Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Lạm phát làm khó xử lý nợ xấu?

Lạm phát làm khó xử lý nợ xấu?

- Chưa nói tới việc thành lập công ty quản lý tài sản (mua bán nợ) VAMC rồi bơm tiền vào nền kinh tế có thể gây ra lạm phát, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhanh trở lại cho thấy yếu tố lạm phát có thể gây nhiều cản trở cho quá trình xử lý nợ xấu. 
Giá cả tăng trở lại
Không nằm ngoài dự đoán, giá cả tháng cận Tết Nguyên đán đã tăng mạnh trở lại. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,25% so với tháng trước.
Góp phần vào đợt tăng mạnh lần này tiếp tục là nhóm thuốc và dịch vụ y tế với 7,4% (so với tháng 12/2012) sau khi một số tỉnh thành được phép tăng giá từ đầu năm 2013 và nhóm hàng phục vụ nhu cầu ngày Tết (hàng ăn, dịch vụ ăn uống tăng 1,34%, may mặc tăng 1,3%).
Tuy nhiên, CPI dường như chưa phản ánh hết được tình hình giá cả thực tế trong tương quan so sánh với thu nhập của người dân. Trong nhiều tháng qua, giá cả trên thị trường, đặc biệt là các hàng hóa dịch vụ thiết yếu cần đã tăng rất mạnh.
Với người dân, cuộc sống hàng ngày gắn với việc đi lại, với việc dùng điện cho sinh hoạt, dùng thực phẩm như quả trứng, con gà, cân thịt… Đây là những chi tiêu thiết yếu nhưng lại chiếm phần lớn thu nhập của đại đa số người dân. 
Hơn thế, gần như toàn bộ các mặt hàng thiết yếu với cuộc sống hàng ngày của người dân nói trên đang tăng giá rất mạnh, từ con gà mái già giá 80.000- 85.000 đồng/kg cách đây vài tháng lên tới 120.000-130.000 đồng/kg (gà ta có giá khoảng 180.000-200.000 đồng/kg), cho đến quả trứng cũng tăng từ 2.000-2.500 đồng lên 3.000-3.500 đồng/quả.

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của hộ dân đình trệ, hàng hóa tồn kho nhiều, thu nhập người dân thấp, giá cả hàng hóa thiết yếu đang ở mức cao và có xu hướng tiếp tục tăng giá thì việc bơm thêm tiền ra thị trường, cứu nợ xấu ngân hàng, thúc đẩy tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quả là một điều khó khăn.

Vấn đề nằm ở chỗ nếu các chính sách giải cứu kinh tế được thực hiện trong bối cảnh đời sống người dân khó khăn, sự phục hồi thực sự sẽ không đến, tăng trưởng sẽ lại đi kèm lạm phát cao. Nhưng, ngược lại, không xử lý nợ xấu, nền kinh tế lại tiếp tục ì ạch.

Cái khó VAMC

Có thể thấy, trong cả năm qua nền kinh tế đã rơi vào tình trạng đình trệ và tình hình này dường như vẫn đang tiếp diễn. Cục máu đông nợ xấu đang ngăn cản dòng vốn bơm vào nền kinh tế. Tiền không được bơm ra nhiều, kể cả từ ngân hàng thương mại lẫn từ Nhà nước. Nhưng thực tế vẫn đang cho thấy, giá cả leo thang và đời sống khó khăn.

Mục tiêu của Chính phủ được đề ra cho năm 2013 cũng như định hướng cho phát triển kinh tế trong thời gian tới là thúc đẩy sản xuất nhưng vẫn phải kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, để thúc đẩy sản xuất thì phải giải quyết nợ xấu ngân hàng và tiền phải được bơm vào nền kinh tế.

Cho tới nay, đề án xử lý nợ xấu và thành lập VAMC đã được lập xong, chỉ còn chờ Bộ Chính trị phê duyệt.

Tuy nhiên, vướng mắc lại đang lộ diện và lớn dần. Cho dù tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 là thấp kỷ lục (7%), đầu tư công cũng được kiểm soát… và mới được nới đôi chút vào cuối năm nhưng đầu năm mới CPI đã ghi nhận mức tăng khá lớn, theo đà tăng giá của một số dịch vụ, hàng hóa thiết yếu.

Không những thế, trong tháng tới (tháng 2/2013), nhiều khả năng CPI sẽ còn tăng mạnh do là tháng chịu ảnh hưởng Tết Nguyên đán nhiều nhất.

Theo ước tính, nếu VAMC sử dụng khoảng 100.000 tỷ trái phiếu để xử lý nợ xấu ngân hàng, lượng tiền được các ngân hàng thương mại rút về giả sử là 40.000 tỷ (theo chiết khấu) thì với số nhân tiền tệ khoảng 5 lần thì tổng phương tiện thanh toán sẽ tăng lên khoảng 200.000 tỷ.

Với một lượng tiền lớn như vậy xoay vòng trong nền kinh tế, mục tiêu CPI trong năm 2013 thấp hơn 6,8% như trong năm 2012 trong khi vẫn phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm, giảm thất nghiệp, giải quyết các vấn đề xã hội… dường như rất khó khăn.

Khó khăn là vậy, tuy nhiên, lý thuyết cũng như thực tế cho thấy, với nền kinh tế yếu như hiện nay, khả năng hấp thụ vốn không lớn. Hơn thế, NHNN có nhiều biện pháp để quản lý dòng tiền.

Thống đốc NHNN ông Nguyễn Văn Bình cho biết, trong năm 2013, NHNN sẽ tăng cường tính phối hợp thống nhất của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, các giải pháp có tính căn cơ hơn từ điều hành các chính sách vĩ mô khác để không gây ảnh hưởng tới CPI mà lại có thể hỗ trợ được cho tăng trưởng.

Mặc dù vậy, với nhiều NĐT, với phát súng CPI trong tháng đầu năm cao như vậy, khả năng triển khai đề án xử lý nợ xấu, song hành cùng với việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng (dự kiến 12% trong năm 2013) và giảm lãi suất là không hề dễ dàng.

Huấn Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét