Phải đuổi 30% công chức ăn hại ra đường
Tôi có một ông bạn, (nói thật ra thì vài ông, thậm chí là nhiều ông), đã lâu lắm rồi tôi không biết anh làm chính xác việc gì… Ngày nào cũng thế, khoảng gần 10 giờ anh mới lững thững thò mặt đến cơ quan. Đến nơi, anh thong thả cởi áo khoác, đun nước, pha trà, rồi ngồi ngả người khoan khoái trên cái ghế da mềm mại, một tay cầm thuốc lá, tay kia lật giở mấy tờ báo mới. Anh có biệt tài là điểm ngay ra được những tin "hot" để phổ biến cho cả phòng nghe, chêm vào những bình luận cực kỳ sâu sắc, chua cay rồi tự thưởng cho mình những tràng cười sảng khoái.
Uống trà chán, anh bật máy tính lên lướt web, đọc tin, người mẫu, ca sĩ hay hoa hậu... mà hở ra cái gì là thế nào anh cũng biết… Anh làm hết ngần đấy việc thì cũng là lúc trưa đến, thế là anh bốc điện thoại rủ người này, người khác đi ăn. Ăn chán, uống chán rồi về bắc chân lên bàn đánh một giấc đến quá hai giờ chiều mới dậy. Dậy rồi anh lại làm nguyên hầu hết việc của ban sáng: pha trà, đọc tin và… chém gió. Lạ một điều là anh cực kỳ bất mãn về thời cuộc. Suốt ngày than vãn về những hạn chế, bất cập, rồi nói xấu người khác như ranh, kể cả lãnh đạo từ thấp lên cao...
Thế nên, lần đầu tiên nghe nghe một Phó Thủ tướng định lượng được là hiện nay cả nước có 30% công chức “có cũng như không”, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, thực lòng tôi vừa thấy sướng, lại vừa thấy cay đắng, bất bình.
Sướng là vi cái sự kém hiệu lực, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức đã được vạch ra cụ thể, rõ ràng chứ không chung kiểu “một bộ phận không nhỏ” nữa. một khi Phó Thủ tướng đã nói, tức là Chính phủ đã thấy rõ và sốt ruột lắm rồi. Hy vọng sau đây sẽ có những bước chuyển dứt khoát, tích cực.
Cay đắng, bất bình là vì Nhà nước và Nhân dân phải nuôi báo cô nhiều và lâu quá. 30% của 2,8 triệu, có nghĩa là 840.000 người. Nếu chỉ tính một lương tôi thiểu thì mỗi năm đã mất không cả chục ngàn tỷ đồng. Chưa nói hàng tấn tiền chi cho cơ sở vật chất, kỹ thuật, văn phòng phẩm, xăng xe… để đám người này “hoạt động”. Đây là cách tính khiêm tốn, tôi không dám tính đúng, tính đủ vì càng tính càng xót ruột. Số tiền này nếu bỏ ra xây thêm trường học, bệnh viện ở vùng sâu, vùng xa hay đem cứu tế cho những người nghèo khó, cơ nhỡ trong xã hội thì tốt đẹp và có ích biết bao nhiêu.
Nuôi đám người này không chỉ tốn kém tiền của, hệ lụy mà họ gây ra còn khủng khiếp hơn nhiều. Bất ổn trong cơ quan, đơn vị phần lớn do đám này gây ra. Vì không làm mà chỉ nói là chính, nên họ nói hay như chim hót. Họ làm cho những người tích cực, có năng lực đâm ra chán nản, mất niềm tin. Thế là hiệu quả hiệu lực của tổ chức, bộ máy cũng giảm đi. Nói chung là hình ảnh của bộ máy Nhà nước trong xã hội sẽ bị méo mó đi nhiều.
Nuôi không những cán bộ, công chức vô dụng này ngày nào là bất công ngày đó. Bất công sẽ dẫn đến bất bình, mất niềm tin, mất uy tín và mất nhiều thứ khác…
Cho nên, một khi đã định lượng được những cán bộ, công chức ăn hại rồi, đề nghị Chính phủ phải quyết tâm, nhanh chóng, tích cực, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, có giải pháp đuổi cổ họ khỏi các cơ quan Nhà nước, dành chỗ ấy cho những người trẻ tuổi, có trình độ, có tâm huyết mà vì lý do nào đó chẳng bao giờ lọt được vào khu vực công với cơ chế tuyển dụng, lựa chọn như hiện nay.
Tất nhiên, hô hào đuổi hết những kẻ vô dụng ra khỏi bộ máy có khi chỉ là khẩu hiệu phải hô nhiều lần và trong thời gian rất dài. Bởi vì đào thải được những người như thế không dễ, nếu chúng ta không có một cơ chế căn bản, khoa học về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đãi ngộ, đào thải cán bộ, công chức. Cơ chế mới là điều quan trọng, vì trong cơ chế tốt, kẻ lười nhác có thể hóa thành người chăm chỉ, chuyên cần và ngược lại, với một cơ chế bị lỗi thì người thông minh, chăm chỉ, có năng lực vẫn có nguy cơ trở thành những kẻ lười nhác và ăn hại…
Tuy vậy, muốn nói gì thì nói, không thể để tình trạng bất công, phi lý như thế này kéo dài mãi được./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét