Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

AI ĐI TÂY NGUYÊN GỌI MÌNH NHÉ


Nhà thờ gỗ ở Kon Tum

Thùy Linh: Mình được lên Tây Nguyên rất ít. Mới đặt chân đến Đà Lạt và Kon Tum. Nhưng thích vùng đất đỏ bazan này từ lâu. Một tình cảm không cần lý giải, không cần nguyên cớ. Nó bí ẩn như chính tình yêu vậy. Người ta thường bảo, khi cắt nghĩa được cái nhẽ thì tình yêu bay đi…Chắc cái gì hiểu rõ quá, hiểu đến ngọn ngành thì chả còn gì lấp lánh, bí ẩn để khám phá. Mà không còn hứng thú khám phá thì còn gì hấp dẫn? Tình yêu mất lực hút này thì tự rã rời và tan biến. Tình yêu phải luôn như là “hố đen”. Hút hết mọi thứ mà người ngoài không thể biết bên trong đó là cái gì và tại sao người ta bị cuốn vào đó. Khi “hố đen” hết tác dụng thì mọi thứ tự nó lại lộ diện và trôi đến một “hố đen” khác…Chuyện này chỉ lý giải cho riêng mình, vì sao mình luôn yêu núi non, yêu cao nguyên, yêu rừng đến vậy. Mấy ai dò đến ngọn nguồn từng cánh rừng, ngọn núi?
Bên trong nhà thờ gỗ

Tính mình thích rong ruổi. Biết thế nên cô bạn gái điểm trúng huyệt. Léo nhéo gọi: “Đi Kon Tum không?”. Máu dồn lên mặt như được tỏ tình. Mình đáp tức khắc mà không cần biết hệ lụy: “Đi”. Cô bạn bồi thêm: “Kon Tum đẹp lắm”. Liền đáp: “Biết rồi. Đến cách đây gần 10 năm. Không phải PR”. Cô bạn: “Đừng có mà cho tôi leo cây đấy?”. Mình dõng dạc: “Đây không nhiều lời nhá. Đã bảo đi là đi”.

Chốc nhát đã ở Sài Gòn. Cô bạn đánh xe Lexus hoành tráng ra đón. Chả thấy người mà xe chạy bon bon sát đến chỗ mình đứng. Mãi mới nhìn thấy mấy ngón tay giơ lên vẫy vẫy qua cửa kính phía trước. Tụi mình đùa là sẽ được đi xe “không người lái” vì vóc dáng cô bạn quá bé nhỏ ngồi trên chiếc xe quá to. Vẫn OK. Cửa xe mở, cô bạn lũn cũn đến giúp đưa đồ lên xe. Ngồi sau, thấy ghế lái mênh mông mà thương những lần ngược núi phía bắc chen chúc chật chội cả mấy trăm cây số…

Cách đây hơn 10 năm, mình đi khảo sát, móc nối bối cảnh cho đoàn phim quay ở tại một nông trường cao su. Chỉ loanh quanh ở Kon Tum mấy ngày nhưng ấn tượng về nó, khi ấy còn là thị xã ấy rất đẹp, lãng mạn.

Thị xã thời đó bé nhỏ nên đi một lúc là hết. Vào một buôn người Ba Na kề sát thị xã. Vẫn nhớ là vào thăm nhà một cô gái đẹp như người phương tây, da trắng, mắt sâu. Vẻ đẹp khá lạc loài giữa màu da nâu sẫm quanh đó. Hôm sau mình đòi bằng được đến Đắk Tô, nơi ngày xưa có trận chiến lịch sử năm 1972. Thời ấy Đăk Tô - Tân Cảnh là căn cứ quân sự mạnh nhất của chính quyền Sài Gòn ở bắc Tây Nguyên. Cũng chả biết gì vẫn các trận đánh, chỉ là được nghe cánh nhà văn lính kể chuyện hay quá nên mò mẫm đến xem thế nào. Có mỗi xác xe tăng để đó như là một chiến tích. Cố nhắm mắt tượng tượng cảnh chiến trận ác liệt ra sao, những cơn mưa rừng rả rích buồn nẫu thế nào, nhất là bị ám ảnh cơn mưa rừng trong “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh…Vậy thôi rồi về. Nhưng cứ nhớ mãi…

Đường ô tô từ Sài Gòn lên Kon Tum khá thuận tiện, chả có gì phải lăn tăn, thậm chí có nhiều đọan phong cảnh rất đẹp, bên những cánh rừng thông. Mỗi lúc bình nguyên mở rộng trước mắt. Café đang mùa ra hoa. Hoa đậu xin xít trên cành trắng cả những triền đồi bên đường. Rất giống những bông tuyết xốp phủ trĩu cành, mượt mịn. Lên cao nguyên mình mới biết thế nào là chiều tím. Mây tím. Núi tím. Một màu tím bàng bạc trong nắng chiều dần phai. Không muốn thì tự đâu trong tâm tưởng cũng ngân nga câu hát của Trịnh: “Gió heo may đã về. Chiều tím buông vỉa hè. Và gió hôn tóc thề…”. Người khô khan mấy cũng thành lãng mạn khi đứng trước chiều như vậy. Khi màu tím cô đặc lại thì là đêm buông…Đêm đã phủ thì mọi thứ như bị cất vào trong hũ, kín bưng. Hoặc như mắt bị bịt chặt bằng một thứ vải đen dày. Không còn gì hết ngoài mặt đất đen thẫm và bầu trời cao lấp lánh sao nếu trời đẹp. Cảm giác với tay lên hái được sao vì ta đang đứng ở cao nguyên rất gần với bầu trời. Quả như dự tính, đúng 8 giờ cả lũ có mặt ở Kon Tum sau hơn 500 km ô tô chạy.

Nhà thờ kiến trúc theo lối nhà rông

Lần tìm lịch sử Kon Tum cũng nhiều thú vị. Theo truyền thuyết của người Bana thì Kon Tum ban đầu chỉ là một làng của người Bana. Thuở ấy, làng người Bana (nay thuộc thành phố Kon Tum) ở bên dòng sông Đăkbla với tên gọi Kon Trang-OR. Làng Kon Trang-OR rất thịnh vượng với dân số khá đông. Bấy giờ giữa các làng luôn gây chiến với nhau để chiếm đoạt của cải và bắt người làm nô lệ. Hai con trai của Ja Xi - một trong số những người đứng đầu làng Kon Trang-OR tên là Jơ Rông và Uông không thích cảnh chiến tranh đã làm nhà ở riêng gần chỗ có hồ nước, cạnh dòng Đăkbla. Vùng đất này rất thuận lợi để định cư nên dần dần có nhiều người đến ở, mỗi ngày một thêm đông, lập thành làng mới có tên gọi là Kon Tum. Từ đó, Kon Tum trở thành tên gọi chính thức cho làng mới lập của người Bana, cạnh dòng Đăkbla, nơi có nhiều hồ nước trũng. Theo tiếng Kinh, Kon là làng, Tum là hồ, ao, bàu nước...Kon Tum là Làng Hồ.

Sáng đó trời Tây Nguyên xanh, hồ trong nước xanh, không khí se se như Hà Nội vào thu. Nhất là đoạn chạy qua thị trấn Măng Đen nằm trên độ cao 1.100 - 1.400 m, quanh năm mát mẻ thanh bình với hàng trăm biệt thự đã và đang được xây dựng dưới rừng thông thường chìm trong sương mù huyền ảo của cao nguyên có khí hậu gần như ôn đới. Dự tính một khu nghỉ dưỡng, nơi được coi là “Đà Lạt thứ hai” này đã hình hài với những tiềm năng, thế mạnh về du lịch, với những cánh rừng già nguyên sinh kỳ vĩ, với những hồ và thác nước xanh ngắt đổ ầm ào ngày đêm...Không biết có giúp phát triển thoát nghèo và bà con đỡ khổ hay lại phá nát phong cảnh thơ mộng, bản sắc dân dã nơi đây? Và ích lợi ấy vẫn chỉ giúp cho số ít người vốn đã giàu lại càng giàu hơn?

Du lịch thế này có phá đi bản sắc?

Lại nghe mấy năm nay người dân đổ xô vào rừng kiếm sâm Ngọc linh đem bán vì giống sâm này rất quí và chỉ có ở trên những cánh rừng già Tây Nguyên. Cũng là tiềm năng đấy. Nhưng rừng bị phá nhiều lắm rồi. Thiếu ăn, thiếu mặc nên chỉ trông chờ vào rừng. Nhiều lúc xe lướt qua những trảng rừng bị thiêu đốt không khác gì hồi chiến tranh bị bom đạn dội xuống thiêu đốt cây cối, cày nát đất rừng. Rồi rộ chuỵên hồi cuối năm 2010, dân huyện Kon Plong lao vào rừng kiếm cây kim cương làm thuốc. Trẻ con bỏ cả học để hái kim cương kiếm tiền. Đó là một loại cây thân mềm, chiều cao chỉ 20-30 cm, mọc hoang trong rừng. Theo lời truyền miệng là cây thuốc quý chữa bệnh tim mạch. Sự thật ra sao chưa rõ nhưng chỉ cần mang cây kim cương ra khỏi rừng là có người mua ngay với giá 600.000đồng/kg dạng thô. Mặc cơn mưa rừng tầm tã không dứt, từng tốp người cứ đi sâu vào các cánh rừng dọc dãy Trường Sơn. Người ta kể, loại cây này trước đây mọc đầy quanh nhà nhưng bà con không ai để ý, đến khi có người từ xa đến hỏi mua, ban đầu 250.000đồng/kg, rồi giá tăng vọt mỗi ngày. Do nhiều người tìm hái nên bây giờ muốn hái kim cương phải đi vào rừng sâu mới có. Chưa ai biết công dụng của loại cây này như thế nào, thu mua để làm gì, chỉ biết cây được gom mua với giá cao rồi vận chuyển bán sang Trung Quốc, Đài Loan…chứ không tiêu thụ tại Việt Nam. Lại nhớ chuyện thương nhân Trung Quốc xúi nông dân nuôi đỉa bán. Đến khi đỉa đẻ đầy ruộng thì lái thương bỏ đi mất…Chả biết họ có ý định gì không?

Chạy được mấy chục km thì bắt đầu thấy mây đen vần vũ. Và bắt đầu lất phất mưa phùn. Đến thị trấn Kon Plong thì mưa dày hạt. Cái lo lớn dần. Cô bạn Dã Quì mới quen trên mạng là người cao nguyên Lâm Đồng, giờ định cư ở Texaz (Hoa Kỳ) đã cảnh báo trước, đi Tây Nguyên nhớ mang áo mưa, ủng vì hay có cơn mưa bất chợt. Nhưng hy vọng đang mùa khô nên chủ quan. Giờ thì nhân bảo như thần bảo. Còn trách ai được…

Sa lầy
Chạy thêm ít chục km nữa thì bắt vào con đường đất đỏ. Thầy hiệu trưởng cấp 2 Măng Buk là Đam đi xe máy phía trước dẫn đường ra hiệu dừng ô tô lại: “Các thầy cô trong trường gọi địên ra nói là mưa to lắm, đường lầy lội, ô tô không vào được đâu”. Sao giờ? Giữa rừng núi, chả có nhà dân. Mình thấy lúc xe chạy đã đưa võng trên bốn bánh, nhát chết định xuống thì cô bạn bảo: “Ngồi yên đó”. Xuống thì hèn quá đành ngồi yên. Cơ mà hoang mang lắm. Đùa vui để quên lo: “Không đâu lại giao tính mạng cho xe “không người lái” thế bao giờ?”. Cười để quên đi nỗi lo đường xá. Ô tô đánh võng trên bùn nhão…Cô bạn lầu bầu: “Cái xe không theo điều khiển của mình nữa rồi, nhưng cố chạy thêm được đọan nào hay đọan ấy”. Nghe ghê ghê. Nhưng vẫn cắn răng ngồi yên, chả dám ý kiến vì cô bạn nhỏ bé còn ngồi đó cơ mà? Rồi xe sa bánh xuống rệ đường mà bên dưới là…vực. Đúng chỗ người ta vừa đổ thêm đất, mềm, nhão, lún…Lúc ấy mọi người đành xuống xe. Trời mỗi lúc mưa nặng hạt. Một anh làm xi nhan đưa xe ra khỏi chỗ lún. Thầy giáo Đam vặt lá cây rải đường chống trơn. Những người còn lại dỡ quà trên xe xuống. Tụi mình thì an toàn rồi. Cơ mà lái xe ra khỏi khu vực “trọng điểm” thì chỉ có cô bạn nhỏ bé. Lo thắt mà chả dám nói vì sợ bị ăn…vả nếu buột miệng nói xui xẻo. Đứng nhìn cái xe to kềnh càng ngoan ngoãn theo sự điều khiển của “người mét tư, nặng 40 kí” mà thêm nể. Sau mấy lần bánh xe quay tít, chực trôi xuống vực thì cuối cùng cũng rẽ được ra tim đường. Đánh tiếp xe lên chỗ cao ráo hơn. Thôi đành xe ở lại còn người đi tiếp…Mình cứ âm ỉ sướng về nỗi, ô tô xịn thế vứt chỏng chơ ven đường nửa ngày không ai trông mà chả làm sao. Ở dưới xuôi thì bị vặt không còn gì…

Con đường này có từ thời chiến tranh

Chặng đường tiếp theo mới là thử thách các tay lái xe máy của dân cư vùng núi non này. Hơn 20km đường đất đỏ, nhão như cháo, trơn như mỡ, ngoằn nghoèo như rắn bò, lên dốc, xuống dốc như ngồi lên đầu nhau…Mỗi người ôm một thầy giáo ra đón đi như đua xe may mà chả làm sao. Một cô bạn đùa với thầy chở xe: “Chị ôm chồng không chặt như ôm em thế này đâu” làm thầy cười súyt ngã. Còn chiếc xe chở mình có lúc quay ngoắt đầu lại phía sau khi bị trượt trên bùn lầy, lúc thì mình ngã ngồi lên đống sỏi, may mà không lăn xuống vũng bùn. Nhưng chuyện trò giữa những khách lạ và các tay lái thầy giáo rôm rả lắm. Đường xa hóa ngắn lại. Mưa rả rích mà không thấy lạnh. Cười rinh rích suốt chặng. Còn hỏi được khối chuyện vừa vui, vừa thương, vừa bực mình, vừa phẫn nộ…Kiểu như dạy vùng sâu xa vất vả thế mà muốn có biên chế cũng phải có tiền lo lót…Đau và thương cho những trai trẻ, gái trẻ kiên trì bám nghề, bám trường và bám trò này.

Ăn cơm bên hiên nhà

Mất gần hai tiếng mới đến được trường cấp 2 Măng Buk. Tiểu học đã nghỉ học rồi. Mẫu giáo cũng nghỉ và chủ yếu ở trong các buôn xa. Kế họach đi điểm trường cắm buôn không thực hiện được vì trời mưa, đường trơn và hơn hết là cuối tuần học sinh nghỉ học. Tiếc hùi hụi…Nhưng được mục sở thị bữa cơm trưa của học sinh nội trú cấp 2.Hôm qua nhà trường mổ lợn do có người hảo tâm tặng nên bữa cơm không nhạt thếch chỉ có rau và cá khô trường kỳ như mọi ngày. Nhà nội trú che tôn, che liếp hở hóac. Học sinh dọn cơm ăn ngay chái nhà thông thống gió và bị tạt mưa như ăn tiệc buffet. Vẫn những bàn chân trần ngấm mưa nhợt nhạt. Vẫn là những bộ quần áo chẳng lành lặn gì, không đủ ấm khi trời giá rét. Vẫn là khu nội trú với những chiếc giường tầng rất ít chăn gối, chiếu nilon sộc sệch, nhàu nhĩ. Còn không có gì nữa…

Nhà ở của học sinh nội trú

Cả khu nội trú có một tivi kê ngoài hiên hắt mưa nắng quanh năm. Tụi trẻ ăn xong là dán mắt lên màn hình xem phim. Những đôi mắt cao nguyên thăm thẳm già trước tuổi, đau đáu nhìn người lạ chốc lát rồi cười thẹn cúi xuống hay ngoảnh đi. Trẻ con cao nguyên có vẻ đẹp khác với vùng cao phía bắc: da nâu, mắt sắc viền thẫm ánh màu đất đỏ bazan. Cái nhìn hoang dã nhưng ngu ngơ, tồi tội. Tụi con gái xinh như thổ dân da đỏ. Con trai dù chưa lớn nhưng đậm chất phóng khoáng, đa tình. Ánh mắt ấy, vẻ đẹp hoang dại ấy, làn da nâu sẫm ấy…mà đổ về xuôi dễ xiêu lòng các em thành thị phải biết.

Đứng giữa tụi trẻ cảm giác như đang được gió ngàn thổi bay những nhỏ nhen, tỵ hiềm, những cố chấp, vớ vẩn, nhợt nhạt của thành thị để lướt trên đồng cỏ hay những cánh đồng dã quì rực rỡ. Theo kế họach đêm ấy sẽ ở lại cùng các thầy cô, nổi lửa cao nguyên giữa trời đất để uống rượu cần, hàn huyên…Chỉ vì ô tô đứng chơ vơ giữa rừng nên đành ngậm ngùi quay về. Lại 6 thầy kèm 6 người lướt trên 20 km cung đường “cháo đất đỏ” trở lại Kon Tum. Hôm ấy các thầy phải chạy xe đủ bốn lượt đi về, tất cả 80km đường lầy lội ấy. Lại còn bảo: “Tụi em quen rồi. Mùa mưa nhiều khi phải lội bộ hơn 40km. Bao giờ cũng phải đi hai người để lỡ ra còn cùng nhau khiêng xe lên vai qua đọan lầy lội”.

Các nghệ sỹ Tây Nguyên tương lai

Có thầy đã từng ngủ rừng vì không thể đi trọn con đường đất về trường vì quá mệt. Có thầy bị lũ cuốn trôi. Đã có lúc các thầy đói lả vì đường xá bị chia cắt do mưa lũ. Không còn gì để ăn, các thầy phải vào buôn xin cơm, xin sắn của bà con. Rồi sắn cũng hết. Một lần, có thầy giáo đói quá nên nhân lúc đi ngang qua lán trại công nhân làm đường bèn lẻn vào lán tìm đồ ăn. Thấy có miếng mỡ để trên chảo, thầy vồ lấy ăn ngấu nghiến. Công nhân đi về tưởng ăn cắp súyt đánh. Nghe thầy giáo phân trần thương quá họ nấu cơm cho ăn…Vậy mà các thầy cô vẫn theo nghề dạy học nơi buôn làng xa xôi này. Tự thấy áy náy, dằn vặt vô chừng…Mấy mươi năm trước chắc là những con đường mòn để buôn làng, bộ đội luồn rừng đánh giặc. Giờ nửa thế kỉ đã qua, con đường mòn ấy chỉ nới rộng ra, còn thì vẫn vậy…Chả biết ai đã từng được bà con trong các buôn làng nuôi nấng, che chở ngày ấy nay thường quay về chốn xưa thăm hỏi, tri ân dân làng không nhỉ? Mãi đến 2009 buôn làng mới có điện. Bên đường vẫn chỉ là những nếp nhà thấp nhỏ che phên, che nứa ngấm mưa nắng bao mùa rẫy xám xịt đang dần mủn ra, chơ vơ bên mỏm núi, cánh rừng…Bao giờ thì đồng bào hết khổ?


Đi thêm vài chục cây số trời lại đẹp. Nắng vàng óng. Gió lồng lộng thổi như hát. Cầu vồng sau mưa rực rỡ mọc dưới thung lũng nhô lên như cánh tay ôm hết dãy núi và thung lũng bát ngát bên dưới. Mọi người hồi hộp đến ngừng thở vì bị hút hồn vào cảnh tượng hùng vĩ, lãng mạn đến bất ngờ.

Dù quần áo lem nhem bám đầy bùn đất bazan thì cũng phải dừng lại giữa lưng đèo để chụp ảnh và níu kéo cầu vồng vào sâu mắt mình. Mình đùa cô bạn nhỏ, hai ngày lái hơn ngàn ki lô mét mà vẫn vui như được…cho thêm chục centimet chiều cao. Tâm trí rỗng rang đi giữa núi non lồng lộng gió cao nguyên, được tận hưởng, được đắm chìm trong vẻ đẹp hoang dại, và ấp ủ những mơ ước sẽ làm thành “gánh hàng xén” để mang lên Măng Buk vào tháng tư này cho các con Xêđăng ở các trường cấp 1, 2 và mẫu giáo…


Vậy là lại thêm một lần được đến với cái nắng, cái gió, với cao nguyên xanh mượt, độc nhất vô nhị ở nước mình. Để cảm nhận và chia sẻ. Để lại một lưu luyến. Và để lại một tình yêu không thể rời xa.

Chợt nhớ hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng về tượng nhà mồ: “Dưới ba thước đất hồn mình đơn côi. Trên ba thước đất hồn ta đơn côi”.

Xe ra khỏi địa phận Tây Nguyên mình bỗng có cảm giác đơn côi của bức bức tượng nhà len lén nhen trong tim…

Được đăng bởi thùy linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét