Hợp pháp hóa 'phố đèn đỏ', nên không?
Nếu cứ lảng tránh và cứ mãi đau đầu về một vấn nạn mà ai cũng hiểu là 'bắt cóc bỏ đĩa', tại sao không tìm một giải pháp đỡ dở nhất để giải quyết?
LTS: Mới đây, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Hồ Chí Minh có đề xuất- dự định mở "phố đèn đỏ"- để đưa hiện tượng bị coi là tệ nạn xã hội này thành một "nghề" ổn định, có đầu mối quản lý, có đánh thuế thu nhập, hạn chế những hệ lụy khác ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Tuy nhiên, ý kiến trên quả là quá mới mẻ với xã hội ta. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam chúng tôi xin đăng tải bài viết dưới đây.
Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội t/p Hồ Chí Minh vừa có đề xuất- dự định mở "phố đèn đỏ"- nói theo ngôn ngữ đời thường, đây là "ánh đèn xanh" đầu tiên của một bước ngoặt, một đột biến trong nhận thức của nhà quản lý và xã hội đối với loại hình phức tạp nhất là mại dâm. Rất tiếc là vừa mới "đề xuất" đã vội rút ngay đề án 'thí điểm' (TP, 22.1.2013)!
Khó có thể hình dung cuộc "chiến đấu" giữa hai "phe" ủng hộ và phản đối sẽ quyết liệt và căng thẳng đến mức nào. Nhưng, chắc chắn rằng, rất nên bàn về đề xuất này bởi một sự thật hiển nhiên: Đâu phải cứ nhắm mắt lại là thực tế không còn nữa....
Chuyện ở xứ người
Cách đây dăm năm tôi đến Thượng Hải, rất ngạc nhiên vì chuyện trên đường phố đông đúc, tấp nập người qua kẻ lại, tại sao có thể "phơi" cả chục cái áo ngực đủ màu sắc ngay trên cửa chính của mỗi căn nhà?
Hỏi ra mới biết, đó là cách để "tư tưởng lớn" gặp nhau: Chính quyền không muốn quảng cáo mại dâm ồn ào, gây hại đến lớp trẻ, nhưng cũng không thể ngăn cơ sở kinh doanh hợp pháp có quyền quảng cáo cho "sản phẩm" của họ! Vậy là, cái ngôn ngữ "biểu tượng" ấy ra đời, dù hơi phản cảm nhưng ai cũng hiểu, chỉ có tôi là... không hiểu(!)
Chuyện người phụ nữ "chung chạ" với nhiều người đàn ông là điều "già hơn cả biển cả", như lời của bài hát Love Story: "The sweet love story that is older than the sea". Có ít nhất 2.000 năm mà bằng chứng rõ nhất là từ Kinh Thánh:
Khi đám đông đòi ném đá cho đến chết người đàn bà lăng loàn, xấu xa, phạm tội chung chạ với nhiều người đàn ông khác nhau, Chúa hỏi lại rằng, nếu trong các người, có ai đó chưa một lần phạm tội thì hãy bước lên và ném đá đi! Đám đông im lặng và bỏ đi hết (Gioan 7:53-8:11).
Cái minh triết hiểu đời, dạy người giản dị ấy của Kinh Thánh phản ánh một sự thật, dường như mại dâm có trước cả khi Jésuse Christos hiện hữu.
Trong Luca 7:4.47, kể lại chuyện Chúa đã tha thứ hết mọi tội lỗi cho người đàn bà XẤU NẾT. Chắc hẳn chúng ta đồng ý với nhau rằng khi bàn đến sự "xấu nết" của người đàn bà, điều ấy ám chỉ hay muốn mặc định cái gì.
Nguyên tắc của suy luận này thật ra đơn giản: Hầu hết tất cả những câu chuyện kể ngắn, súc tích và thuyết phục trong Kinh Thánh đều là chuyện xảy ra phổ biến, ít nhất là trong cái bề rộng mênh mông của đế quốc La Mã cổ xưa... Nếu suy rộng hơn nữa, chúng ta biết rằng Chúa Jésuse chẳng nói gì về việc cấm hay không mà coi như chấp nhận 'sự chung chạ' đó là một thực tế không thể chối bỏ.
"Bài học" của vấn đề còn giản dị hơn cả cuộc đời: Tại sao chúng ta cứ kiên quyết chối bỏ một thực tế hiển nhiên đã tồn tại hàng ngàn năm và chắc hẳn sẽ còn tồn tại nhiều trăm năm nữa?
Hà Lan nổi tiếng với hoa tulip và... phố đèn đỏ. Hầu như không ai không biết Hà Lan là một trong năm nước đứng đầu thế giới về mức sống, tiêu chuẩn sống tốt nhất (sau Na Uy, Thụy Điển, Úc và Canada) và cũng là nước được coi là tự do, dân chủ nhất. Không phải tự nhiên mà Tòa án Quốc tế lại chọn Hà Lan làm nơi 'đóng đô' (tòa đóng ở La Haye hay The Hague).
Lúc mô hình "phố đèn đỏ" được lập ra, sự phản ứng của dân chúng và dư luận thế giới là vô cùng dữ dội. Vậy mà, chỉ sau vài chục năm, khu phố đèn đỏ của Hà Lan đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng. Khó có thể tìm thấy một tour du lịch nào đến Hà Lan lại không có trong list, khu phố đèn đỏ. Nói cách khác, rất tự nhiên, nó đã trở thành một phần của đời sống...
Hà Lan nổi tiếng với hoa tulip và... phố đèn đỏ
|
Thử "mổ xẻ" chuyện nhạy cảm...
Những người (chắc chắn rất nhiều) cho rằng không thể chấp nhận "phố đèn đỏ" có cả một loạt những bức tường thành lý luận để bảo vệ cho định kiến.
Nào là để bảo vệ thuần phong mỹ tục, nào là biểu hiện của sự thoái hóa về văn hóa, nào là phỉ báng và hạ thấp nhân phẩm phụ nữ, gián tiếp tác động xấu đến việc giáo dục cho thế hệ trẻ... v.v và v.v...
Để phản hồi ngược lại, ta thử "mổ xẻ" dưới góc độ khách quan nhất những luận cứ đó.
Thứ nhất, tất cả mọi sự vin vào "thuần phong mỹ tục, truyền thống cha ông" đều không thể có lấy, dẫu chỉ vài phần trăm, sức thuyết phục. Thật ra, đó chỉ là cách khác của sự chống đỡ từ gánh nặng Khổng giáo, giáo điều mà thôi.
Nhu cầu của cái 'cầu' tự ngàn xưa bắt buộc xã hội đáp ứng khả năng 'cung'. Điều trớ trêu là cái gánh nặng đó đã bị phá vỡ từ lâu ở Trung Hoa xưa kia, ít nhất, chứng cớ có từ Nhà Lương (502-587) thời Nam Bắc Triều (420-589).
Nhà thơ Lưu Diễn sống trong thời này, cám cảnh với thân phận của những cô gái lầu xanh, kiếm sống bằng nghề phai hương, nhạt phấn, viết: Xướng nữ bất thăng sầu/Kết thúc hạ thanh lâu (Đời người con gái hát mãi ở chốn lầu xanh, dẫu có hát bao lâu chăng nữa chẳng hết buồn. Rồi cũng đến lúc (già đi) nàng không thể nào hát nữa, phải rời bỏ chốn ấy...)
Hai chữ 'lầu xanh' nhiều nhà nghiên cứu cho là có từ thời Đường nhưng rõ ràng sớm hơn rất nhiều. Có lẽ, chẳng cần nhấn mạnh thêm rằng hình tượng người con gái- đàn bà sâu sắc nhất, đáng thương nhất, đáng thông cảm nhất, tuyệt vời nhất trong tâm thức và văn học Việt là Kiều!
Dân tộc ta từ lâu không hề nghĩ Kiều xấu xa bởi xấu thì có đời thuở nào, ai ai cũng thuộc, thời nào cũng tụng ca?
Thứ hai, từ dẫn chứng về Kiều ở trên, ta mặc nhiên công nhận rằng lớp trẻ làm quen với hình tượng lầu xanh (gái). Và, dù uốn hay không, cái hình tượng vừa đẹp vừa xót xa ấy, theo ta đi mãi suốt cuộc đời. Vì thế, đừng cho rằng mở ra "phố đèn đỏ" là làm hư lớp trẻ, bởi chúng biết... tự lâu rồi.
Đó là chưa nói chuyện, báo chí hàng ngày cứ mại dâm, cờ bạc, nói suốt từ sáng đến tối, suốt tháng, suốt năm và net, truyền hình thì chẳng bao giờ thiếu.
Đã đến lúc phải chấp nhận thực trạng đó như một phần không thể khác được của cuộc đời. Đã không thể khác, tại sao không có cách nào khả dĩ để sống chung với một phần 'đèn đỏ'. Ít nhất sẽ làm cho 'nó' đỡ xấu hơn, đỡ gây hại đến cuộc sống nhiều hơn?
Thứ ba, hàng vạn gái mại dâm là số liệu dẫu có muốn khỏa lấp bằng kiểu gì đi nữa, vẫn là một sự thực hiển nhiên. Đó không phải là chuyện riêng của Việt Nam mà là một thực tế không thể chối cãi của mỗi quốc gia. Nếu không quản lý về mặt hành chính, y tế, xã hội thì càng ngày chỉ làm cho vấn nạn, hệ lụy càng nghiêm trọng hơn.
Bệnh tật, các tệ nạn 'ăn theo', sự xập xề, lộn xộn phát tác, tự tung dưới vô số biến tướng, làm cho xã hội ngày mỗi thêm mệt mỏi, ưu phiền. Tại sao không quy định, 'gom' về một chỗ để chỉ còn một chỗ tối mờ hơn, trong khi 99% thành phố sẽ sáng hơn,thoáng đãng hơn?
Xã hội sẽ bớt khinh rẻ những cô gái mại dâm hơn nếu chúng ta coi đó là một 'nghề'- hay ít nhất là một 'việc' có thể chấp nhận được? Một khi cuộc đời bớt khinh rẻ, thì các cô gái đó sẽ tốt hơn hay xấu hơn?
|
Phạt thật nặng với những chế tài nghiêm khắc sẽ buộc tất cả sự mất trật tự, hỗn loạn đó đi vào cơ chế có thể kiểm soát được. Và, mọi người đàn ông muốn đến với nơi ấy sẽ phải nhìn trước, trông sau - chắc chắn sẽ làm giảm bớt cái thói trăng hoa bởi họ đến đó, có nghĩa là chấp nhận bị cả xã hội 'xem xét'.
Thứ tư, quốc gia láng giềng có cơ chế 'đèn đỏ' từ rất lâu là Thái Lan, năm 2012 thu hút đến 22 triệu du khách nước ngoài. Bà cụ tôi (85 tuổi) vừa đi du lịch Singapore và Malaysia về, khi tôi hỏi có cái chi hay không ở cái nơi mà tôi chưa hề biết, cụ trả lời là... họ có đưa đến khu phố... "đèn đỏ"!
Đến đây, tự chúng ta phải đặt câu hỏi, tại sao Phật giáo ở Thái Lan và Khổng giáo ở Singapore không hề mất đi dẫu người ta có "đèn đỏ" từ hàng chục năm nay rồi?
Thứ năm, trong cuộc sống, có những câu hỏi mà sự trả lời hay bị vắng nhà nhưng nhất thiết PHẢI trả lời. Chẳng hạn, bạn muốn có một khu "đèn đỏ" để biết nơi mà tránh, còn hơn là chở con gái 10 tuổi đi dạo trong thành phố, đến đâu cũng gặp... "đèn đỏ"?
Nghe nói chưa thấy người đàn ông nào chung tủy, vậy, có một nơi an toàn cho những kẻ Don Juan hay là bất cứ nơi nào cũng có "đèn đỏ", bất kể bệnh tật, cướp bóc? Hàng ngàn người hành nghề mại dâm chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp 'làm việc' khắp thành phố cần được quy định về một chỗ?
Xã hội sẽ bớt khinh rẻ những cô gái mại dâm hơn nếu chúng ta coi đó là một 'nghề'- hay ít nhất là một 'việc' có thể chấp nhận được? Một khi cuộc đời bớt khinh rẻ, thì các cô gái đó sẽ tốt hơn hay xấu hơn? Nếu cứ lảng tránh và cứ mãi đau đầu về một vấn nạn mà ai cũng hiểu là 'bắt cóc bỏ đĩa', tại sao không tìm một giải pháp đỡ dở nhất để giải quyết?...
Để kết thúc bài viết chắc chắn "bị ném đá" tơi bời này, xin kể một câu chuyện thật của chính tôi, thay lời kết luận.
Năm 1986, vì lương không đủ sống, tôi tranh thủ đi buôn sắt vụn từ Vinh vào Đà Nẵng. Đến chân Đèo Ngang, lái xe kêu buồn ngủ (2h sáng). Tôi phải thức để trông hàng.
Nhìn thấy một ánh đèn mờ xa cách nơi xe đỗ vài chục mét, tôi tìm đến. Một chiếc màn màu cháo lòng và một đôi nạng gỗ để ở đầu giường đón tôi, vì không có cửa. Sau đó là một gương mặt đẹp đến nao lòng với nụ cười không thể quên, vùng thoát khỏi cái màn, chào tôi.
Cô gái bị cụt chân vì tai nạn, bố mẹ mất, ra chân đèo để bán nước cho "lỡ may" có cái xe nào đó dừng và, cả ngày, tôi là người khách... đầu tiên.
Qua câu chuyện, tôi biết cô chỉ có một mình, đi lấy nước ở một con suối rất xa bằng gùi (đúng là nơi lom khom dưới núi tiều vài chú): Có nghĩa là chống nạng để đi, về đến nhà, gùi nước chỉ còn 1/3(!). Mỗi lần đi như thế, mất 30 phút. Cô ấy hỏi tôi: "Anh có... 'đi' không?"
Sau chuyến đi ấy, tôi viết truyện ngắn Đi bằng thời gian, đăng ở tạp chí Sông Hương.
Tại sao không quyết định một 'công đoạn' về thủ tục, quản lý hành chính, chấp nhận cái đã, đang và sẽ vẫn có, đem lại sự thay đổi về giá trị nhân phẩm cho hàng vạn con người? Tại sao không tự hỏi rằng ngồi lên chiếc xích lô cho một ông lão 70 tuổi chở đi là dã man, hay không đi xe đó, để ông lão không có tiền mua cơm ăn, cái nào dã man hơn...?
Hà Văn Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét