Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

(1) Thể chất và trí tuệ của người Việt sau nửa thế kỷ

Lê Văn Lân
Trải qua nửa thế kỷ kể từ ngày Việt Nam bị chia đôi sau hội nghị Genève, bao nhiêu nước đã chẩy dưới cầu. Kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, thấm thoát đã 31 năm, kể như là một thế hệ Việt được trưởng thành: một em bé sơ sanh ngày này đã tốt nghiệp sự học vấn và bắt đầu có một cuộc sống tự lập rồi. Nhưng nếu chúng ta đi còn ngược lên đến năm 1954, thì ta thấy một ông bà nào nào sinh ra vào thời gian này nay đã là những bậc sơ lão niên 52 tuổi và có thể bắt đầu có cháu nội ngoại rồi. 
Trước những cái mốc lịch sử ấy chúng ta cảm thấy thao thức, có khuynh hướng muốn nhìn lại đểnhận định xem từ bấy đến nay người Việt Nam đã có những biến đổi nào về thể chất và tinh thần.
Trong nửa thế kỷ qua, đất nước Việt Nam đã là sân khấu diễn ra nhiều tấn tuồng tranh chấp giữa hai thế lực đối nghịch, giống như một cuộc cờ sắp rồi xoá, xoá rồi sắp giữa hai đối thủ. Cuộc chiến Pháp-Việt chấm dứt qua hội nghị Genève chia Việt Nam thành hai vùng Bắc Nam với hai thể chếchính trị khác nhau. Rồi sự can thiệp của Hoa kỳ gây thành Viet-Nam War để chấm dứt bằng Hội nghị Paris năm 1973, và cuối cùng là sự sụp đổ của miền Nam vào ngày 30 tháng 4, 1975.
Về phương diện dân cư, Việt Nam trong 52 năm qua (1954-2006), luôn luôn hiện hữu hai khối lớn, ấy là khối dân miền Bắc dưới chế độ cộng sản và khối miền Nam theo chế độ tự do (1954 – 1975); kể từ 1975 lại cũng hình thành hai khối, là người Việt quốc nội và người Việt quốc ngoại.
Cùng là con dân một nòi giống, chúng ta lâm vào hoàn cảnh nước loạn người ly:
Hợp tan, tan hợp bao lần,
Loạn ly, ly loạn mấy tầng cách xa.
Làm người Việt bị bất đắc dĩ chia thành hai phía, có thể nhiều người đã có lần tự hỏi: Đâu là mẫu số chung cho cái căn cước (ID) về nòi giống và thể chất của dân mình? Và phải chăng 52 năm chia cắt đã tạo ra hai loại người Việt về phương diện thể chất?

Nói một cách khác, thể chế chính trị đã ảnh hưởng thế nào trên môi trường sống để tạo ra sự biến thái của người dân. Mắc xích liên hệ từ nhân đến quả cần chứng minh là: chế độ cầm quyền  dinh dưỡng và giáo dục  thể chất và trí tuệ của người dân.

Trong mục đích tìm hiểu cho hai vấn nạn trên, tôi xin dựa vào hai tài liệu viết vào trước năm 1954 làm khởi điểm cho sự khảo sát dưới đây ngõ hầu đưa ra vài suy luận thô thiển trong khi chờ đợi những dữ kiện hiện đại mà chúng ta chưa có trong tay.

Đặc thù về thể chất và diện mạo của người Việt vào tiền bán thế kỷ 20

Trình bày những dữ kiện
Theo tác giả Trần Trọng Kim trong cuốn Việt Nam Sử Lược mà ấn bản đầu tiên có kèm tên Pháp là Précis d’histoire de Việt Nam (do Imprimerie du Trung Bắc Tân Văn, 1920), người Việt Nam về thể chất thì thuộc loài “da vàng,” nhưng tùy theo điều kiện sống, con nhà nghèo làm lụng ngoài trời thì da “ngăm ngăm đen,” còn con nhà giầu thì “nước da trăng trắng, như mầu ngà cũ”:
Trạc người thì thấp nhỏ hơn người Tàu, mà lăn lẳn con người, chứ không to béo. Mặt thì xương xương , trông hơi bèn bẹt, trán thì cao và rộng , mắt thì đen và hơi xếch về đằng đuôi, hai gò má thì cao, mũi hơi tẹt, môi hơi dày, răng thì to mà lại nhuộm đen. Râu thì thưa mà ít, tóc thì nhiều và dài, đen và hơi cứng. Dáng điệu đi đứng thì nhẹ nhàng và xem ra bộ vững vàng chắc chắn.” (trang 6 VNSL)

Sự miêu tả trên của cụ Trần là do sự quan sát bên ngoài mà nhận định khái quát thôi. Vậy để tìm hiểu một cách khoa học hơn, ta hãy tra cứu cuốn Connaissance du Viet-Nam bằng Pháp ngữ dịch là “Hiểu biết về Việt Nam.” Sách này do trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp in năm 1954 với Gs Pierre Huard và Gs Maurice Durand là đồng tác giả. Giáo sư Pierre Huard – y khoa bác sĩ kiêm nhà nhân chủng học, nguyên là khoa trưởng cuối cùng của trường Đại học Y khoa Hà Nội cho đến năm 1954. Trong nhiều năm, ông đã giảng dậy môn cơ thể học và bảo trợ cho nhiều sinh viên Việt Nam làm luận án về nhân chủng nhân-thể (anthropologie physique). Ông cũng là thành viên thông tấn (member correspondant) của trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (École francaise d’Extrême-Orient – EFEO). Còn giáo sư Maurice Durand là giám đốc cuối cùng của trường này trước cuộc di cư vào Nam cửa dân chúng miền Bắc. Sinh tại Hà Nội, cha ông là người Pháp phụ trách Văn phòng dịch thuật địa phương và mẹ là người Việt. Ông viết nhiều công trình về nhân chủng học nhân văn và ngôn ngữ Việt Nam. Sách Hiểu biết về Việt Nam của hai ông rất giá trị vì đã cung cấp những dữ kiện chính xác về cơ thể học và nhân chủng học dựa trên những công trình luận án y khoa tiến sĩ qua những phẫu nghiệm tử thi.

Về phương diện nhân chủng hiện tại, sách cho biết có hai nhóm dân chính là nhóm Indonesian và nhóm Mongoloid, và nếu có thể kể thêm thì có một số lai tạp trong nhóm sau:
- Nhóm Indonesian hiện nay được đại diện bằng những nhóm người thiểu số phân phối chia thành từng lớp chủng tộc (stratigraphie ethnique) ở những vùng đất cao hơn người Việt.
Với chỉ số sọ là 77 (chỉ số sọ - cephalic index - là chiều rộng tối đa của sọ chia cho chiều dài tối đa rồi nhân 100) thì sọ của nhóm Indonesian này thuộc loại trung sọ (mésocéphale) hay hơi hơi trường sọ (dolicéphale) tức là sọ dài. Mũi của họ thuộc loại giữa mũi trung và mũi xẹp – mesorhinie và platyrhinie (chỉ số mũi – nasal index – là chiều rộng tối đa giữa hai lỗ mũi chia cho chiều dài tối đa của khoảng cách giữa chân mày và chót mũi rồi nhân 100). Tóc họ có thể xoăn và dợn. Mắt không hí và xếch. Da thì trắng sạm và hung đỏ. Chiều cao trung bình, vì mới chỉ đo trên một thiểu số là 1m57, nên chưa được coi là chính xác.
Theo ông H.V. Vallois, những hiểu biết nhân chủng học về giống Indonesian này cần bàn lại, có thể đây là một giống lai tạp với giống Mongoloid vào thời đại cổ sử mà sự phân biệt giữa ba nhóm nhân chủng lớn là đen, vàng và trắng còn mờ nhạt. Giống này là giống Protomalais (nguyên sơ Mã-Lai), sau một thời gian ở trải ra lan rộng ở miền Đông Nam Á và khi đến vùng đất Đông Dương thì bị giống Mongoloide lấn áp nên họ một vài phần nào bị đồng hoá.
- Nhóm Mongoloid đại diện cho một nòi giống rất ư là phân biệt trong chiều hướng màu da vàng và rất cách xa cái gốc chung của nhân loại. Chính đại đa số người Việt đã nhập vào nhóm Mongoloid. Giống Nam-Mongoloid vóc dáng lớn con và nặng hơn đã ở miền bắc Việt Nam (vóc cao 1 m 60, nặng 50 đến 60 kilô). Càng tiến về nam, những đặc tính nhân chủng Mongoloid càng bị giảm thiểu với những yếu tố của miền nam.
Trong sách “Hiểu biết về Việt Nam,” những tác giả duyệt lại vài đặc thù thể chất của người Việt miền bắc dựa trên những cơ cấu khám nghiệm tử thi mà Phòng Nghiên Cứu Nhân Chủng học của Hà Nội từ năm 1933 đến 1945 đã thâu hoạch từ các luận án Y khoa tiến sĩ của những bác sĩ Việt Nam danh tiếng như Đỗ Xuân Hợp, Tôn Thất Tùng, Đào Huy Hách, Phạm Biểu Tâm v.v...
  1. Về bộ xương:
Luận án Đỗ Xuân Hợp (Hà Nội 1941) bổ túc bằng những khảo sát của Chippault và Olivier ở Sài Gòn đã cung cấp những dữ kiện: Xương chậu hẹp, hình trụ nhưng thích hợp cho đường kính sọ-mặt của hài nhi; sọ thường là đoản sọ (brachycephaly) với chỉ số 81.0 đến 85.4 gần như chiều dài rộng bằng nhau) và sức chứa nhỏ (1341 cm3 48) mà bộ não bằng 1/37 trọng lượng toàn cơ thể. Tứ chi ngắn. Những lóng xương dài có một chỉ số cường kiện (index de robusticité) của con người tiền sử, chứng tỏ là bắp cơ đã lao động mạnh. Trên xương cựa (astragal), xương ống chân và xương đùi có những sự biến thái hay chỗ mòn hay lằn xếp liên quan đến tư thế ngồi xổm (Huard và Montagné) của người bình dân Việt cổ truyền. Hồi tôi mới học y khoa năm đầu, còn nhớ trên khớp xương cựa chân (astragale) có một lằn nứt gọi là “lằn nứt Đỗ Xuân Hợp.” [Xương cựa còn được dịch là xương sên vì hình giống như ốc sên.]
  1. Về hệ thống cơ bắp:
Luận án Đào Huy Hách (Hà Nội 1938) đã cung cấp những ý niệm có thể so sánh với công việc của những tác giả khảo sát trên người Trung Hoa và Việt Nam. Luận án này bổ túc với công trình khảo sát về những bắp cơ ở ngực của Chippault và Olivier (1944) cho thấy hệ thống bắp cơ của người Việt rất đồng dạng giữa đàn ông và đàn bà, khác hẳn nhiều chi tiết nhận xét trên những giống lai Âu châu (europoid). Cơ bắp vùng ngực nẩy nở là do sự lao động chân tay trong công việc đồng áng của cả hai phái nam và nữ ở Việt Nam.
  1. Về da:
Những vết chàm bẩm sinh (taches mongoliques) đều có 94,8 lần trên da của 100 trẻ Việt sơ sanh. (Nguyễn Đức Nguyên – Hà Nội 1952 _ Trần Văn Lới – Sài Gòn 1953). Những dấu tay của dân Việt khá gần với dân Tầu (Nguyễn Hữu Thuyết – Hà Nội 1938).
  1. Về răng:
Khảo sát của Jakowski và Nguyễn Huy Tiếp cho thấy một số điểm sau: - răng cửa trên rất to (răng lưỡi cuốc hay xuổng: “en pelle”) và cời ra như cánh quạt (“en éventail” (tức là hô răng hay “răng mái hiên” – prognathisme), - răng sữa và răng thực sự mọc đồng thời chen chúc (răng lòi xỉ), răng cấm dưới có hình 5 góc trong 40%. Trước nay, nhiều dân Việt nhuộm răng đen, tục này không vượt quá vĩ tuyến 25 độ 35 bắc. Hai xương hàm cũng có nhiều đặc thù liên quan đến típ ăn cỏ như quai hàm rộng, răng chó không có hoặc ít có hố v.v...
  1. Về các giác quan:
Mắt phần lớn theo kiểu Mongoloid với mí dày và có khoé mắt trong gần sống mũi có một lằn xếp thẳng đứng (épicanthus). Mũi về loại mũi trung (mesorhinian) và sụn của hai cánh mũi kém nẩy nở và lỗ mũi hầu như rất tròn mở ra phía trước và trên.
Tai và thanh quản không được khảo sát. Và cũng chưa thấy những khảo sát có hệ thống về những phản ứng giác quan ngoài vài sự điều tra kỹ thuật –tâm lý (psycho-techniques) đầu tiên do cơ quan quân y của quân đội Pháp ở Đông Dương và sở Học chánh Pháp, nhưng chưa đưa ra kết quả. Người ta biết rằng sự giải thích những tài liệu thu thập rất tế nhị, với nhiều lỗi lầm xảy ra: ví dụ những nhóm người bản xứ (không phải Âu) “được trắc nghiệm một cách thực thà” (honnêtement testés) chỉ khác những người Âu với một trình độ giáo dục nào đó và có một yếu tố hành xử (facteur de comportement) nào đó (chẳng hạn sự chậm chạp - lenteur) chỉ có nhận thấy ở những người da mầu ở theo vùng cách biệt (ám chỉ dân thiểu số?). Vả lại, một điều rất quan trọng trong sự nhận thức sự việc là người ta cần phân biệt cái gì liên quan đến thể chất thân xác của từng cá nhân với cái gì tùy thuộc vào sự giáo dục văn hoá của quốc gia (Musafer Sherif – Harward).
  1. Tạng phủ:
Phổi, tim, gan, lá lách, tụy tạng, thận, nang thượng thận và hạch hung-tuyến cân đo kỹ thì thấy không nặng bằng người Âu. Đo ruột thì thấy ruột non dài 7m 62 rõ ràng thuộc típ ăn cỏ (type herbivore) nhưng đo ruột già 1m 42 thì không như vậy. Khảo sát về người Việt thì cho đến bấy giờ người ta chưa thấy cái gì thuộc về những típ ăn thịt mà Swaim mô tả (Harward). Ruột gan của dân Việt thường có rất nhiều trường hợp bị nằm sái vị.
  1. Cơ quan sinh dục:
Cơ quan này chỉ nhận xét sơ lược ở người nam, nhưng ở người nữ thì kỹ hơn và không ít những biến dị. Luận án Đặng Trần Hoàng (Hà Nội 1951) là kết quả của những khảo sát trên số rất lớn phụ nữ Việt về kinh nguyệt (Có kinh lần đầu vào 14 tuổi 10 tháng, tắt kinh vào 44 tuổi 10 tháng), về số lần và nhịp cách khoảng của sanh sản, kích thước của bộ phận sinh dục.
  1. Về Máu:
Máu của dân Đông Dương thuộc típ Phi-Nam Á - type afro-sudasiatique. (H.Yu–China Journal 1938). Khảo sát Facteur Rhesus mới khởi sự.
Thành phần sinh lý hoá (bio-chimiques) của máu dân Việt miền Bắc có những con số trùng trập với máu của dân Mã Lai ở Nam Dương và rất gần dân Ấn Độ.
Lượng Calcium huyết thanh (106m/g) vượt hơn lượng của dân Âu và có lẽ là do ảnh hưởng khí hậu. Về những thành phần máu khác, thì không phải do nòi giống mà là do thực phẩm đóng một vài trò thiết yếu. Chính là do sự nghèo về khẩu phần chất protéines nên đã gây ra chứng thiếu–azốt (hypoazotémie). Sự ăn uống thiếu thốn gây ra sự thiếu-cholesterol, thiếu- hémoglobine, thiếu-đường.
Những dữ kiện kể trên trong sách Hiểu biết về Việt Nam 1954 là kết quả những khảo sát về nhân chủng học nhân thể cách đây hơn 52 năm, đương nhiên cần phải bổ túc và xét lại với những phương tiện và khảo cứu hiện đại. Trong sự khảo sát này ở Đông Dương, có chỗ còn thiếu sót, nhưng có chỗ đã đạt đến mức độ tiên tiến và vững chãi vào thời đó để rút ra những kết luận lâu dài. Tuy nhiên, cuốn sách này rất quí giá vì đã cung cấp những tài liệu khá chính xác bằng những cố gắng lớn lao và phương tiện khả tín thời bấy giờ và cho người ta một cái nhìn tương đối trung thực về thể chất dân Việt Nam cách đây hơn nửa thế kỷ để có thể suy luận và so sánh với con người Việt Nam hậu chiến và lưu vong nơi hải ngoại trên một vài phương diện.

Phần suy diễn của người viết
Sau đây, tôi có vài suy luận thô thiển:
A- Về màu da vàng chủng tộc, tôi rất đồng ý khi đọc nhận định của Trần Gia Phụng trong cuốn Việt Đại Cương (Toronto 2004) qua những phát biểu sau:
Những người đầu tiên đến ngụ cư ở cổ Việt thuộc nhiều chủng mà ngày nay được sắp chung vào nhóm Mã-lai hay Mã-lai Đa Đảo, rồi đến người Da Đen và sau cùng là người Mongoloid (Mông Cổ).Người Việt Nam hiện nay là hợp chủng của các sắc dân trên. (tr. 40)

- “Đã có sự hỗn hợp chủng tộc ngay từ đầu giữa các giống người đến sinh sống trên đất cổ Việt. Vào cuối thời kỳ đồ đá, người ta đã tìm được những sọ người lai Mongoloid (Mông Cổ) và sọ người Mông Cổ càng ngày càng nhiều, chứng tỏ người Mông Cổ đã đến cổ Việt rất sớm và càng ngày càng đông. (Người Mông Cổ sẽ đến rất đông trong các cuộc di dân trước khi bắt đầu Công Nguyên). 

Trong cuốn Peoples of the World của National Geographic, Washington DC 2001 tr.44-45 cũng có nêu những ý kiến tương tự: The Vietnamese people originated in the Red River Delta region of the north, but their early roots are very hazy. Sometime between 500 to 200 B.C, they emerged as an ethnic entity from a melting pot that contained seaborne travelers from Oceania and various migrants from Asia, with northern Mongol characteristics predominant.

Thành ra, màu da vàng của người Việt thực sự ở miền đồng bằng ngoài Bắc đương nhiên chứa rất nhiều sắc vàng của giống Nam Mông Cổ, có hoà trộn ít nhiều sắc thái tiềm ẩn khác là ngăm ngăm đen của các người Mã Lai Đa đảo. Điều này càng gia tăng khi dân Việt trên đường Nam tiến chung đụng và lai tạp với thổ dân trong nam như Chàm và Khmer. Mặt khác, mầu da vàng hơi trắng ngà của người Việt miền bắc càng trở nên sẫm màu hơn nơi những dân Việt miền nam một phần cũng do ảnh hưởng ánh nắng miền xích đạo chăng?
Về diện mạo Việt thì Sọ thuộc loại đoản sọ với chỉ số 81.0 đến 85.4 nên chiều dài và chiều rộng tối đa của sọ gần bằng nhau, rất phù hợp với mẫu miêu tả đặc thù của cụ Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược: Mặt thì xương xương, trông hơi bèn bẹt, trán thì cao và rộng, mắt thì đen và hơi xếch về đằng đuôi, hai gò má thì cao, mũi hơi tẹt... Đối với những dân tộc ít người ở miền cao riêng rẽ còn giữ nhiều tính chất Indonesian lai Negroid thì hơi trường sọ, da xạm đỏ, tóc xoăn và mũi xẹp, mí mắt không dày, mắt không hi hí và hơi xếch như Việt.
Những bớt chàm trên da của trẻ mới sanh, đặc biệt vùng mông và lưng như các sinh viên y khoa và các cô mụ thường thấy khi đỡ đẻ, phải chăng là một đặc thù của chủng tộc Mongoloid?
Về phương diện khảo sát DNA, hiện vẫn còn bàn cãi về kết quả vì trên mặt chuyên môn, những dữ kiện về yếu tố di truyền cực kỳ đa dạng và vô cùng phức tạp nên tôi chưa dám lạm bàn vì sợ sai lạc. Xin xem phần cước chú*

* Cước chú:
[Về phương diện khảo sát DNA, nếu người khảo sát mang một thiên kiến chủng tộc hay lập trường chính trị, thì sự kết luận không tránh khỏi sai lầm và phản bác lẫn nhau. Ví dụ như trên computer tôi thấy hai cuộc khảo sát sau:
a) Một nhóm có một vài khoa học gia gốc Trung Hoa can dự vô thì cho là sự phân tích về Mitochondrial DNA của nhiều dân Đông Nam Á hé lộ rằng có một tiếp tục về di truyền của những cuộc di dân của nhóm cựu Mông Cổ (Southeast Asian Mitochondrial DNA Analysis reveals Genetic Continuity of Ancient Mongoloid Migrations - Genetic Society of America 1992). Theo sự khảo sát này, tần số cao nhất về mtDNAs với yếu tố dạng số I Hpa1/HincII nhận thấy nơi người Việt gợi ý rằng họ là những người Á châu có một nguồn gốc gần như ưu thế là Nam Mông Cổ.
b) Một nhóm thứ hai có sự tham gia của vài khoa học gia người Việt khảo sát trên 103 người Việt Kinh ở Hà Nội chứng tỏ có một sự đa dạng về yếu tố DNA nên có nhiều sự cách xa về di truyền giữa các nhóm dân Việt, Á châu và Đại dương châu, và những kết quả cho thấy dân Việt gần với dân Thái và phần nào với một số dân Tàu tuỳ địa phương khác nhau. Theo họ, những kết quả trên phù hợp với những sự hiển nhiên về khai quật khảo cổ và phương diện ngôn ngữ nên giúp người ta hiểu rõ hơn về nguồn gốc của dân Việt mà hiện nay còn mù mờ.
Điều này nói lên rằng dân Việt là một sự hợp chủng giữa dân Nam-Mông Cổ và Nam Á Đa Đảo, hơn là hoàn toàn từ Mông Cổ. (HLA-DR and DQB1 DNA Polymorphisms in aVietnamese Kinh Population from Hanoi - European Journal of Immunogenetics – October 1997).

Một điểm cần nhấn mạnh về mầu da vàng của người Việt, theo tôi thì dù là giống Việt phần lớn đương nhiên có pha chủng với chủng Nam- Mông Cổ, thì người ta không thể nói người Việt là bản sao chép của người Hán từ phương bắc. Người Việt vẫn có những nét Việt đặc thù vì đã tạo cho mình một thực thể riêng qua một quá trình lâu đời trên giòng lịch sử. Mời các bạn hãy suy gẫm giòng chữ đầu tiên trong chương nhập đề của cuốn Những hiểu biết về Việt Nam của P. Huyard và M. Durand: “Cuộc sống của loài thú, nói đơn giản ra là một sự thích ứng trực tiếp và quyết định vào một môi trường mà nó bị bỏ vào đó như nó đã tìm ra. Ở con người –“loài sinh vật độc đáo”- rõ ràng là có một sự thích ứng vào môi trường, nhưng mà cũng có một sự phản chống, nghĩa là sự phát minh ra những phương tiện vật chất và sự quan niệm về những cứu cánh tâm linh cốt để bảo đảm sự trường tồn của cọng đồng dân cư và ngăn ngừa sự loại trừ thù nghịch. Từ đó mới nẩy sinh ra văn minh và văn hoá.” Lịch sử Việt đã chứng minh rằng dân Việt nhỏ bé vừa mở nước vừa giữ nước, vừa học hỏi và vừa chống đối với người Tàu, nên dân ta mới tồn tại đến ngày nay để không bị đồng hoá như đám dân thổ trước vùng nam nước Tàu. Tuy nhiên, tôi thiển nghĩ về phương diện tìm hiểu về nguồn gốc dân Việt còn chờ đợi nhiều dữ kiện thâm cứu và hiện đại hơn để có một kết luận đúng.
còn tiếp

(Trích từ báo Thế Kỷ 21 số 205, tháng Năm, 2006)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét