuỵ Điển, Na Uy, Hà Lan, Phần Lan, Nhật, Hàn Quốc đều sử dụng tiếng Anh. Với Việt Nam, tiếng Anh là rào cản lớn. Nhiều nhà khoa học Việt biết tiếng Anh, họ có thể đọc, nghe và viết, nhưng phần lớn họ chưa ở trình độ viết một bài báo khoa học hoàn chỉnh. Ngay cả nghiên cứu sinh học đại học nói tiếng Anh ở nước ngoài cũng chưa đủ khả năng soạn bài báo khoa học mà không cần đến sự hỗ trợ về ngôn ngữ.
Đó là những rào cản và lời giải thích tại sao các nhà khoa học Việt Nam ít công trình công bố trên tập san quốc tế.
Làm thế nào cá nhân ông có những bài đăng trên tạp chí quốc tế?
- Tôi làm ở lĩnh vực y khoa, nên tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Một bài báo y học có cơ may công bố phải hội đủ 5 yếu tố: chọn đúng tập san, ý tưởng tốt, phương pháp thích hợp, cách trình bày khúc chiết và diễn giải phù hợp với dữ liệu.
Mỗi công trình nghiên cứu phù hợp với một tập san chuyên ngành, nên việc chọn tập san thích hợp rất quan trọng. Nếu nghiên cứu mang tính lâm sàng thì không nên đệ trình cho tập san nghiên cứu cơ bản; ngược lại, những nghiên cứu cơ bản sẽ khó có cơ may công bố trên các tập san nghiêng về nghiên cứu lâm sàng.
Nếu nghiên cứu có kết quả mang tính đột phá, tác giả nên suy nghĩ đến tập san số một thế giới như Science, Nature, Cell, PNAS... Còn nghiên cứu không có kết quả đáng kể thì nên nghĩ đến tập san mức độ ảnh hưởng thấp hơn. Các tập san lớn từ chối khoảng 90-95% bài báo, tập san chuyên ngành từ chối khoảng 75% bài báo. Tập san càng danh giá thì tỷ lệ từ chối càng cao. Do đó, "biết mình, biết ta" để chọn tập san chẳng những tiết kiệm thì giờ, mà còn nâng cao xác suất công bố.
Các tập san, dù hàng đầu hay chuyên ngành đều thích nghiên cứu có ý tưởng tốt. Nghiên cứu có ý tưởng tốt thường cho kết quả mới, cách tiếp cận mới hoặc cách diễn giải mới. Nghiên cứu mà kết quả có thể gây tác động đáng kể đến chuyên ngành hay dẫn đến một sự thay đổi thực hành đều được đánh giá cao và có cơ may công bố. Những nghiên cứu mà người đọc xong thở dài "không mợ thì chợ vẫn đông" tức chẳng có gì mới, chẳng có ảnh hưởng gì, nguy cơ bị từ chối rất cao.

Phương pháp rất quan trọng. Khoảng 70% những bài báo bị từ chối là do khiếm khuyết về phương pháp nghiên cứu. Do đó, tác giả phải đảm bảo phương pháp nghiên cứu thật tốt, kể cả cách thiết kế thích hợp, phương pháp đo lường đúng chuẩn mực, cách phân tích dữ liệu thích hợp, nâng cao xác suất được chấp nhận.
Cách trình bày, kể cả tiếng Anh là một trong những yếu tố quan trọng cho bài báo khoa học. Trình bày dữ liệu và kết quả nghiên cứu logic, bám sát vào mục tiêu sẽ khiến các chuyên gia bình duyệt có ấn tượng tốt về tác giả. Một bài báo có thể có ý tưởng hay và làm đúng phương pháp, nhưng cách trình bày kết quả "luộm thuộm" làm cho người đọc thấy tác giả suy nghĩ mù mờ, xác suất bị từ chối cao.
Diễn giải kết quả nghiên cứu trong bài báo khoa học là một đóng góp tri thức của tác giả. Trong phần này, tác giả cần phải chỉ ra đóng góp mới của bản thân. Diễn giải quá nhiều có thể bị cho "nhiều chuyện"; diễn giải quá ít bị người đọc nghĩ là thiếu ý tưởng, vì thế, cần phải diễn giải sao cho phù hợp với dữ liệu thực tế, chỉ ra nghiên cứu của tác giả là thể hiện đóng góp cho chuyên ngành.
Ông thấy việc đăng bài trên tạp chí trong và ngoài nước khác nhau như thế nào?
- Sự khác biệt căn bản là rất nhiều tập san trong nước không có hệ thống bình duyệt (peer-review), trong khi đó các tập san khoa học quốc tế (trong thư mục ISI) đều có hệ thống bình duyệt nghiêm chỉnh. Đối với những tập san không có bình duyệt ở trong nước, bài báo gửi đến đều được đăng. Có tập san đăng cả 5 bài của một tác giả trong cùng một số! Ở nước ngoài, một khi tác giả đệ trình bài báo cho một tập san, ban biên tập sẽ xem xét và nếu thấy thích hợp, sẽ gửi cho một số chuyên gia trong ngành bình duyệt bài báo. Chỉ khi nào bài báo được các chuyên gia bình duyệt và ban biên tập chấp nhận thì mới được công bố. Một khi được công bố, bài báo sẽ được lưu trữ trong một hệ thống thư viện toàn cầu.
Khác biệt thứ hai là thành phần ban biên tập. Các tập san khoa học nghiêm túc đều có ban biên tập mà thành viên đến từ nhiều trung tâm khoa học và đại học trên thế giới. Rất nhiều tập san khoa học trong nước chỉ có ban biên tập địa phương, không có sự hiện diện của các nhà khoa học quốc tế. Một tập san không có ban biên tập quốc tế thì không bao giờ được chấp nhận cho vào danh mục ISI.
Khác biệt thứ ba là đạo đức khoa học. Trong khi các tập san ngoại quốc quan tâm đến đạo đức khoa học và y đức, thì các tập san y học trong nước không quan tâm đến y đức; họ công bố bất cứ công trình nghiên cứu nào, dù nghiên cứu đó có thể không đáp ứng tiêu chuẩn về y đức.
Một khác biệt nhỏ nữa là trình bày. Nhiều tập san khoa học trong nước có cách trình bày chẳng giống ai, không theo một thông lệ khoa học nào cả. Tác giả có thể trình bày theo ý mình, và do đó dẫn đến tình trạng "trăm hoa đua nở". Điều này làm cho người đọc cảm thấy những bài báo nghiên cứu trong nước rất hời hợt và thiếu tính khoa học. Còn các tập san khoa học trong ISI thì có qui định rất chặt chẽ về cách trình bày dữ liệu, cách viết, thậm chí cách trình bày tài liệu tham khảo.
- Trong cuộc tranh luận về những khó khăn khi công bố khoa học quốc tế, có các ý kiến khác nhau, một bên cho rằng môi trường làm việc không tốt, một bên cho rằng chính các nhà khoa học chưa chịu tìm tòi nghiên cứu. Ý kiến của ông là gì?
- Tôi nghĩ môi trường làm việc là một vấn đề, một rào cản cho khoa học ở nước ta. Môi trường “hành là chính” làm nhụt ý chí của biết bao nhà nghiên cứu trẻ. Chẳng những thế, ngay cả cách thức chọn đề tài nghiên cứu, cách duyệt đề tài, cách nghiệm thu, tiêu cực trong xét duyệt đề tài, v.v. cũng làm cho nhà khoa học trẻ có tự trọng không dám dấn thân vào khoa học. Nhiều người trong thành viên trong các hội đồng “ngồi nhầm chỗ”, nhưng lại có tiếng nói quan trọng mang tính quyết định sự thành bại của một đề tài. Có nhiều đề tài nghiên cứu đáng được tài trợ nhưng không được tài trợ; ngược lại, có những đề tài được tài trợ một số tiền rất lớn nhưng tính khả thi thì rất thấp. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học của Việt Nam tuy không cao, nhưng không phải là chưa đầy đủ; vấn đề là cách phân phối tài trợ sao cho công minh và đúng chuẩn mực khoa học.
Tôi còn thấy tồn tại một sự kỳ thị trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Rất nhiều thầy cô rất bảo thủ, không chịu học hỏi cái mới, nên lạc hậu. Nhưng khi nghiên cứu sinh học cái mới thì các thầy cô không chấp nhận, thậm chí còn làm khó một cách rất thấp những nghiên cứu sinh nào dám phản biện ý kiến lạc hậu của họ. Ngoài ra, có quĩ nghiên cứu có qui định chỉ tài trợ cho những người có bằng tiến sĩ, mà không quan tâm nâng đỡ những người có bằng cấp thấp hơn. Tôi xem đó là hình thức kì thị khó hiểu nhất và vô lý nhất. Tôi có những người thầy là bác sĩ (chứ chưa bao giờ có bằng tiến sĩ) nhưng tôi xem họ là bậc thầy của bậc thầy. Kỳ thị trong khoa học là điều không thể chấp nhận được.
Ngoài vấn đề “cơ chế” trên, còn vấn đề cá nhân nhà khoa học. Phải nhìn nhận rằng chúng ta chưa có một “văn hoá khoa học” tốt. Ở đây, khi nói “văn hoá khoa học”, tôi muốn nói đến thói quen tìm tòi, đặt vấn đề, suy nghĩ như nhà khoa học, suy nghĩ và hành động dựa vào chứng cứ, sự kế tục, v.v. Đó là những gì tôi thấy hình như vẫn còn thiếu trong giới sinh viên và nghiên cứu sinh. Thay vào đó là tư duy “đi tắt đón đầu”, nóng lòng làm cho có, làm những gì dễ, và không quan tâm đến chất lượng, nên khó có những nghiên cứu có giá trị cao. Nhiều người học tiến sĩ không phải vì khoa học mà vì muốn có một cái bằng để tiến thân, và mục tiêu này dẫn đến những ý tưởng và đề tài mang tính tủn mủn, chẳng có giá trị khoa học gì để có thể công bố trên các tập san quốc tế.
Theo ông, làm thế nào khuyến khích nhà khoa học trong nước?
- Tôi nghĩ đến chính sách lâu dài hơn và có hệ thống hơn liên quan đến con người. Chúng ta cần lập những quỹ dành cho các nhà khoa học trẻ (mới xong tiến sĩ), gửi họ ra nước ngoài tiếp tục nghiên cứu trong giai đoạn hậu tiến sĩ.
Với nhà khoa học có triển vọng cần có tài trợ đặc biệt cho họ. Tài trợ thế nào đảm bảo họ đủ lương bổng để không phải lo đến chuyện "cơm, áo, gạo, tiền" hay "chạy sô" để xoá đói giảm nghèo". Tóm lại, chúng ta phải lập ra quỹ dành cho nhà khoa học tinh hoa (elite), cho phép họ độc lập trong nghiên cứu và sử dụng ngân sách khoa học. Khoa học bắt đầu từ con người có tài và không lý do gì xã hội không nuôi dưỡng nhân tài.
Ngoài ra, Việt Nam nên học cách làm của Trung Quốc về cách khuyến khích nhà khoa học. Tôi từng đề nghị nên thưởng cho nhà khoa học có công trình công bố trên những tập san quốc tế có tác động cao. Một cách khuyến khích khác là đặc cách, đề bạt nhà khoa học khi có công trình công bố quốc tế chất lượng cao, hoặc đặt công bố quốc tế như một tiêu chuẩn chính cho đề bạt các chức danh khoa bảng.
Hương Thu thực hiện



Ngoài những lý do nêu trên, tôi cho rằng thu nhập của các giảng viên ở các trường đại học Việt Nam cực kỳ thấp, không nuôi được bản thân thì làm gì mà nghĩ đến nghiên cứu. Trả lương cho giảng viên mà theo bậc như các nghề hành ...    
Rất thích ý kiến của anh Tuấn: Các nhà khoa học được người đóng thuế đầu tư cho mà làm nghiên cứu. Vậy thì nghiên cứu xong phải báo cáo/thông báo kết quả cho các nhà đầu tư nhân dân.
Giáo sư Tuấn đã "chẩn bệnh" cho khoa học Việt Nam cực kỳ chính xác, ước gì Giáo sư được quyền "trị bệnh" này ở Việt Nam. Tôi đây muốn làm tiến sĩ trong nước với đề tài mình ấp ủ vì tính mới và ứng dụng cho xã hội, nhưng đành phải gác lại vì không có tiền, muốn có tiền thì phải chọn đề tài được duyệt, mà đề tài được duyệt tôi thấy không có ích gì cho đất nước cả, chỉ tốn tiền của nhân dân mà thôi. Hơn nữa tôi cũng thấy quy trình làm tiến sĩ trong nước cũng không ổn, chất lượng thấp. Vì vậy tôi không cần làm tiến sĩ hay làm đăng báo thông qua hệ thống khoa học VN gì nữa. Tôi sẽ chọn con đường khác để làm khoa học.    
Đọc bài viết của GS. Nguyễn Văn Tuấn tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của GS. Tôi cũng là một tiến sĩ trẻ (hơn 9 năm đi học đại học và làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài), khi về tôi vào làm ở một Trường ĐH lớn ở Tp. HCM hưởng lương 3,5 tr/tháng, tiền nhà thuê trọ 4tr/tháng. Vậy thử hỏi nếu không làm thêm, dạy thêm thì lây đâu ra tiền để trang trải cuộc sống, còn tâm trí đâu để nghiên cứu khoa học. Nếu nghiên cứu để có một bài báo đăng ở Các tạp chí quốc tế tôi phải mất ít nhất là 1,5 tháng lương vì tất cả cả các dụng cụ máy móc để nghiên cứu ở VN đều phải đi thuê (tôi là người nghiên cứu về khoa học cơ bản_Hóa học), trong khi những nhà khoa học trẻ chân ướt chân ráo như tôi chưa quen với các "thủ tục" "xin" đề tài thì còn lâu mới được duyệt, mặc dầu ý tưởng khoa học không phải là không có ....Cho nên tôi vẫn nghĩ "Có thực mới vực được đạo"!!!???    
Bài viết rất hay, câu hỏi và trả lời rất thực tế và có ý nghĩa, không mang tính chất "tiêm vitamin C", ngoài ra nếu nhà nước có chính sách bồi dưỡng nhân tài thì khâu lựa chọn nhân tài nên hết sức nghiêm túc và chính xác, để tránh tình trạng nhân tài thì chưa được bồi dưỡng mà cocc thì đã được lợi    
không có chuyện người đi trước hướng dẫn "đàn em" đi sau đâu, phần lớn quăng cho cái đề tài xong là tự bơi, mở miệng hỏi hay trao đổi là bị mắng hoặc bảo là không có thời gian. thật không biết chừng nào mới khá nổi.
"Nhiều người học tiến sĩ không phải vì khoa học mà vì muốn có một cái bằng để tiến thân" là hậu quả của "văn hóa bằng cấp" của "Ta" bấy lâu nay và còn mãi mãi về sau nữa!!!
Quá hay! nhiều học giả chúng ta đọc mà thấy nóng mặt!
Bao giờ nghiên cứu khoa học phát triển thì mới nói đến chuyện "nước ta là nước công nghiệp" và "sánh ngang với bạn bè quốc tế" được. Rất mong có sự thay đổi về chất để nước nhà tiến bộ
Một nhận xét toàn diện và mới nghe lần đầu. Có người nói, bình luận, phân tích rồi...ai sẽ làm đây?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét