Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

'Nên làm thân với các nhà khoa học uy tín quốc tế'


Làm khoa học cũng như ngành nghề khác cần có mối quan hệ, nhất là với chuyên gia uy tín thế giới, điều này sẽ giúp giới khoa học làm việc trong nước có nhiều cơ hội khác nữa chứ không chỉ dừng ở việc xuất bản bài báo.

Nguyễn Hoàng Long.
Nguyễn Hoàng Long, đang nghiên cứu và giảng dạy tại khoa công nghệ thông tin, trường đại học Oxford, Vương quốc Anh chia sẻ kinh nghiệm trong diễn đàn: "Vì sao khoa học Việt ít công trình đăng trên tạp chí quốc tế", trong đó anh Long nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tạo mối quan hệ với các chuyên gia có uy tín thế giới.
"Trong bài viết này tôi sẽ đề cập đến vấn đề làm sao một nhà khoa học làm việc tại Việt Nam có thể đăng báo trên tạp chí có tiếng thế giới. Đây là kinh nghiệm mà tôi tích lũy được khi nghiên cứu và giảng dạy tại trường đại học Oxford.
Trước tiên khoa học ở thế kỷ 21 có nhiều điểm giống như một ngành công nghiệp, cạnh tranh bởi vô số trường đại học, các viện nghiên cứu quốc gia hay công ty đa quốc gia chạy đua để ra kết quả mới nhất. Điều này thúc đẩy việc xuất bản công trình trên tạp chí khoa học.

Nó không giống thế kỷ 16 đến 19 khi có những nhà bác học lỗi lạc như Darwin dành trọn vẹn cuộc đời nghiên cứu thuyết Tiến hóa để rồi chỉ xuất bản một quyển sách về lý thuyết đó.

Quan hệ cũng quan trọng

Như mọi ngành nghề khác trong cuộc sống, làm khoa học cũng cần các mối quan hệ. Vì sao điều này vô cùng quan trọng? Từ kinh nghiệm bản thân và những cái tôi thấy ở những trường Đại học nổi tiếng, trong cả sự nghiệp nhà khoa học chỉ một vài thời điểm thực sự lóe sáng để có những ý tưởng đột phá có thể được xuất bản ở bất kỳ tạp chí nào. Phần còn lại thường là những sáng kiến, hoặc cải thiện nhỏ, đôi khi còn gây tranh cãi để dần dần cải tiến một phương pháp hay kết quả khoa học đã được biết trước.

Trong khi đó quá trình nộp bài báo đến một tạp chí lớn thường mất thời gian, trung bình một đến hai năm. Một bài báo được in sẽ qua vài vòng xét duyệt có ý kiến phản biện của cả người xét và tác giả. Hơn nữa ban biên tập phải tìm được người có đúng chuyên môn và "tự nguyện" đồng ý nhận xét bài báo.

Do người xét không được nhận kinh phí, thời gian để đọc một bài báo là vô vùng hạn hẹp, chuyện ai là tác bài báo, bài báo được nộp từ trường đại học nào sẽ tạo nên một ấn tượng quan trọng ngay từ ban đầu. Nếu tác giả là chuyên gia uy tín, thì mặc dù người ta chưa đọc, họ vẫn có sự tin tưởng vào kết quả mà tác giả khẳng định ở lời giới thiệu.

Vậy làm sao một nhà nghiên cứu Việt Nam có thể cộng tác với một chuyên gia nước ngoài? Theo quan điểm của tôi, nỗ lực cá nhân là quan trọng hàng đầu. Những điều kiện hoàn cảnh như chính sách nhà nước hay môi trường nghiên cứu có giúp ích song không thể thay thế.

Tại thời điểm hiện tại, có nhiều bạn trẻ Việt Nam đang học đại học, thạc sĩ hay nghiên cứu sinh tại các trường đại học tốt trên thế giới. Việc xuất bản cùng giáo sư đầu ngành trong quá trình làm nghiên cứu sinh sẽ là bước khởi đầu. Sau khi xong thạc sĩ hay nghiên cứu sinh, quay về Việt Nam công tác ở các trường đại học trong nước, chúng ta cần tìm cách giữ và phát triển mối quan hệ với thầy cô và đồng nghiệp ở nước bạn.

Tuy nhiên còn nhiều nhà khoa học ở Việt Nam không có may mắn đi học nước ngoài, liệu họ có cơ hội không?

Như tôi nói bên trên, việc cùng tác giả người Việt Nam làm nghiên cứu sinh và thầy giáo của họ ở nước ngoài là một khả năng. Theo tôi được biết, các trường đại học Việt Nam cũng kết hợp làm việc với các trường nước ngoài, các bạn nên tận dụng mối quan hệ này để tìm cách cho bản thân mình đến thăm và làm việc các trường bạn một thời gian.

Trong hội thảo khoa học tổ chức trong và ngoài nước nên chủ động làm quen, trao đổi ý tưởng, nếu thấy hợp lý thì xin chuyên gia cho mình đến thăm, học hỏi nhóm nghiên cứu của họ. Để thành công, các bạn nên tìm hiểu qua Internet về từng chuyên gia trước khi gặp mặt. Ví dụ họ là người nước nào, làm nghiên cứu và giảng dạy ở đâu, họ đã và đang làm về lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn nào và cộng tác với ai. Từ đó chúng ta có thể nói về các chủ đề cả hai bên đều biết và đam mê. Chúng ta cũng có thể nên gửi email giới thiệu bản thân và hỏi thêm thông tin về bài giảng của họ trước và sau khi gặp mặt chính thức.

Một điều quan trọng khác là chúng ta cần xác định chi phí đi thăm nhóm nghiên cứu, ăn ở là từ phía mình để tăng cơ hội được nhận lợi. Mặc dù tạo đúng mối quan hệ là việc "nói dễ hơn làm" các bạn nên nhớ mình có thể hỏi đến hàng trăm người nhưng chỉ cần một người chấp nhận là cánh cửa của công tác khoa học sẽ mở ra.

Mối quan hệ với các chuyên gia có uy tín ở nước ngoài sẽ mở ra nhiều cơ hội khác chứ không chỉ xuất bản bài báo nào, chẳng hạn họ sẽ gửi các kết quả nghiên cứu mới nhất cho mình tham khảo, giảm các chi phí bản quyền khi đọc báo trên các trang web của tạp chí lớn.

Ở đây tôi mới chỉ đề cập đến xuất bản trên các tạp chí, ngoài ra còn có tiêu chuẩn hóa ISO hay làm bản quyền cho kết quả nghiên cứu. Các quá trình này đòi hỏi thời gian lâu hơn, khoảng 4 đến 5 năm và điều kiện khắt khe hơn. Chẳng hạn để làm tiêu chuẩn ISO, kết quả phải đăng trên một tạp chí uy tín nhất là ba năm, để đảm bảo đo độ chuẩn cao của kết quả khoa học do có số lượng lớn người đọc và phản biện. Các quá trình này đều đòi hỏi độ uy tín từ tác giả và mối quan hệ của họ với ban biên tập và các nhà khoa học khác.

Các suy nghĩ trong nghiên cứu khoa học

Khi đọc kết quả khoa học mới, thường người làm nghiên cứu nên đặt ngay một số câu hỏi cho bản thân. Chẳng hạn "liệu kết quả này có đúng không", hay chỉ dùng trong nghĩa hẹp và không chính xác ở nhiều trường hợp nhỏ khác, "liệu kết quả này có thể cải thiện hơn". Nếu giải quyết được câu hỏi trên, thì đó chính là những ý tưởng cơ bản và chìa khóa cho một bài báo khác mà bạn và các cộng tác sẽ là tác giả.

Để tự đưa ra câu hỏi như vậy tại đúng các điểm mấu chốt của bài báo, và có quyết tâm giải quyết trọn vẹn là không đơn giản, đòi hỏi người đọc có phương pháp suy nghĩ được nuôi dưỡng và phát triển trong một thời gian dài, thường từ học phổ thông đến đại học và nghiên cứu sinh.

Khi tôi bắt đầu học đại học tại Anh, các thầy thường dùng cây châm ngôn tiếng Latinh "Nullius in verba" (tiếng anh là "Taking nobody’s word for it") của Viện Hàn lâm Khoa học London, có nghĩa là không chỉ nên tin vào lời nói của bất kỳ ai.

Điều này khá đặc biệt so với cách nghĩ của người Á Đông chúng ta. Một thí dụ điển hình tại đại học Oxford, ngoài giờ lên giảng đường như bao trường đại học khác, các sinh viên còn được học vài buổi một kèm một hoặc một kèm hai kéo dài một tiếng đồng hồ mỗi tuần. Đây là phong cách học tập được duy trì hàng trăm năm tại Oxford. Tuy nhiên nếu chỉ ngồi nghe thầy giáo nói cả tiếng thì quả là hơi lâu. Ngược lại đây là cơ hội để các bạn trẻ có thể tranh luận với thầy giáo một cách thẳng thắn, bảo vệ lập luận của mình hay phê phán ý tưởng của thầy giáo. Để làm điều này, chính các thầy giáo phải là người khuyến khích sinh viên nói ra những suy nghĩ của họ, động viên họ theo đuổi các ý tưởng táo bạo hơn.

Những kinh nghiệm này đúng là các yếu tố cần thiết để làm khoa học mũi nhọn, hãy đạt đến đỉnh cao trong mỗi ngành nghề khác của cuộc sống. Ngoài chất lượng công trình nghiên cứu để xuất bản trên các tạp chí lớn đòi hỏi người viết có lập luận thuyết phục, và không kém phần quan trọng là khả năng phản biện các chỉ trích từ hội đồng xét duyệt.

Nguyễn Hoàng Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét