Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Mỹ - Nhật: động thái trái chiều về nợ công

Nhật Bản dự kiến tăng trưởng 2,5%

Người Mỹ nhẹ nhõm vì Hạ viện gia hạn trần nợ thêm ba tháng, còn Nhật Bản lại tích cực vay tiền để kích thích kinh tế, dù nợ công nước này đã lên tới 235% GDP.
Nhật chi hàng trăm tỷ đôla để được lạm phát / Mỹ lùi hạn nâng trần nợ thêm 3 tháng

Sau khi giải quyết xong vách đá tài khóa trị giá hàng trăm tỷ USD hồi đầu năm, Mỹ lại quay cuồng trong cơn bão nợ công, vốn đã chạm trần 16.400 tỷ USD ngày 31/12 vừa qua. Nhiều người lo ngại nước này sẽ lại có một cuộc đàm phán nâng trần cam go như hồi tháng 8/2011. Nhất là trong bối cảnh đảng Cộng hòa đe dọa dùng việc này để đổi lấy cắt giảm chi tiêu công. Nếu đàm phán không thành công, nền kinh tế số một thế giới sẽ vỡ nợ. Tuy nhiên, cả nước Mỹ đã thở phào khi ngày 23/1, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm đa số thông qua dự luật gia hạn trần nợ công cho đến ngày 19/5, thay vì giữa tháng 2 như trước đây. Điều kiện của họ là cả hai đảng sẽ phải thông qua một kế hoạch ngân sách vào 15/4, nếu không, các nghị sĩ sẽ không được trả lương cho đến hết nhiệm kỳ. Dự kiến, giải pháp này sẽ được Thượng viện thông qua, sau đó trình lên Tổng thống Barrack Obama ký duyệt.
Ông Harry Reid tuyên bố Thượng viện sẽ thông qua giải pháp này. Ảnh: Bloomberg
Ông Harry Reid tuyên bố Thượng viện sẽ thông qua giải pháp này. Ảnh: Bloomberg
Chứng khoán Mỹ đã phản ứng rất tích cực với thông tin này khi chỉ số S&P 500 tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2007. Tuy nhiên, một số nghị sĩ đảng Dân chủ lại cho rằng việc này sẽ chẳng có mấy tác dụng. Nghị sĩ Sander Levin nhận xét: "Đảng Cộng hòa đâu có thay đổi chính sách, họ chỉ đổi mánh khóe mà thôi. Họ vẫn đang đùa với kinh tế Mỹ, vẫn chơi trò chơi chính trị. Và việc này sẽ càng khiến kinh tế bất ổn". Văn phòng ngân sách Nhà Trắng cũng cho biết động thái trên sẽ chỉ đẩy Mỹ đến bờ vực vỡ nợ trong tương lai không xa.
Giới phân tích thì nhận định đây là lần đầu tiên sau một thời gian dài Hạ viện Mỹ hành động trước hạn chót về đàm phán ngân sách hoặc chi tiêu. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng hai đảng sẽ có những cuộc chiến căng thẳng hơn nữa, khi chương trình giảm chi tiêu và bỏ phiếu cấp ngân sách cho chính phủ đều diễn ra vào tháng 3. Thêm vào đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geither, nhân vật chính trong các cuộc đàm phán với Quốc hội của Tổng thống Obama, đã từ chức ngày 25/1. Còn Jack Lew - người được Tổng thống đề cử còn phải chờ Thượng viện chấp thuận.

Ngược lại với Mỹ, Nhật Bản dường như không ưu tiên giải quyết nợ công, dù khối nợ này đã lên tới 235% GDP và hiện cao nhất thế giới. Từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã liên tục kích thích tài khóa với mục tiêu chấm dứt hai thập kỷ giảm phát. Để có ngân sách, nước này dự định phát hành thêm trái phiếu, đồng nghĩa với việc khối nợ công sẽ ngày càng phình to.
Nhật Bản đặt mục tiêu lạm phát 2%. Ảnh: Bloomberg
Nhật Bản đặt mục tiêu lạm phát 2%. Ảnh: Bloomberg
Ngày 22/1, đến lượt Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) thông qua gấp đôi mục tiêu lạm phát lên 2%, đồng thời dự kiến chi 145 tỷ USD mua tài sản mỗi tháng, bắt đầu từ 1/2014. BOJ sẽ nới lỏng không hạn chế cho đến khi đạt được mục tiêu lạm phát.
Sự lạc quan từ các biện pháp nới lỏng đã khiến đồng yen giảm tuần thứ 11 liên tiếp, trợ lực đáng kể cho ngành xuất khẩu Nhật Bản. Chứng khoán nước này cũng khởi sắc khi chỉ số Nikkei 225 tăng liên tiếp 10 tuần, dài nhất kể từ năm 1987.

Giới quan sát tỏ ra rất ngạc nhiên về động thái mạnh bạo này của BOJ. Joseph Capurso, chiến lược gia tại Commonwealth Bank of Australia cho biết: "Việc tung kế hoạch vô thời hạn này vượt quá suy đoán của tôi. Chỉ có điều lạ là tại sao phải đến 2014 mới triển khai? Trong khi đó, FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) công bố kích thích là làm luôn". Trong khi đó, nhiều người lại lo ngại việc này sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tiền tệ khi đồng yen liên tục giảm giá.

Theo nhiều chuyên gia, nợ công của Nhật khác với các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. 50% nợ của Mỹ được nắm giữ bởi nhà đầu tư nước ngoài, nhiều nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Trái lại, 95% nợ của Nhật lại nằm trong tay người dân nước mình. Vì vậy, tiền lãi các khoản nợ của chính phủ sẽ được đưa trở lại nền kinh tế, và Nhật Bản có thể dùng thuế để trả số lãi đó. Nợ công cao có tác động tiêu cực đến Nhật, tuy nhiên, nó vẫn chưa phải ưu tiên hàng đầu nếu so với tình trạng giảm phát hai thập kỷ tại đây.
Hà Thu (tổng hợp

Nhật Bản dự kiến tăng trưởng 2,5%

Các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ của Chính phủ Nhật Bản được dự đoán làm tăng cả tiêu dùng, xuất khẩu và số lượng việc làm nước này.
>Nhật chi hàng trăm tỷ đôla để được lạm phát
>Nhật mạnh tay giảm giá đồng yen

Trong tuyên bố sáng nay của chính phủ Nhật Bản, GDP thực nước này dự kiến tăng 2,5% năm tài chính 2013. Số liệu này dựa trên chính sách nới lỏng đầy tham vọng của Thủ tướng Shinzo Abe, được cho là sẽ kích thích nhu cầu trong nước, và kinh tế toàn cầu hồi phục sẽ trợ lực cho xuất khẩu.
Bản dự đoán kinh tế của Văn phòng Nội các Nhật Bản sẽ là cơ sở để quyết định ngân sách cho chính phủ. Dự thảo ngân sách có thể sẽ được Nội các thông qua trong tuần này.
Các gói kích thích của Nhật Bản sẽ phát huy tác dụng trong năm tài chính 2013. Ảnh: CNN
Các gói kích thích của Nhật Bản sẽ phát huy tác dụng trong năm tài chính 2013. Ảnh: CNN
Trong một buổi họp báo ở Tokyo, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Bản Akira Amari cho biết: "Các yếu tố rủi ro bên ngoài đã được đẩy lùi. Dĩ nhiên, rủi ro giá giảm vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Nhật Bản đang soạn thảo chiến lược tăng trưởng, sau các biện pháp kích thích khẩn cấp. Tôi cho rằng mục tiêu 2,5% có thể đạt được nếu chiến lược này được thực thi nhanh chóng".
Dự đoán của Chính phủ trùng khớp với số liệu được Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) công bố tuần trước. Một quan chức Văn phòng Nội các cho biết: "Xuất khẩu sẽ tăng khi kinh tế toàn cầu dần hồi phục. Việc này sẽ trợ lực rất nhiều cho hoạt động của các doanh nghiệp. Những biện pháp của chính phủ cũng giúp tăng đầu tư".
Ông này cho biết thêm: "Số việc làm cũng sẽ cải thiện do nhu cầu nội địa tăng lên, sau gói kích thích của Chính phủ". Dự đoán mới cũng cao hơn số liệu cũ hè năm ngoái là 1,7% .
Các chính sách nới lỏng mạnh tay của ông Abe đã khiến đồng yen giảm giá 11 tuần liên tiếp, xuống thấp nhất trong 2,5 năm so với USD. Thị trường chứng khoán nước này cũng khởi sắc khi giới đầu tư kỳ vọng nội tệ yếu sẽ kích thích xuất khẩu.
Đầu tháng này, Chính phủ Nhật Bản đã chấp thuận gói kích thích 117 tỷ USD, lớn nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Cơ quan này cũng cho biết GDP danh nghĩa của nước này có thể lên tới 2,7% năm tài chính 2013, lần đầu tiên cao hơn GDP thực sau 16 năm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản cũng sẽ tăng 0,5% năm 2013, lần đầu tiên trong 5 năm, sau khi được dự đoán giảm 0,1% năm ngoái. Điều này cũng có nghĩa BOJ sẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa để đạt mục tiêu lạm phát 2% đã thông qua tuần trước.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét