Nguyễn Thanh Tùng.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, làm việc tại khoa Vật lý và Thiên văn học, Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ, tham gia diễn đàn: "Vì sao các nhà khoa học làm việc trong nước ít có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí nước ngoài". Anh cho rằng nền kinh tế Việt Nam còn kém phát triển, vì thế, Việt Nam khó có thể đột ngột tăng lương cho nhà khoa học, dồn tiền cho phòng thí nghiệm."Tôi thấy đa phần chúng ta đều thấy thực trạng của nền khoa học Việt Nam qua các con số, thông tin và phân tích của các học giả có uy tín ở nước ngoài ở các bài viết trước đăng trên VnExpress, nhất là bài viết của tiến sĩ Bùi Dương khiến chúng ta không khỏi giật mình: "Theo thống kê Viện thông tin khoa học (ISI), trong 15 năm qua (1996-2011) Việt Nam mới có 13.172 ấn phẩm khoa học công bố trên các tập san quốc tế có bình duyệt, bằng khoảng một phần năm của Thái Lan (69.637), một phần sáu của Malaysia (75.530), và một phần mười của Singapore (126.881). Trong khi đó, dân số Việt Nam gấp 17 lần Singapore, ba lần Malaysia và gần gấp rưỡi Thái lan".Đó là những con số đáng báo động và chúng ta phải hành động ngay khi quá muộn. Các giải pháp nhắc đến nhiều như đầu tư thỏa đáng, lôi kéo giới khoa học quốc tế về giảng dạy và làm việc, quốc tế hóa tiêu chuẩn đánh giá khoa học, nhưng với các giải pháp đó, chúng ta sẽ chữa trị không tận gốc vấn đề của khoa học Việt Nam.
Tôi xin đưa ra đây vài con số để các bạn thấy, không phải quá mới, song dường như vì thế mà mọi người coi nó là bình thường. Theo Báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam tụt hậu 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng một phần năm Thái Lan, một phần tám Malaysia và một phần bốn ba so với Singapore.
Phải thừa nhận rằng vai trò từ hỗ trợ tài chính rất quan trọng đối với khoa học công nghệ, kể cả nghiên cứu cơ bản lẫn ứng dụng. Trong phần lớn các lĩnh vực khoa học, nhà khoa học với sự hỗ trợ của cỗ máy tối tân có thể hơn cả trăm nhà khoa học mà trong tay chỉ có bút và giấy.
Tiền lương cũng rất quan trọng. Khi thế giới trở nên phẳng, chiếc iPhone có giá hầu như không đổi trên mọi quốc gia, thì việc đòi hỏi nhà khoa học trả 150 USD/tháng, kể cả khi có đầy đủ máy móc, làm việc tương đương với một nhà khoa học được trả 3.000 USD/tháng là quá vô lý.
Giả sử điều kiện làm việc ở Việt Nam và Mỹ tương đương, nếu nhà khoa học nhận lương 3.000 USD và sản xuất công trình khoa học trong một năm, thì việc nhà khoa học Việt Nam đó nhận lương 150 USD và mất 20 năm mới ra được công trình khoa học là hoàn toàn chấp nhận được, theo cách hiểu đơn giản về hiệu suất kinh tế. Ví dụ này không phải để bao che cho sự chậm tiến bộ của khoa học Việt Nam, mà tôi cho rằng, chúng ta nên nhìn nhận sự phát triển của khoa học Việt trong mối quan hệ biện chứng với nền kinh tế. Nói nôm na là "có thực mới vực được đạo".
Ai cũng biết giới khoa học không sống bằng 3 triệu đồng tiền lương, nhưng hàng tháng, họ vẫn nhận món lương "giả vờ" này và đáp lại là nghiên cứu "giả vờ". Tuy nhiên, chúng ta không thể đột ngột tăng lương cho nhà khoa học, dồn tiền cho phòng thí nghiệm, vì như thế sẽ phá vỡ thăng bằng của xã hội, tạo ra sự bất công cho các lĩnh vực khác, như giáo dục, y tế, quốc phòng, văn hóa, thể thao.
Nền kinh tế là trái tim của cả nước. Trái tim yếu ớt thì các bộ phận không thể phát triển được. Và đấy là lý do không chỉ khoa học, mà nhiều lĩnh vực khác của Việt Nam cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Nguyễn Thanh Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét