Sau một bài viết về Hoàng Sa mới đăng tải trên Thanh Niên gần đây, chúng tôi đã một phen giật mình khi trong các phản hồi gửi về tòa soạn, không ít độc giả thổ lộ rằng bây giờ họ mới biết Hoàng Sa đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm từ gần 40 năm trước. Có bạn sinh viên cho biết mãi đến khi vào đại học thì mới biết được điều này.
Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi nhận được những phản hồi như thế, nhưng vẫn giật mình trước thực tế là thông tin về biển đảo trong một thời gian dài đã không được phổ cập tới đông đảo nhân dân. Và như một hệ quả, hiểu biết của không ít người về các vùng biển đảo của nước ta nói chung là rất hạn chế.
Thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, khi báo chí viết nhiều hơn về Hoàng Sa, Trường Sa, cùng với đó là các hoạt động phổ cập kiến thức về chủ quyền biển đảo được tiến hành rộng rãi. Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, TP.HCM dành một góc trên Con đường sách ở trung tâm thành phố để trưng bày các bằng chứng chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. NXB Kim Đồng cũng vừa ra mắt sách Tổ quốc nơi đầu sóng, cung cấp những kiến thức “vỡ lòng” về Hoàng Sa, Trường Sa, trước hết là cho đối tượng độc giả trẻ em. Nhiều cuốn sách thường thức và chuyên sâu khác cũng đã được xuất bản. Cách đây vài ngày, cơ quan quản lý văn hóa Thừa Thiên-Huế thông báo việc treo bản đồ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa tại bốn điểm tham quan trong tỉnh, qua đó không chỉ cung cấp thông tin, kiến thức tới người dân trong nước mà còn cho du khách nước ngoài hiểu thêm về chính nghĩa của Việt Nam.
Nằm trong dòng chảy đó, vừa qua, Báo Thanh Niên đã tổ chức triển lãm ảnh về Trường Sa tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM và sau đó, khi triển lãm được đưa vào Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Phú Lâm (Q.6, TP.HCM), đông đảo sinh viên đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt. Ngày 20.1 vừa qua, tại Đà Nẵng cũng đã diễn ra triển lãm ảnh về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Những nỗ lực ấy đã giúp nhiều người hơn nữa có thể tiếp cận các bằng chứng pháp lý, lịch sử cũng như hiểu rõ hơn hiện trạng của các vùng biển đảo Việt Nam.
Ở trên mạng, ngày càng có nhiều website về chủ quyền Việt Nam tại biển Đông được xây dựng, một số của nhà nước, một số của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Đấy là xu hướng đáng mừng, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều “lỗ hổng” đáng tiếc. Chẳng hạn, chúng ta có một hệ thống cổng thông tin điện tử với tên miền quốc gia “.gov.vn”. Đến nay, phần lớn các huyện và cấp tương đương trở lên đã có cổng thông tin điện tử. Vì thế, sẽ không khỏi giật mình khi vào hệ thống mạng chính thức của tỉnh Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng, chúng ta không tìm thấy cổng thông tin của các huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa, trong khi hầu hết các quận, huyện trực thuộc khác đều có.
Ví dụ, Vanninh.khanhhoa.gov.vn là cổng thông tin của huyện Vạn Ninh, trong khi địa chỉ Truongsa.khanhhoa.gov.vn thì không tồn tại; tương tự, quận Hải Châu của Đà Nẵng có địa chỉ Haichau.danang.gov.vn; nhưng địa chỉ Hoangsa.danang.gov.vn thì chưa được thiết lập. Câu hỏi đặt ra là, tại sao chúng ta không có cổng thông tin điện tử của hai huyện đảo này? Điều đó là cực kỳ quan trọng, bởi để tìm hiểu các thông tin chính thức và chính xác của một địa phương, không cách nào tốt hơn là gõ cửa chính quyền địa phương ấy, ở đây là truy cập vào cổng thông tin điện tử.
Bên cạnh “lỗ hổng” nói trên, một số website nghiên cứu biển Đông của cơ quan thuộc nhà nước hiện thiếu vắng mục “tự giới thiệu”. Sẽ thật khó thuyết phục được ai, nếu mình không “chính danh” trước.
Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Chúng ta luôn khẳng định lập trường đó. Nhưng làm sao chúng ta có thể phát huy sức mạnh toàn dân tộc để bảo vệ lập trường đó, nếu công dân không được tiếp cận các thông tin chính thức về các vùng đất, vùng biển chủ quyền của Tổ quốc? Để ngày sau khỏi phải giật mình, những “lỗ hổng” trên mạng cần được “vá” ngay, những chương trình phổ cập kiến thức phải được thực hiện một cách căn cơ hơn nữa, chẳng hạn bằng các chương trình giảng dạy chính thức trong trường học, các chương trình thường kỳ trên hệ thống truyền thông đại chúng.
Châu Minh Linh
Bên cạnh “lỗ hổng” nói trên, một số website nghiên cứu biển Đông của cơ quan thuộc nhà nước hiện thiếu vắng mục “tự giới thiệu”. Sẽ thật khó thuyết phục được ai, nếu mình không “chính danh” trước.
Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Chúng ta luôn khẳng định lập trường đó. Nhưng làm sao chúng ta có thể phát huy sức mạnh toàn dân tộc để bảo vệ lập trường đó, nếu công dân không được tiếp cận các thông tin chính thức về các vùng đất, vùng biển chủ quyền của Tổ quốc? Để ngày sau khỏi phải giật mình, những “lỗ hổng” trên mạng cần được “vá” ngay, những chương trình phổ cập kiến thức phải được thực hiện một cách căn cơ hơn nữa, chẳng hạn bằng các chương trình giảng dạy chính thức trong trường học, các chương trình thường kỳ trên hệ thống truyền thông đại chúng.
Châu Minh Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét