Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

QUAN HỆ TRUNG QUỐC-CAMPUCHIA: THÀNH CÔNG VÀ TRỞ NGẠI

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)



TTXVN (Niu Yoóc 25/1)

 Viện “Jamestown Foundation” của Mỹ mới đây công bố tài liệu về quan hệ Trung Quốc-Campuchia cho biết trong chuyến thăm Campuchia tháng 4/2012 của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, hai bên nhất trí lấy năm 2013 là “Năm Hữu nghị Trung Quốc-Campuchia” nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Mặc dù hiện nay Phnôm Pênh là đồng minh thân thiện nhất của Bắc Kinh ở khu vực Đông Nam Á và hai bên sẽ có nhiều sự kiện kỷ niệm quan trọng trong năm 2013, nhưng một số hạn chế trong quan hệ song phương có thể tạo nên những thách thức cho cả hai bên trong tương lai.
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1958, Trung Quốc thường xuyên ủng hộ các chế độ khác nhau ở Campuchia để duy trì ảnh hưởng của họ, từ cựu Quốc vương Norodom Sihanouk trong những năm 1960 đến chế độ Khơme Đỏ khét tiếng trong những năm 1970, 1980 và chế độ hiện nay của Hun Sen. Bước ngoặt quan trọng và mới nhất trong quan hệ Trung Quốc-Campuchia diễn ra năm 1997 khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen hiện nay lật đổ con trai của Sihanouk, Hoàng tử Norodom Ranaridh và chấm dứt một chính phủ liên minh trong một cuộc đảo chính bạo lực. Mặc dù, cộng đồng quốc tế lên án hành động đó và cô lập Campuchia, nhưng Trung Quốc không những công nhận kết quả của cuộc đảo chính, mà còn cung cấp viện trợ cho Hun Sen. Từ đó, tuy Campuchia, một trong những nước nghèo nhất thế giới, hoan nghênh các khoản đầu tư và thương mại của Trung Quốc, bởi vì Hun Sen không muốn tiến hành các cải cách quản lý hiệu quả của phương Tây. Ngược lại, Bắc Kinh coi Phnôm Pênh không những là một nguồn cung cấp năng lượng và khoáng sản để đẩy mạnh phát triển kinh tế cua Trung Quốc mà còn là một nước có ích để hỗ trợ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh chống lại các nước Đông Nam Á. Campuchia còn là một đối tác để giải quyết các vấn đề qua biên giới khác nhau như ma túy và buôn lậu, cũng là một đồng minh quan trọng đế thúc đẩy các mục tiêu của Bắc Kinh ở trong và ngoài Đông Nam Á.

Trung Quốc là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Campuchia. Thương mại song phương tăng từ 76 triệu USD năm 1996 lên hơn 2,5 tỷ USD năm 2012 và hai nước tuyên bố sẽ tăng gấp đôi vào năm 2017. Từ năm 1994-2011. Trung Quốc đầu tư gần 400 dự án tại Campuchia với tổng giá trị 8,8 tỷ USD, ban đầu chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và may mặc, nhưng sau đó tăng cường khai thác tài nguyên thiên nhiên và năng lượng. Trung Quôc cũng giúp Campuchia nâng cấp các sân bay và bến cảng để nâng cao vị thế chiến lược ở khu vực Đông Nam Á. Ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh đối với Phnôm Pênh sẽ tăng mạnh trong năm tới. Đầu tháng 1/2013, hai công ty Trung Quốc đạt được thỏa thuận xây dựng một tuyến đường sắt, một nhà máy sản xuất thép và bến cảng trị giá 11,2 tỷ USD, dự kiến hoàn thành năm 2016 và đây là các khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc tại Carnpuchia. Mấy năm qua, mối quan hệ giữa hai nước cũng phát triển sang lĩnh vực an ninh, về tăng cường thực thi pháp luật, từ khi hai bên ký thỏa thuận hợp tác năm 2008, tỉnh Vân Nam đã cung cấp thiết bị và hỗ trợ kỹ thuật cho Cơ quan phòng chống ma túy Quốc gia (NACD) để ngăn chặn buôn bán ma túy và khủng bố. Mối quan hệ quân sự cũng phát triển và hiện nay Trung Quốc là nước viện trợ quân sự lớn nhất của Campuchia. Hai bên đă ký hiệp ước hợp tác quân sự vào tháng 5/2012, theo đó, Trung Quốc đồng ý viện trợ quân sự cho Campuchia 20 triệu USD và xây dụng một trường đào tạo quân sự ở nước này. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cho Phnôm Pênh vay khối lượng tiền lớn với lãi suất ưu đãi để mua sắm trang thiết bị quân sự khác nhau, kể cả các máy bay tuần tiễu, máy bay trực thăng quân sự và tổ chức một khóa học kéo dài 6 tuần cho lực lượng vũ trang Campuchia để tháo gỡ bom mìn.
Trung Quốc và Campuchia cũng tăng cường quan hệ văn hóa và trao đổi con người. Các chuyến thăm song phương cấp nhà nước, đảng và tỉnh thường xuyên diễn ra. Trung Quốc là thị trường du lịch lớn thứ ba của Campuchia với khoảng 234.000 lượt người Trung Quốc đến thăm Campuchia.năm 2011. Campuchia dự kiến số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Campuchia sẽ tăng lên 1 triệu người vào năm 2020. Hiện nay, tiếng Quan Thoại là ngôn ngữ phổ biến thứ hai ở Campuchia sau tiếng Anh và các trường học của người Trung Quốc đang mọc lên như nấm ở Campuchia. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đầu tư đáng kể cho lịch sử quan hệ hai nước. Khi cựu Quốc vương Norodom. Sihanouk từ trần tại Trung Quốc vào tháng 10/2012, ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc đã hộ tống quan tài về Campuchia và Trung Quốc cũng treo cờ rủ như ở Phnôm Pênh. Mối quan hệ Trung Quốc-Campuchia được thúc đẩy một phần do dân số người Campuchia gốc Trung Quốc là một trong những nhóm người thiểu số lớn nhất và có ảnh hưởng chính trị cũng như kinh doanh tại Campuchia. Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng ngày càng tăng ở Campuchia để đạt được lợi ích chính trị và thường gây sức ép kèm theo các ưu đãi về các vấn đề nhạy cảm để gây ảnh hưởng chủ quyền của Campuchia. Các tuyên bố chung giữa 2 nước nhằm thúc đẩy hợp tác, kể cả tuyên bố chung được công bố sau chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tháng 4/2012 thường kèm theo điều khoản Campuchia tái khẳng định cam kết với chính sách một nước Trung Quốc. Năm 2009, bất chấp dư luận quốc tế, Chính phủ Campuchia đã quyết định hồi hương 20 người tị nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc, sau đó một ngày, Trung Quốc viện trợ cho Campuchia 1,2 tỷ USD. Gần đây, Campuchia cũng bị tố cáo ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền lãnh hải với các nước Đông Nam Á trên Biển Đông trong thời gian giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2012 và thậm chí cung cấp cho Bắc Kinh các dự thảo văn kiện thỏa thuận chỉ lưu hành nội bộ.
Mặc dù ảnh hướng của Trung Quốc ngày càng lớn tại Campuchia, nhưng hiện nay quan hệ hai nước đang tồn tại một số hạn chế, từ đó có thể gây nên những thách thức cho cả hai nước.
- Thứ nhất, tuy Campụchia hiện đang bị trói buộc bởi những sợi dây vô hình của Trung Quốc, nhưng Phnôm Pênh đã phát triển nhiều mối quan hệ khác để đảm bảo không hoàn toàn lệ thuộc Bắc Kinh. Ví dụ, quan hệ giữa Mỹ và Campuchia đã được cải thiện trong những năm gần đây thông qua các chương trình hợp tác và phát triển dưới hình thức huấn luyện chống khủng bố, diễn tập quân sự chung quy mô nhỏ và viện trợ thông qua Sáng kiến hạ nguồn sông Mê Công. Hơn nữa, cân bằng quan hệ với các cường quốc khác nhau là chiến lược đã được các vua chúa Campuchia theo đuổi nhiều thế kỷ và chế độ Hun Sen không thể từ bò thực tế này bởi vì ông ta biết rõ chủ nghĩa cơ hội của Trung Quốc trong lịch sử Campuchia và không hoàn toàn tin tưởng Bắc Kinh. Tuy nhiên, đây là sự cân bằng khó khăn và chưa rõ liệu Campuchia có thể thực hiện thành công sự cân bằng đó trong vài năm tới và liệu Bắc Kinh có chấp nhận hành động đó không? Trong một số trường hợp, chẳng hạn Campuchia quyết định trục xuất những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc năm 2009 hoặc quan điểm của Phnôm Pênh về Biển Đông trong các hội nghị ASEAN năm 2012 cho thấy Phnôm Pênh đang ngả theo Trung Quốc, xa lánh cộng đồng quốc tế và phản bội các nước bạn bè ASEAN. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu nay mai Campuchia quyết định có quan điểm không phù hợp với Bắc Kinh về vấn đề biển Đông? Liệu Bắc Kinh có cho phép điều này xảy ra và hậu quả sẽ ra sao? Thực tế quan hệ Trung Quốc-Campuchia chỉ có thể phát triển nếu Campuchia hoàn toàn tự chủ và Trung Quốc phải tôn trọng Campuchia thay vì chỉ muốn Phnôm Pênh kính trọng để đổi lấy sự bảo trợ.
Thứ hai, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia khiến nước này phải trả giá. Mối lo ngại trước tình trạng tham nhũng, vi phạm nhân quyền và suy thoái môi trường trong các dự án của Trung Quốc ngày càng gia tăng và gây nhiều rắc rối cho các nhà lãnh đạo Campuchia. 4.000 gia đình Campuchia bị xua đuổi khỏi nơi họ sinh sống xung quanh hồ Boeung Kak để nhường đất cho một dự án phát triển của Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Hồng Tuấn Ordos Nội Mông – một sự kiện đang thu hút sự chú ý của các tổ chức nhân quyền và người dân Campuchia. Một trường hợp khác, Tập đoàn Phát triển Liên minh Thiên Tân, một công ty bất động sản của Trung Quốc, đã nghiên cứu để biến Công viên Quốc gia Botom Sakur thành một thiên đường cờ bạc. Cả hai trường hợp đều gây nên làn sóng phản đối ngày càng tăng trên cả nước về quyền sử dụng đất và việc chính phủ không hành động. Đây sẽ trở thành vấn đề nóng trong cuộc tổng tuyển cử ở Campuchia vào tháng 7/2013. Nếu dân chúng Campuchia phản đối Trung Quốc mạnh hơn trong năm bầu cử, điều đó có thể gây căng thẳng cho mối quan hệ song phương hoặc hạn chế triển vọng hợp tác Trung Quốc-Campuchia trong tương lai.
- Thứ ba, mặc dù Trung Quốc thống trị chế độ Hun Sen liên tục từ những năm 1990 đến nay, nhưng bản thân Hun Sen không thể tồn tại mãi mãi. Đánh giá thắng lợi áp đào của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) trong cuộc bầu cử cấp xã năm ngoái, việc nắm quyền lực của ông có thể được củng cố bởi một chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử sắp tới. Nhưng liệu ông Hun Sen (61 tuổi), có thể cai trị đất nước đến tuổi 90 như ông tuyên bố? Vừa qua, Hun Sen cho biết vấn đề sức khỏe có thê hạn chế thời gian nắm quyền của ông. Hơn nữa, mặc dù một số người Campuchia cho biết họ sẵn sàng bỏ qua vấn đề dân chủ vì mục đích ổn định chính trị sau nhiều năm bị diệt chủng và nội chiến, nhưng lịch sử có nhiều trường hợp (như Mianma) đã thay đổi dưới các hình thức khác nhau.
Trong một môi trường dân chủ hơn, chắc chắn người Campuchia sẽ nhận thấy bản chất của Trung Quốc tại Campuchia và chắc chắn việc xóa bỏ phần nào ảnh hưởng của Bắc Kinh sẽ giúp Phnôm Pênh cân bằng hơn trong chính sách đối ngoại. Mặc dù các hạn chế trong quan hệ Trung Quốc- Campuchia không nhiều, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Campuchia sẽ sớm bị giảm. Tất nhiên ở thời điểm hiện nay khi Trung Quốc đang là động lực cho sự phát triển ở Campuchia, ông Hun Sen sẽ ve vãn chứ không lên án Bắc Kinh./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét