Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

“Tham quan” hay… “quan tham”???


(Dân trí) - Còn biết bao trẻ em chưa được đến trường, bao người bệnh chưa đủ giường nằm, bao tuyến đường chưa được xây dựng và còn biết bao những người dân vẫn còn đói cơm, rách áo… Vậy mà, Bộ VH-TT&DL đã và đang trình những dự án hết ngàn tỉ này đến ngàn tỉ khác. Bảo tàng nghìn tỷ “vắng như chùa bà Đanh”

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Sau 2 năm khởi công xây dựng (19/5/2008), sáng ngày 6/10/ 2010, Bảo tàng Hà Nội đã được khánh thành. Tọa lạc trên mảnh “đất vàng” có diện tích gần 54.000m2, tổng vốn đầu tư hơn 2.003 tỉ đồng, công trình Bảo tàng Hà Nội được coi là hiện đại nhất Việt Nam hướng tới kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Thế nhưng chỉ hơn 1 năm (6/2011) sau ngày khánh thành long trọng, công trình văn hóa được đánh giá là có chất lượng cao không chỉ về mặt kỹ thuật - mỹ thuật mà cả về chất lượng đã xuống cấp nghiêm trọng và lại được rót thêm 760 tỉ đồng để sửa chữa, nâng tổng số tiền lên gần 2.800 tỉ đồng.
Lo ngại trước việc không thực hiện đúng tiến độ, ngày 15/7/2011, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Sở Xây dựng - chủ đầu tư phải kiểm tra và thống nhất tiến độ sửa chữa Bảo tàng Hà Nội trong tháng 7 và hoàn thành trong tháng 8/2011.

Thế nhưng từ khi hoàn thiện và đi vào phục vụ, Bảo tàng Hà Nội sớm rơi vào cảnh đìu hiu, cô quạnh. Việc khai thác Bảo tàng đang tỷ lệ nghịch với số vốn “khủng” 2.800 tỉ đồng đầu tư.

Giờ đây, dù miễn phí nhưng 2 năm qua, Bảo tàng vẫn vắng như chùa Bà Đanh.

Lý do có nhiều nhưng có thể dễ nhận thấy 3 nguyên nhân cơ bản sau đây.

Thứ nhất, đó là sự nghèo nàn về hiện vật. Những hiện vật trưng bày trong bảo tàng không chỉ thiếu đặc sắc, không đặc trưng về văn hóa mà việc trưng bày cũng rất thiếu khoa học, kém tính hấp dẫn.

Nguyên nhân thứ hai, đó là kiểu kiến trúc “kỳ quái” không phù hợp với quan niệm thẩm mĩ và văn hóa người Việt. Có người ví nó như con rùa bị vật ngửa, chổng bốn vó lên trời… vẫy vẫy. Lại có người ví nó cắm đầu xuống đất, một hình ảnh đi xuống, vốn bị kiêng kị trong quan niệm của nhiều người Việt Nam.

Nguyên nhân thứ ba, đó là nhu cầu từ đời sống. Có thể đối với những nước kinh tế phát triển, nhu cầu về văn hóa nghệ thuật nói chung, về bảo tàng nói riêng là không thể thiếu. Thế nhưng trong điều kiện nước ta hiện nay, việc bỏ ra cả hàng ngàn tỉ có vẻ như chưa “đúng lúc, đúng chỗ”.

Còn biết bao nhiêu trẻ em chưa được đến trường, còn biết bao người bệnh chưa đủ giường năm, còn biết bao nhiêu ngôi trường chưa có tiền xây dựng và còn biết bao những người dân vẫn còn đói cơm, rách áo…

Có lẽ chính vì vậy, dự án 11.000 tỉ đồng để xây dựng “siêu bảo tàng” trước đây cũng như đề án "Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 - 2020" cũng trị giá khoảng 11.000 tỉ đồng vừa được phê duyệt lại một lần nữa dấy lên những quan ngại khác nhau.

Trong khi Bảo tàng Hà Nội với 2.800 tỉ mà giờ đây còn không có hiện vật trưng bày và vắng như chùa Bà Đanh thì xây “siêu bảo tàng” 11 ngàn tỉ để làm gì? Trong khi nhà hát, rạp chiếu phim đang ế ẩm vì không có vở diễn, bộ phim (trong nước sản xuất) mới thì xây nhà hát, rạp chiếu phim để làm gì?

Không biết rồi đây khi xây dựng xong, những địa chỉ văn hóa này sẽ là chỗ để người dân “tham quan” hay nó chỉ là nơi để một số… “quan tham” thực hiện “kế hoạch riêng tư” cho nhiệm kỳ của mình?

Bùi Hoàng Tám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét